Quyền im lặng – nguyên lý và công nghệ thực thi
Vừa qua, Dự thảo Luật Tổ chức Viện KSND và Tòa án ND đã gây tranh cãi trong dư luận xã hội khi bác bỏ quyền im lặng, phủ định một quyền cơ bản mang tính phổ quát thế giới!
Những vấn đề đặt ra
Tháng trước, UBTV Quốc hội họp cho ý kiến về Dự Luật Tổ chức Viện KSND và TAND. Gây tranh cãi thu hút truyền thông nhất là bốn quyền trong lĩnh vực tố tụng, tư pháp, 1- quyền im lặng, 2- quyền có luật sư, 3- quyền tranh tụng bình đẳng và 4- quyền được xét xử độc lập. Trong đó, điểm mấu chốt của cả bốn quyền trên đều ít nhiều liên quan tới vai trò luật sư. Luật Tố tụng Hình sự (TTHS) ở nước ta và trên thế giới ngày nay đều quy định “Quyền nhờ (có) luật sư”. Lý do không có gì cao siêu cả, cực kỳ đơn giản, bệnh nhân cần bác sỹ, sinh nở cần bà đỡ, học hành cần thầy cô… thì vướng quan sự cần luật sư là lẽ đương nhiên, thuộc về quyền cơ bản. Nhưng ở ta thực tế bất khả thi, bởi thiếu chế tài buộc nhà chức trách phải bảo đảm quyền đó cho họ lẫn điều kiện thực hiện, nghi phạm bị cách ly hoàn toàn, quá trễ để gặp được luật sư, vốn chỉ được chấp thuận khi người nhà mời, phải được cấp giấy chứng nhận bào chữa, phải chờ tới lịch hỏi cung. Nếu hình dung nghi phạm như bệnh nhân cấp cứu, luật sư là bác sỹ sẽ thấy hậu hoạ bất khả kháng. Chưa nói, người nghèo thiếu tiền mời luật sư và khó tìm được luật sư thiện nguyện, con “bệnh“ chỉ nằm chờ chết. Mặt khác, cơ quan điều tra tố tụng vốn chẳng thích gì luật sư nên họ khó được ủng hộ, thậm chí còn bị cản trở một khi thiếu chế tài đối với cơ quan này, như phát biểu của VKS và TA Triệu Sơn thách thức “để xem luật sư làm được gì“ trong vụ án ông Nguyễn Bá Qúy mới đây là một điển hình. Vì vậy, tranh cãi nảy lửa về Dự luật trên là đương nhiên, không chỉ liên quan tới số phận bất kỳ ai, từ thường dân đến quan chức cao cấp mỗi khi gặp rủi ro quan sự, mà còn là bằng chứng không thể bác bỏ để khẳng định một nhà nước thực tế có tính pháp quyền hay không?
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, “về quyền tranh tụng phải căn cứ Hiến pháp 2013 để xác định quyền của luật sư bào chữa ngay từ đầu. Người ta mới thu thập được chứng cứ, mới tìm hiểu được sự việc, nghe thân chủ, đi chứng minh, rồi đứng ra bào chữa được. Nguyên tắc xưa nay, luật sư chỉ bào chữa, bác luận cứ buộc tội của viện kiểm sát. Tòa tuyên án. Trước công lý, tất cả bình đẳng. Thẩm phán xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, không chịu bất kỳ chỉ đạo nào. Nghị quyết Bộ Chính trị viết rất rõ: Căn cứ chủ yếu vào tranh tụng tại phiên tòa để quyết định bản án. Đó là nhiệm vụ của tòa án“.
