Saudi – Trung Đông cấm cung

Saudi bây giờ đã khác với bán đảo Ả Rập ngày xưa. 1400 năm trước, nơi đây con người phá biên giới nối liền các bộ lạc, Saudi bây giờ đóng cửa biên giới không cho cả khách du lịch vào thăm.

1400 năm trước xứ này chỉ có cát với cát, Saudi bây giờ ngụp trong vũng dầu, nhiều tiền đến mức có thể xây một bức tường thành toàn bằng vàng cao 1 mét quanh quốc gia làm đường biên. 1400 năm trước ở Mecca, phụ nữ góa bụa vẫn lấy trai tân, lại còn chủ động đòi cưới; Saudi bây giờ bất kể phụ nữ nào cũng phải có đàn ông giám hộ.

Từ đa thần đến độc thần

Vào năm 570 sau Công nguyên ở miền Tây bán đảo Ả Rập (Saudi ngày nay), một cậu bé tên là Muhammad chào đời. Cậu không may mồ côi cha mẹ từ nhỏ và được một ông bác nuôi nấng. Năm 25 tuổi, Muhammad và bà chủ giàu có của chàng phải lòng nhau. Bà chủ động cầu hôn. Họ nên duyên và sống hạnh phúc trong suốt 25 năm cho đến khi Khadija qua đời ở tuổi 65. Làm thử một phép tính nhẩm, bạn sẽ thấy Muhammad 25 xuân xanh cưới Khadija khi bà đã 40 tuổi, góa chồng với ba cô con gái từ cuộc hôn nhân trước1.

Ngày ấy, bán đảo Ả Rập nằm kẹp giữa hai vùng lãnh thổ lớn mạnh và luôn kình địch nhau là đế chế La Mã theo Thiên Chúa giáo ở bên trái và đế chế Ba Tư theo giáo phái Zoroastrianism ở bên phải. Cả hai giáo phái này đều là dòng tôn giáo độc thần, thờ một đấng Thượng Đế tối cao duy nhất, tiếng Latin gọi là Deus, tiếng Avestan thời cổ Ba Tư gọi là Ahura Mazda.


Tác giả Nguyễn Phương Mai

Năm 2012, tác giả Nguyễn Phương Mai đã thực hiện một hành trình dọc Trung Đông để nghiên cứu về Hồi giáo. Chuyến đi bắt đầu ở Saudi, nơi Hồi giáo khởi phát, sau đó theo dòng phát triển của lịch sử tỏa sang châu Phi đến địa đầu Morocco. Đây là dải đất hùng vĩ của nền văn minh Hồi giáo thời kỳ cực thịnh, nhưng cũng là điểm nóng của hơn 80% các bản tin thế giới ngày nay. Trong loạt bài bắt đầu khởi đăng từ số này, tác giả sẽ chia sẻ những vấn đề nhức nhối nhất, những câu hỏi còn đang gây tranh cãi, và những trải nghiệm cá nhân của chị với người dân Trung Đông.

Nguyễn Phương Mai hiện là Tiến sỹ, giảng dạy bộ môn Giao tiếp đa văn hóa tại ĐH Khoa học ứng dụng Amsterdam (Hà Lan). Độc giả có thể trao đổi với tác giả tại www.facebook.com/dr.nguyenphuongmai hùng

