Tại sao tin giả thao túng xã hội?

Lan truyền thông tin sai lệch thường hiệu quả nhất bằng cách sử dụng một phần của sự thật.


Ảnh chế của Tổng thống Trump bị lan truyền trên mạng. 

Giữa thế kỷ 19, loài sâu sừng cà chua có kích thước bằng ngón tay lan rộng khắp vùng đông bắc Hoa Kỳ. Sau đó bắt đầu xuất hiện các báo cáo đáng sợ về khả năng loài này có thể gây độc cho con người tới mức tử vong. Vào tháng 7/ 1869, các tờ báo còn đăng tin về một cô gái ở Red Creek, New York đã “rơi vào tình trạng co cứng, cuối cùng tử vong’’ sau khi nhiễm độc từ sinh vật này. Mùa thu năm đó, tờ Syracuse còn đăng một bản báo cáo từ bác sĩ Fuller, cảnh báo rằng sâu sừng ”độc như  rắn chuông” và nói rằng đã có 3 ca tử vong liên quan tới nọc độc của nó. 

Thực tế, sâu sừng cà chua là một loài phàm ăn có thể tước sạch cây cà chua trong vài ngày, nhưng vô hại với con người. Các nhà côn trùng học đã biết điều này trong nhiều thập kỷ trước khi BS Fuller công bố bản báo cáo của mình, và tuyên bố của ông đã bị các chuyên gia chế giễu. Vậy tại sao những tin đồn vẫn tồn tại bất chấp sự thật? Con người là những sinh vật học tập xã hội. Chúng ta phát triển hầu hết niềm tin của mình từ thông tin, kiến thức của những người đáng tin cậy khác như giáo viên, phụ huynh và bạn bè. Việc truyền tải kiến thức xã hội này là trái tim của văn hóa và khoa học. Thế nhưng như câu chuyện về sâu sừng cà chua cho chúng ta thấy, một lỗ hổng lớn: đôi khi những tri thức chúng ta lan truyền là sai.

Cơ chế “truyền nhiễm” niềm tin

Tương tự sâu sừng cà chua, tin đồn rằng vaccine không an toàn đã từng lan truyền phổ biến gây ra sự chia rẽ, ngờ vực sâu sắc trong xã hội. Hậu quả là dịch sởi bùng phát mạnh nhất trong một thế hệ do sự ngờ vực về tính an toàn của vaccine.

Trong thời đại ngày nay, mạng xã hội đã khiến cho những thông tin bị bóp méo lan truyền chóng mặt, có khi còn vì mục đích lừa đảo, gây tổn hại một cách cố tình. 

Nhiều nhà nghiên cứu lý thuyết truyền thông và các nhà khoa học xã hội đã cố gắng tìm hiểu cách niềm tin sai lệch tồn tại bằng việc mô hình hóa sự lan truyền thông tin giống như cách thức bệnh dịch lây lan. Các tương tác xã hội được mô phỏng bằng thuật toán máy tính và sau đó nghiên cứu để tìm hiểu và lý giải thế giới thực. Trong mô hình truyền nhiễm này, các ý tưởng giống như virus lây nhiễm từ tâm trí người này sang tâm trí người khác, trong đó, các cá nhân được biểu diễn bởi các nút, kết nối thành một mạng lưới.

Mặc dù các mô hình truyền nhiễm niềm tin cực kỳ đơn giản nhưng đã có thể giải thích được các mô tuýp hành vi một cách đáng kinh ngạc, chẳng hạn như nạn tự sát đã càn quét châu Âu sau khi cuốn “The Sarrows of Young Werther” [Nỗi đau khổ của chàng Werther] của Goethe được xuất bản năm 1774, hoặc khi hàng chục công nhân dệt may Hoa Kỳ vào năm 1962 báo cáo bị buồn nôn và tê liệt sau khi bị một con côn trùng tưởng tượng cắn. Chúng cũng có thể giải thích cách một số niềm tin sai lệch lan truyền trên Internet. Trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, hình ảnh Donald Trump thời còn trẻ đã xuất hiện trên Facebook kèm theo đoạn trích dẫn lời Trump trong cuộc phỏng vấn năm 1998 trên tạp chí People, nói rằng nếu ông ấy Trump tranh cử tổng thống, thì đó sẽ là Đảng Cộng hòa bởi vì đảng này gồm “nhóm những cử tri rác rưởi nhất’’. Mặc dù không rõ khởi phát từ đâu nhưng chúng ta biết rằng ảnh chế này đã nhanh chóng lây lan từ trang cá nhân này sang trang cá nhân khác. 

