Thỏ và Rùa hay Mèo và Chuột

Thỏ chạy nhanh hơn rùa, thắng rùa ở khía cạnh tài năng, song lại thua rùa ở sự bền bỉ, dẻo dai - khía cạnh đạo đức. Mèo tài năng vượt trội hơn chuột nhưng luôn bị thất bại về chung cuộc. Giống như nhiều tài năng tỏa sáng tại cuộc thi nhưng lu mờ trong cuộc đời.


Con giáp đặc biệt

Trong 12 địa chi, mão tương ứng với hai con vật mèo và thỏ ở hai nền văn hóa Việt Nam – Trung Quốc. Tại sao trong 12 con giáp có đến 11 con tương đồng, chỉ có một con là mèo ở Việt Nam và thỏ ở Trung Quốc? Theo cách lý giải kiểu trực quan sinh động, mèo là con vật gần gũi, thân thuộc với người dân Việt Nam, còn thỏ thì xa lạ!? Thực tế, mèo cũng gần gũi, thân thuộc đối với người Trung Quốc. Còn rồng vốn chỉ có trong tưởng tượng, nhưng đều thống nhất ở cả hai nền văn hóa này. Rõ ràng, đó là sự lựa chọn của văn hóa chứ không phải ý muốn chủ quan.

Theo truyền thuyết, cuộc thi 12 con giáp có danh sách phong thần cho Thỏ. Ở Việt Nam tuồng như chẳng có câu chuyện thi thố tương tự. Điểm đáng lưu ý ở đây là, mèo và thỏ có nhiều lý do để chuyển hóa, đánh đồng và nhầm lẫn với nhau.

Như chúng ta biết, ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa vào thời kỳ Bắc thuộc chủ yếu trên phương diện quan phương; còn xét ở bình diện văn hóa bình dân, chúng ta chủ yếu chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Hoa Nam do quá trình cộng cư lâu dài giữa các tộc người cùng sinh sống ở đây. Đến nay, văn hóa phương Bắc đọng lại trong văn hóa bản địa vẫn chủ yếu là văn hóa Hoa Nam. Trong khu vực Hoa Nam, văn hóa Quảng Đông, cùng với tiếng Quảng Đông hết sức phổ biến, tới mức từng nằm trong danh sách lựa chọn ngôn ngữ quan phương của Trung Quốc, chỉ kém tiếng Phổ thông hiện nay vài lá phiếu sau cuộc bình chọn của Quốc hội nước này.

Bộ phận ngôn ngữ Hán – Việt của nước ta đa số có vận, thanh tương ứng với tiếng Quảng Đông, chưa kể rất nhiều từ tưởng là thuần Việt như mùi, úng, kẹp, nhá, gì, chắp… cũng gần gũi với tiếng Quảng Đông. Người Quảng Đông đọc chữ “Mão” là “máo” giống từ “máo” là mèo. Còn theo âm Phổ thông Trung Quốc, “Mão” và “Miêu – mèo” chỉ khác nhau về dấu giọng (tự điệu), còn vận mẫu “ao” và thanh mẫu “m”đều thống nhất với nhau (mao). Chưa kể, âm “mão” cũng tương ứng với “máo”, “mao”, “meo”… phỏng theo tiếng kêu của loài mèo. Sự khế hợp này phải chăng chính là nhân tố tạo nên sự đồng nhất giữa Mão – Mèo, chứ không phải Mão – Thỏ (thâu – thố)?

Cho tới thời điểm hiện tại, người ta vẫn chưa thể xác định chính xác thời điểm ra đời của 12 con giáp. Chỉ biết rằng vào thời kỳ cổ đại, khu vực Trung Nguyên nước Trung Quốc đã sử dụng “Thiên can địa chi” để tính năm. Còn những tộc người thiểu số ở phía Tây Bắc (Trung Quốc) thì dùng động vật để tính năm. Thời kỳ Tây Hán, 12 con giáp được sử dụng chung với 12 địa chi trong Âm – Dương, Ngũ hành. Nó là kết quả của quá trình giao thoa văn hóa giữa khu vực Trung Nguyên và các tộc người thiểu số phía Tây Bắc (Trung Quốc). Sau này cả hai cách tính trên hợp nhất làm một và trở thành 12 con giáp bây giờ, có nghĩa là Tý tương đương với Chuột, Sửu với Trâu, Dần với Hổ, Mão với Thỏ… Rồi từ 12 thuộc tướng này lại tiếp tục kết hợp với Thập thiên can và những thuộc tính khác nhau trong Ngũ hành, như Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ để biện giải về Túc mệnh và vận thế…

