Tản mạn về từ thiện…

Nhìn những người như Tim vui sống bên những bạn trẻ kém may mắn, tôi thấy hơi… thèn thẹn. Cũng trạc tuổi tôi, có năng khiếu hội họa, có thể chọn cuộc sống thanh thản bên trời Âu, nhưng cô đã cống hiến hai mươi năm đẹp đẽ nhất của tuổi trẻ – cho những số phận xa lạ ở một đất nước xa lạ đối với cô ấy (nhưng thân quen đối với tôi).  

Câu chuyện bắt đầu vào khoảng năm 1992, một cô gái khoảng 20 tuổi xuất hiện tại TP HCM. Sau này – như cô kể lại – trước khi đến Việt Nam bằng xe lửa vì không có đủ tiền đi máy bay, cô đã trải qua một hành trình dài du lịch khắp châu Âu, rồi qua Trung Quốc, Mông Cổ…

Là sinh viên mỹ thuật, cô chỉ định đến Việt Nam du lịch. Thế rồi một buổi tối trên đường quay về nhà trọ, cô nghe thấy tiếng khóc của một đứa bé trong ngõ nhỏ. Hóa ra đó là một em bé vô gia cư, đang đói lả bên cạnh thùng rác… Chỉ bắt đầu bằng suy nghĩ tìm cách giúp em bé qua cơn đói, câu chuyện đã đi xa quá dự liệu ban đầu của cô, và khiến cô quyết tâm ở lại Việt Nam để tìm cách giúp đỡ một cách có hệ thống, có tổ chức cho những con người bất hạnh mà cô gặp trong đời…

Qua nhiều thăng trầm, Aline Rebeaud – cô gái sinh ra và lớn lên tại Geneva (Thụy Sĩ) đã khiến chúng ta không khỏi cảm phục… Trong khi không có tổ chức nào đứng ra giúp đỡ một cách bài bản, có phương pháp, thì cô – một mình đơn độc, vừa kiếm sống (thông qua vẽ, bán tranh và nhiều việc khác), vừa đứng ra tổ chức những cơ sở nuôi dưỡng, bảo trợ, dạy nghề và tiêu thụ sản phẩm, vừa đi vận động gây quỹ cho họ… Bố bỏ ba mẹ con cô từ rất sớm, mẹ đã nuôi cô ăn học, và cả hai mẹ con cô phải chăm sóc cậu em trai bị tật nguyền… phải chăng hoàn cảnh đó khiến cô nhạy cảm và dễ thấu hiểu hơn người khác? Trước những cảnh đời bất hạnh. Trung tâm mà cô gây dựng được cô đặt một cái tên dễ nhớ là Maison Chance (tiếng Pháp) – hay Nhà may mắn (tiếng Việt).

Và cô đã ở lại Việt Nam cho đến tận bây giờ, tự học tiếng Việt đến mức sành sỏi, và đứng ra tổ chức nuôi dưỡng bảo trợ cho hàng trăm con người Việt Nam… Khoảng năm 2008, cô bị tai nạn xe máy trên đường về nhà trong hẻm. Chấn thương lồng ngực, đụng dập ở chân.v,v. nhưng cô vẫn không bỏ cuộc. Tổ chức từ thiện do cô sáng lập đó đã thành công trong việc gây quỹ tại Mỹ, rồi sau đó là Canada,v.v. và có trụ sở ở một loạt nước tại Âu châu, Mỹ châu và Việt Nam,v.v.

Ở Nhà may mắn, ta có thể thấy vô số bạn trẻ là nạn nhân của chất độc da cam, những thân hình gầy guộc, dị dạng, nhưng họ vẽ tranh tuyệt đẹp, và dùng máy vi tính thành thạo. Ngoài ra còn có hàng trăm trẻ vô gia cư, trẻ mồ côi,v.v. được nuôi dưỡng, dạy vẽ, dạy nghề, dạy ngoại ngữ, v.v. để các em không những sống sót mà còn sống thực sự có ích…

Tôi nghĩ mãi về những con người như Aline – người mà các cháu bé tật nguyền tại Nhà may mắn và các đồng sự người Việt của cô đã đặt cho cái tên Việt là Tim (trái tim) với hàm nghĩa một người nhân hậu…