Trang web kiểm tra sự thật Snopes đã chỉ ra rằng trích dẫn đó được ngụy tạo vào đầu tháng 10 năm 2015. Nhưng cũng như câu chuyện về sâu sừng cà chua, những nỗ lực phổ biến sự thật không có tác động đáng kể để ngăn chặn tin đồn lan truyền. Chỉ một bản sao của ảnh chế đã được chia sẻ hơn nửa triệu lần. Khi các cá nhân chia sẻ bức ảnh chế, đồng nghĩa với việc niềm tin sai lạc của họ được “truyền nhiễm” tới những người bạn của họ, và những người này lại tiếp tục lây truyền tới những nhóm người mới trên mạng xã hội.

Đây là lý do tại sao nhiều ảnh chế được chia sẻ rộng rãi dường như “miễn dịch” với việc kiểm tra sự thật và lật tẩy. Mỗi người chia sẻ ảnh chế Trump chỉ đơn giản là tin tưởng vào người bạn đã chia sẻ nó thay vì tự mình kiểm tra tính trung thực của bức ảnh. Việc trưng ra sự thật không có ích gì nếu không ai bận tâm tìm kiếm chúng. 

Dường như vấn đề ở đây là sự lười nhác hoặc tính cả tin, và do đó, giải pháp chỉ đơn thuần là giáo dục nhiều hơn hoặc phát triển kỹ năng tư duy phản biện tốt hơn. Nhưng điều đó không hoàn toàn đúng. Đôi khi niềm tin sai lầm vẫn tồn tại và lan rộng ngay cả trong những cộng đồng nơi mọi người luôn nỗ lực tìm ra sự thật bằng cách thu thập và chia sẻ bằng chứng. Trong những trường hợp này, vấn đề không phải là niềm tin mù quáng hay cảm tính. Nó sâu xa hơn thế nhiều.

Cơ chế gây niềm tin dựa trên bằng chứng

Trang Facebook “Stop Mandatory Vaccination” (Dừng tiêm vaccine bắt buộc) có hơn 140.000 người theo dõi. Người điều hành của nó thường đăng các tài liệu được sắp xếp để làm bằng chứng cho thấy rằng vaccine là có hại hoặc không hiệu quả, bao gồm các câu chuyện tin tức, bài báo khoa học và các cuộc phỏng vấn với những người hoài nghi về vaccine. Những người tham gia nhóm này quan tâm rất nhiều về việc liệu vaccine có hại hay không và hăng hái tìm hiểu sự thật. Tuy nhiên, điều gì khiến họ vẫn đi đến kết luận sai lầm nghiêm trọng? 


Tấm ảnh về phòng thí nghiệm sinh học Vũ Hán lan truyền trên mạng cùng với tin giả về thuyết âm mưu virus Corona do Trung Quốc chế tạo và phát tán.

Chỉ dựa vào mô hình truyền nhiễm niềm tin ở trên sẽ không đủ để trả lời câu hỏi này. Thay vào đó, chúng ta cần một mô hình có thể nắm bắt các trường hợp mà mọi người hình thành niềm tin trên cơ sở bằng chứng mà họ thu thập và chia sẻ. Nó cũng phải nắm bắt được lý do tại sao những cá nhân này được thúc đẩy để tìm kiếm sự thật trước tiên. Đối với chủ đề sức khỏe, động lực khiến người ta tìm kiếm sự thật là bởi có thể phải trả giá đắt khi hành động dựa trên niềm tin sai lệch. Nếu vaccine an toàn và hiệu quả (thực tế là như vậy) và cha mẹ không tiêm chủng, họ đẩy con cái họ vào những rủi ro vô cớ. Nếu vaccine không an toàn, như những người này kết luận, thì rủi ro sẽ đi theo hướng khác. Điều này có nghĩa tìm ra điều gì là đúng và hành động phù hợp là rất quan trọng.

Để hiểu rõ hơn về hành vi này, chúng tôi sử dụng mô hình mạng lưới nhận thức được các nhà kinh tế phát triển cách đây 20 năm để nghiên cứu sự lan truyền niềm tin trong xã hội. Các mô hình loại này có thể coi là một bài toán, bao gồm một mạng lưới các cá thể cùng vấn đề mà họ phải đưa ra lựa chọn. Ví dụ trong một cộng đồng các cá thể bị phân hóa ra hai nhóm: nhóm tin vaccine tốt và nhóm tin vaccine có hại và gây ra chứng tự kỷ. Niềm tin của các cá thể hình thành nên hành vi của họ, những người cho rằng tiêm chủng là an toàn sẽ chọn cách thực hiện tiêm chủng. Hành vi của họ, ngược lại, định hình niềm tin của họ. Khi các cá thể thực hiện việc tiêm chủng và thấy rằng không có gì xấu xảy ra, họ càng được thuyết phục rằng tiêm chủng thực sự an toàn.
Phần thứ hai mà mô hình xem xét là một mạng lưới các kết nối xã hội. Các cá thể có thể học hỏi không chỉ từ kinh nghiệm của chính họ về tiêm chủng mà còn từ kinh nghiệm của những người xung quanh họ. Do đó, cộng đồng của một cá thể rất quan trọng trong việc xác định niềm tin nào đứng vững sau cùng. 

