Quyền sở hữu súng tại Hoa Kỳ. Kỳ 1: Câu chuyện lập quốc, tiểu văn hóa cao bồi và quyền tự do

Vào ngày 25/6 vừa qua, Tổng thống Joe Biden đã ký vào đạo luật kiểm soát súng và hỗ trợ sức khỏe tinh thần đầu tiên của liên bang trong ba thập kỷ trở lại đây (Bipartisan Safer Communities Act of 2022), đánh dấu bước đột phá đáng kể của lưỡng đảng Hoa Kỳ về một trong những vấn đề chính sách gây tranh cãi nhất trên cả nước. Nhưng liệu Đạo luật này có đủ là viên đạn bạc giải tỏa các nhức nhối của xã hội liên quan đến vấn đề sở hữu và sử dụng súng?

Khảo sát cho thấy tỉ lệ sở hữu súng tại Hoa Kỳ là một con số lớn kinh ngạc: cứ mỗi 100 người thì có 88,8 đến 101,05 khẩu súng được sở hữu. Nói cách khác, trung bình gần như mỗi người dân Hoa Kỳ đều sở hữu một khẩu súng. Nhìn sang Canada, một đất nước cũng cho phép người dân mang súng (nhưng phải đăng ký giấy phép), con số chỉ bằng 1/5 (23.8 khẩu súng trên mỗi 100 người). Thực tế này bắt nguồn từ lịch sử, văn hóa và chính trị phức tạp của Hoa Kỳ.

Vào thời kỳ đầu sau 12 năm thành lập thuộc địa, Hoa Kỳ đã có những động thái kiểm soát việc sở hữu súng đạn, tuy nhiên lại chỉ nhắm đến người bản địa, chứ không phải là những người da trắng. Cơ quan lập pháp chính thức của người da trắng được lập nên ở Virginia với cuộc họp Hội đồng đầu tiên tại Jamestown đã đưa ra luật quản lý súng như sau: “Không một người nào được bán hay trao cho người Anh-điêng bất kỳ khẩu súng, lượt bắn, bột súng, hoặc bất kỳ vũ khí tự vệ hay tấn công nào khác, nếu không sẽ bị xem là hành vi phản bội chính quyền thuộc địa và bị treo cổ ngay khi chứng minh được có hành vi này mà không được chuộc bằng tiền.” Dù quy định này có tính chất hà khắc và phân biệt đối xử theo tiêu chuẩn ngày nay, nhưng cho thấy được sự căng thẳng và đối đầu giữa nhóm người bản địa và thực dân vào thời điểm đó.

Trong giai đoạn thuộc địa tiền Hiến pháp sau đó (1607–1789), súng vẫn luôn là một công cụ cần thiết để bảo vệ chính quyền và là biểu tượng của quyền công dân được thừa nhận đặc biệt cho người da trắng. Sau Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ vào năm 1776, các bang cũng ghi nhận quyền sở hữu vũ khí trong hiến pháp của mình. Một trong các mục tiêu quan trọng của quy định về quyền này trong Hiến pháp bang và liên bang được cho là nhằm ngăn chính quyền giải giáp quân đội, không chỉ đơn thuần phản ánh quyền tự do cá nhân. Cụ thể, Pennsylvania là bang đầu tiên công nhận quyền này trong Tuyên ngôn về các Quyền trong Hiến pháp bang ban hành cũng vào năm 1776, cụ thể: “Mọi người có quyền được mang vũ khí để bảo vệ họ (“defense of themselves”) và chính quyền bang, và hành động như những quân nhân trong thời bình cũng như những khi nền tự do bị đe dọa.” Ngoài ra, “mỗi thành viên trong xã hội buộc phải đóng góp vào việc gìn giữ an ninh chung, và sẵn sàng phục vụ khi cần thiết”, nhưng không bị ép buộc phải mang súng. Điều khoản này được James Madison tham khảo để đưa vào Hiến pháp Liên bang sau đó: “Một lực lượng quân sự được quản lý tốt, bao gồm cả bộ phận nhân dân, là đảm bảo an ninh tốt nhất của một nhà nước tự do, (theo đó) quyền của người dân được giữ và mang vũ khí sẽ không bị xâm phạm, nhưng không ai bị buộc phải mang vũ khí dựa trên nhận thức về tôn giáo.”