Nếu đọc/xem kỹ các cuộc phỏng vấn cô trên báo chí, truyền hình thì sẽ thấy nhiều chi tiết rất nhỏ, nhưng rất thực, rất đời. Chẳng hạn, khi phóng viên hỏi cô có mệt không, cô trả lời, rằng sao không mệt mỏi được, thử vào đó xem, bọn trẻ la hét, nghịch ngợm, ai mà không mệt… Nhưng khi phóng viên hỏi tiếp, mệt mỏi như thế, có khi nào cô tính bỏ cuộc không, thì cô cười rất tự nhiên và nói rằng không bao giờ, dù có nhiều lúc buồn chán, nhưng không khi nào nản lòng đến mức nghĩ tới việc bỏ đi cả… Khi nói về những con người, những mảnh đời mình cưu mang, cô rất khéo léo (bằng tiếng Việt chuẩn theo giọng Nam Bộ) dùng từ “những bạn trẻ kém may mắn” – từ “kém may mắn” của cô thật đáng chú ý. Nhiều người trong chúng ta hẳn sẽ không ngần ngại dùng từ “khuyết tật” hay “tàn tật”, “tàn phế”… Vậy mà cô gọi họ là kém may mắn, phải chăng, cách nói đó đã ẩn chứa sự tôn trọng, sự thương cảm, họ chỉ “kém may mắn” hơn những người như chúng ta, lành lặn và không mất mát người thân, không bị ruồng bỏ… Họ đâu có gì đáng khinh, đáng coi thường… Nếu có cơ hội, biết đâu họ cũng sẽ sống cuộc sống như bao người khác…

Lại nhớ đến chuyện vài năm trước chúng tôi được đón tiếp một nhân vật “VIP”. Ông là VIP theo nghĩa giàu có, và cũng là VIP theo nghĩa làm từ thiện. Xuất thân không dư dật gì, ông đã bước vào thương trường, và thực sự trúng lớn khi là người đi đầu trong chuỗi các dịch vụ bán hàng miễn thuế (duty free) trên phi cơ. Khi đã thành tỷ phú, ông quyết định làm từ thiện ở nhiều nơi, nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Trước chuyến đi của ông, một “đặc phái viên” được cử sang Việt Nam thị sát – hẳn là ông muốn biết chắc chúng tôi xứng đáng với sự giúp đỡ của ông. Chúng tôi phải dành nguyên cả một buổi chiều để trả lời các câu hỏi của “đặc phái viên”. Sau cuộc “thi vấn đáp” đó, ông ta đứng lên với vẻ mặt thỏa mãn, và tuyên bố rằng sơ bộ thì tổ chức từ thiện của ngài tỷ phú đó đã thấy có lý do để đầu tư cho chúng tôi…

Buổi đón ngài tỷ phú diễn ra mấy tháng sau đó, khỏi phải nói, chúng tôi chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Vậy mà, đến phút cuối, khi nhìn thấy phái đoàn từ ô tô bước xuống sân, tất cả chúng tôi đang đứng trên hành lang tầng hai đều không ai bảo ai, nhất loạt tháo hết cà vạt ra. Số là ông tỷ phú hóa ra vô cùng giản dị, không mặc vét hay lễ phục… Vậy thì chủ nhà chúng tôi cớ gì lại ăn mặc quá trịnh trọng để đón ông… Sau này, chúng tôi được biết thêm, ông vô cùng giản dị, đến mức bị coi là lập dị. Ông đi máy bay không bao giờ mua vé hạng thương gia, chỉ ngồi ghế phổ thông như phần lớn hành khách khác. Ông có một chiếc vali đã theo ông vài chục năm khắp địa cầu, nay những chỗ sờn rách được ông dán băng dính để xài tiếp(!). Khi đón tiếp ông, nguyên tắc bất thành văn là không họp báo, không quay phim chụp ảnh. Mãi gần đây tổ chức từ thiện do ông sáng lập mới mở trang web và công khai một chút thông tin, vì ông không muốn nhiều người để ý đến việc làm từ thiện của mình… Tổ chức của ông rất gọn nhẹ, ít người. Tôi đã được đến thăm một văn phòng chi nhánh của ông tại một hòn đảo nhỏ tuyệt đẹp ngoài khơi thành phố Seattle, và chứng kiến sự nhỏ gọn của văn phòng cả về mặt nhân sự và cơ sở vật chất, nhưng rất đẹp – một vẻ đẹp giản dị cao quý.

Nhìn những người như Tim vui sống bên những bạn trẻ kém may mắn, tôi thấy hơi… thèn thẹn. Cũng trạc tuổi tôi, có năng khiếu hội họa, có thể chọn cuộc sống thanh thản bên trời Âu, nhưng cô đã cống hiến hai mươi năm đẹp đẽ nhất của tuổi trẻ – cho những số phận xa lạ ở một đất nước xa lạ đối với cô ấy (nhưng thân quen đối với tôi).

Nếu phần nhiều người trong số chúng ta khi được biết về những con người như vậy, những câu chuyện như vậy mà ít nhiều cảm thấy phải động tâm suy nghĩ, thì tôi tin, chúng ta vẫn còn hy vọng trong việc xây dựng một xã hội với những con người có tâm hồn lành mạnh…

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)