Tạp chí khoa học ngụy tạo – mặt trái của Open-Access

Hôm 17/1 vừa qua, chuyên gia thư viện danh tiếng Jeffrey Beall (ĐH Colorado, Denver, Mỹ) đã chính thức xóa bỏ danh sách những tạp chí khoa học đáng ngờ mà ông dày công xây dựng từ năm 2010, đúng hai tuần sau lần cập nhật thường niên. Beall từ chối bình luận, nhưng những nguồn tin thân cận cho biết ông đã phải chịu nhiều áp lực trong một thời gian dài từ phía trường đại học chủ quản, từ một số tạp chí/nhà xuất bản có tên trong danh sách của ông và cả từ những người ủng hộ mô hình tạp chí khoa học truy cập miễn phí, một mô hình tuy đem lại nhiều lợi ích nhưng cũng còn không ít điểm tồn nghi.


Danh sách Beall bị chỉ trích khá nhiều với những lập luận rằng ông quá chú trọng việc đánh giá website của tạp chí/nhà xuất bản mà hầu như không liên lạc trực tiếp với họ. Một số tiêu chí đánh giá bị coi là không có căn cứ, hoặc khó kiểm chứng, hay không phù hợp với các tạp chí từ các quốc gia đang phát triển. Bên cạnh đó, bản thân Beall bị cho là có định kiến với mô hình OA. Tuy nhiên, như chính Beall nhiều lần thừa nhận, danh sách này là một nỗ lực độc lập của cá nhân ông, và chủ yếu mang tính tham khảo. Trong ảnh: Jeffrey Beall – nguồn: The New York Times.

Bùng nổ ngoài dự đoán

Mô hình truy cập miễn phí (Open-Access, OA) đã xuất hiện từ thập niên 1990 và song hành với sự phát triển của mạng Internet tốc độ cao để trở thành một trào lưu mạnh mẽ, cạnh tranh với mô hình truyền thống nơi người đọc phải trả tiền (Toll-Access, TA).

Cho đến nay, những người ủng hộ OA vẫn lập luận rằng nó là sản phẩm của tiến bộ công nghệ và nỗ lực vì bình đẳng, nhưng trên thực tế, nó còn là hệ quả của nhiều vấn đề khác nhau trong một bối cảnh phức tạp hơn mà về sau thường được các chuyên gia thư viện gọi là “khủng hoảng dây chuyền” (serial crisis).

Đầu tiên, phải kể đến việc giá đặt mua các tạp chí khoa học đã tăng cao đến mức giới thư viện không đủ khả năng chi trả và phải giảm hoặc ngừng đặt mua. Quyết định này dẫn đến việc các nhà xuất bản đưa ra các lựa chọn đặt mua theo “gói” nhiều tạp chí một lúc cùng các chính sách giảm giá hấp dẫn khác để dần dần giải quyết khủng hoảng vào đầu thập niên 2000.

Cùng thời điểm đó, số lượng nghiên cứu tăng nhanh đến mức các tạp chí khoa học sẵn có không thể bình duyệt và xuất bản hết1. Công nghệ thông tin phát triển giúp cho các tổ chức (như viện nghiên cứu, trường đại học…) cỡ vừa và nhỏ cũng có thể xuất bản không mấy khó khăn và ở mức giá phải chăng. Có cầu thì ắt có cung, một loạt tạp chí khoa học mới ra đời trong khi nhiều tạp chí khác chuyển sang xuất bản trực tuyến để cắt giảm chi phí.

Tạp chí OA phát triển mạnh trong bối cảnh như vậy, nhưng cùng với đó là thay đổi về mục tiêu. Trong mô hình truyền thống, người đọc là khách hàng. Còn với rất nhiều tạp chí OA, tác giả bài báo mới là đối tượng phục vụ. Một thực tế mới xuất hiện – càng xuất bản nhiều bài thì tạp chí OA càng thu được nhiều tiền từ các tác giả (dưới dạng “phí xử lý bài báo”2), nhất là khi họ không hề bị giới hạn về khuôn khổ hay số trang như tạp chí in truyền thống.