Lọt thỏm giữa hai người hùng của thế giới là nơi sinh sống của hàng trăm bộ lạc Ả Rập lớn nhỏ. Một chút tương tự như cuộc sống tôn giáo ở Việt Nam và châu Á, họ đi theo nhiều tín ngưỡng khác nhau (paganism), thờ nhiều linh tượng và thần thánh khác nhau (idolatry), trong số đó có một vị thần tôn quý, tiếng Ả Rập phát âm là Allah, cùng nguồn gốc với tiếng Hebrew của Do Thái giáo chỉ Thượng Đế (Elohim), hay tiếng Sankrit của Hindu giáo Ấn Độ (Allah – Thánh Mẫu Mặt Trăng). Như một viên xúc xắc với nhiều mặt khác nhau, Thượng Đế với những tên gọi khác nhau được tôn thờ song song bên cạnh những thần thánh khác. Nơi thờ cúng thường là những khối đá vuông to lớn (kaaba) với hàng trăm bức linh tượng lớn nhỏ của nhiều bộ lạc xếp san sát kề vai thích cánh. Khắp vùng bán đảo Ả Rập có rất nhiều kaaba như vậy cho người dân của tất cả các đạo, kể cả paganism lẫn Thiên Chúa giáo cùng thờ cúng2. Thành Mecca cũng có một kaaba, với 360 linh tượng, mỗi năm thu hút cơ man người hành hương từ vô số các bộ lạc xung quanh. Bất kể tôn giáo nào, khi đến một kaaba, các tín đồ đều đi vòng quanh khối đá thiêng bảy vòng. Họ đặt đồ thờ cúng, cầu nguyện và nghỉ lại Mecca, biến nơi đây trở thành một trong những trung tâm tôn giáo lớn.

Hẳn nhiên, Muhammad chắc chắn cũng từng thờ cúng Thượng Đế cạnh những linh tượng như thế trong suốt hơn ba chục năm đầu của cuộc đời mình, cho đến một hôm, khi đang cầu nguyện và ngồi thiền tại một hang đá nhỏ tên là Hiraa, chàng Muhammad trẻ tuổi bỗng bị một vòng hào quang rực rỡ quấn thắt lấy người. Thiên thần Gabriel của đạo Thiên Chúa hiện ra, ra lệnh cho chàng chép lại lời truyền của Người. Và thế là một Muhammad không biết chữ nhưng dưới quyền năng của đấng Tối cao, những dòng đầu tiên của kinh thánh được viết ra. “Iqra” tiếng Ả Rập có nghĩa là chép lại, từ đó mà kinh thánh của đạo Hồi có tên là Quran.

Khadija đã không thể sống lâu để có thể thấy chồng mình làm nên một điều kỳ diệu, thống nhất các bộ lạc vùng bán đảo Ả Rập dưới một tôn giáo mới tên là Islam (người tuân lệnh). Tôn giáo ấy nhanh chóng tràn ngập vùng Trung Đông, cải đạo cả đế chế Ba Tư hùng mạnh và đẩy lui siêu đế chế La Mã về phía châu Âu. Trong vòng sáu thế kỷ, Hồi giáo tỏa ra khắp ba châu lục, đạt đến đỉnh điểm của văn minh và kỹ nghệ trong khi châu Âu còn vùi trong mông muội của đêm trường Trung Cổ. Ngày nay, Hồi giáo có số tín đồ lớn thứ hai thế giới (21%), chỉ sau Thiên Chúa Giáo (33%).

Lịch sử được viết lại

Tuy nhiên, Mecca của thế kỷ 21 ngoài hình ảnh huyền thoại của hàng trăm ngàn tín đồ xoay vòng quanh Kaaba mỗi mùa hành hương cũng là nơi mộ mẹ đẻ của Muhammad bị xe ủi xóa không còn dấu vết, là nơi ngôi nhà hạnh phúc của Muhammad và Khadija được tìm ra, lấp đi, rồi xây bên cạnh là một hàng… nhà xí công cộng, là nơi đến bản thân phần mộ của Muhammad cũng từng bị đe dọa san phẳng. Mấy năm trước, một thánh đường cổ mang tên cháu ngoại của Muhammad bị đặt bom phá cho tan tành. Những tấm ảnh chụp vụ đặt bom này được bí mật truyền ra ngoài, rõ cả mặt các thầy tu và cảnh sát tôn giáo của Saudi vừa hả hê nhìn gạch ngói bay tung trời, vừa reo hò hoan hỉ chia vui.

