Thách thức của báo chí KH&CN dành cho đại chúng

Hầu hết những thách thức đặt ra trong mọi lĩnh vực của sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước đều rất cần đến các giải pháp tối ưu có cơ sở KH&CN vững chắc. Và một trong những nhiệm vụ cơ bản của nền báo chí KH&CN là phải tạo ra những diễn đàn KH&CN giàu chất lượng, nơi cung cấp cho các nhà quản lý và công chúng những thông tin KH&CN trung thực, khách quan, để giúp họ kịp thời định hình và làm sáng tỏ những vấn đề trọng yếu mà xã hội cần quan tâm.

Nhưng thực tế cho thấy nền truyền thông KH&CN Việt Nam từ nhiều năm nay chưa đáp ứng được đòi hỏi cấp bách này, trước hết là do tư duy cứng nhắc, sáo mòn, cho rằng truyền thông KH&CN chỉ bao hàm sự tuyên truyền, phổ biến kiến thức KH&CN, theo đó công chúng độc giả bị mặc định là đối tượng có trình độ nhận thức thấp hơn, chỉ được đóng vai trò thụ động là tiếp nhận thông tin, nhất là đối với những chủ trương, chính sách quan trọng, có sức ảnh hưởng xã hội sâu rộng, đơn cử như chương trình điện hạt nhân. Đồng thời, hầu hết báo chí KH&CN hiện nay ở Việt Nam thiếu chuyên nghiệp, không ít nội dung thông tin KH&CN dành cho đại chúng được khai thác một chiều, cảm tính, hời hợt, chiều theo tâm lý đám đông, thiếu sự tham vấn của các nhà khoa học, chuyên gia phản biện độc lập có uy tín, khiến nhiều thông tin thiếu cơ sở khoa học, không ít trường hợp thiếu trung thực, khách quan. Đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nội dung truyền thông KH&CN thiếu tính thuyết phục, hấp dẫn, không thu hút được sự quan tâm của số đông công chúng.

Báo chí KH&CN cũng chưa tận dụng tốt những tiến bộ về công nghệ internet và kỹ thuật số để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả trong nền truyền thông hiện đại, đó là phải cho phép độc giả dễ dàng tương tác đa chiều, nhanh chóng tiếp cận bắc cầu từ nội dung này sang nội dung khác, và tức thời chia sẻ các nội dung họ quan tâm cũng như quan điểm cá nhân của họ với cộng đồng. Sự lạc hậu công nghệ so với xu thế thời đại không chỉ khiến báo chí KH&CN ngày càng mất đi độc giả, mà còn khiến họ bỏ lỡ cơ hội khai thác những thông tin thống kê giá trị, bởi nền tảng công nghệ mới cũng chính là công cụ lý tưởng để lưu trữ dữ liệu và nắm bắt kịp thời tâm lý, các mối quan tâm, quan điểm của các nhóm độc giả trong xã hội, giúp các nhà quản lý và giới khoa học nhanh chóng nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân đối với chủ trương, chính sách, dự án phát triển của Nhà nước.

Việc khắc phục những nhược điểm cơ bản trên đây là nhiệm vụ vô cùng cấp bách, không chỉ giúp báo chí KH&CN khôi phục vị thế của mình, mà còn nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng dân chủ đang ngày càng gia tăng, tạo cơ hội đối thoại trung thực, khách quan giữa các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia và cộng đồng, góp phần quan trọng tạo ra sự đồng thuận xã hội đối với mọi lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội.

 

Tác giả