Bản chất quyền im lặng
Quan điểm của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng chính xuất phát từ bản chất của quyền im lặng, quyền có luật sư, quyền tranh tụng bình đẳng, quyền được xét xử độc lập, trong thời đại ngày nay vốn thuộc QUYỀN CƠ BẢN có nội hàm bao gồm 4 dấu hiệu: a- quyền đặc trưng của con người trước nhà nước (chính vì vậy nó còn được gọi là quyền tự vệ chống lại nhà nước xâm phạm. Như ở Đức được hiến định ngay tại Điều 1 “những quyền cơ bản sau đây là những chuẩn mực thước đo, quy tắc xử sự, trực tiếp ràng buộc cơ quan lập pháp hành pháp và tư pháp phải tuân thủ“), b- không thể tách rời, chuyển nhượng (như không ai được quyền thay ai đi tù hay bỏ phiếu cơ quan dân cử), c- lâu dài, và d- nếu vi phạm kiện lên toà án Hiến pháp. Thiếu một trong 4 dấu hiệu trên, nó sẽ không được bảo đảm trên thực tế. (Chính vì thế, quốc gia nào cũng hiến định hoặc mặc định quyền cơ bản, nhưng thực tế xếp hạng quốc gia dân chủ thứ bậc cách nhau cả trời vực).
Có thể tham khảo ở Đức, Chương Quyền cơ bản được hiến định 22 Điều. Sắp tới có thể bổ sung thêm quyền có tài khoản ở ngân hàng do EU đề xuất, quyền tự do truy cập Internet đang được UNO bàn thảo (khi đó nhà nước bị buộc phải bảo đảm cho người không có thu nhập, lập tài khoản và truy cập Internet miễn phí, nếu không không thể gọi quyền cơ bản). Còn ở ta, Hiến pháp 2013 hiến định tới 36 Điều (gấp rưỡi Đức), liệu có bao hàm đủ 4 dấu hiệu nội hàm quyền cơ bản hay không hiện còn tùy thuộc kết quả thể chế hoá nó.
Khác với 22 quyền cơ bản tập hợp trong Chương Quyền cơ bản vốn được áp dụng trong mọi trường hợp; tương tự hầu hết các quốc gia hiện đại, 4 quyền cơ bản trên Hiến pháp Đức xếp vào Chương Tư pháp, nên thường gọi là “quyền tương tự quyền cơ bản“ hay “quyền cơ bản trong lĩnh vực tư pháp“. Quyền im lặng được hiến định ẩn chứa tại điểm (1), Điều 103: “Bất cứ ai bị xét xử đều phải lắng nghe ý kiến họ“. Được hiểu họ trả lời, phát biểu, hay không, như thế nào, là quyền của họ. Từ quyền “ẩn chưá“ được hiến định đó, quyền im lặng được thể chế hoá bằng Luật tố tụng hình sự StPO.
Còn ở Mỹ, quyền im lặng được hiến định trực tiếp tại điều 5 Tu chính Hiến pháp, “trong tố tụng hình sự, không được phép buộc bất cứ ai phải khai báo tự chống lại mình“.
Ở ta, những quyền cơ bản trong tố tụng tư pháp cũng được Hiến pháp 2013 quy định tại Chương Quyền cơ bản, Điều 31, điểm 4, người bị quan sự “có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”… Và cả tại Chương Toà án, Viện Kiểm sát, Điều 103, “Thẩm phán, Hội thẩm, xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm“. “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm“. Mặc dù không có điều khoản nào ẩn chưá trực tiếp quyền im lặng nhưng các quyền cơ bản khác trong tố tụng hiến định ở trên, tự nó đã đặt ra điều kiện “cần” hay “tiền đề” về quyền im lặng có được bảo đảm, thì các quyền còn lại mới có thể thực thi. Nói cách khác quyền im lặng được mặc định, giống như quyền ăn, uống, thở, nghe, nhìn, vận động, yêu, ghét…, mặc dù không hiến định, nhưng thiếu nó thì không thể thực thi bất kỳ quyền gì khác liên quan!