Gượm đã! Ai đang hoan hỉ reo hò? Các thầy tu? Các cảnh sát tôn giáo? Thế tức là thế nào? Tại sao giữa vùng đất là trái tim của thế giới Hồi giáo mà vị thiên sứ của nó và gia quyến của ông lại bị các tín đồ nổi tiếng sùng đạo của mình đối xử bạc bẽo đến nhường kia?

Năm 630, sau một thời gian dài phải lánh nạn ở Medina và nhiều trận giao tranh giữa đạo quân của hai thành phố, phe của Muhammad giành thế áp đảo và cuối cùng ông cũng có thể hiên ngang tiến vào quê hương Mecca với tư cách của người chiến thắng. Điều đầu tiên Muhammad thực hiện là đập phá toàn bộ 360 linh tượng trong Kaaba, tuyên bố khối đá vuông linh thiêng giờ đã trở thành nơi thờ đức Thượng Đế cao cả chỉ một và duy nhất. Ngoài Thượng Đế, tín đồ Hồi giáo (Muslim) không được phép cúng bái bất kỳ một ai, người thường, linh tượng cũng như thánh thần.

Gần 1400 năm sau, những tín đồ cuồng tín nhất của Muhhamad đã thể hiện sự trung thành tuyệt đối với giáo lý độc thần tới mức liệt kê cả ngôi mộ của chính ông vào danh sách những linh tượng cần phá bỏ. Tất cả di sản như đền đài, thành quách, miếu thờ, mồ mả… có tiềm năng khiến tín đồ nảy ra niềm thành kính đều đáng bị triệt hạ, kể cả việc phải biến nó thành một cái nhà vệ sinh công cộng (!)

Đầu thế kỷ thứ 19, nhà Saud bắt tay với một nhánh Hồi giáo khá cực đoan là Wahhabi dần dần đánh chiếm và làm chủ gần như toàn bộ vùng bán đảo Ả Rập, bao gồm cả địa phận Mecca và Medina. Cam kết của nhà Saud và Wahhabi có thể được coi là một trong những cuộc hôn nhân thực dụng nhất giữa quyền lực chính trị và tôn giáo mà trong đó nhà Saud sẽ mang danh lãnh đạo còn giáo lý Hồi dòng Wahhabism sẽ là kim chỉ nam của vương quốc.

Vấn đề nằm ở chỗ giáo lý này vốn đã khe khắt lại ngày càng trở nên cực đoan. Dưới con mắt của các thầy tu dòng Wahhabi, kinh Quran được hiểu theo những ý nghĩa khắc nghiệt nhất. Chỉ có Thượng Đế mới xứng đáng được tôn vinh. Và bởi vì chỉ có Thượng Đế mới đáng tôn vinh nên kể cả Liên Hợp Quốc có muốn công nhận và cứu các di sản văn minh cổ ở Saudi cũng là điều không tưởng. Trong danh sách ba di sản mà Saudi cho phép Liên Hợp Quốc tiến hành đánh giá, chẳng có nơi nào liên quan đến Hồi giáo. Hơn 20 năm qua, 95% trong tổng số hơn 1000 khu kiến trúc cổ của Saudi đã bị tàn phá. Những tàn tích cuối cùng của một nền văn minh đa sắc màu cũng như những bằng chứng cuối cùng của một nền văn hóa Hồi giáo cổ gần như cố tình bị triệt tiêu và xóa sổ, đặt vào tay những thầy tu Wahhabi quyền năng tối thượng trong việc viết lại lịch sử tôn giáo và diễn giải triết lý Hồi giáo theo lý lẽ của riêng mình3.

