Thực thi giám sát và bãi miễn những chức danh mà Quốc hội bầu

Cách tổ chức Nhà nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua hai Hiến pháp 1946 và 1959, là rất Việt Nam, mang đậm dấu ấn dân tộc và sắc thái phương Đông, đồng thời có vận dụng những thành tựu của phương Tây, trong đó có Pháp, Mỹ và Anh, vì nước Anh đã một thời làm mẫu cho các nền dân chủ phương Tây. Kinh nghiệm của nước Anh được Hobbes và Locke tổng kết, rồi Montesquieu và Rousseau đã tiếp nhận và bổ sung, Tocqueville đã phát triển thêm khi nghiên cứu về nước Mỹ. Với bộ máy Nhà nước ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ được những tinh hoa của trí tuệ và bản lĩnh dân tộc, nhiều trí thức và nhân sĩ tiêu biểu, những người có ảnh hưởng và uy tín trong dân. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng hết sức coi trọng vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.


Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vai trò của Đảng được nêu cao và được công nhận một cách sâu sắc, tự nguyện. Đảng lãnh đạo Nhà nước, Đảng cầm quyền mà không cai trị, lại biết tôn vinh Nhà nước. Trong Nhà nước ấy, có sự phân quyền giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp. Chú trọng đến một kinh nghiệm lớn của loài người, Chủ tịch Hồ Chí Minh cố gắng xây dựng một nền hành pháp rất mạnh. Không có một nền hành pháp mạnh, quyền của dân rất khó thực hiện.
Trong mô hình tổ chức Nhà nước của ta hiện nay quyền hành pháp được thực hiện qua con đường Quốc hội chọn và quyết định chứ không phải do nhân dân trực tiếp bầu. Vì vậy trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội hết sức nặng nề trong việc thực thi chức năng cực kỳ quan trọng là quyết định cơ cấu và các nhân sự chủ chốt của Chính phủ. Sứ mệnh trọng đại đó không cho phép người đại biểu của dân sai lầm và dựa dẫm khi đưa ngón tay bấm nút lựa chọn những chức danh cụ thể và con người cụ thể trong bộ máy Nhà nước và Chính phủ. Đồng thời Quốc hội là “cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ”, quyền “cao nhất” chứ không phải là “tất cả”, không phải là “toàn bộ” quyền của dân. Toàn bộ quyền lực thì ở và chỉ ở nhân dân mà thôi. Và một trong những biểu hiện quyền của dân đó là dân đòi hỏi và theo dõi việc các đại biểu Quốc hội thực hiện giám sát và bãi miễn những chức danh chủ chốt mà Quốc hội bầu khi cần thiết.
Kinh nghiệm những khóa trước của Quốc hội cho thấy, việc thực thi quyền bãi miễn đó đã vấp phải những rào cản rất khó vượt qua. Chính vì thế mà đông đảo cử tri đã đề nghị Quốc hội khóa XII phải có quy định cụ thể về việc giám sát và bãi miễn một cách định kỳ để dân trao quyền mà không bị mất quyền, không bị tiếm quyền.


Tương Lai 

Tác giả