Và dạng “tha hóa” của OA ra đời: predatory journal, tạm dịch là tạp chí ngụy tạo3, chuyên dụ dỗ các tác giả trả tiền để đăng bài nhưng không thực hiện quy trình phản biện độc lập, hoặc thực hiện vô cùng qua loa.
Nếu có điều gì nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia thư viện thì đó là mức độ nghiêm trọng: Năm 2014, khoảng 8.000 tạp chí ngụy tạo công bố 420.000 bài báo. Con số này mới chỉ là 53.000 bài và 1.800 tạp chí vào bốn năm trước đó. Để so sánh, toàn bộ hệ thống tạp chí “nghiêm túc” – với 28.100 tạp chí tiếng Anh và 6.450 tạp chí dùng ngôn ngữ khác – xuất bản được khoảng 2,5 triệu bài báo mỗi năm, theo báo cáo của Hiệp hội các nhà xuất bản về Khoa học, Công nghệ và Y tế năm 2015 (STMReport 2015).

Beall đưa ra một ví dụ đáng kinh ngạc hơn: “tạp chí” PLOS ONE thu 1.350 USD cho mỗi bài báo của các tác giả ở các quốc gia thu nhập trung bình và cao, năm 2006 mới xuất bản 138 “công trình” nhưng đến năm 20124 đã xuất bản tới 23.464 “công trình” và trở thành “tạp chí khoa học” lớn nhất thế giới.

“Thí nghiệm” vào hang bắt thỏ

Một ví dụ kinh điển về chất lượng tạp chí ngụy tạo là “thí nghiệm” của John Bohannon, được công bố trên tạp chí Science tháng10/2013. Trong 10 tháng liền (từ tháng 9/2012 đến tháng 7/2013), Bohannon đã gửi 304 phiên bản khác nhau của một nghiên cứu do ông ngụy tạo đến các tạp chí OA. Tất cả đều cùng một dạng: phân tử X có trong loài địa y Y ngăn cản tế bào ung thư Z phát triển. Bohannon ngụy trang bằng cách bịa ra một cơ sở dữ liệu, rồi dùng phần mềm máy tính để tạo ngẫu nhiên từ tên tác giả đến tên viện nghiên cứu và cả tên loài địa y thần kỳ nọ.

Bohannon đã cẩn thận đưa vào các bài báo nhiều chi tiết sai lộ liễu, trong mô tả thí nghiệm và bảng biểu; ông dùng phần mềm Google Translate để dịch các bài báo sang tiếng Pháp, rồi lại lấy kết quả đó dịch sang tiếng Anh để đảm bảo văn phong không giống người nói tiếng Anh.

Kết quả (tính đến thời điểm “thí nghiệm” được công bố): 157 tạp chí chấp nhận, 98 từ chối, 49 chưa kết luận (29 trong số đó không trả lời, 20 nói rằng vẫn đang phản biện). Chỉ có 36 tạp chí có nhận xét về nội dung học thuật của bài báo nhưng cuối cùng vẫn có 16 tạp chí trong số đó chấp nhận đăng.

“Thí nghiệm” Bohannon cũng chứng minh rằng danh sách tạp chí đáng ngờ của Beall là rất chính xác. 82% số các tạp chí có tên trong Danh sách Beall và có hoàn thành quy trình phản biện, đã chấp nhận bài báo. Trong lần cập nhật cuối cùng vào ngày 3/1/2017, danh sách này đã liệt kê 1.155 nhà xuất bản, 1.294 tạp chí độc lập, trong đó có gần 300 tạp chí dạng mega-journal như PLOS ONE.

Hai mặt của truy cập mở

Beall cho rằng về bản chất, OA là một phong trào chống nghiệp đoàn (anti-corporatism) và những người ủng hộ OA trên thực tế muốn biến mọi thứ thành “sở hữu tập thể” để tiêu diệt doanh nghiệp tư trong thị trường trị giá hàng chục tỷ USD này.