Phần lớn phán quyết của toà án trong thời kỳ này chung quan điểm rằng quyền được mang vũ khí, bao gồm súng, là quyền tự do cá nhân. Vào năm 1822, Phán quyết của Tòa án Tối cao Kentucky trong vụ Bliss v. Commonwealth phản ánh sự chuyển đổi tư tưởng xây dựng lực lượng dân quân trong Thời đại Cách mạng sang quyền tự vệ cá nhân trong thời kỳ Andrew Jackson (Tổng thống thứ bảy của Hoa Kỳ). Trong vụ việc này, một người đàn ông tên Bliss bị chính phủ bang Kentucky phạt 100 USD vì mang theo kiếm giấu trong gậy chống. Tòa án Kentucky đã tuyên bố việc xử phạt này trái với quy định được mang vũ khí giấu kín của tiểu bang, trái với sự công nhận của Hiến pháp tiểu bang năm 1799 về “quyền công dân được mang vũ khí để bảo vệ bản thân và chính quyền bang.” Trong phán quyết phúc thẩm của mình, tòa án đã lập luận, “bất cứ điều gì hạn chế việc thực hiện đầy đủ và đầy đủ quyền công dân đó … sẽ bị cấm bởi quy định cụ thể của Hiến pháp”.

Yếu tố lịch sử – văn hóa khiến việc sở hữu súng trở thành một phản ứng hợp lý đối với bối cảnh bất ổn của xã hội theo từng thời kỳ.

Vụ Bliss v. Commonwealth đã khiến người ta bắt đầu suy nghĩ về việc kiểm soát vũ khí giấu kín. Điều đó mãi mới được thực hiện khi chính quyền Kentucky sửa đổi Hiến pháp vào năm 1950. Theo đó, “quyền của công dân được mang vũ khí để tự bảo vệ bản thân và nhà nước sẽ không bị chất vấn; nhưng Đại hội đồng có thể thông qua luật để ngăn chặn những người mang vũ khí giấu kín.” Trong vụ State of Alabama v. Reid (1840), một người đàn ông bị phạt 50 USD và giam giữ trong nhà tù cho đến khi tiền phạt được trả đủ, lý do là vì giấu súng trong người khi bị một viên cảnh sách có hành vi theo dõi, đe dọa thường xuyên. Tòa Alabama đã trích dẫn phán quyết trong vụ Bliss v. Commonwealth, từ đó cho rằng việc “ngăn chặn những hành vi độc ác từ việc bí mật mang theo vũ khí” không có gì xung đột với quyền của công dân trong việc “mang vũ khí để bảo vệ bản thân và chính quyền liên bang” cả. Tuy nhiên, tòa án không xét thấy hành vi mang súng của người đàn ông trong vụ việc này là cần thiết để tự vệ, vì vũ khí của viên cảnh sát chỉ là một tấm khiên che kín người và công việc của người này là nhằm đảm bảo an ninh công cộng, vì vậy vẫn ra quyết định tuyên phạt. Do đó, phán quyết trong thời kỳ này thừa nhận quyền mang theo vũ khí tự vệ giấu kín của người dân, nhưng có xem xét đến các yếu tố cần thiết và cân bằng hợp lý với mối đe dọa để tránh những hành vi lạm dụng gây mất an toàn xã hội.

Tiếp theo, từ giữa những năm 1800, cùng với mối quan ngại về bất ổn xã hội ngày càng dâng cao, các quy định về hạn chế quyền tự do mang theo vũ khí, bao gồm súng, ngày càng được quan tâm hơn. Giai đoạn hậu nội chiến (1868–1899) chứng kiến sự huy động dân quân chưa từng có trong việc thành lập các đơn vị dân quân người da đen. Khu vực miền Nam (Antebellum South) bị tàn phá với tỷ lệ bạo lực vũ trang thuộc hàng cao nhất của đất nước. Khi những lực lượng dân quân này phải đối mặt với sự trả thù và giải trừ quân bị từ nhóm theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng Ku Klux Klan, quyền mang vũ khí đã được đem ra thảo luận trước Tòa án Tối cao trong vụ Hoa Kỳ v. Cruikshank (1875). Vụ án liên quan đến cuộc thảm sát Colfax khét tiếng trong lịch sử, khi ước tính có tới 153 dân quân da đen và người da đen tự do bị sát hại trong khi đang đầu hàng trước nhóm cựu binh sĩ Liên minh miền Nam và các thành viên của Ku Klux Klan. Thời điểm diễn ra sự kiện này là khi cuộc bầu cử chính quyền bang Louisiana đang diễn ra căng thẳng. Tòa sơ thẩm đã kết án những người bạo loạn da trắng theo mục 6 của Đạo luật Thực thi năm 1870 vốn quy định cấm âm mưu “đe dọa bất kỳ công dân nào với ý định ngăn chặn hoặc cản trở việc thực hiện quyền tự do của người đó và hưởng bất kỳ quyền hoặc đặc quyền nào được Hiến pháp trao ban hoặc bảo đảm cho người đó.” Với ý kiến đa số, Tòa án tối cao đã bác bỏ ý kiến cho rằng Hiến pháp bảo vệ quyền tự do mang vũ khí. Theo đó, các bang được tự do thông qua bất kỳ luật nào liên quan đến lực lượng dân quân và súng mà họ thấy phù hợp.