Công nghệ thực thi – cốt tử của quyền im lặng trên thực tế
Dù hiến định hay mặc định, quyền cơ bản chỉ có thể bảo đảm khi chế tài được mọi cơ quan công quyền phải tuân thủ những chuẩn mực thước đo, quy tắc xử sự hệ dẫn từ chính những quyền đó. Nói cách khác, hiến định hay mặc định chỉ mới bảo đảm được quyền cơ bản về mặt nguyên lý, để trở thành hiện thực phải có công nghệ pháp lý thực thi, tức các quy phạm đong đo đếm được quy định nghiêm ngặt trình tự thao tác của các cơ quan nhà nước phải thực hiện, ở dạng văn bản lập pháp (giống như năng lượng nguyên tử có thể nắm được dễ dàng về mặt nguyên lý, nhưng để sản xuất được nó phải có công nghệ).
Có thể tham khảo công nghệ pháp lý, qua quy phạm 2012/13/EU về “trách nhiệm giải thích truyền đạt“ trong các vụ án hình sự. Điều 3, đoạn 1 quy định “không cho phép ngoại lệ, mọi nghi can phải được cơ quan điều tra thông báo về quyền im lặng một cách nhanh chóng bằng miệng hoặc giấy với ngôn ngữ đơn giản nhất có thể hiểu được. Thông báo đó phải lưu giữ để sau này chứng minh được trách nhiệm đó đã hoàn thành. Vì vậy thông báo phải được thực hiện vào thời điểm mà quyền này nghi can có thể áp dụng (tức trước khi khai báo). Quy phạm trên, các nước EU phải đưa vào luật quốc gia trước ngày 02.06.2014“.
Còn ở Đức, Điều 136, 136 a Luật tố tụng StPO và Điều 55 Luật vi phạm hành chính OWiG quy định, “trước khi lấy lời của nghi can hoặc người vi phạm hành chính phải thông báo cho họ, theo luật họ được hoàn toàn tự do chọn khai báo hoặc không đối với cáo buộc, nhất là khi nhận thấy nói ra sự thật sẽ phải tự chịu hậu quả xấu; và bất kỳ lúc nào ngay cả trước khi chưa thẩm vấn, được quyền tham vấn luật sư mà người đó lựa chọn“. Quyền im lặng và tham vấn theo Điều 163 đoạn 4 Câu 2 Luật StPO, nghi can hay người vi phạm hành chính được quyền áp dụng “ngay từ công đoạn đầu tiên bị cảnh sát thẩm vấn“. Tiếp theo, nghi can phải được thông báo, “họ có quyền yêu cầu cấp các bằng chứng cáo buộc để họ bác bỏ“. Ngoài ra nếu Viện Kiểm sát thẩm vấn, “thì trước đó phải cho bị can biết đã bị cáo buộc vi phạm điều khoản nào của luật nào“. Trong xét xử, Điều 243, đoạn 4, câu 1 Luật StP0 quy định, “khi mở đầu phiên toà phải thông báo cho bị cáo quyền im lặng, dù trước đó họ đã được cảnh sát hay Viện kiểm sát thông báo“. “Nếu nhà chức tranh vi phạm các điều khoản trên, các bằng chứng đưa ra từ lời khai của nghi can, bị cấm sử dụng làm bằng chứng xét xử“. Quy định này nhằm bảo đảm nguyên tắc cơ bản trong xét xử tội phạm: “không một ai buộc phải tự tố cáo mình“. Từ đó, Điều § 55 StPO còn quy định quyền im lặng của cả nhân chứng để tránh qua khai báo, họ hoặc gia đình họ bị điều tra. Đối với người nước ngoài, Hiệp định quyền lãnh sự ký ở Viên (Áo), Điều 36, đoạn 1, câu 3 còn quy định thêm, phải thông báo không chậm trễ cho người đó biết họ có quyền thông tin cho cơ quan đại diện nước họ, và thông tin đó phải được chuyển đi không chậm trễ.