Trong suốt ba thế kỷ rưỡi kể từ khi tạp chí khoa học đầu tiên được phát hành5, các nhà xuất bản không ngừng vật lộn để làm hài lòng khách hàng của họ, những độc giả khó tính nhất trên thế giới, những nhà khoa học sẵn sàng ngừng đặt mua tạp chí ngay khi thấy chất lượng giảm sút. Họ, như cách nói của Beall, phải “sống chết vì lượng đặt mua, khuyến khích chất lượng và sự sáng tạo”.

Ngược lại, mô hình OA tạo cơ hội cho các tạp chí ngụy tạo bỏ qua hoàn toàn những chuẩn mực tối thiểu trong ngành.

Beall và các cộng sự của ông chỉ trích giới lãnh đạo các trường đại học Mỹ và một bộ phận các giáo sư “hàng đầu”, những người nhận mức lương “tăng chóng mặt trong hai thập kỷ qua”, là những người lớn tiếng nhất trong việc cổ vũ cho OA, dẫn đến tình trạng “tham nhũng quy mô lớn” và khiến vô số nhà khoa học trẻ, thiếu kinh nghiệm – chủ yếu từ các nước đang phát triển – trở thành mồi ngon cho các tạp chí ngụy tạo. Thêm vào đó, những kẻ cơ hội lại bắt tay với các tạp chí này để làm đẹp lý lịch khoa học nhằm mục tiêu thăng tiến.

Dù kịch liệt phản đối mô hình OA, giới chuyên môn mà Beall là một đại diện vẫn thừa nhận những lợi ích nhất định của mô hình này. Một trong những điều được nhắc đến nhiều nhất, thật mỉa mai, là OA hóa ra lại khiến những hành vi sai trái của tác giả dễ bị phát giác hơn. Những công trình “dỏm” như bài báo “mồi” của Bohannon có thể dễ dàng được truy cập từ bất kỳ đâu, và không cần phải có trình độ thật cao mới có thể phát hiện những sai sót trong đó.

Tương tự, OA có những kẽ hở cho đạo văn hay salami6 sinh sôi nhưng ở chừng mực nào đó, nó cũng giúp cộng đồng khoa học tiếp cận và phát hiện sai phạm thuận lợi hơn. Số lượng bài báo “rác” ngày càng tăng, nhưng những hệ thống cảnh báo và đánh giá độc lập cũng đang phát triển, đủ để giúp các nhà khoa học chân chính phân biệt vàng thau.

Những người lạc quan thì nói rằng, nhờ có tạp chí ngụy tạo mà tạp chí nghiêm túc lại càng “có giá”. Trong khi đó, dưới áp lực từ những chuyên gia như Beall, các hệ thống trích dẫn lớn như ISI hay Scopus sẽ rà soát thường xuyên hơn để phát hiện các tạp chí không còn đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của họ.

 “Kiểu phong trào nhằm thay thế thị trường tự do bằng thị trường giả tạo… như thế này hiếm khi thành công,” Beall viết trong một bài báo xuất bản năm 2013.

Ngay sau khi danh sách của ông bị gỡ bỏ, Lacey E. Earle, phó chủ tịch phụ trách phát triển kinh doanh của Cabell’s International – một công ty cung cấp giải pháp giúp các thư viện, nhà nghiên cứu và các đối tượng khác tìm kiếm tạp chí khoa học phù hợp với mình – đã chia sẻ trên mạng xã hội Twitter rằng Beall “bị buộc phải đóng blog vì lý do chính trị và bị đe dọa”. Bà cũng tuyên bố Cabell vẫn ủng hộ Beall trong khi nhiều nguồn tin khác nói họ đang hợp tác với Beall để xây dựng một danh sách tương tự như Beall’s List.

