Thí dụ S’PORE (Chuyện chiến lược văn hóa)

Phải chăng so với các nền văn hóa phong phú, cổ kính, hùng vĩ của các nước khác trong ASEAN như Indonesia, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Philippines hay Việt Nam (với 4000 năm lịch sử và 54 dân tộc) thì văn hóa Singapore quá “sơ sinh” và nghèo nàn? Phải chăng với hơn 4 triệu dân trên một hòn đảo nhỏ xíu mà chỉ trước đây 50 năm còn là một làng chài vô danh, đất nước Singapore “không có cửa” nào để cạnh tranh về văn hóa với các anh chị láng giềng

Trước đây hơn 10 năm khi khai trương Bảo tàng Nghệ thuật Singapore – SAM. Thủ tướng Goh Chok Tong lúc đó đã đưa ra một thông điệp chiến lược cho đảo quốc- thị quốc giàu có nhất ASEAN đại ý là: Người Singapore không thể chỉ là những người sống sung túc nhất mà còn phải là những người có văn hóa nhất, có mức sống văn hóa cao nhất.
Nói và làm, cả người dân và Chính phủ đồng lòng chung sức làm văn hóa. Và chỉ sau hơn một thập niên quay lại nơi này tôi đã thấy một Singapore “hoàn toàn khác” với một đô thị quá sạch, quá kỷ luật, quá chăm chỉ và quá buồn tẻ như mình thấy lần đầu. Đã đành Singapore ngày nay là  thiên đường mua sắm, nổi tiếng với ẩm thực phong phú. Song cuộc sống của dân S’pore không chỉ chằn chặn ba ‘phần cứng’ làm việc – ăn uống – mua sắm mà phần thứ tư, phần mềm Văn hóa đã bành chướng rất nhanh, chiếm tỷ trọng lớn với một chất lượng thuộc hàng “top” trong khu vực và thế giới. Những người cho rằng chỉ kinh tế có thể phát triển thần kỳ, còn văn hóa là chuyện không thể lấy tiền mua được mà phải có bề dày lịch sử thời gian, không thể vặn nhanh đồng hồ mà tăng tốc văn hóa … có thể qua thí dụ Singapore mà “xem lại cách đặt vấn đề”!


Esplanade Theatre nhìn từ trên cao.
 
Esplanade Theatre trong ánh sáng lung linh của buổi tối.

Đập vào mắt trước tiên là kiến trúc hiện đại mà mỗi khuôn hình máy ảnh có thể thu vào hàng chục tòa nhà độc đáo. Không cái nào được giống cái nào hình như là tô chỉ cho việc duyệt đề án! Nhìn không chán mắt, khác hẳn ấn tượng về các ‘khu Phú Mỹ Hưng chuẩn hóa’ đơn điệu trước đây. Đủ để làm một tour du lịch kiến trúc thú vị. Vịnh Marina đang là một đại công trường và khu Casino ngoài đảo Sentosa dọa cạnh tranh với Ma Cao cũng vậy. Khó có thể quên hình ảnh nhà hát Esplanade hình hai nửa quả sầu riêng, thứ trái cây đắt giá nhất, nữ hoàng trái cây ASEAN. Khu Ochard thượng lưu và tân kỳ với design đô thị như Tây và Chinatown xưa cũ, nghe khá kì ở một nơi hơn 70% là người Hoa. Ở đâu ta cũng dễ đọc thấy quảng cáo Singapore là dân tộc đa văn hóa, đa sắc tộc !
Thứ hai là thế giới động thực vật phong phú và tập trung nhất thế giới. Chỉ trong vài km2, mất ba ngày ta có thể chiêm ngưỡng sự kỳ thú của những sản phẩm của tạo hóa: Cá ở Underwater World, Chim ở Jurong Park và Thú ở Zoo và ở thế giới đêm hoang dã  Safari. Người S’pore thực sự tự hào là yêu súc vật nhất trên đời! Tất nhiên họ đã đổ cả núi tiền và trí thức để có ‘di sản văn hóa’ tuyệt vời này. Hòa hợp với thiên nhiên là một chiến lược con người!
Thứ ba là Trung tâm khoa học nơi trẻ em và thanh niên lạc vào một thiên đường trí tuệ. Tò mò và sáng tạo là chiến lược phát triển con người. Là các thư viện và các viện bảo tàng đủ loại từ to với cả nền văn minh Á châu tới nhỏ với những cái tem thư! Sách được bán nhiều vô số kể và cũng là một đối tượng của shoping quốc tế. Nước đóng chai dần được thay thế bằng nước vòi uống được ở các nơi công cộng và trong mọi nhà. Niềm tự hào mới của  S’pore là công nghệ nước sạch ưu việt nhất được xuất khẩu cả sang nhiều nước tiên tiến. Các đại học ngày càng quốc tế hóa, du học sinh ngày càng đông. Quang cảnh đại học với sinh viên đủ các màu da không khác các nơi danh tiếng bên Âu Mỹ. Chiến lược nguồn nhân lực là con người khoa học và công nghệ cao!

