Thế nào là “xã hội công dân”?

Khái niệm “xã hội công dân”, còn gọi là “xã hội dân sự”, “xã hội dân gian”... đã phổ biến ở nước ta từ nhiều năm qua, ít nhất cũng hai mươi năm. Nhưng, cũng như tại mấy nước Á Đông khác từng dùng chữ Hán cả ngàn năm, mọi người vẫn chưa đồng ý hoàn toàn về cách dịch các từ ngữ này trong tiếng Anh (civil society) hay tiếng Pháp (société civile). Tình trạng phân vân đó không hoàn toàn chỉ vì khó khăn khi thông dịch, mà nằm ngay trong ý nghĩa của danh từ gốc trong tiếng nói các nước phương Tây. Trong lịch sử cũng như trong cách suy tưởng, khái niệm đó bao hàm nhiều nghĩa khác nhau, các nghĩa cũng thay đổi với thời gian.


Trước khi đề nghị dùng từ “xã hội công dân” để diễn tả khái nhiệm này, để công bằng đối với các từ Hán Việt khác, tôi xin phép tránh không quyết định dùng cách dịch nào: hãy tạm dùng từ “civil society” trong tiếng Anh, hoặc “société civile” tiếng Pháp.
Khái niệm société civile xuất hiện trong ngôn ngữ phương Tây từ thế kỷ 16, khi nói đến giới học thức ưu tú trong xã hội bên ngoài guồng máy chính quyền quân chủ chuyên chế. Đến thế kỷ 18 khái niệm này được sống lại cùng với quá trình công nghiệp hóa, thương mại hóa, và sự xuất hiện của giai cấp tư sản. Như Karl Marx đã nhận ra, sự xuất hiện của kinh tế hàng hóa, thị trường, làm thay đổi mọi tương quan xã hội. Phương thức sản xuất mới tạo ra những tài sản lớn của cá nhân; giai cấp tư sản có nhu cầu bảo vệ các tài sản của họ. Do đó, họ bắt đầu tranh giành quyền lực với vua chúa và các giáo hội ở Châu Âu, và société civile đã ra đời trong nỗ lực đối kháng này. Adam Ferguson với cuốn “Tiểu luận về lịch sử civil society” xuất bản năm 1767 đã định nghĩa lại khái niệm “civil society” từ triết học qua xã hội học, để nhấn mạnh vai trò của định chế này đối chiếu với guồng máy cầm quyền phong kiến thời đó.
Từ “civil society” có thể bao gồm tất cả các hoạt động có tính cách tổ chức, vượt lên trên phạm vi cá nhân hoặc gia đình nhưng không nằm trong hệ thống của chính quyền. Từ đó tới nay, “civil society” vẫn dùng để chỉ tính chất độc lập và đôi khi đối kháng với guồng máy chính quyền. Cùng với sự phát triển của công nghiệp và thương mại, giới tư sản và trí thức Châu Âu xác định các tổ chức và sinh hoạt ở ngoài guồng máy cai trị của vua chúa hoặc nhà thờ. Cùng với sự phát triển của kinh tế tư sản, “civil society” xác định một “lĩnh vực tư” khác với “lĩnh vực công” mà guồng máy nhà nước phụ trách. Cả hai sự phát triển song hành đó đều dựa trên tinh thần đề cao quyền hạn và trách nhiệm của cá nhân, tức là lĩnh vực tư; bên ngoài lĩnh vực công do nhà nước phụ trách. Mặt khác, với cuộc cách mạng tư sản dân quyền, nền kinh tế tư sản và xã hội công dân cùng chia sẻ quan niệm một nhà nước ở bên ngoài xã hội, đóng vai trọng tài, ấn định pháp luật và thi hành pháp luật. Có thể nói kinh tế tư bản và xã hội công dân là hai mặt của cùng một quá trình có chiều hướng là giảm bớt quyền hành của guồng máy nhà nước.