Trước đó, tháng 8/2016, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã khởi kiện OMICS Group – một tập đoàn đóng tại Ấn Độ, có chi nhánh ở Nevada, sở hữu hơn 700 tạp chí mà họ quảng cáo là “hàng đầu và được phản biện độc lập” – về nhiều tội, trong đó có tội lừa đảo các nhà khoa học và không công khai ngay từ đầu các khoản phí xử lý bài báo vốn ở mức từ vài trăm cho đến hàng ngàn USD. Có lẽ không ai ngạc nhiên khi biết trước đó, vào năm 2013, chính OMICS đã đe dọa kiện Beall và đòi bồi thường tới 1 tỷ USD.

Việc kiện tụng sẽ còn lâu mới kết thúc, nhưng ít nhất nó cho thấy đã có những nỗ lực đáng kể nhằm bảo vệ một thị trường tự do và trong sạch. Trong khi chờ đợi, cộng đồng khoa học vẫn tiếp tục chia sẻ với nhau các phiên bản đã được lưu lại của Danh sách Beall.

Một số đặc điểm của tạp chí ngụy tạo:
– Chấp nhận bài rất nhanh, thường không có phản biện độc lập hay kiểm soát chất lượng, chấp nhận cả những bài có nội dung phi lý;
– Chỉ thông báo với tác giả về phí xử lý bài sau khi bài đã được chấp nhận;
– Tích cực mời chào gửi bài hoặc tham gia vào hội đồng biên tập;
– Đưa các nhà khoa học vào hội đồng biên tập khi chưa được phép, và không cho họ rời hội đồng biên tập;
– Đưa các nhà khoa học giả mạo vào hội đồng biên tập;
– Dùng tên hoặc thiết kế website gần giống với các tạp chí có uy tín;
– Thông tin sai lệch về hoạt động xuất bản, chẳng hạn như giả mạo thông tin về trụ sở;
– Hệ số ảnh hưởng (impact factor) giả, hoặc không có.

Nguồn tham khảo:
No more Beall’s List
https://www.insidehighered.com/news/2017/01/18/librarians-list-predatory-journals-reportedly-removed-due-threats-and-politics
Who’s Afraid of Peer Review? http://science.sciencemag.org/content/342/6154/60.full
Investigating journals: The dark side of publishing http://www.nature.com/news/investigating-journals-the-dark-side-of-publishing-1.12666
Controversial website that lists ‘predatory’ publishers shuts down http://www.nature.com/news/controversial-website-that-lists-predatory-publishers-shuts-down-1.21328
The FTC Is Cracking Down on Predatory Science Journals
https://www.wired.com/2016/09/ftc-cracking-predatory-science-journals/
Beall,Jeffrey (2013), The Open-Access Movement is Not Really about Open Access, tripleC 11(2): 589-597,
Beall,Jeffrey (2013), Predatory publishing is just one of the consequences of gold open access, Learned Publishing, 26: 79–84, doi:10.1087/20130203
International Association of Scientific, Technical and Medical Publishers (2015), The STM Report: An overview of scientific and scholarly journal publishing, The Netherlands
———
1 Thông thường một bài báo khoa học cần tối thiểu sáu tháng để bình duyệt và xuất bản. Thời gian có thể kéo dài gấp đôi hoặc hơn nữa ở những tạp chí “khó tính”. Các tạp chí uy tín cũng thường chỉ xuất bản khoảng 10 bài trên mỗi số phát hành.
2 Article processing charge (APC), hoặc publication fee.
3 Nếu trực dịch thì phải là “tạp chí săn mồi” hoặc “tạp chí ăn cướp”. Giới chuyên môn đưa ra thuật ngữ này ám chỉ các tạp chí này chuyên “săn” các nhà khoa học thiếu kinh nghiệm và “ăn cướp” của các nhà xuất bản nghiêm túc.
4 Được coi là năm bùng nổ của tạp chí lừa đảo.
5 Năm 1665, hai chí khoa học đầu tiên công bố có hệ thống các kết quả nghiên cứu khoa học được xuất bản, một bằng tiếng Anh, một bằng tiếng Pháp.
6 Chỉ việc cắt nhỏ một công trình ra thành nhiều bài báo để đăng ở nhiều nơi, giống như cắt lát salami.

 

 

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)