Thế hệ digital

Những người mười mấy đôi mươi hiện nay, trên toàn thế giới, là thế hệ digital đầu tiên, ra đời và lớn lên cùng với sự ra đời và phát triển của những thiết bị số hóa, kỹ nghệ số hóa, thông tin số hóa, giải trí số hóa, kiểu sống số hóa, nhận thức số hóa. Cuộc sống của những người này gắn liền với thế giới số hóa. Và không phải chỉ ở những chốn đô thị giàu có.

Chuẩn bị về thăm nhà, một trong những việc cần làm là mua quà cho người thân kẻ sơ, nhất là khi mình về nhằm dịp lễ tết. Trước đây, việc này là cả một niềm vui. Từ khi mua vé máy bay đến ngày đi thường là cả tháng, hoặc dài hơn, mua vé trước càng sớm càng rẻ mà, nên tôi có năm ba cái cuối tuần tha hồ dạo khắp các phố phường, thương xá hay trung tâm thương mại, ngắm nghía, thử rồi cân nhắc từng món hàng bắt mắt, tính toán túi tiền, lập danh sách món quà nào tặng cho ai thì đúng điệu nhứt.

Dần dà, chắc tại tuổi tác dồn lên gân cốt khiến việc đi rảo bốn năm tiếng đồng hồ từ cửa hàng này đến cửa hàng khác trở nên mệt mỏi, mới nghĩ tới đi mua sắm đã bắt ngán. Với lại, năm nào cũng đi về một hai lần, riết rồi không biết mua cái gì cho đặc biệt. Lần trước, lụi hụi chèn nhét mấy cái va li, cân lui cân tới (hãng hàng không cắt bớt trọng lượng hành lý ký gởi), đem về tới Sài Gòn thì thấy những món “quà Mỹ” của mình bày bán đầy đường đầy tiệm! Nên lần này tôi chơi kiểu khác, mùa thu hái mận hái táo trong vườn lớp sấy khô lớp làm mứt, đem những thứ “homemade” này về làm quà, bảo đảm không thể đụng hàng.
Lợi điểm là mình đỡ nhức đầu suy nghĩ: ai ai cũng được quà như nhau! Tuy nhiên có một số người tôi ưu tiên được quyền đề đạt nguyện vọng: thích cái gì thì nói sớm để tôi liệu mua sắm, sắp tới mùa sale ở đây rồi. Và bữa nay tôi nhận được danh sách những “điều ước”: iPhone, Nook, iPad, mini laptop. Trước tiên tôi lên mạng xem mấy thứ đó là cái gì. Thú thực ngoài cái laptop nặng hơn 3 kí lô xài mấy năm nay, phần cứng đã lạc hậu, phần mềm không cập nhật được, nhiều phím đã tróc chữ, con chuột đã lờn, nhưng vì xài đã quen và vẫn còn xài được nên vẫn cứ xài, tôi không biết chút gì về mấy đồ điện tử kia. Những năm gần đây tôi theo phái chủ trương giải thoát mình khỏi chủ nghĩa tiêu thụ, cái gì không phải nhu cầu thì không sắm đua theo quảng cáo.

Dĩ nhiên người ta không giống mình. Nhứt là khi người ta còn trẻ, mới có mười mấy hăm mấy tuổi. Tôi bèn lụi hụi tìm hiểu, trao đổi với những người có kinh nghiệm về những hàng hóa thời thượng. Bỗng nhận ra một điều: những người mười mấy đôi mươi hiện nay, trên toàn thế giới, là thế hệ digital đầu tiên, ra đời và lớn lên cùng với sự ra đời và phát triển của những thiết bị số hóa, kỹ nghệ số hóa, thông tin số hóa, giải trí số hóa, kiểu sống số hóa, nhận thức số hóa. Cuộc sống của những người này gắn liền với thế giới số hóa. Và không phải chỉ ở những chốn đô thị giàu có.

Một trong những người gởi “điều ước” về một cái iPhone cho tôi đang sống ở một miền quê hẻo lánh (theo ký ức của tôi) ở Việt Nam. Người đó, tạm gọi là Bạn, nói với tôi qua Skype từ một quán game ở thị trấn đèo heo của mình, rằng trong xóm thiếu gì đứa có, anh chị tụi nó đi làm ăn hay đi lấy chồng ở Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… đem về, gởi về, tiệm trong chợ cũng có bán, cái mắc nhứt, đời mới nhứt, cỡ mấy chỉ vàng! Tôi nhớ lần thăm xóm của Bạn, cứ dăm ba nhà là có một nhà có con gái đi lấy chồng xa xứ hay đi “làm ăn” ở quê người. Chiều tối bạn chở tôi bằng xe gắn máy trên con đường lở lói vì lũ lụt hàng năm “ra chợ” chơi, chứ xóm nhỏ vắng vẻ tối thui. Ở chợ có mấy quán cà phê internet, bạn gọi là tiệm game vì người ngồi trong đó chơi game là chính.

Người bạn ước mini laptop lâu nay vẫn dùng máy tính để bàn ở nhà, nói nào ngay cũng cũ cỡ laptop tôi đang xài. Bạn muốn có laptop để ra quán café wifi ngồi, mà phải là cái be bé xinh xinh cơ. Bạn gởi tôi mấy cái link đến những trang web quảng cáo sản phẩm mà bạn muốn có. Dịch dụ thương mại thời số hóa không bị cản trở bởi những sông đèo hiểm trở ngăn đường xe quảng cáo với cái loa rè của một hai thập niên trước. Bây giờ một sản phẩm digital vừa ra đời ở Mỹ hay Nhật, lập tức, gần như cùng lúc, nó được quảng cáo đến tận mọi hóc bò tó trên trái đất. Cho dù ở hóc bò tó đó, một người cuốc đất cả ngày kiếm được một trăm ngàn, nhưng chuyện phiếm ở góc đường hay trên mạng toàn nói đến những nhà xe siêu sao, ngân sách thất thoát, doanh nghiệp lời lỗ, đề án vay mượn, biếu tặng công khai và bí mật… cỡ tỷ và tỷ. Thì so ra, mấy món đồ digital giá vài chục đến vài trăm đô… đâu phải là điều ước quá đáng.

Những người quan sát xã hội phương tây (hơi già) nói đến thế hệ digital với chút ghen tỵ và đầy kiêng dè, bởi vì thế giới số hóa và những phương tiện kỹ thuật số ngày càng hoàn hảo đang (đã) đẩy xa biên giới của tri thức, xóa những giới hạn hữu hình và vô hình trong khả năng con người, tạo ra vô vàn cơ hội để con người hiểu biết, chia sẻ, mưu lợi hay hoàn thiện bản thân và xã hội, ngoài việc làm cho đời sống thú vị và tiện nghi hơn trong giải trí và giao tiếp. Sở hữu những phương tiện kỹ thuật số là ham muốn hiểu được, nhưng sử dụng nó như thế nào để làm gì…

Ôi, bạn bực mình gắt. Không mua nổi thì thôi, không cho thì thôi, nói chi dài dòng… Bạn offline. Tôi hóa ra là một bà già keo kiệt hủ lậu ư?

 

Tác giả