Hai mặt của một hình tượng
Chúng ta đều biết câu chuyện chạy đua giữa rùa và thỏ. Mèo cũng vậy. Trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng thế giới “Tom and Jerry”, mèo thông minh, lanh lợi, tài năng cái thế, ấy vậy mà luôn bị con chuột nhãi ranh chơi hết vố này đến vố khác. Trong đời, mèo thắng chuột là lẽ đương nhiên, thế nên mới ra bi kịch. Còn trong phim ảnh, chuột thắng mèo đâm trở thành hài kịch. Bi hài kịch trong hai nhân vật thỏ và mèo đều giống nhau ở cái điểm: anh hùng trong bi kịch và kẻ thất bại trong hài kịch. Mèo, thỏ vốn đều là những con vật thông minh, lanh lợi, tài ba xuất chúng, chiếm ưu thế trong mọi cuộc thi, nhưng chỉ vì khinh suất nên rốt cuộc bị thua.

Thế mới hay, tài năng đến mấy mà vô đạo sẽ bị người đời ghét. Tất nhiên sống ở đời không thể làm hài lòng tất cả mọi người, nhưng gây thù chuốc oán, tạo ra nhiều kẻ địch, vô hình trung tự tạo cho mình chướng ngại. Tài năng không phải ai cũng có, nhưng có những cái tài có thể học được, còn đức hạnh nằm ở quá trình tu dưỡng, cảnh giới tối thượng của việc học và kết quả của nó bao giờ cũng bao hàm tính chất định tính – chất lượng của việc học và phẩm chất ở người học. Tài năng trang sức cho bản thân, còn đạo đức là việc thực hành đối với tha nhân. Nói cách khác, lòng tốt của chúng ta chỉ tồn tại dưới dạng thể dụng, đem ra sử dụng thì mới tồn tại.

Trong nhiều trường hợp, tài năng của con người phát lộ một cách dễ thấy, trong khi đức hạnh lặng lẽ tỏa sáng. Thỏ chạy nhanh hơn rùa, thắng rùa ở khía cạnh tài năng, song lại thua rùa ở sự bền bỉ, dẻo dai- khía cạnh đạo đức. Mèo tài năng vượt trội hơn chuột nhưng luôn bị thất bại về chung cuộc. Giống như nhiều tài năng tỏa sáng tại cuộc thi nhưng lu mờ trong cuộc đời. Đức hạnh luôn được quy chiếu bởi những quá trình. Tài năng có khi chỉ cần một phút huy hoàng.

Xã hội hiện đại đang nỗ lực tìm đến sự phát triển ổn định, bền vững. Giá trị bền vững không thể tồn tại theo kiểu “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt”, vì phàm cái gì bạo phát sẽ đi tới bạo tàn. Nó có thể là con đường đi của một tài năng xuất chúng, nhưng không thể là giá trị đạo đức của một quá trình lâu dài nhằm vươn tới sự ổn định và bền vững. Công đức phải tích lũy bằng cả cuộc đời.

Xã hội hiện đại đang nỗ lực tìm đến sự phát triển ổn định, bền vững. Giá trị bền vững không thể tồn tại theo kiểu “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt”, vì phàm cái gì bạo phát sẽ đi tới bạo tàn. Nó có thể là con đường đi của một tài năng xuất chúng, nhưng không thể là giá trị đạo đức của một quá trình lâu dài nhằm vươn tới sự ổn định và bền vững. Công đức phải tích lũy bằng cả cuộc đời.

Phát triển bền vững không chỉ dựa trên nền tảng của sự kiện toàn về thể chế, thiết chế văn hóa, cùng hệ thống pháp luật, mà còn phải thiết lập trên những giá trị đạo đức cá thể, một dạng thức tự lập pháp đối với mỗi cá nhân. Bài học rút ra từ cuộc thi giữa rùa và thỏ, mèo và chuột ngõ hầu đem đến cho chúng ta có cái nhìn xác thực hơn về tiến trình đi đến cái đích bền vững. Vốn được mệnh danh là một quốc gia có giá trị văn hóa hiếu học, chúng ta không thể cứ mong muốn con em mình học một cách thục mạng theo kiểu thỏ, cũng không thể ê chề lê lết mãi hành trang nặng nề trên lưng như rùa. Thỏ hay rùa, mèo hay chuột vốn chẳng hề mâu thuẫn nhau, nếu nhìn thấu bản thể “vô phân biệt” thì muôn loài đều là Một. Chúng đều có thể trở thành thầy ta vậy.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)