Ở Thụy Sỹ, Điều 31 Hiến pháp quy định, khi bị bắt mọi người đều có quyền được thông báo không chậm trễ về lý do và quyền của mình ở dạng dễ dàng hiểu được. Thuộc quyền này gồm quyền im lặng, quyền được toà án kiểm tra xem có cho phép nhà chức trách bắt giữ họ trong thời hạn thích ứng hay không, và quyền thông báo cho người nhà. Từ nền tảng Hiến pháp đó, Luật tố tụng hình sự, Điều 158, đoạn 1, quy định, “nghi can trước khi bị thẩm vấn có quyền nhận được thông báo về quyết định điều tra hay khởi tố mình, quyền từ chối khai báo và hợp tác (quyền im lặng), quyền được mời luật sư hoặc xin luật sư công, quyền mời phiên dịch (nếu là người nước ngoài)“. Nếu bị bắt giữ, quyền đó phải được thông báo trực tiếp cho đương sự ngay sau khi bị bắt (Điểu 219, đoạn 1, Luật StPO). Nếu quyền trên không được thực hiện, thì mọi khai báo hoàn toàn không được phép sử dụng phục vụ cho xét xử (Điều 158, đoạn 2, và Điều 141, đoạn 1 Luật StPO).
Còn Dự Luật Tổ chức Viện KSND và TAND ở ta ?
Quyền im lặng cùng các quyền cơ bản khác trong tố tụng tư pháp mặc dù đã được hiến định hoặc mặc định, cũng như tư tưởng chỉ đạo công nghệ thực thi thể hiện trong phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đều không khác mấy các nước hiện đại, nhưng đã bị vô hiệu hóa bởi công nghệ thực thi do chính những người soạn thảo Dự luật đề xuất. Chánh án Toà án Tối cao Trương Hòa Bình đưa ra quan điểm, Dự luật phải „bảo đảm nguyên tắc hiến định“, “tuy nhiên cũng có nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong xét xử”. Còn Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, “ban soạn thảo không đồng tình với phương án hai bên giữa luật sư và cơ quan tiến hành tố tụng ngang bằng“, thể hiện từ việc bố trí chỗ ngồi trong xét xử. Lý do: “đã có báo cáo Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp và Bộ Chính trị kết luận, mô hình tố tụng chúng ta là mô hình thẩm vấn, có kế thừa tinh hoa của tranh tụng“. Về góc độ khoa học, đưa ra 2 mô hình, “thẩm vấn“ với “tranh tụng“, và “hiến định“ với “đảng lãnh đạo“ đặt ra yêu cầu cùng thoả mãn, để rồi chọn tùy ý một trong hai là phi logic, kết quả là quyền cơ bản trong tố tụng bị phủ định dễ dàng.
Đối với quyền im lặng, Viện trưởng Nguyễn Hoà Bình mặc dù thừa nhận: “Quyền im lặng của bị can, bị cáo đã được thế giới áp dụng “, nhưng do ở ta “cơ quan điều tra hoàn toàn không muốn quy định quyền im lặng, trong khi phía luật sư thì rất muốn“, “nên chúng tôi không dám đưa quy định này vào”. Rồi kết luận “chúng tôi cũng còn lúng túng, cần có định hướng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội“. Kết luận trên cho thấy quy trình làm luật này ở ta ngược với thế giới hiện đại, là nguyên nhân trực tiếp gây ra thực trạng trì trệ thể chế hầu khắp mọi lĩnh vực xưa nay. Khác với công chức luôn có trách nhiệm xin ý kiến và tuân thủ mệnh lệnh cấp trên, nghị sỹ các nước hiện đại là chính khách hoàn toàn độc lập, phải tự quyết định theo nhận thức của mình, và được quyền miễn trừ đối với quyết định đó, không chịu bất kỳ chỉ đạo của ai, không được đẩy bất kỳ vấn đề gì cho ai hay cấp nào khác mà không đưa ra chính kiến của mình. Chủ tịch hay Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ là nơi tập hợp, tổ chức, đưa ra khuyến nghị, hoàn toàn không phải cấp trên định hướng nghị sỹ; kỳ họp quốc hội cũng chỉ là nơi thông qua Dự luật, thực hiện “phép cộng“ tất cả nghị sỹ. Thử hình dung sự kiện Hạ viện Đức trước kỳ nghỉ 2 tháng dịp hè thu năm ngoái, với 631 nghị sỹ trong vòng 2 phiên họp 27 và 28.7.2013 đã thông qua tới 143 Dự thảo Luật và nghị quyết. Liệu năng suất ban hành văn bản lập pháp đó có đạt nổi, nếu nghị sỹ hễ cứ vướng là phải chờ ý kiến của UBTV Quốc hội, không thể quyết định như ở ta trường hợp trên. Một khi văn bản lập pháp thiếu và yếu, thì lẽ dĩ nhiên, nhà chức trách sẽ không thể hành xử khác, cứ như cũ mà làm, hoặc hành xử theo nhận thức chủ quan, chưa nói đến động cơ vụ lợi – đó chính là bản chất của trì trệ thể chế.
