Tái cấu trúc tiến trình xây dựng quyết sách

Tái cấu trúc tiến trình ra quyết định chính là cơ sở đầu tiên để tái cấu tái cấu trúc hệ hình nền kinh tế. Bởi vì, mỗi một kiểu xây dựng chính sách ra đời tương tứng với hệ hình kinh tế của nó. Kiểu ra quyết sách dễ dàng theo lề thói quan liêu ứng với đẳng cấp kinh tế hạng 4 (nuôi tôm, bóc vỏ, đem bán)… Nhưng, một nền kinh tế dựa trên sức sáng tạo thì phải có một quy trình ra quyết sách tương ứng với nó- đó là quy trình từ dưới lên, quy trình dân chủ với sự tham gia của mọi thành phần xã hội, có khả năng hoạch định được những quyết sách có chất lượng cao.  





Chúng ta xuất phát từ đâu?

Trong hội thảo đi tìm mô hình tăng trưởng cho Việt Nam do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ngày 23/6/2010, Gs. Kenichi Ohno phân chia 5 đẳng cấp quốc gia như sau:

– Đẳng cấp hạng 5, thấp nhất: nông nghiệp tự cung tự cấp, phụ thuộc vào viện trợ. Đây là đẳng cấp của Việt Nam năm 1986, năm Đổi mới.

– Đẳng cấp hạng 4: sản xuất giản đơn: Nuôi tôm, bóc vỏ, xuất khẩu. Nhập nguyên liệu dệt, sản xuất vải, may áo, đem bán. Khai thác tài nguyên, sơ chế, bán cho Trung Quốc… Đẳng cấp của Việt Nam hiện nay.

– Đẳng cấp hạng 3: có các ngành công nghiệp phụ trợ, các ngành này được nuôi dưỡng bởi các công ty đầu tư nước ngoài. Đây là trình độ hiện nay của Thái Lan, Malaysia, một phần lực lượng kinh tế của Trung Quốc.

– Đẳng cấp hạng 2: Làm chủ công nghệ, quản lý, sản xuất hàng hóa chất lượng cao. Đây là đẳng cấp của Hàn Quốc, Đài Loan, và một số thành phố phía Đông của Trung Quốc.

– Đẳng cấp hạng nhất: Sáng tạo (trong đó có cải tiến) trong sản xuất như là kẻ dẫn đầu. Đây là đẳng cấp của Mỹ, Nhật, EU.

Nhiệm vụ của Việt Nam là trong vòng khoảng 2 thế hệ, phải từ tiến hóa thành quốc gia “hạng nhất”, sáng tạo với tư cách là kẻ dẫn đầu. Để thực hiện được mục tiêu này chúng ta cần đến tính khoa học và dân chủ trong cấu trúc của tiến trình ra quyết sách, và cách sắp xếp thế trận hợp lý để thực thi các quyết sách đó.

Khuyếm khuyết của tiến trình hoạch định quyết sách nhìn từ những siêu dự án

Thời gian qua, Việt Nam chứng kiến sự nợ rộ của những siêu dự án: “quy hoạch Hà Nội”, “thành phố ven sông Hồng”, “đường sắt cao tốc”… Những dự án này đều do các nhóm tư vấn nước ngoài thực hiện.

Những tổ chức tư vấn này đề xuất những hạng mục đòi hỏi một khả năng tài chính và kỹ thuật mà Việt Nam hiện chưa làm nổi. Nếu phê duyệt dự án, cách duy nhất để thực hiện là vay ODA và trao thị phần cho nước mình vay.

Các Nhóm tư vấn nước ngoài này không hề độc lập mà chỉ là một mắt xích trong “binh pháp ODA” của các nước phát triển hơn ta. Các nhà khoa học Việt Nam chỉ được biết đến các dự án đó khi cơ quan chủ trì đem ra “lấy ý kiến” và “xin phê duyệt”. Vì thế hầu như họ phải phản biện trong tình trạng chạy theo đuôi tình thế.

Kết quả tất yếu của cách vận hành chính sách như trên là, những khoản “béo bở” nhất của đại dự án thì thuộc về nước ngoài. Người Việt Nam, do ràng buộc của tài chính, kỹ thuật và điều khoản hợp đồng ODA, chỉ có thể làm thuê bên lề. Trong một “thế trận” như vậy, cả một khoản đầu tư khổng lồ được tung ra, nhưng không trở thành động lực vật chất, không trở thành cơ hội cho sự phát triển của các công ty, viện nghiên cứu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, ngay cả ở nhiều quyết sách do Việt Nam hoàn toàn chủ động thực hiện, chất lượng cũng thấp. Cách đây chưa lâu, Đề án 112, cải cách hành chính theo hướng xây dựng “chính phủ điện tử” là một ví dụ.