Đây là phán quyết quan trọng trong bối cảnh bấy giờ, khi tỷ lệ những người bị sát hại bằng vũ khí tại Hoa Kỳ thuộc hàng cao trên thế giới, một phần do súng được bày bán rộng rãi với giá rẻ. Trong những thập niên 1920, khảo sát của Randolph Roth chỉ ra rằng cứ mỗi 100.000 người dân Mỹ thì có khoảng từ 8 đến 9 người từng thực hiện hành vi sát hại người khác. Điều này khắc họa bối cảnh “loạn lạc’ và vai trò, cũng như mối nguy hại của súng. Các bang có mối nguy bạo lực cao, đặc biệt là bạo lực bằng súng đạn, đã ban hành luật kiểm soát súng chặt chẽ hơn như một biện pháp khắc phục. Trọng tâm của hoạt động lập pháp là ban hành chủ yếu những điều luật cấm mang theo vũ khí giấu kín.

Quốc hội lập pháp của thuộc địa mới tại Virginia gồm 12 người đàn ông giàu có và ảnh hưởng nhất tại đây. Ảnh: encyclopediavirginia.org

Tuy nhiên, người dân vẫn luôn thường trực nỗi bất an về sự an toàn của mình. Các doanh nghiệp vũ khí nhân đó tìm cách khuyến khích người dân sử dụng súng bằng cách khơi dậy nỗi sợ bị đe dọa khi lái xe trên đường. Trong đó, phải kể đến quảng cáo “An toàn đường cao tốc” của công ty sản xuất vũ khí Colt. Dù vậy, nhu cầu bảo vệ cá nhân khi lái xe vẫn là một vấn đề nóng bỏng trong bối cảnh bất ổn hiện tại, thậm chí được nhấn mạnh trong quảng cáo “An toàn đường cao tốc” của công ty sản xuất vũ khí Colt. Tờ áp-phích vẽ một người phụ nữ ngồi trên ghế lái của chiếc ô tô đang đậu sát lề, bên cạnh là một sĩ quan cảnh sát cưỡi mô tô tay rút súng ra như đang kiểm tra tình trạng của cô. Đằng sau là hai kẻ trộm cướp đang bỏ chạy. Dòng đầu tiên của quảng cáo ghi to hàng chữ “Giả sử anh ta không đến mà xem”, ngầm ý rằng, nếu mà cô gái không có súng để bảo vệ mình thì làm sao mà đối phó được với đám trộm cướp kia?

Đặc biệt, súng và hình tượng cao bồi ở biên giới phía Tây Hoa Kỳ trong thế kỷ XIX được khai thác triệt để như một hình ảnh tiếp thị lý tưởng của các doanh nghiệp sản xuất, buôn bán súng. Các bức tranh người anh hùng miền Tây cưỡi ngựa dã chiến, đơn độc cầm súng đối đầu với gấu dữ hoặc trâu rừng, hay thậm chí là kẻ thù trong quảng cáo súng trường trứ danh Winchester được xem là biểu tượng bình định các hiểm nguy tiềm tàng tại vùng đất này. Bên cạnh đó, súng cũng được xem là vật khẳng định nam tính, biến chúng trở thành một biểu tượng và mang đậm bản sắc cá nhân chứ không phải là một công cụ thuần túy. Áp phích của Winchester vào năm 1918 vẽ cảnh một người cha dạy con mình cầm súng trường đi săn, với chú thích: “Bất kỳ cậu bé nào cũng trở thành một người đàn ông trưởng thành”. Tuy nhiên, một số học giả cho rằng nhiều người đã lãng mạn hóa và phóng đại quá mức tầm quan trọng của súng qua hình tượng cao bồi trong những bộ phim điện ảnh nổi tiếng, trong khi thứ chủ yếu đóng góp cho sự bình ổn của khu vực này là phong trào nông nghiệp và thương mại, với các chủ trang trại và nông dân là lực lượng chính. Hầu hết các vụ giết người diễn ra ở biên giới chỉ liên quan đến các cuộc chiến giữa kỵ binh Hoa Kỳ và những người Mỹ bản địa đã nổi dậy chống lại sự đối xử khắc nghiệt dưới bàn tay của người da trắng.

