Thúc đẩy tinh thần công dân

Trước những thách thức về mặt kinh tế – văn hóa – xã hội mà đất nước đang phải đối mặt, hơn bao giờ hết, tinh thần công dân lại rất cần được hun đúc và phát huy.


Nghi lễ chào cờ, hát Quốc ca thể hiện tinh thần yêu nước trong mỗi con người. Ảnh: Hanoimoi.

Đó cũng là chủ đề của buổi Tọa đàm “Tinh thần công dân và sự tham gia của người dân vào các hoạt động vì lợi ích cộng đồng” do Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (People’ Participation Working Group – PPWG) tổ chức vào sáng ngày 18/10 tại Hà Nội. Hai diễn giả là TS. Vũ Ngọc Anh (Tổ chức Hướng tới minh bạch – Towards Transparency) và TS. Lã Khánh Tùng (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã mang tới cho người tham dự những kiến giải và chia sẻ thú vị về khung lý thuyết nền tảng của tinh thần công dân và thực tiễn phát triển tại Việt Nam cùng một số đề xuất, nhìn từ các nghiên cứu triết học chính trị và lịch sử. 

Tinh thần công dân và công dân hóa

Mặc dù còn tồn tại rất nhiều tranh cãi liên quan đến nguồn gốc của khái niệm “công dân” và “tinh thần công dân” (Civility), nó ra đời từ thời Hy Lạp cổ đại (cách đây hơn 2000 năm) ở các thành bang, hay thực chất mới chỉ xuất hiện trong khoảng vài trăm năm nay trở lại – khi các cuộc Cách mạng tư sản châu Âu đã nâng tầm vị thế của những thần dân – vốn chấp nhận sự an phận- để trở thành công dân với các quyền tự do được bảo vệ khỏi pháp luật), nhưng không thể phủ nhận một thực tế rằng những khái niệm này đang ngày càng được mở rộng, phổ biến ra thế giới và trở thành nền tảng cho các xã hội nhân văn.

Theo đúc kết của TS Vũ Ngọc Anh, tinh thần công dân liên quan đến những đức tính và hành vi mà người công dân cần có, như biết kiểm soát bản thân, khoan dung, tôn trọng, quan tâm đến người khác và các vấn đề xã hội, đồng thời cam kết tham gia các hoạt động cộng đồng để hoàn thành trách nhiệm và bổn phận của mình. Còn ngược lại với tinh thần công dân, đó là những hành vi ích kỷ, thờ ơ, vô trách nhiệm đối với người khác và cả xã hội, hoặc tính thiếu kiểm soát trước những mâu thuẫn phát sinh, bên cạnh thái độ không chịu tiếp thu và tuân thủ các nguyên tắc đạo đức chung cùng nhiều tật xấu khác. Nhưng trên thực tế, không phải tự nhiên người dân một nước đã có ngay tinh thần công dân, mà điều này đòi hỏi cần phải có sự tham gia tích cực của cả nhà nước lẫn các tầng lớp dân cư vào quá trình công dân hóa (civicness) – khi nhà nước sẽ kiến tạo các môi trường và thể chế để khuyến khích sự hình thành của tinh thần công dân, còn người dân sẽ chủ động gắn kết, tiếp thu và thực hành nó.

Rút gọn về mặt nội hàm, TS Lã Khánh Tùng cho rằng khái niệm tinh thần công dân cần tập trung vào tính liên đới, dấn thân và phụng sự xã hội. Để làm được điều này, người dân cần phải được thực hiện tinh thần công dân như một dạng quyền và nghĩa vụ đối với đất nước, chứ không phải chỉ đơn giản để giải quyết những mâu thuẫn cá nhân trong xã hội. Một người với tư cách là công dân của một quốc gia, tức là đã có quyền và nghĩa vụ theo Hiến pháp và pháp luật, trong đó có cả quyền bầu cử để lựa chọn ra đại diện xứng đáng lãnh đạo mình … Vì thế, có thể khẳng định ngay rằng, nếu thiếu đi các quyền căn bản thì danh xưng “công dân” thực chất mới chỉ là cái vỏ mà chưa có nội dung thực chất. Ngoài ra, đời sống đô thị (với tầng lớp thị dân đông đảo có học thức, tài sản và địa vị xã hội) dường như cũng có nhiều thuận lợi hơn so với khu vực nông thôn, miền núi … trong việc thực hành tinh thần công dân.