Qua các siêu dự án trên cho thấy chất lượng nhiều quyết sách của Việt Nam còn thấp. Nguyên nhân của điều này là tính bất hợp lý trong cấu trúc của tiến trình hoạch định quyết sách.

– Trong các Bộ Trung ương cũng không có các cơ quan hoạch định quyết sách chuyên nghiệp, tập hợp những tài năng thực sự và được đãi ngộ xứng đáng. Các cán bộ ở các Bộ phải kiêm nhiệm nhiều việc một lúc và không được đãi ngộ để thoát khỏi nỗi lo cơm áo. Họ gần như bỏ rơi quản lý chiến lược, sa vào quản lý các dự án cụ thể. Khi họ viết nghiên cứu chiến lược thì hầu như chỉ biết đến Bộ mình mà không thảo luận với chuyên gia ở các Bộ, Ngành liên quan, không tham khảo ý kiến các Viện nghiên cứu, các trường đại học.

Mặt khác, khi tư duy quyết sách, không thể không tham khảo ý kiến các Nhóm xã hội liên quan, đặc biệt là các Hội nghề nghiệp của xã hội dân sự. Nhưng ở nước ta, các Nhóm xã hội này đang gặp vấn đề. Hoặc là bị nước ngoài thao túng như Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô (VAMA), hoặc không được cấu trúc một cách hợp lý như Hiệp hội lương thực (VFA), hoặc còn chưa trưởng thành để có tiếng nói với chính sách như Hội Nông dân… Và hơn hết, các Hội này, chẳng hạn Hội nông dân và Hội lương thực, không có cơ chế nào để đối thoại với nhau mỗi khi xung đột lợi ích. Mạnh được, yếu thua. Ta sống, mày chết. 

Bên cạnh đó, khi mỗi “chiến lược” được viết xong, không có bất kỳ một think tank(s) nào được đặt hàng thẩm định, phản biện. Đơn giản chỉ vì chúng ta không có một think tank nào để làm việc đó.

Tái cấu trúc tiến trình ra quyết định





1. Chính phủ cần xây dựng tầng lớp tư duy chiến lược chuyên nghiệp thông qua hình thức các think tank(s). Ở Trung Quốc, thời đại của những quân sư phe phẩy quạt mo như Gia Cát Lượng của Lưu Bị, đã qua từ lâu. Học tập mô hình ra quyết sách của các nước tiền tiến, Trung Quốc đã xây dựng khoảng hơn 700 think tanks, tức các cơ sở nghiên cứu chiến lược và chính sách, cả ở cấp chính phủ lẫn địa phương, nhà nước lẫn dân sự, và cả những cơ sở nửa nhà nước nửa dân sự.

 

2. Việt Nam cần tái cấu trúc các Hiệp hội nghề nghiệp, theo 2 nguyên tắc “Dân chủ” và “Tất cả cùng thắng”. Dân chủ để giải quyết mọi vấn đề thông qua đối thoại và tư duy chiến lược, để không ai bị loại bỏ tiếng nói vì bất cứ lý do gì. “Tất cả cùng thắng” để mọi thành phần dân tộc đều có cơ hội tìm kiếm miếng cơm manh áo trên quê hương mình, không phải theo nguyên tắc “ta sống, mày chết” của chủ nghĩa tư bản thời hoang dã. Một ví dụ. Việt Nam có hiệp hội các nhà sản xuất ô tô xe máy, nhưng lại không có Hiệp hội các nhà nhập khẩu ô tô xe máy. Hậu quả của thế trận này là, trong lĩnh vực ô tô, Việt Nam chỉ tồn tại một nhóm lợi ích duy nhất, do nước ngoài thao túng, có khả năng tác động tới bộ phận hoạch định chính sách của Nhà nước, làm cho chính sách thuế nhập khẩu ô tô bất hợp lý một cách dai dẳng, bóp chết mọi hi vọng nội địa hóa ngành công nghiệp này, dù các nhà nghiên cứu của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã lên tiếng từ hơn 10 năm nay.