 

Nhưng ý nghĩa của từ “civil society” không được mọi người xác định giống nhau. “Civil society” có lúc được hiểu như bao gồm cả các tổ chức kinh doanh, có khi được bỏ riêng đứng bên ngoài các công ty sản xuất và phân phối hàng hóa. Nền kinh tế hàng hóa, như Marx nhận thấy, đã sinh ra khái niệm “civil society”, mà ông cho là thuộc thượng tầng kiến trúc của nền kinh tế tư sản. Đối với ông thì “civil society” chỉ là một mặt khác của kinh tế tư bản. Tới nửa sau thế kỷ 20, từ “civil society” được sống lại trong ngôn ngữ chính trị học và xã hội học Châu Âu khi người ta đi tìm các hình thái xã hội có tính cách trung gian giữa cá nhân và guồng máy chính quyền. Những cuộc nghiên cứu về civil society thường kể đến rất nhiều loại tập họp, từ các hội từ thiện bảo vệ chó ở Mỹ, các đội bóng tự nguyện hay ban đồng ca họp nhau ở các làng bên Ý, cho tới những quỹ tín dụng mà dân chúng mấy làng ở Châu Phi thành lập với nhau. Các cơ sở kinh doanh tư có là thành phần của civil society hay không? Báo chí, đài phát thanh và truyền hình thì sao? Có nhà nghiên cứu trong lịch sử Trung Quốc đã trình bầy các hình thái của civil society có từ thời nhà Chu cho tới thời Dân quốc. Tại Singapore, đề tài “civil society” được nhìn dưới một nhãn quan khác các nước Âu Mỹ, với quan niệm giữa nhà nước và civil society không hề có xung đột. Những điều trên đây cho thấy khái niệm “civil society” không giản lược, cũng không bất biến.
Từ những năm đầu thập niên 1990, “civil society” trở nên một đề tài được nghiên cứu rất sâu rộng, mà chủ điểm là các hình thái tổ chức đó liên hệ như thế nào với chế độ dân chủ. Ernest Gellner, trong cuốn “Những điều kiện của tự do: Civil society và các quan niệm đối nghịch của nó,” xuất bản năm 1994, đã đề nghị hãy lấy “civil society” thay thế cho từ “democracy” trong các cuộc vận động dân chủ. Robert Putman, trong một công trình nghiên cứu năm 1993, đã nhận thấy ảnh hưởng của vốn xã hội và xã hội công dân trên thành quả của một cuộc cải tổ hành chính ở Ý từ thập niên 1970. Sự liên hệ giữa civil society và thể chế dân chủ là một lý do khiến nhiều người ở Châu Á quan tâm đến vấn đề này.
Các học giả Trung Quốc dùng khái niệm “civil society” để phân tích xã hội Trung Hoa từ thập niên 80 thế kỷ trước. Một vấn đề được nêu lên khi thảo luận về một từ trong tác phẩm “18 Brumaire” của Karl Marx. Từ lâu, khái niệm mà Marx gọi là “burgerliche Gesellschaft” vẫn được dịch sang tiếng Trung Hoa là “tư sản giai cấp”. Năm 1986 trên số 4 tạp chí Thiên Tân Xã hội Khoa học (tên báo đọc theo lối người Trung Hoa) đã có tác giả đề nghị nên đổi cách dịch “tư sản giai cấp quyền lợi” mà dịch lại là “thị dân quyền lợi”. Chữ “thị dân” gần với gốc chữ “burger” hơn mà trong từ thị dân gồm có cả các nhà tư sản và giới lao động. Đề nghị của nhà nghiên cứu Mác xít này đã khơi dậy một phương pháp mới học tập chủ nghĩa Mác, xác nhận thị dân có những quyền lợi tương đồng trong mọi giao dịch bình đẳng, được luật pháp bảo vệ, và không phải chỉ là những tương quan kinh tế có tính cách bóc lột. Khi nói đến “xã hội thị dân” thì các học giả Trung Quốc cho là từ thời Chiến Quốc ở lục địa Trung Hoa đã có xã hội thị dân rồi, và nhiều người trong đám thị dân đã đóng các vai trò quan trọng trong chính trị.

 