Công nghệ làm luật ở nước nào cũng do từng nghị sỹ tham gia, sản phẩm hiện đại hay không tùy thuộc chính họ. Sở dĩ quyền im lặng bị Dự luật từ chối thể chế hoá, bởi như đại biểu quốc hội Đỗ Văn Đương, thành viên Tổ biên tập, trả lời trên VTV khẳng định sai cả khoa học pháp lý, “Quyền im lặng không phải quyền con người“. Và dẫn liệu “ở các nước nếu quy định thì cũng khuyến cáo người bị bắt nên thành khẩn khai báo”, cũng lại hoàn toàn sai thực tế nốt, bởi khuyến cáo đó mâu thuẫn với bản chất quyền im lặng nên họ có muốn cũng không thể thực hiện cùng lúc vô nghĩa như vậy. Do hiểu sai bản chất về quyền im lặng, nên đại biểu Đỗ Văn Đương đã hy sinh quyền cơ bản vốn cấu thành con người được coi là mục đích, để nhằm thực hiện công việc điều tra truy tìm tội phạm có kết qủa vốn chỉ là phương tiện phục vụ lại quyền và lợi ích người dân: “việc quy định quyền im lặng của bị can (mục đích) sẽ cản trở hoạt động điều tra trong việc truy tìm xử lý tội phạm (phương tiện)“. Để lý giải việc hoán đổi vị trí giữa mục đích và phương tiện, đại biểu Đỗ Văn Đương đưa ra tình huống bất bình thường thay cho bình thường: “nếu quá chú trọng vào lợi ích của nhà nước thì quyền của người dân sẽ bị vi phạm, ngược lại nếu mở rộng quá nhiều quyền dẫn tới tùy tiện thì lại gây ra nhiều khó khăn, trở ngại cho công tác điều tra, giải quyết vụ án“. Luật sinh ra được áp dụng đại trà trong điều kiện bình thường nên không thể xây dựng dựa trên các tình huống bất bình thường “quá chú trọng“ hay “mở rộng quá nhiều quyền dẫn tới tùy tiện“ vốn một khi xảy ra sẽ được điều chỉnh bởi luật áp dụng cho tình huống khẩn cấp đó; như khi thiết quân luật, một số quyền cơ bản có thể bị bãi bỏ, nhưng không vì thế mà người ta không hiến định những quyền đó. Cách phản biện sai tiêu thức trên thường thấy trong trao đổi học thuật ở ta làm cho những vấn đề tranh cãi dẫm chân tại chỗ, trầm trọng thêm tình trạng trì trệ thể chế.
Quốc hội Đức từng thông qua luật cho phép bắn hạ máy bay chở khách bị khủng bố cướp, nhưng may tới rào cản Toà án Hiến pháp thì bị chặn lại với lý do, Hiến pháp quy định mọi người đều bình đẳng, nên không thể hy sinh tính mạng người này để cứu người khác. Còn Dự thảo bác bỏ quyền im lặng ở ta liệu những rào cản nào có thể chặn lại? Khi mà nó phủ định một quyền cơ bản mang tính phổ quát thế giới, và vụ án oan điển hình phạt tù chung thân Nguyễn Thanh Chấn tội giết người chỉ bởi thiếu quyền im lặng, vẫn đang nhức nhối dư luận bấy nay!