 

3. Các trường đại học và viện nghiên cứu cần được loại bỏ cấu trúc tương tự như các cơ quan hành chính hiện nay, tái cấu trúc theo một “thế trận” mà các chức năng nghiên cứu và đào tạo có thể được vận hành thông suốt. Đẳng cấp của trường đại học được tính bằng đẳng cấp của người thầy đại học, và đẳng cấp của viện nghiên cứu được đo bằng đẳng cấp của nhà nghiên cứu mà nó có. Do đó, xây dựng đại học “đẳng cấp quốc tế” là xây dựng những người thầy đẳng cấp “quốc tế”, thay đổi số phận của đại học Việt Nam là thay đổi số phận của người thầy đại học của Việt Nam, tái cấu trúc đại học là tái cấu trúc quá trình phát triển trí tuệ và các năng lực của người thầy. Đối với các viện nghiên cứu cũng vậy. Lấy “người thầy” và “nhà nghiên cứu” làm điểm xuất phát để hoạch định chiến lược, con đường phát triển nền đại học và khoa học Việt Nam.

Lực lượng này cần trường thành vì đây là một trong những môi trường tạo tiền đề về tổ chức và tri thức để nuôi dưỡng và sinh thành những nhà tư duy chiến lược trong các lĩnh vực khác nhau, không chỉ cho hôm nay mà còn cho các thế hệ kế cận.

Khi nào xây dựng lại và tái sắp xếp tất các các thành tố xã hội nêu trên, thì Việt Nam sẽ có điều kiện tương đối đầy đủ để xây dựng quyết sách theo quy trình dân chủ như thường thấy ở các quốc gia hạng nhất, quy trình “từ dưới lên”, quy trình có khả năng kiến thiết những chính sách chất lượng cao.

Quy trình này sẽ làm cho quá trình hoạch định chính sách thực sự là một cuộc thử thách trí tuệ, khi mà mọi thành phần xã hội đều được tham gia tiếng nói hoàn toàn khác với sự dễ dàng ra một quyết sách theo lề thói quan liêu. Khi bắt đầu nghiên cứu chính sách, việc tham khảo tư vấn nước ngoài, cũng như việc tham vấn ý kiến của tất cả các Nhóm xã hội, là hết sức cần thiết, nhưng tuyệt đối không thể để rơi vào tình thế lệ thuộc. Việt Nam cần có một lực lượng hoạch định chính sách chuyên nghiệp, với sự tham gia của nhiều thành phần xã hội khác nhau. Các nhóm lợi ích và các cơ quan tư vấn nước ngoài như World Bank, Ngân hàng ADB, JICA của Nhật… không được phép tư vấn trực tiếp cho các Bộ, các cơ quan ra quyết định, mà chỉ được phép làm việc với các Nhóm nghiên cứu chính sách chuyên trách của Chính phủ. Điều này sẽ giúp Việt Nam nắm bắt chính xác các vấn đề thực tiễn của đất nước theo quy trình “từ dưới lên”, và tiếp cận một cách chủ động các kinh nghiệm quốc tế, song không để cho các nhóm tư vấn nước ngoài và các nhóm lợi ích thao túng chính sách.

Quá trình tranh luận và đối thoại, cùng tất cả các dạng thức của nó như “đề xuất” và “bác bỏ”, “chứng minh” và “phản bác”, “biện hộ” và “phê phán”… cần phải được tiến hành triệt để trước khi quyết sách được hoàn tất để trình Quốc hội. Chỉ có như thế, các chính sách lớn khi trình lên Quốc hội mới có thể đến trạng thái “chuẩn không cần chỉnh” ở khâu phân tích chiến lược. Và từ đây, niềm hi vọng thúc đẩy Việt Nam tiến hóa từ quốc gia hạng 4 lên những đẳng cấp cao hơn mới bắt đầu không còn là một ảo vọng.

Tái cấu trúc tiến trình ra quyết định chính là cơ sở đầu tiên để tái cấu tái cấu trúc hệ hình nền kinh tế. Bởi vì, mỗi một kiểu xây dựng chính sách ra đời tương tứng với hệ hình kinh tế của nó. Kiểu ra quyết sách dễ dàng theo lề thói quan liêu ứng với đẳng cấp kinh tế hạng 5 và hạng 4. Nếu chỉ bằng lòng với việc “nuôi tôm, bóc vỏ, đem bán” thì cũng không cần lắm đến tính dân chủ của tiến trình ra quyết định. Nhưng, một nền kinh tế dựa trên sức sáng tạo thì phải có một quy trình ra quyết định tương ứng với nó. Dùng mô hình ra quyết định của nền kinh tế đẳng cấp hạng 4 thì không thể xây dựng được những chính sách có khả năng đi tới nền kinh tế hạng 1.


Công việc “sắp xếp lại giang sơn” này, nếu không phải là những nhà lãnh đạo đang đứng ở những “đỉnh cao chỉ huy” (hay là “những cao điểm chiến lược”) của đất nước, với đầy đủ quyền lực trong tay, thì không ai làm được.


 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)