Tinh thần công dân tại Việt Nam

Cùng nhìn lại lịch sử, mặc dù thâm trầm và chậm chạp hơn so với phương Tây trong việc giũ bỏ chế độ quân chủ chuyên chế để chuyển sang nền cộng hòa (hoặc quân chủ lập hiến nghị viện), nhưng tại các xã hội Á Đông vốn chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, bao gồm cả Việt Nam, từ khá sớm cũng đã xuất hiện một số khía cạnh của tinh thần công dân … nhất là trong thời Pháp thuộc và trước Cách mạng Tháng 8 với nhiều tên tuổi trí thức lớn cùng các hội đoàn, lựa chọn dấn thân vì tiến bộ và công bằng xã hội. Tiêu biểu nhất là Phan Chu Trinh, sau khi từ quan (năm 1905) đã tích cực vận động phong trào duy tân với khẩu hiệu “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” (mở mang tri thức của dân; chấn hưng ý chí, chí khí, khí phách của dân; làm cho đời sống của dân được đầy đủ, hùng hậu). Tác phẩm “Tỉnh hồn quốc ca” của ông cũng được dùng làm tài liệu giảng dạy tại trường, trong đó có những bài như “Làm việc vì nước vì dân” (Bài XI) ca ngợi những người tài trí tham gia chính trị, ra làm quan thông qua tuyển cử được dân bầu ra để “giúp nước giúp dân”, “lo những điều ích nước lợi dân”. Ngược lại, phê phán và thất vọng trước nhiều kẻ không đức, không tài nhưng do chạy chọt, hối lộ mua chức quan nhằm lo cho bản thân, gia đình, kết bè phái

Hay Huỳnh Thúc Kháng, một người đồng chí gần gũi của Phan Chu Trinh, đã tình nguyện rút lui khỏi hệ thống chính trị chính thống (dân biểu, Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ) để chuyển sang viết báo; Trong bài viết “Quốc dân cần phải có những gì?” (năm 1927), ông đã nhắc đến chuyện “gần mấy năm nay, quốc dân hai chữ đã thành ra ngay cái từ phổ thông”, nhưng hầu như dân ta ai cũng thiếu tư cách quốc dân. Trong những điều thiếu thốn ấy, ông thấy có ba thứ: 1) “Thường thức” là những kiến thức thiết thực thông thường (biết đọc, viết thư, kiến thức căn bản về địa lý, lịch sử…); 2) Nghề nghiệp (“sự chuyên nghiệp”): mỗi người cần có nghề nghiệp chuyên môn, trước là để nuôi thân mình, sau là “cho trọn nghĩa vụ với xã hội”, cần khắc phục bệnh trạng của Việt Nam là thích học làm quan, thiếu thực nghiệp; 3) Đức tin: con người luôn sống trong cộng đồng, xã hội, cần có sự tin tưởng làm sợi dây kết nối, nếu không có điều đó thì không sao có cộng đồng, mà “cũng không thành người, đã không thành người thì nói gì đến tư cách quốc dân nữa”; muốn tạo niềm tin thì không được gian dối, thế nhưng “gần 20 năm nay”, nhiều nhân tài, hội đoàn làm việc gì cũng hỏng là vì “cái bệnh thiếu đức tin, lấy ít làm nhiều, lấy không làm có”, gây ra việc “đã mất cái giá trị của mình mà lại mất lòng tin của người”. Ba điều trên, mặc dù chưa phải là toàn bộ tư cách quốc dân, nhưng chính là ba điều gốc căn bản nhất, còn lòng tin hay niềm tin mà Huỳnh Thúc Kháng đã nêu lên, nói theo cách hiện đại thì đó chính là “vốn xã hội”.

Ngoài ra, ngay từ thập niên 1930, xã hội Việt Nam cũng đã xuất hiện những phong trào của tầng lớp trí thức mới, một trong số đó là Nhà Ánh sáng do Tự Lực Văn Đoàn khởi xướng (năm 1936) – rất được thanh niên và giới trí thức ủng hộ. Theo thông báo trên “Ngày nay” số 38 (Chủ nhật 13/12/1936), Tự Lực Văn Đoàn đã kêu gọi thành lập một Hội Bài trừ những Nhà Hang Tối, còn gọi là Hội Ánh Sáng với ba châm ngôn “Xã hội – Nhân đạo – Cải cách”; Số 39 tiếp theo cũng đăng bài “Nhà rẻ tiền để dân nghèo và thợ thuyền ở” của Hội Bài trừ những Nhà Hang Tối. Do tầm ảnh hưởng của báo “Ngày nay” nên phong trào đã lan tỏa, tác động đến rất nhiều người, nhất là giới trung lưu, trí thức, thanh niên ở đô thị trong giai đoạn 1937 – 1945. Mục đích ban đầu của nhóm là xây dựng nhà cho những người nghèo đô thị, sau này mở rộng ra vùng nông thôn. Mặc dù hội chỉ hoạt động chủ yếu ở miền Bắc, nhưng cũng nhận được rất nhiều đóng góp từ miền Trung và miền Nam. Sang đến năm 1939, phong trào dần yếu đi do sự kiểm soát chặt chẽ của người Pháp đối với các hoạt động xã hội, tuy nhiên Hội Ánh Sáng cũng đã kịp xây dựng được một số khu nhà ở ngoài bãi Phúc Xá (Hà Nội), chưa kể dự định xây thêm nhà ở khu vực Bạch Mai còn chưa thực hiện được. Ngoài ra, Hội còn phát động rất nhiều hoạt động từ thiện như mua gạo phát cho dân vùng bị lụt lội.

