Quyền rút bảo hiểm xã hội ? 

Cuộc tranh luận trên các phương tiện truyền thông và các cuộc họp lấy ý kiến liên quan đến dự thảo luật bảo hiểm xã hội (BHXH) cho thấy vấn đề không chỉ xoay quanh việc rút bảo hiểm một lần, mà còn bộc lộ những thách thức nổi cộm khác của hệ thống an sinh xã hội.

Trước nhiều khó khăn của thị trường năm 2023, Tổng Liên đoàn Lao động khảo sát và ghi nhận hơn 75% người lao động có thu nhập không đủ sống, chỉ có 8% có tích lũy. Ảnh: Shutterstock

“Lợi trước mắt, thiệt lâu dài”?

Trong khoảng mười năm qua, nhà nước và công đoàn đã tăng cường tuyên truyền về những bất lợi của việc rút BHXH một lần. Việc rút một lần được xem là “lợi trước mắt, thiệt lâu dài”, khi người lao động rời bỏ hệ thống an sinh và đối mặt với rủi ro không có lương hưu và bảo hiểm y tế khi về già. Tại các cơ quan bảo hiểm xã hội ở địa phương, nhiều cán bộ cũng ra sức thuyết phục, tuyên truyền để người lao động rút đơn xin nhận BHXH một lần. Tuy những nỗ lực của nhà nước và công đoàn có đáng kể, xu hướng rút BHXH vẫn tiếp tục tăng: từ năm 2016 đến 2022, số lượt người xin rút BHXH tăng bình quân 10% mỗi năm, trong đó đa phần là những trường hợp đã nghỉ việc và ngưng đóng bảo hiểm trong vòng một năm.

Tình hình kinh tế và việc làm từ sau đại dịch COVID cho thấy việc rút BHXH là cứu cánh đối với nhiều người lao động lúc khó khăn. Người lao động vốn dĩ đã xem số tiền đóng hằng tháng vào quỹ BHXH như khoản tiền tiết kiệm, và họ có mong muốn được nhận khoản tiền này để trang trải cuộc sống sau khi mất việc. Hiện trạng gia tăng rút bảo hiểm xã hội từ khoảng đầu những năm 2010 đến nay chưa hẳn đã phản ánh rằng người lao động còn chưa hiểu hoặc chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của lương hưu. Vấn đề nằm ở điều kiện sống và làm việc ngày càng bấp bênh của họ, nhất là lao động làm việc trong những ngành gia công chế biến như may mặc và giày da. Cho dù họ hiểu và nhận thức về lợi ích của lương hưu, số tiền đó quá xa vời so với những khó khăn và nhu cầu trước mắt, như tiền thuê phòng trọ, nuôi con, và nhiều chi phí sinh hoạt khác. Kết quả khảo sát được công bố vào tháng 8/2023 của Tổng Liên đoàn Lao động cho thấy hơn 75% người lao động có thu nhập không đủ sống, và 17% phải thường xuyên vay mượn. Chỉ có 8% người lao động được khảo sát cho rằng họ có tích lũy từ thu nhập. Cũng theo một khảo sát khác đăng trên VnExpress, trong số những lao động đã rút BHXH một lần, có 61% mất việc làm và mất thu nhập, và 16% cần tiền gấp.

Hiện trạng gia tăng rút bảo hiểm xã hội từ khoảng đầu những năm 2010 đến nay chưa hẳn đã phản ánh việc người lao động còn chưa hiểu hoặc chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của lương hưu.

Lo ngại về tính khả thi 

Tháng 3/2023, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được công bố và lấy ý kiến từ các cơ quan, ban ngành đoàn thể và người dân. Trên các phương tiện truyền thông, các bài viết về các vấn đề bảo hiểm xã hội đã thu hút hàng chục đến hàng trăm bình luận, chứng tỏ sự quan tâm đáng kể từ phía dư luận.