Từ đó, có thể thấy dù có sự thay đổi về tư duy quyền tự do mang súng thông qua các hoạt động tư pháp và lập pháp theo hướng kiểm soát chặt chẽ hơn, những doanh nghiệp và nhà buôn vũ khí vẫn cố gắng để mặt hàng của họ được lưu thông bằng việc đánh vào tâm lý của người dân và xây dựng hình ảnh chính thống của việc sử dụng súng về mặt văn hóa. Sự kiện quan trọng nhất trong giai đoạn này là việc thành lập Hiệp hội Súng trường Quốc gia (National Riffle Association – NRA) vào năm 1871 bởi hai cựu binh, với mục tiêu “phát huy và khuyến khích việc sử dụng súng trường dựa trên cơ sở khoa học” và hành động như một tổ chức vận động cho quyền sử dụng súng. Ngày nay, tổ chức này được xem là một lực lượng chính trị mạnh mẽ và bảo vệ hàng đầu đối với các quyền của Tu chính án thứ hai, đặc biệt là quyền sử dụng súng.

Vào đầu những năm 1930, cuộc Đại Suy thoái bắt đầu với sự sụp đổ của thị trường chứng khoán đánh dấu một thập kỷ kéo dài với tỷ lệ thất nghiệp cao, kèm theo vấn đề đói nghèo, giảm phát, mất niềm tin vào tương lai kinh tế. Các bất ổn xã hội tiềm tàng khiến Quốc hội Hoa Kỳ nhanh chóng đẩy mạnh hệ thống đăng ký súng đầu tiên của quốc gia vào năm 1935 và cấm một số loại súng có tỷ lệ và phạm vi gây sát thương cao như súng máy, thông qua các quy định nghiêm ngặt hơn về cấp giấy phép sử dụng súng song song với việc ban hành các tiêu chuẩn tối thiểu bắt buộc để được sử dụng súng. Xu hướng ban hành những quy định chặt chẽ trong bối cảnh có nhiều bất ổn xã hội cũng một lần nữa lặp lại vào thập niên 60, khi những cuộc diễu hành phản đối chiến tranh với Việt Nam diễn ra cũng như phong trào yêu cầu quyền bình đẳng sắc tộc của người Mỹ gốc Phi. Các quy định pháp lý đặt ra các định nghĩa thuật ngữ về “súng cầm tay”, “vũ khí bị hạn chế” và “vũ khí bị cấm”, đi kèm với những thay đổi trong yêu cầu đăng ký sở hữu súng.

Câu chuyện mua bán và sở hữu súng tư nhân ở Mỹ là một hệ quả, chứ không phải là nguyên nhân, của hiện tượng xã hội.

Tính đến năm 1934 khi Đạo luật Toàn quốc về Súng cầm tay đầu tiên ra đời với mục tiêu kiểm soát hoạt động sản xuất, mua bán và vận chuyển súng cầm tay, khảo sát cho thấy có gần một nghìn quy định về súng ở Hoa Kỳ với nhiều nội dung khác nhau, chưa kể đến các quy định về tổ chức quân đội, săn bắn và lưu trữ thuốc súng. Có đến tám đạo luật liên bang quy định về súng cầm tay được thông qua từ năm 1934 đến năm 2005, đặc biệt là nhiều quy định được ban hành hơn từ những năm 1980 sau sự kiện thư ký của Tổng thống Ronald Reagan bị bắn vào đầu khi kẻ tội phạm đang cố gắng ám sát Tổng thống. Nhưng các quy định kiểm soát súng nghiêm ngặt cũng không ngăn được làn sóng đi mua súng mỗi khi người dân cảm thấy lo lắng, bất định về cuộc sống. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kết hợp với các cuộc biểu tình và bạo loạn của George Floyd, cùng với các mối đe dọa xảy ra “nội chiến lần hai” sau cuộc bầu cử Tổng thống nhiều tranh cãi, một làn sóng mua súng chưa từng có diễn ra vào năm 2020. Thậm chí, tạp chí Forbes dẫn lời các chủ cửa hàng súng đạn tại Hoa Kỳ cho biết số lượng người gốc Á lần đầu tiên đi mua súng trong thời gian đại dịch Covid-19 đã tăng lên đến 20% so với năm 2019, do lo ngại các hành vi bạo lực do kỳ thị chủng tộc.

