Thỏa ước có ý nghĩa dấu mốc lịch sử

Khi chiếc búa chủ tọa gõ xuống lần cuối cùng tại Hội nghị Thượng đỉnh Paris hôm 12/12, cử tọa gồm đại diện từ 195 quốc gia bùng nổ trong tiếng chia vui.

Họ đã thống nhất được một kế hoạch có ý nghĩa lịch sử trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sau hai tuần đàm phán, với kết luận là sẽ cắt giảm khí thải nhà kính, bảo vệ các vùng đất thấp trước vấn nạn nước biển dâng, và giúp các quốc gia đói nghèo phát triển kinh tế mà không phải dựa vào nhiên liệu gốc hóa thạch rẻ tiền gây ô nhiễm.

Các bên cũng đồng ý sẽ cố gắng giữ mức tăng nhiệt độ Trái đất dưới 2 °C so với nhiệt độ thời kỳ trước cách mạng công nghiệp. 32 trang thỏa thuận chứa nhiều điều khoản đầy tham vọng nhằm thúc đẩy thế giới chuyển dịch từ sử dụng nhiên liệu gốc hóa thạch sang năng lượng Mặt trời, gió, hạt nhân, thuỷ điện, và các nguồn năng lượng sạch khác.

Các quốc gia sẽ có trách nhiệm đánh giá tiến trình cắt giảm khí thải của mình vào năm 2018, sau đó kể từ năm 2010, cứ năm năm một lần họ phải tái cam kết cắt giảm khí thải, với mục tiêu là cam kết sau sẽ quyết liệt hơn cam kết trước.

Để đảm bảo các quốc gia giữ đúng như cam kết, thỏa ước lần này xây dựng một hệ thống đo lường, báo cáo, và kiểm chứng mức khí thải, trong đó cho phép một sự linh hoạt nhất định cho những quốc gia năng lực thấp hơn. Kế hoạch cũng cho phép có thẩm định kỹ thuật độc lập, và tất cả các quốc gia, ngoại trừ những nước nhỏ và nghèo nhất, đều phải báo cáo mức khí thải của mình hai năm một lần. Tuy nhiên, thỏa ước cũng cho phép nhiều chi tiết được tiếp tục bàn thảo trong các cuộc hội đàm trong năm 2016 về ứng phó biến đổi khí hậu.

Thỏa ước Paris chỉ mới đề xuất mà chưa có điều khoản bắt buộc các nước giàu tăng hỗ trợ chống biến đổi khí hậu cho các nước nghèo vượt mức cam kết hiện nay khoảng 100 tỷ USD/năm từ năm 2020. Thỏa ước cũng chỉ mới thành công trong thừa nhận rằng một số quốc gia đang chịu thiệt hại từ nước biển dâng, tăng cường bão, và những tác hại khác của biến đổi khí hậu, mà chưa cho phép họ được đòi đền bù thiệt hại từ những nước giàu có, phát thải nhiều.

Dẫu sao thì những kết quả đạt được tại thỏa ước Paris cũng là nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của các nhà đàm phán những năm qua, bắt đầu từ Rio de Janero năm 1992 và 20 cuộc họp thường niên tiếp theo. Đến năm nay các đại diện mới có thể đặt chân tới Paris với cam kết từ 187 quốc gia, trong đó xác định một lộ trình cắt giảm khí thải từ năm 2030. Đó là những cam kết mạnh mẽ nhất có được từ trước đến nay, mặc dù nhiều cam kết ràng buộc theo những điều kiện, như hỗ trợ tài chính để xây dựng các nhà máy điện, bảo tồn rừng, hay thay đổi cách sinh hoạt có hại của các cộng đồng dân cư. Và dù tất cả các nước thực hiện đúng theo các cam kết họ đưa ra, thì thế giới sẽ tiếp tục tăng thêm 2,7°C từ năm 2100, nghĩa là vẫn đẩy thế giới vào sâu trong khu vực nguy hiểm, với những thảm họa to lớn, không đảo ngược được do biến đổi khí hậu.

Thành công của thỏa ước Paris là buộc các quốc gia phải cam kết ở mức cao hơn, để mức tăng nhiệt độ chỉ trong khoảng từ 2 °C trở xuống, thậm chí theo đuổi mức tăng thấp hơn, chỉ 1,5 °C. Lưu ý rằng ở hiện tại, thế giới vốn đã tăng 1°C so với khi bắt đầu cách mạng công nghiệp.

Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) kết luận rằng để đảm bảo mục tiêu tăng nhiệt độ dưới 2°C, các quốc gia phải cắt giảm khí thải 40-70% so với mức năm 2020 từ năm 2050; còn để đạt mức tăng 1,5oC đòi hỏi mức cắt giảm phải khoảng 70-95% từ năm 2050. Thỏa ước Paris đã yêu cầu IPCC nghiên cứu các kịch bản về giới hạn tăng nhiệt độ trong khoảng 1,5 °C và có báo cáo cho các quốc gia vào năm 2018 để giúp họ xác định mức cam kết gia tăng cần thiết.

 

Thanh Xuân lược dịch theo Nature

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)