Trong Tờ trình gửi Quốc hội về dự thảo luật, Chính phủ cho rằng vấn đề rút BHXH một lần là vấn đề “lớn”, “nhạy cảm”, và “phức tạp”. Chính phủ đã đề xuất các phương án nhằm hạn chế việc rút một lần và giữ người lao động ở lại với hệ thống an sinh được lâu hơn. Trong đó, hai phương án được dư luận quan tâm và bình luận nhiều nhất. Phương án thứ nhất là giảm lợi ích từ chế độ BHXH một lần: Người lao động có nhu cầu rút tiền chỉ được giải quyết tối đa là 50% trên tổng số thời gian đã đóng vào quỹ. Phần còn lại sẽ được nhà nước bảo lưu để giải quyết quyền lợi cho người lao động khi họ tham gia trở lại hệ thống sau này. Phương án thứ hai là giảm số năm tối thiểu tham gia hệ thống để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm. 

Tuy phương án đề xuất trong lần sửa đổi luật lần này nhằm mục đích hạn chế, thay vì ngăn chặn việc rút BHXH như lần sửa đổi vào năm 2014, vẫn có nhiều ý kiến lo ngại về tính khả thi của phương án này. 

Dù vậy, dự thảo luật vẫn có một phương án khác là giữ nguyên quy định hiện hành. Sau đó, Chính phủ tiếp tục bổ sung thêm phương án nhằm ngăn chặn việc rút BHXH về lâu dài, đồng thời có thể tránh gây ra phản ứng mạnh mẽ từ phía người lao động. Phương án này không cho phép người lao động rút BHXH trong vòng một năm sau khi nghỉ việc và không tiếp tục tham gia hệ thống, nhưng điều này chỉ áp dụng cho những ai bắt đầu tham gia hệ thống sau khi luật mới có hiệu lực (dự kiến vào năm 2025).

Người dân rút Bảo hiểm Xã hội tại Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức vào sáng 7/12. Ảnh: Trương Thanh Tùng

Sau khi dự luật được công bố, đã có nhiều bài viết và ý kiến ủng hộ “quyền lựa chọn” rút BHXH một lần của người lao động, hay “quyền tự quyết”, với những lý do sau đây. Lý do thứ nhất là điều kiện sống và làm việc bấp bênh của người lao động làm việc trong những ngành công nghiệp xuất khẩu như may mặc, giày da và các ngành công nghiệp chế biến khác. Ngay cả trước đại dịch COVID, việc làm trong lĩnh vực xuất khẩu ngày càng trở nên bất ổn trước những biến động của thị trường và chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc cắt giảm nhân công. Những ai đã tham gia bảo hiểm xã hội đủ 12 tháng có thể nhận trợ cấp thất nghiệp trong lúc tìm việc làm mới. Tuy nhiên, bức tranh tìm việc không phải là bức tranh màu hồng, nhất là với lao động nữ mang thai và nuôi con nhỏ, cũng như lao động lớn tuổi. Những lao động mất việc và mất thu nhập thường không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc rút BHXH để vượt qua khó khăn và sử dụng trong lúc khẩn cấp. 

Lý do thứ hai là tổng thời gian làm việc của công nhân trong các ngành công nghiệp sản xuất, chế biến thường không dài. Với những đòi hỏi khắt khe về năng suất trong công việc, doanh nghiệp thường tìm cách để sa thải lao động lớn tuổi (thường là những người trên 35 tuổi). Đây cũng là nhóm lao động được hưởng bậc lương cao tương ứng theo thâm niên làm việc. Nhóm lao động này lại gặp bất lợi khi tìm việc làm mới bởi đa phần doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động trẻ. Người lao động vì vậy thường “nghỉ hưu” ở độ tuổi 40, nhưng theo luật họ phải đợi thêm 10 năm hoặc lâu hơn mới được hưởng lương hưu. Thực tế này, điều mà một số chuyên gia gọi là khoảng cách giữa tuổi nghề và tuổi hưu, giải thích tại sao nhiều người lao động ở độ tuổi 40 không thể chờ nhận lương hưu. Số tiền rút một lần từ BHXH có thể giúp họ về quê ổn định cuộc sống hoặc làm vốn mưu sinh.