Tấm áp phích của Colt. Ảnh: gunculture.

——-

Những dấu mốc lịch sử trên cho thấy các quan niệm và quy định pháp luật về súng cũng lâu đời như lịch sử lập quốc Hoa Kỳ. Điều này cũng chứng minh được rằng yếu tố văn hóa trong vấn đề sở hữu và sử dụng súng tại Hoa Kỳ gắn liền với những ý chí tự vệ, dù là cho bản thân hay thể chế, trước những mối đe dọa tiềm tàng. Yếu tố lịch sử – văn hóa khiến việc sở hữu súng trở thành một phản ứng hợp lý đối với bối cảnh bất ổn của xã hội theo từng thời kỳ. Các quy định siết chặt kiểm soát súng thường là những biện pháp tạm thời phản ứng với bối cảnh xã hội. Những doanh nghiệp buôn bán vũ khí đã tìm cách khơi dậy lại thị trường vũ khí sôi động trước đó thông qua các chính trị gia, thậm chí còn sử dụng chính hình ảnh cao bồi miễn viễn Tây được thi vị hóa để quảng bá việc sử dụng súng. Cụ thể, Wayne LaPierre, giám đốc điều hành của NRA, đã khai thác hình ảnh cao bồi và văn hóa súng của Mỹ sau vụ thảm sát Sandy Hook vào năm 2012 để lời kêu gọi trang bị vũ khí cho các nhân viên và giáo viên của nhà trường. LaPierre đã sử dụng hình ảnh từ một bộ phim cao bồi viễn Tây kinh điển bằng câu nói: “Điều duy nhất ngăn chặn được một kẻ xấu cầm súng là một người tốt cầm súng.” Ông cũng được nhìn thấy trò chuyện vui vẻ trong cuộc gặp với Rene Carlos Vos, một thương nhân buôn vũ khí và là người vận động chính sách cho NRA đang mang đôi giày cao bồi và áo khoác phong cách miền Tây. Ý niệm về một người hùng đơn độc cầm lấy vũ khí để đứng lên chiến đấu vì một ngày mai tươi sáng là thông điệp mà ông muốn truyền tải về vai trò của súng, ngay cả trong các vụ xả súng hàng loạt: Súng không phải là vấn đề – chúng là giải pháp.

Do đó, câu chuyện mua bán và sở hữu súng tư nhân ở Mỹ là một hệ quả, chứ không phải là nguyên nhân, của hiện tượng xã hội. Người dân sẵn sàng chấp nhận bạo lực bằng súng đạn như một tác dụng phụ không thể tránh khỏi của một xã hội tự do và có quyền vũ trang bạo lực. Sự phản đối của họ đối với các cải cách luật về kiểm soát súng mới chỉ là một biểu hiện của văn hóa súng đạn từ thời kỳ tự vệ lập quốc, và những ai làm trái với truyền thống này giống như bắn một viên đạn vào lịch sử lâu đời của thể chế tự do 300 năm. Tuy nhiên, các phân tích trên cho thấy quyền sở hữu súng và những quy định về kiểm soát, hạn chế súng luôn luôn song hành chứ không mang tính đối đầu, loại trừ lẫn nhau, như những gì mà một số cách hiểu hay phong trào phản đối gần đây khắc họa. Dù vậy, những sửa đổi thu hẹp hay mở rộng quyền sở hữu và các quy tắc kiểm soát súng đều phải đối mặt với những thách thức nan giải, đặc biệt là về khía cạnh luật pháp và chính trị. □ (còn tiếp)

Tác giả

(Visited 1.267 times, 1 visits today)