Hẳn nhiên Muhammad không thể ngờ rằng việc ông đập 360 bức linh tượng trong Kaaba khiến nếu ông có sống dậy cũng khó có thể thanh minh cho việc Wahhabism trở thành niềm cảm hứng cho vô số các tổ chức Hồi giáo cực đoan như Al-Qaeda và Taliban. Chưa hết, việc 360 bức linh tượng tan thành tro bụi từ 1400 năm trước được coi là câu trả lời cho việc bức tượng Phật huyền thoại Bamiwam ở Afghanistan cao hơn 50m tồn tại từ trước khi Hồi giáo ra đời bị Taliban đục lỗ vào đầu để nhồi thuốc pháo cho nổ tan tành. Những di sản cuối cùng của một trung tâm Phật giáo cực thịnh từ thế kỷ thứ hai sau Công nguyên nằm trên con đường tơ lụa chỉ trong tích tắc tan thành mây khói.

Quyền lực tôn giáo

Câu trả lời cho quyền năng tối thượng của Saudi một phần nằm ở Hajj (hành hương). Hành hương về thánh địa là lệnh của Thượng Đế. Ngài bảo đi là đi, nhưng đi được hay không thì lại là Saudi quyết định. Mỗi năm, các quốc gia Hồi giáo được phân chỉ tiêu không quá 1.000 tín đồ hành hương/triệu dân, vậy nên ai cũng nơm nớp lo việc mình sẽ trở thành một Muslim kém phần chân chính nếu như Saudi nổi hứng thắt chặt vòng kiểm soát. Năm 2012, ba chiếc máy bay chở Muslim hành hương từ Nigeria bị buộc quay đầu về nước. Nếu bạn kính sợ Thượng Đế, tốt nhất là hãy biết kính sợ quyền lực của nhà Saud trước nhất.

Trên danh nghĩa kẻ trị vì Mecca và Medina, Saudi nghiễm nhiên trở thành thủ lĩnh tôn giáo của hơn một tỷ tín đồ sùng đạo, có toàn quyền quyết định và rao giảng thế nào là triết lý Hồi theo ý nghĩa thuần khiết nhất, trong sạch nhất, cao quý nhất. Sự khiếp nhược trước quyền năng lớn lao này khiến cho rất nhiều người Hồi trở nên dao động, bối rối, thậm chí đánh rơi cả khả năng tự phán xét theo lý lẽ thường tình. Thế nên mới xảy ra những chuyện trái khoáy như khi một họa sĩ Đan Mạch vẽ tranh châm biếm Muhhamad hay một gã trời ơi đất hỡi làm một bộ phim hạng bét về cuộc đời ông thì hàng triệu tín đồ nổi cơn cuồng nộ, nhưng việc phần mộ của ông bị dọa san phẳng hay căn nhà của ông bị biến thành nhà xí công cộng thì hầu như chẳng ai buồn hoặc dám đoái hoài.

Trên danh nghĩa chịu trách nhiệm đón tiếp các tín đồ hành hương, Saudi dường như có thêm một cái lý do rất chính đáng để tiếp tục san phẳng các di tích Hồi giáo cổ và thay thế bằng các công trình kiến trúc ngày càng to hơn, cao hơn, đắt tiền hơn, trong đó có cả dự án mở rộng hành lang cầu nguyện xung quanh Kaaba để đạt được sức chứa 25 triệu người. Tiền tuôn chảy về Saudi từ túi những kẻ hành hương giàu sụ muốn ngả lưng trong những căn phòng giá 500 đô la một đêm với cửa sổ nhìn xuống Kaaba. Và để đạt được điều đó thì việc san phẳng căn nhà của Abu Bakr– vị lãnh tụ tôn giáo kế nhiệm Muhammad – để thay bằng một khách sạn siêu sang Hilton là điều hợp lý. Rốt cuộc là, ai cho phép Muslim tôn thờ một cái nhà?