Mô hình mạng lưới nhận thức phân tích thêm một số đặc điểm thiết yếu mà các mô hình truyền nhiễm niềm tin không có: các cá nhân có ý thức thu thập dữ liệu, chia sẻ dữ liệu và sau đó nếm trải hậu quả bởi những niềm tin sai lạc. Những phát hiện này dạy chúng ta một số bài học quan trọng về sự lan truyền kiến thức xã hội. Điều đầu tiên chúng ta học được là làm việc cùng nhau tốt hơn là làm việc một mình, bởi vì một cá nhân đối mặt với vấn đề kiểu này thường dễ có xu hướng tin vào những thuyết tiêu cực hơn. Chẳng hạn, anh ta/cô ta có thể quan sát thấy một đứa trẻ trở nên tự kỷ sau khi tiêm vaccine và căn cứ vào đó kết luận rằng vaccine không an toàn. Nhưng trong một cộng đồng, mọi người hình thành niềm tin của mình dựa trên những căn cứ thực chứng khác nhau. Theo đó, những niềm tin đúng đắn thông thường sẽ thắng thế do tập hợp được nhiều căn cứ hơn cả.&nb

Tuy nhiên, trong các nhóm này cũng không đảm bảo rằng mọi người sẽ nhận ra sự thật. Các căn cứ khoa học thực tiễn vẫn thường tuân theo xác suất. Ví dụ, một số người không hút thuốc bị ung thư phổi còn một số khác hút thuốc lại không bị ung thư phổi. Điều này có nghĩa là một số nghiên cứu về người hút thuốc sẽ không tìm thấy mối liên hệ với bệnh ung thư. Cũng theo đó, mặc dù không có mối liên hệ thống kê thực tế giữa vaccine và bệnh tự kỷ, một số trẻ được tiêm chủng sau đó mắc chứng tự kỷ. Do đó, một số cha mẹ nhận thấy con mình phát triển các biểu hiện tự kỷ sau khi tiêm vaccine. Một chuỗi bằng chứng sai lệch như thế đủ để lèo lái cả một cộng đồng sai hướng.

Với phiên bản cơ bản nhất của mô hình này, các cộng đồng đều đi đến kết cục là sự đồng thuận. Họ có thể đồng thuận rằng việc tiêm chủng vaccine là an toàn hoặc nguy hiểm. Nhưng điều này không phù hợp với những gì chúng ta nhìn nhận thấy ở thế giới thật. Trong các cộng đồng hiện nay, chúng ta thấy có sự phân cực hoá – bất đồng về việc có nên hay không nên tiêm phòng. Vì vậy, có thể nói rằng mô hình cơ bản còn chưa tính đến hai thành phần quan trọng: niềm tin vào người cùng cộng đồng và xu thế tuân theo tập thể.

Niềm tin vào người cùng cộng đồng có ảnh hưởng đối với niềm tin cá nhân khi một số cá nhân có thiên hướng tin tưởng vào bằng chứng từ những người trong cùng cộng đồng của mình hơn so với các nguồn căn cứ khác. Ví dụ như những người phản đối vaccine thường tin vào bằng chứng được chia sẻ bởi những người khác trong cộng đồng của họ, hơn là bằng chứng chính thống từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh hoặc các nhóm nghiên cứu y tế khác đưa ra. Sự thiếu tin tưởng này có thể xuất phát từ nhiều lý do, bao gồm cả những trải nghiệm tiêu cực trước đây với bác sĩ hoặc lo ngại rằng các trung tâm chăm sóc sức khỏe hoặc tổ chức chính phủ không quan tâm đến lợi ích của họ. 

Khi các cá nhân không tin tưởng vào bằng chứng từ phía những người mang niềm tin khác biệt, chúng ta thấy các cộng đồng bị phân cực và những người có niềm tin sai lệch không thể tiếp nhận những niềm tin đúng đắn hơn.