Lý do thứ ba là người lao động còn chưa tin tưởng vào việc quản lý của nhà nước trước những vi phạm về pháp luật BHXH của doanh nghiệp. Theo số liệu thống kê chính thức, năm 2023, cả nước có 2,7 triệu lao động bị nợ bảo hiểm xã hội, chiếm 17% tổng số lao động tham gia bảo hiểm bắt buộc. Hơn 200.000 lao động bị “treo” quyền lợi do công ty giải thể, phá sản. Vẫn chưa có chế tài mạnh mẽ đối với hành vi nợ đọng, trốn đóng BHXH của người sử dụng lao động, nhất là ở những doanh nghiệp nước ngoài. Trong trường hợp chủ nước ngoài đột ngột đóng cửa nhà máy và bỏ trốn khỏi Việt Nam, việc giải quyết quyền lợi cho người lao động là bất khả thi. Việc quản lý lỏng lẻo tuy không phải là lý do chính yếu cho quyết định rút một lần của người lao động nhưng đã tạo ra tâm lý tìm cách rút “tiền của mình” để yên tâm. Với ba lý do trên, những ý kiến ủng hộ quyền lựa chọn rút BHXH một lần cho rằng quyết định của người lao động là chính đáng, nhất là khi lưới an sinh còn những lỗ hổng cần phải giải quyết. 

Lương thấp cộng với thời gian đóng BHXH ngắn giải thích vì sao lương hưu hằng tháng chưa đáp ứng đủ nhu cầu sống của người lao động khi nghỉ hưu.

Thách thức của lương hưu

Liên quan đến mục tiêu của pháp luật là giữ chân người lao động ở lại với hệ thống an sinh nhằm tạo điều kiện để họ có lương hưu khi về già, nhiều ý kiến đã chỉ ra những bất cập của chế độ hưu trí. Trong những bài viết tuyên truyền về chế độ hưu trí, cán bộ nhà nước và công đoàn ước tính rằng tổng số tiền lương hưu mà người lao động có thể nhận được, kèm theo việc được miễn phí bảo hiểm y tế, vẫn lớn hơn và có lợi hơn rất nhiều so với khoản tiền rút một lần. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng mức lương hưu hằng tháng của người lao động chưa đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt. Lương hưu được tính dựa trên mức lương cơ bản của người lao động và thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Mức lương tối thiểu vùng hiện nay thấp nhất là 3.250.000 và cao nhất là 4.680.000 đồng một tháng. Trong khi trên thực tế, người lao động thường nhận được thu nhập cao hơn từ việc làm thêm giờ và từ các khoản thưởng, phụ cấp khác, đa phần doanh nghiệp vẫn giữ mức lương cơ bản ở mức thấp vì đây là căn cứ xác định số tiền mà doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Thêm vào đó, do tuổi nghề của người lao động sản xuất thường không dài nên họ khó được hưởng mức lương hưu tối đa. Mức hưởng lương hưu tối đa là 75% mức lương cơ bản, với điều kiện người lao động tham gia BHXH ít nhất là 30 năm đối với nữ và 35 năm đối với nam. Như tôi đã nêu ở phần trước, công nhân lao động thường “nghỉ hưu” ở độ tuổi 40, vì vậy họ khó tích lũy được số năm đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng mức lương hưu cao nhất có thể. Tóm lại, lương thấp cộng với thời gian đóng BHXH ngắn giải thích vì sao lương hưu hằng tháng chưa đáp ứng đủ nhu cầu sống của người lao động khi nghỉ hưu. Hiện nay, lương hưu bình quân ở nước ta là khoảng hơn 5,4 triệu đồng một tháng. Có một khoảng cách lớn giữa những người hưởng lương hưu: từ vài triệu đồng một tháng đến hơn 100 triệu đồng. Báo chí đã ghi nhận những trường hợp người lao động về già phải đi làm thêm để đủ trang trải cuộc sống khi mức lương hưu chỉ được vài ba triệu đồng. Thực tế này phần nào giải thích vì sao người lao động không mấy mặn mà với việc duy trì thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu mà chọn cách rút một lần để giải quyết khó khăn trước mắt.