Nhưng rõ ràng là hình như ai đó đang ngấm ngầm cho phép Saudi tôn thờ đồng tiền. Có lẽ Saudi đang âm thầm chuẩn bị cho tương lai của vương quốc khi mà nguồn dầu lửa đem lại 86% ngân sách quốc gia sẽ bắt đầu hạ sản lượng từ sau năm 2030. Dầu nhiều đến đâu rồi cũng đến ngày sẽ hết, chỉ có Hajj là không bao giờ ngưng nghỉ. Đó chính là năng lượng không bao giờ cạn cho Saudi.

Cực đoan và Tư bản

Sinh ra trong một gia đình khốn khó, là trẻ mồ côi và mù chữ, phải sống nhờ vào sự chở che của họ hàng và sự chăm sóc của một phụ nữ nô lệ da đen khiến chàng trai trẻ Muhammad sớm có trái tim đồng cảm vô hạn với người nghèo, tầng lớp nô bộc, trẻ em mồ côi, và đặc biệt là phụ nữ. Trước mắt Muhammad là hố phân cách giàu nghèo khủng khiếp giữa những gia tộc nắm giữ nguồn thu nhập khổng lồ từ khách hành hương và những gia tộc không chen chân được vào cuồn cuộn chảy của xã hội thương mại hóa tôn giáo. Sự suy đồi đạo đức bởi sức mạnh của đồng tiền chỉ có thể được cứu rỗi bằng một lý tưởng trong sạch và thuần khiết: thờ phụng đức Thượng Đế chỉ một và duy nhất. Trong mắt của Thượng Đế, loài người thảy đều là con cháu của Adam và Eva, đều có quyền được tôn trọng, quyền bình đẳng, quyền học hành, quyền ăn no mặc ấm, và quyền được mưu cầu hạnh phúc.

Đối với Muhammad, việc đập tan 360 bức linh tượng trong Kaaba có thể được coi như việc triệt bỏ tận gốc một xã hội thương mại hóa tôn giáo, nơi đồng tiền là kẻ thống trị và đạo đức chỉ biết quỵ gối cúi đầu. Những chế tài luật pháp cơ bản nhất của Hồi giáo được ông gây dựng dựa trên nền tảng về quyền bình đẳng, điển hình là zakat – một trong năm điều răn quan trọng của Islam: mỗi tín đồ đều có trách nhiệm trích một phần tài sản của mình để chia cho người nghèo.

Tôi luôn tự hỏi liệu Muhammad ở dưới tấc đất sâu kia nghĩ gì nếu ông biết rằng Mecca của gần1400 năm sau đang dần dần trở thành Mecca của hơn 1400 năm trước, khi tôn giáo gián tiếp được coi là cỗ máy in tiền? Trả 500 đô la cho một ngày trong khách sạn siêu sang để đêm nằm qua cửa sổ nhìn được xuống Kaaba – nơi được coi là trung tâm của vũ trụ, nơi giàu nghèo sang hèn không phân biệt, mới thấy được sự hão huyền của những giấc mơ. 1400 năm trước, Muhhamad đập tan cuộc hôn nhân giữa sức mạnh của đồng tiền và tự do tín ngưỡng. Mỹ mãn và đầy quyền năng, trên danh Thượng Đế tối cao và thiên sứ cuối cùng của Người, 1400 năm sau, Mecca là hiện thân của một cuộc hôn nhân vô tiền khoáng hậu giữa hai kẻ phối ngẫu hầu như không ai có thể ngờ tới: Chủ nghĩa tư bản và Hồi giáo cực đoan.