Trong khi đó, xu thế tuân theo tập thể là nguyên nhân khiến người ta hành xử giống những thành viên khác trong cùng một cộng đồng. Nó có động lực từ một phần sâu xa trong tâm lý con người và là một yếu tố có thể khiến chúng ta thực hiện những hành động mà chúng ta biết là có hại. Các thành viên trong một cộng đồng sẽ tự bài trừ mọi thông tin mâu thuẫn với niềm tin của cả nhóm, và điều này có thể khiến một số thông tin chân thật không bao giờ được chia sẻ trong một cộng đồng. 

Xu thế tuân theo tập thể có thể giúp giải thích tại sao những người hoài nghi vaccine có xu hướng co cụm trong một số cộng đồng nhất định. Có thể nhìn thấy điều này trong một số trường tư và trường đặc cách ở miền nam California có tỷ lệ tiêm chủng thấp, tỷ lệ tiêm chủng trong số những người Somalia nhập cư ở Minneapolis và người Do Thái chính thống ở Brooklyn cũng thấp một cách đáng kinh ngạc. Các cộng đồng này gần đây đã phải chịu sự bùng phát của dịch sởi. 

Để thay đổi tâm lý nghi ngờ vaccine trong cộng đồng xã hội chúng ta cần phải hiểu biết cả cơ chế tin tưởng vào người cùng cộng đồng và thói tuân theo tập thể. Chỉ đơn giản chia sẻ bằng chứng mới với những người hoài nghi có thể sẽ không có tác dụng, vì họ chỉ tin vào người cùng cộng đồng. Và việc thuyết phục các thành viên uy tín trong cộng đồng lên tiếng về vấn đề tiêm phòng có thể khó khăn vì họ tuân theo tập thể. Cách tiếp cận tốt nhất là tìm những cá nhân có điểm chung với các thành viên của các cộng đồng liên quan để thiết lập niềm tin. Chẳng hạn một giáo sĩ có thể là một đại sứ tuyên truyền về vaccine hiệu quả ở Brooklyn, trong khi ở miền nam California, bạn có thể cần có sự tham gia của một diễn viên nổi tiếng như Gwyneth Paltrow. 
Niềm tin vào người cùng cộng đồng và xu thế tuân theo tập thể có thể giúp giải thích tại sao những niềm tin trái ngược nhau có thể cùng xuất hiện trên các mạng xã hội. Nhưng trong một số trường hợp, bao gồm cả cộng đồng Somalia ở Minnesota và các cộng đồng Do Thái chính thống ở New York, những yếu tố đó chỉ là một phần của câu chuyện. Trên thực tế, cả hai nhóm này đều là mục tiêu của các chiến dịch thông tin sai lệch tinh vi do những người chống lại vaccine bày ra.

Các nhân tố gây tác động

Một nghiên cứu kỹ lưỡng về các trường hợp thao túng trong quá khứ cho thấy có những chiến lược thao túng tinh vi hơn và hiệu quả mà các doanh nghiệp, quốc gia và các nhóm lợi ích sử dụng. Một ví dụ kinh điển đến từ ngành công nghiệp thuốc lá, họ từng phát triển các kỹ thuật mới vào những năm 1950 để chống lại quan điểm đang ngày càng được đồng thuận rằng thuốc lá gây tử vong. Trong những năm 1950- 1960, Viện Thuốc lá đã xuất bản một bản tin hai tháng một số có tên Thuốc lá và Sức khỏe, trong đó chỉ tập trung đưa ra những báo cáo nghiên cứu khoa học cho thấy thuốc lá không có hại hoặc nhấn mạnh sự không chắc chắn về ảnh hưởng đối với sức khỏe của thuốc lá.

Chiến thuật này chúng ta gọi là chia sẻ một cách có chọn lọc, trong đó đưa ra những kết quả nghiên cứu khoa học độc lập có thực, tuy nhiên chỉ đưa ra các bằng chứng và thông tin một chiều phù hợp với quan điểm mà một bên muốn cổ súy. Với những mô hình lan truyền thông tin như đã đề cập trên đây, chúng tôi cho rằng chia sẻ có chọn lọc có thể đem lại hiệu quả kinh ngạc trong việc định hình niềm tin của các đối tượng độc giả không phải nhà khoa học đối với các vấn đề khoa học. Nói cách khác, những người này sử dụng các mảnh của sự thật để tạo ấn tượng về sự thiếu căn cứ chắc chắn để khẳng định sự thật hoặc thậm chí thuyết phục mọi người tin vào những điều sai lầm. 