Trung tâm khoa học Singapore


Trung tâm Stata dành cho các học viên nghiên cứu máy tính, công nghệ khoa học thông tin tại MIT. Nó được nhà kiến trúc sư nổi tiếng Frank Gehry thiết kế.

Cuối cùng là ấn tượng về chiến lược muốn là thủ đô nghệ thuật của Đông Nam Á. Riêng về  mỹ thuật thì hai tòa nhà cổ nhất, đẹp và to nhất ngay giữa trung tâm là Tòa thị chính cũ và Tòa án tối cao cũ đã được biến thành Phòng tranh Quốc gia, đang được design nội ngoại thất. Năm 2013 mới khai trương nhưng công việc sưu tầm, PR, chuẩn bị chương trình hoạt động ở tầm quốc tế  đã được tiến hành hết sức khẩn trương. Hai tuần khi tôi làm curator cho họ, xem xét hơn 200 tác phẩm của hơn 80 tác giả Việt Nam, trong đó những kiệt tác đích thực, một sưu tập mà hai bảo tàng mỹ thuật của ta sẽ phải ghen tị thì các kiến trúc sư Pháp đang làm việc ngày đêm, design từng chi tiết của bảo tàng tương lai, một phái đoàn Liên minh Bảo tàng Quốc tế tới bàn thảo về chương trình kết nối toàn cầu và một Workshop quốc tế về  quảng bá nghệ thuật ASEAN được tổ chức. Ông Kwok Giám đốc ba bảo tàng mỹ thuật ( Bảo tàng Nghệ thuật- SAM, Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại – 8Q và Phòng tranh Quốc gia –TNAG) tự tin giới thiệu: Chúng tôi tự hào có sưu tập nghệ thuật ASEAN lớn nhất thế giới. Chúng tôi tập trung vào thế kỷ 20. Thế kỷ này các nước Đông Nam Á có chung một dòng chảy lịch sử từng bị thực dân hóa, giành độc lập, giải thực dân rồi hiện đại hóa và hội nhập thành một khối vững mạnh! Tôi không biết có giám đốc bảo tàng nào ở ta có tầm nhìn chiến lược như vậy!
Mười lăm năm chỉ là một cái chớp mắt của lịch sử, nhưng rõ ràng từ một xã hội mang tiếng “trưởng giả, giàu xổi” Singapore đã bắt đầu định hình một nền văn hóa riêng, có sắc thái riêng, có uy tín và sức hấp dẫn mà ta có thể nhìn thấy và cảm nhận với sự thích thú bất ngờ. Bài học ở đây có lẽ là hơn bất cứ lĩnh vực nào mà phát triển văn hóa cần tầm nhìn chiến lược của những người lãnh đạo.
Chiếu ngược lại “tình hình văn hóa văn nghệ nước nhà” mà qua truyền thông ta thấy ở đâu cũng như gà mắc tóc, toàn vướng những chuyện chữa cháy vụn vặt mới thấy cái ta đang thiếu nhất chính là tư duy chiến lược văn hóa. “Tuổi nhỏ” làm việc lớn là bài học rất hay!

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)