Bình đẳng giới thụt lùi

Nếu Muhammad sống lại, hẳn ông sẽ vô cùng bàng hoàng trước sự méo mó của di sản mà ông đã đổ tâm dốc sức gây dựng. Vào thời kỳ ông còn sống, chính nhờ Hồi giáo và các chế tài sharia mà lần đầu tiên trong lịch sử tôn giáo, phụ nữ được chính thức đứng ngang hàng với nam giới về quyền con người. Lần đầu tiên có một tôn giáo quy định đàn ông bị giới hạn số vợ họ có thể lấy (bốn vợ), không phải vì họ siêu việt hơn đàn bà mà do quyền lợi của những phụ nữ có chồng chết trận phải được chăm sóc. Sharia cũng quy định đàn ông chỉ được quyền lấy thêm vợ khi họ có thể đảm bảo việc đối xử công bằng và khả năng lo toan tài chính cho đại gia đình. Lần đầu tiên tôn giáo quy định phụ nữ có quyền thừa kế, quyền sở hữu tài sản, quyền ly hôn, thậm chí quyền yêu cầu chồng phải có trách nhiệm không lơ là cuộc sống tình dục với mình. Lần đầu tiên trẻ em gái được chính thức bảo vệ bằng tuyên ngôn tôn giáo, các bậc cha mẹ được yêu cầu phải bảo vệ trẻ gái, cho trẻ gái được học hành thì mới được lên thiên đàng. Lần đầu tiên người mẹ được tôn vinh ở vị trí đỉnh cao. Muhammad từng nhấn mạnh “chúng ta phải yêu thương mẹ mình nhất, nhì cũng là mẹ, ba cũng là mẹ, sau đó mới đến người cha”. Bằng tất cả những gì ông làm được vào cái thời mà phụ nữ còn bị coi như của cải trong nhà, đàn ông lấy vợ đuổi vợ vô tội vạ, và những hài nhi nữ bị vùi vào cát sa mạc, thì Muhammad xứng đáng là nhà cải cách xã hội kiệt xuất và là người tiên phong trong phong trào giải phóng phụ nữ.

Nhưng Saudi bây giờ đã khác với bán đảo Ả Rập ngày xưa. 1400 năm trước, nơi đây con người phá biên giới nối liền các bộ lạc, Saudi bây giờ đóng cửa biên giới không cho cả khách du lịch vào thăm. Người nước ngoài đến Saudi chỉ có mục đích công việc, hành hương hoặc thăm người thân. Saudi không có khách du lịch và bản thân tôi đã xin visa hai năm rồi mà chưa được. 1400 năm trước xứ này chỉ có cát với cát, Saudi bây giờ ngụp trong vũng dầu, nhiều tiền đến mức có thể xây một bức tường thành toàn bằng vàng cao 1 mét quanh quốc gia làm đường biên. 1400 năm trước ở Mecca, phụ nữ góa bụa vẫn lấy trai tân, lại còn chủ động đòi cưới. Saudi bây giờ bất kể phụ nữ nào cũng phải có đàn ông giám hộ, mấy năm trước họ còn chỉ là một cái tên trên chứng minh thư của đàn ông. Họ cần giấy phép của đàn ông để đi học, đi làm, đi bệnh viện, mở tài khoản, đi du lịch, thậm chí đi ra ngoài đường là phải có đàn ông trong gia đình đi theo. Saudi là quốc gia cuối cùng phụ nữ vẫn chưa có quyền đi bầu cử và không được lái xe hơi, thậm chí đến xe đạp cũng mới được cho phép gần đây trong phạm vi công viên. Phụ nữ ở Saudi, kể cả người nước ngoài, đều phải thuê lái xe riêng. Hẳn nhiên, không phải gia đình nào cũng có chồng, cha, anh rảnh việc đưa đón hoặc tài xế riêng. Phụ nữ Saudi nhiều khi bị dồn vào thế bắt buộc phải dùng các lái xe quen biết từ các công ty taxi có uy tín hoặc các taxi công cộng trên đường. Nếu có biến cố như lạm dụng tình dục xảy ra thì phụ nữ luôn là người cùng chịu tội. Năm 2009, một phụ nữ 23 tuổi đã bị hãm hiếp tập thể và có thai. Cô bị phạt một năm tù và chịu đánh 100 roi sau khi sinh con. Khủng khiếp nhất là mấy năm trước, một vụ cháy nổ xảy ra nhưng các cô gái trong nhà bị một số thầy tu ngăn không được phép chạy ra ngoài vì không kịp… lấy khăn trùm đầu. Kết quả là 15 nữ sinh chết thảm thương. Nói ví von một cách cay đắng, vị thế của họ còn kém cả vị thế của một phụ nữ Mecca 1400 năm trước4.