Chỉ chia sẻ những thông tin có chọn lọc chính là một thủ pháp quan trọng mà các cuốn sách chống vaccine sử dụng. Trước khi dịch sởi bùng phát gần đây tại New York, một tổ chức tự xưng là Cha mẹ Giáo dục và Tuyên truyền cho Sức khỏe Trẻ em (PEACH) đã đưa ra cuốn sách 40 trang có tựa đề “Cẩm nang về An toàn Vaccine’’. Thông tin trong đó đã được lựa chọn kĩ lưỡng, tập trung vào một số ít các nghiên cứu khoa học cho thấy rủi ro liên quan đến vaccine, trong khi đề cập rất ít tới các nghiên cứu cho thấy vaccine an toàn.

Cẩm nang của PEACH đặc biệt hiệu quả vì nó kết hợp chia sẻ có chọn lọc với các chiến lược khuếch trương. Nó tạo dựng niềm tin với người Do Thái chính thống bằng cách định hướng rằng một số tác giả của cẩm nang là người do Do Thái trong cộng đồng (mặc dù cẩm nang được xuất bản với bút danh) và nhấn mạnh vào những lo ngại mà các thành viên cộng đồng này dễ tán đồng. Cuốn cẩm nang chọn lọc các sự thật về vaccine có xu hướng gây ra ác cảm cho các độc giả mục tiêu của nó; ví dụ, cẩm nang nhấn mạnh rằng vaccine có chưa chất gelatin có từ lợn. Dù cố ý hay không, cuốn cẩm nang này được thiết kế theo cách thao túng niềm tin vào người cùng cộng đồng và cả thói tuân theo tập thể – cũng chính là những cơ chế quan trọng trong quá trình định hình tri thức của con người.

Sự tinh vi của nỗ lực truyền tải thông tin sai lệch (và các chiến dịch thông tin sai lệch có mục tiêu rõ ràng để khuếch trương chúng) gây ra vấn đề rắc rối cho nền dân chủ. Trở lại ví dụ về bệnh sởi, trẻ em ở nhiều tiểu bang có thể được miễn tiêm vaccine bắt buộc vì lý do “niềm tin cá nhân’’. Năm 2015 ở California sau khi dịch sởi bắt nguồn từ trẻ em chưa được tiêm chủng khi đến chơi Disneyland thì thống đốc Jerry Brown đã ký một đạo luật mới, SB277 không cho phép miễn tiêm vaccine. Ngay lập tức những người chống tiêm vaccine đã đệ đơn yêu cầu một cuộc trưng cầu dân ý để lật ngược luật đó. 
Thật may rằng nỗ lực thu thập chữ ký đã thất bại nên một cuộc bỏ phiếu trực tiếp không diễn ra – để có một cuộc bỏ phiếu trực tiếp họ cần thu được 365.880 chữ ký, nhưng cuối cùng chỉ đạt 233.758 chữ ký. Nhưng thực tế là hàng trăm ngàn người dân California đã ủng hộ một cuộc bỏ phiếu trực tiếp về một vấn đề có tầm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, khi mà sự thật đã rõ ràng nhưng bị bóp méo bởi các nhóm vận động. Làm thế nào để chúng ta bảo vệ an toàn công cộng khi rất nhiều công dân bị thao túng niềm tin dẫn đến hiểu sai về các vấn đề thực tế? Giống như các cá nhân hành động dựa trên thông tin sai lệch thường không nhận được kết quả như mong muốn, các xã hội mà áp dụng chính sách dựa trên niềm tin sai lệch sẽ phải gánh chịu những hậu quả không như kỳ vọng.

Để phân định về một sự thật khoa học – kiểu như các loại vaccine có an toàn và hiệu quả không? – hẳn không nên dựa trên kết quả bỏ phiếu của một cộng đồng những người không phải chuyên gia về vấn đề này, đặc biệt khi họ phải chịu tác động của các chiến dịch thao túng bằng thông tin sai lệch. 
Cần phân biệt rạch ròi giữa hai câu hỏi: i. Đâu là căn cứ thực tế? ii. Nên làm gì với căn cứ ấy? Một xã hội dân chủ đòi hỏi cả hai câu hỏi được trả lời trước công chúng một cách minh bạch và có trách nhiệm giải trình rõ ràng. Tuy nhiên, chỉ với câu hỏi thứ hai lời giải đáp mới nên được định đoạt dựa trên hòm phiếu. □

Nguyễn Cường lược dịch
—–
*Bài viết này được xuất bản chính thức với tiêu đề “Tại sao chúng ta tin lời nói dối” trên Scientific American 321, 3, 54-61 (Tháng 9, 2019) www.scientificamerican.co

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)