Thay Thư mời bằng Nghị định

Dù còn nhiều ý kiến khác nhau (thậm chí ông nói gà, bà nói vịt) về thực trạng khoa học công nghệ nước nhà, thì một sự thật hiển nhiên mà bất cứ ai tâm huyết với sự phát triển của KH&CN đều trăn trở, băn khoăn, lo lắng, đó là, dù được coi là quốc sách hàng đầu nhưng hiệu quả hoạt động KHCN của ta thật mờ nhạt, chưa phát huy được vai trò động lực phát triển KT-XH trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu; tiềm lực khoa học thấp kém so với một số nước trong khu vực dù tiền đầu tư không ít.




 Một con số so sánh gần đây thường được đưa ra để dẫn chứng: “Năm 2006, ĐH Chulalongkorn Thái Lan công bố quốc tế 332 bài, trong khi mỗi đại học hàng đầu của chúng ta chỉ có 5-7 bài mà phần lớn là về toán và vật lý lý thuyết”.  (GS Phạm Duy Hiển- Tia Sáng 20.1.2007), và có nguy cơ tụt hậu ngày càng xa ở sân chơi quốc tế.

Nguyên nhân của thực trạng trên có nhiều, trong đó có một nguyên nhân mà trên diễn đàn của Tia Sáng, nhiều nhà khoa học có uy tín đề cập đến, đó là từ nhiều năm nay, chúng ta không xây dựng và thực thi một tiêu chuẩn rõ ràng dựa trên chuẩn mực quốc tế để xét duyệt, nghiệm thu các đề tài nghiên cứu.của những hội đồng mà phần lớn không đủ năng lực chuyên môn và thẩm quyền, khiến môi trường học thuật bị ô nhiễm với những bất thường, tiêu cực (mà công luận đã đề cập đến nhiều) và dung dưỡng những giá trị ảo. Có những vị một thời có được những thành tựu nghiên cứu khoa học nhất định, nhưng đã “rửa tay gác kiếm” từ lâu, được tôn vinh là cây đa, cây đề, được giao lãnh đạo, quản lý các cơ sở nghiên cứu, làm chủ nhiệm “nhiều đề tài nghiên cứu cấp nhà nước đến mức nếu cộng thời gian mà họ đăng ký cho tất cả đề tài thì giờ làm việc của họ vượt quá 24h/ngày và số ngày làm việc phải vượt 365 ngày/năm” (TS Lê Đăng Doanh- Tia Sáng 20.11). Thực chất họ chỉ là một dạng cai đầu dài trong nghiên cứu khoa học; thiếu trung thực, trách nhiệm trong công việc được giao. Có vị thậm chí còn là lực cản trong việc đổi mới cơ chế hoạt động KHCN. Ta có thể thấy rõ điều này qua việc gần như làm ngơ trước Nghị định 115 (được coi là khoán 10 trong hoạt động KHCN) ở các trung tâm nghiên cứu lớn như Viện KH&CN Việt Nam, Viện KHXH&NV Việt Nam, Bộ Giáo dục & đào tạo…
Để khắc phục nguyên nhân này, cùng với việc xây dựng và ban hành một số qui chế xét duyệt và nghiệm thu các đề tài nghiên cứu, đầu năm 2007, Bộ KH&CN đã có “Thư mời đăng ký chuyên gia khoa học và công nghệ” nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về năng lực, trình độ, thành tựu và những đề tài đang triển khai của từng cán bộ khoa học. Làm cơ sở khoa học cho việc đánh giá thực trạng tiềm lực đội ngũ KH&CN, đề ra các chương trình, hướng nghiên cứu ưu tiên; biện pháp, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ khoa học… đáp ứng yêu cầu chiến lược phát triển KHCN của đất nước.
Nhưng theo Trung tâm hỗ trợ và đánh giá khoa học công nghệ của Bộ KH&CN (cơ quan được giao quản lý các phiếu đăng ký), thì cho đến nay mới chỉ thu được hơn 2000 mẫu đăng ký (bằng 1/10 lực lượng nghiên cứu). Phần lớn mẫu này là của thạc sĩ, tiến sĩ mới bảo vệ và đáng lưu ý là hầu như hoàn toàn vắng bóng các nhà lãnh đạo quản lý ở các viện nghiên cứu. Chúng ta có thể hiểu được vì sao cộng đồng khoa học Việt Nam không mặn mà với việc đăng ký chuyên gia, trong khi đó là việc làm tất yếu của nhà khoa học ở các nước.
Vì vậy, Bộ KH&CN nên nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một Nghị định về việc đăng ký chuyên gia KH&CN, trong đó có một điều khoản qui định mọi cán bộ khoa học nếu muốn nhận/tham gia đề tài nghiên cứu phải đăng ký chuyên gia với cơ quan quản lý.
Nghị định có tính pháp lý này sẽ góp phần giúp Bộ KH&CN đánh giá đúng thực trạng tiềm lực đội ngũ KHCN đồng thời loại trừ dần những giá trị ảo trong cộng đồng khoa học.
Tia Sáng
Công việc hệ trọng này dựa chủ yếu vào kinh nghiệm, cảm tính.

Tia sáng

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)