Bí mật của Saudi

Hồi tôi còn bé tý, ba tôi – một đại tá trong quân đội miền Bắc Việt Nam – từng giữ trong nhà một ngăn tủ khóa kín. Tôi luôn băn khoăn tự hỏi ba giấu cái gì trong đó mà lúc nào cửa tủ cũng phải đóng chặt: Súng? Thuốc độc? Hay là một con quái vật cũng nên. Tưởng tượng nào cũng xấu xí, vì tất nhiên là nếu nó đẹp đẽ thì chắc chắn ba đã dành nó cho con gái cưng. Nhiều năm sau, ba tôi mắc bệnh ung thư. Vào một ngày rất gần khi ông qua đời, ba gọi tôi đến và đưa cho tôi bí mật ông cất giữ từ bao năm qua.

Đó là một cuốn Kinh thánh. Một cuốn Kinh thánh nhỏ xíu có bìa da thuộc màu đỏ thẫm.

Tôi không bao giờ hỏi tại sao ba tôi lại giữ một cuốn Kinh thánh nhỏ xíu bao nhiêu năm trong tủ như thế, nhưng tôi đoán đó là một kỷ vật buồn trong đời chinh chiến của ông, góc sách nham nhở vết xém cháy và cái bìa da có chỗ đã thẫm đen lại bởi mồ hôi và cát bụi. Giờ đây, mỗi lần nhớ lại tuổi thơ với những phút ngồi khoanh chân chống cằm chăm chăm nhìn vào cái tủ khóa chặt và để trí tưởng tượng mặc sức tung hoàng, tôi không khỏi bật cười. Chẳng có hình dung nào có thể xa rời sự thật hơn là con quái vật trong khi thực tế lại là một cuốn Thánh kinh.

Và vì thế, cho đến giờ tôi vẫn băn khoăn tự hỏi liệu những hiểu biết và ấn tượng về Saudi của mình sẽ có thể xa rời thực tế đến chừng nào? Thực lòng mà nói, tôi cầu mong sao mình sẽ sai toàn tập. Saudi đóng cửa đã bao năm và thế giới này đã có quá đủ thời gian để trí tưởng tượng tung hoành về những gì đang diễn ra trong lòng vương quốc. Tôi thường nghĩ về Saudi với lời nhắn nhủ: “Saudi ơi! Đã đến lúc cánh cửa tủ phải mở ra rồi!”

 (Kỳ sau: Dubai – Bước đi trên hai sợi dây)

—-

1 Phái Hồi giáo Sunni cho rằng Ruqayyah và Zainab là con chung của Khadija và Muhammad. Phái Shia thì quả quyết chỉ có Fatima là con chung duy nhất của hai người.

2 Trích dẫn từ Islam a short history, (Modern Library, 2002) của Karen Armstrong. Tác giả xuất thân từ một sơ dòng Thiên Chúa Cơ đốc giáo. Bà được biết đến như một nhà nghiên cứu có nhiều thiện cảm với Hồi giáo. Những cuốn sách chính của bà: Muhammad – A biography of the prophet; A History of God, The Great Transformation: The Beginning of Our Religious Traditions; Jerusalem: One City, Three Faiths.

3 Một trong những cuốn sách đáng được lưu tâm về Wahhabism ở Saudi được viết bởi David Commins, The Wahhabi Mission and Saudi Arabia (Tauris, 2009)

4 Một trong những cuốn sách có cái nhìn tương đối khách quan về Saudi được viết bởi Karen Elliot House, On Saudi Arabia: Its People, Past, Religion, Fault Lines and Future,(Vintage, 2013)

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)