Tuy nhiên, trong giai đoạn của hai cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, để bảo đảm chiến thắng (1945 – 1975), tinh thần công dân, sự hy sinh vì quốc gia, cộng đồng được đề cao, chủ nghĩa cá nhân thì bị phê phán nặng nề hay chưa được xem trọng xứng đáng. Rồi từ sau năm 1975, đến nay xã hội Việt Nam đã chứng kiến thêm quá nhiều biến động, khiến tinh thần “vì nghĩa”, hy sinh vì cộng đồng dần trở nên mờ nhạt, trong khi lối sống “vụ lợi” thì  đang ngày càng lên ngôi. Bên cạnh đó, chương trình giáo dục công dân học đường của chúng ta hiện nay đã bộc lộ rất nhiều hạn chế, cũng như thiếu ăn nhập với các thách thức của xã hội đương đại.

Một vài đề nghị

Để khái niệm tinh thần công dân trở thành nền tảng và là một trong những động lực của công cuộc chấn hưng đất nước hiện nay, theo TS Lã Khánh Tùng, rằng chúng ta nên bắt đầu thúc đẩy tinh thần công dân, trước hết bằng một số thay đổi, theo hướng dung nạp và cởi mở hơn, bao gồm 1) Hoàn thiện các thể chế pháp luật và chính trị; 2) Nới rộng không gian sinh hoạt của các tổ chức dân sự và tôn giáo – vốn có vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng, củng cố sự liên đới giữa những cá nhân trong cộng đồng; 3) Cần nhận thức đầy đủ về những cơ hội và thách thức của tiến trình hội nhập quốc tế, bên cạnh sự tiến bộ và lan tỏa của các công nghệ mới; 4) Đổi mới chương trình giáo dục công dân, ở cả trong lẫn bên ngoài nhà trường, như cải cách về mặt nội dung (như giản dị hóa, cụ thể hóa, tập trung vào trọng tâm …) và hình thức truyền đạt. Sau cùng, quan trọng hơn và cũng khó khăn hơn, đó là các thế hệ đi trước cần phải trở thành tấm gương về tinh thần và tư cách công dân thì mới có thể tạo được sự tin tưởng nơi thế hệ trẻ – luôn là thành phần xã hội dễ tiếp thu cái mới, nếu được bồi đắp và định hướng đúng đắn (qua truyền thông và giáo dục) thì hoàn toàn có thể đóng vai trò quyết định, thúc đẩy công bằng và tiến bộ xã hội cho Việt Nam trong tương lai.

Tại châu Á, Nhật Bản là quốc gia sớm nhất biết coi trọng “công dân” và “tinh thần công dân” để thực hiện cải cách chính trị, xã hội … trong lúc các nước láng giềng thì chủ trương đóng cửa. Qua các tác phẩm nổi tiếng như Khuyến học, Khái lược văn minh luận, Thoát Á luận, Bàn về quốc quyền, Bàn về phẩm hạnh, … nhà tư tưởng Fukuzawa Yukichi (1835-1901) đã cổ vũ tinh thần thực học, bởi có kiến thức sẽ có tinh thần độc lập; và mục tiêu đầu tiên của học vấn phải là vì xã hội, quốc gia, chứ không phải vì bản thân hay gia tộc. Bàn về trách nhiệm quốc dân, ông cho rằng, mỗi cá nhân đều đồng thời có hai vai trò: làm “khách” (tuân thủ pháp luật, thực hiện nghĩa vụ như đóng thuế …) và làm “chủ” (là chủ nhân của đất nước, người dân có thể ủy nhiệm hoặc trao quyền cho chính phủ và được có những quyền lợi). Ngoài ra, ông cũng nêu nguyên tắc “độc lập quốc gia thông qua độc lập cá nhân”, tức xã hội muốn phát triển phải dựa trên những cá nhân tư duy độc lập, sáng tạo chứ, không thể chỉ trông vào chính phủ …

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)