Lưu Chí Quang và Vương Tố Lợi viết trong Tân Hoa Văn Trích (bộ 11, số 119, năm 1988) đã đề nghị dùng chữ “công dân xã hội” để dịch khái niệm “civil society”, nói theo lối Việt Nam thì gọi là xã hội công dân. Trong bài mang tựa đề “Từ xã hội quần chúng tới xã hội công dân”, hai tác giả đã nhận xét rằng truyền thống Trung Hoa, dưới ảnh hưởng của Khổng giáo, không có sự phân biệt giữa khái niệm xã hội và khái niệm cá nhân, do đó bên dưới nhà nước chỉ có một thứ “quần chúng xã hội” chứ không có những “tự do dân,” tức là những con người tự do với tính cách cá nhân độc lập tách khỏi các tập hợp xã hội. Ý kiến này không chắc đã phản ảnh đúng tư tưởng thực của Nho giáo, nhưng hai ông chỉ muốn nhấn manh rằng “tự do dân” có những quyền hạn phải được luật pháp bảo đảm chống lại sự thi hành quyền lực vô hạn của chính quyền. Vương Chiếu Quang, trong tạp chí “Thế kỷ 21” số 8 năm 1991, cho là phải dân chủ hóa “xã hội thị dân” với những giới hạn trên việc sở hữu tài sản và san bằng sự chênh lệch giầu nghèo, và ông hy vọng sẽ có ngày tiến tới “xã hội công dân” trong đó quyền lợi cá nhân được quân bình với tình đoàn kết và công bằng trong xã hội.
Trong cuốn “Đương đại Trung Quốc đích quốc gia dữ xã hội quan hệ” (Quan hệ xã hội và nhà nước của Trung Quốc hiện nay) ấn hành năm 1992, trong đó Chen Kuide chủ trương rằng từ thời Xuân Thu, Chiến Quốc, đã có một thứ “lĩnh vực tư” như các tay du hiệp và các nhà Nho liên kết với nhau theo hàng ngang chứ không chỉ theo hàng dọc. Họ trao đổi ý kiến, phát huy tinh thần cạnh tranh ngay trong phạm vi tư tưởng, thành lập các nhóm, vượt qua biên giới các nước chư hầu (một thứ toàn cầu hóa trước đây 25 thế kỷ). Đó là một mầm mống của “civil society” có thể dịch sang chữ Hán là “văn minh xã hội” hoặc là “công dân xã hội”.
Nhiều tác giả người Trung Hoa ở nước ngoài và ở Hồng Kông, Đài Loan cũng tham dự vào cuộc thảo luận trên. Ở Đài Loan nhiều người đã dịch “civil society” là “dân gian xã hội.” Trong một tập sách gồm nhiều tác giả với đề tài “Từ dân chủ vận động đến dân chủ chính trị” xuất bản ở Hồng Kông năm 1993, Gan Yang đã phê bình khái niệm “dân gian xã hội”. Ông cho là từ “dân gian xã hội” (đọc lối Việt Nam là “xã hội dân gian”) không đúng vì nhấn mạnh đến sự tách biệt giữa quyền lợi của người dân và quyền lợi của quốc gia. Ông chủ trương nên dùng chữ Công dân xã hội, trong khái niệm này các quyền lợi chung của người dân cũng thuộc vào trách nhiệm của quốc gia.
Một người được nhắc tới nhiều nhất trong số các học giả ở nước ngoài là Ma Shu Yun, với một bài viết về các cuộc thảo luận nghiên cứu về civil society ở Trung Quốc, đăng trên China Quarterly số 137, năm 1994. Ma đã cho biết Chen Kuide định nghĩa xã hội công dân bao gồm cả “các xí nghiệp tư, các đại học, báo chí, công đoàn, giáo hội, và tất cả các tổ chức đứng độc lập với guồng máy nhà nước”.
Sau khi nhìn qua các điều được thảo luận của các tác giả người Trung Hoa, chúng ta có thể thấy tiện nhất là dịch “civil society” là “xã hội công dân”. Chúng ta không nhất thiết phải sử dụng cách lựa chọn của người Trung Quốc, nhưng từ thời Đông du tới thời Hoàng Xuân Hãn soạn “Danh từ Khoa học”, người Việt Nam vẫn tìm hiểu cách người Trung Hoa sáng chế các thuật ngữ mới để gọi tên các khái niệm của phương Tây như thế nào. Bởi vì dùng chữ Hán Việt cũng có nhiều thuận tiện.
“Xã hội công dân” thể hiện được nhiều hàm ý trong từ “civil society”. Dù hiểu khái niệm “civil society” rộng hay hẹp, dù không coi nó nhất thiết phải đối lập với guồng máy cai trị của nhà nước, thì khái niệm này cũng diễn tả một thực thể dùng để đối chiếu với nhà nước. Nó gồm những hoạt động, tổ chức mà nhà nước không quản lý, để cho người dân tự lo tự liệu. Nhiều vị học giả dùng những chữ “xã hội dân sự” để dịch “civil society” cũng hay. Nhưng khi nói đến “dân sự” chúng ta liên tưởng đến khái niệm đối chiếu là “quân sự”. Còn những chữ “xã hội công dân” khiến người ta dễ đối chiếu với khái niệm “nhà nước” hơn. Mặc dù trong chế độ dân chủ thì nhà nước cũng chỉ là đại biểu của toàn dân, như thế thì xã hội công dân vẫn liên kết một cách hữu cơ với guồng máy cai trị chứ không hoàn toàn là đối kháng.

Quý Đỗ

Tác giả