Đối với phương án giảm số năm đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm để tạo điều kiện cho nhiều lao động được tiếp cận với lương hưu, nhiều ý kiến cho rằng phương án này chưa thuyết phục. Để người lao động tiếp cận dễ dàng hơn với chế độ hưu trí, nhà nước cần xem xét những biện pháp khác có ý nghĩa hơn, như giảm độ tuổi nghỉ hưu đối với công nhân lao động, tính toán lại cách tính lương hưu và tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội. Đây là những để xuất mang tính xây dựng và phản ánh nguyện vọng và nhu cầu thiết thực của người lao động, nhưng phần lớn là nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của lần sửa đổi luật lần này. Quy định về tuổi nghỉ hưu thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ Luật Lao động thay vì Luật Bảo hiểm xã hội (theo đó tuổi hưu đang được tăng theo lộ trình từ năm 2021, đến nay tuổi của nam là 60 tuổi 9 tháng và nữ là 56). Ý kiến liên quan đến việc tăng quyền lợi cho người tham gia BHXH phù hợp với mục tiêu cải cách hệ thống an sinh lâu dài, nhưng không phải là vấn đề ưu tiên trong đợt sửa đổi luật lần này.

Chưa biết rằng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hạn chế được hiện trạng rút BHXH hay không, nhưng trước mắt có thể thấy số lượt người rút BHXH năm 2023 sẽ tiếp tục tăng; chỉ trong sáu tháng đầu năm, đã có hơn 660.000 người xin rút bảo hiểm (từ năm 2016 đến 2021, số lượt rút bảo hiểm tăng từ mức hơn 600.000 lượt/năm đến khoảng 900.000 lượt). Ở những doanh nghiệp có đông công nhân, có nhiều lao động đã xin nghỉ việc để có thể rút tiền trong vòng một năm tới, trước thời điểm luật mới có hiệu lực vào năm 2025. Quá trình sửa đổi luật và những tranh luận về việc cho hay không cho rút bảo hiểm đã tạo cho nhiều người lao động tâm lý hoang mang và bất an, khiến họ phải cố gắng tiếp cận với khoản tiền mà họ cho là tiền tiết kiệm, tiền của mình, khi vẫn còn có thể. 

Ngoài hai nhóm phương án được nhiều sự quan tâm của dư luận đã được nêu trong bài viết, còn có những đề xuất và ý kiến khác về việc tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm, trợ cấp nuôi con, hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động, v.v.. Về lâu dài, đây là những biện pháp thiết thực và bền vững để giữ chân người lao động ở lại với lưới an sinh được lâu hơn, phù hợp với những mục tiêu phát triển hệ thống an sinh xã hội mà nhà nước đặt ra cũng như nhu cầu và lợi ích chính đáng của người dân. Đáng tiếc là những biện pháp này chưa được tuyên truyền một cách hiệu quả, mà thường bị truyền thông lồng ghép một cách khập khiễng với “phần ngọn” của việc “hạn chế rút BHXH một lần”. 

Đợt sửa đổi luật lần này không nên chỉ xoay quanh bài toán về giải quyết tình trạng rút BHXH một lần, mà nên trở thành cầu nối cho việc đối thoại giữa nhà nước, công đoàn và người lao động về những mục tiêu an sinh lâu dài nhằm phần nào giảm sốc cho người lao động trước thực trạng tình hình việc làm ngày càng bấp bênh, bất ổn. Kinh nghiệm trước đây cho thấy sự uyển chuyển của nhà nước trong việc lắng nghe và đáp ứng nhu cầu của người dân nhằm tạo niềm tin và duy trì ổn định xã hội.□

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)