Tiến tới “tốt nghiệp” ODA toàn phần

Từ tháng 7/2017, Việt Nam sẽ “tốt nghiệp IDA”, nghĩa là dừng nhận IDA từ Hiệp hội phát triển quốc tế thuộc Worldbank. Trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục có lộ trình để tiến tới “tốt nghiệp ODA toàn phần”, trong khi phải nỗ lực cải thiện hiệu quả sử dụng ODA, tránh để lại những “di họa” lâu dài cho các thế hệ tương lai.


Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông ở Hà Nội, một trong những dự án sử dụng vốn vay ODA. Nguồn ảnh: DĐDN.

Đối với một nước ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển, ODA có hai tác dụng tích cực. Một là lấp được khoảng thiếu hụt vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng trong bối cảnh năng lực tiết kiệm còn hạn chế do thu nhập đầu người thấp. Thứ hai là lấp được khoảng thiếu hụt ngoại tệ vì khả năng xuất khẩu còn yếu nhưng cần nhập khẩu nhiều máy móc, thiết bị, vật tư để xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Tuy nhiên không phải nước nào nhận ODA cũng thành công trong phát triển kinh tế. Với những nước ODA không được sử dụng có hiệu quả, không thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế thì việc vay mượn ODA sẽ trở thành bi kịch cho các thế hệ sau. Cho đến nay, số trường hợp các quốc gia thất bại trong sử dụng ODA nhiều hơn hẳn những nước thành công.

Để thành công trong sử dụng ODA, lãnh đạo các quốc gia tiếp nhận ODA phải hiểu rõ những điều kiện dẫn tới thành công này và nỗ lực đáp ứng những điều kiện đó. Chúng ta hãy xem xét những điều kiện này và đối chiếu với thực tế của Việt Nam.

Điều kiện đầu tiên là quốc gia nhận ODA phải nỗ lực tăng tiết kiệm để hạn chế việc vay mượn nước ngoài và không lãng phí các nguồn vốn cả trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, ODA chỉ nên được sử dụng vào những dự án đầu tư có chọn lựa, nhằm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đặc biệt dùng ODA đầu tư vào các dự án hạ tầng hướng đến việc kích thích đầu tư tư nhân, kể cả FDI, trong các ngành xuất khẩu hàng công nghiệp sẽ vừa kích thích tăng trưởng vừa bảo đảm có ngoại tệ để trả nợ trong tương lai. Cuối cùng, phải có kế hoạch chấm dứt nhận ODA trong một tương lai không xa – giới chuyên gia gọi đây là nỗ lực “tốt nghiệp ODA” – bởi có như vậy thì các nhà quản lý mới thực sự quan tâm đến việc hạn chế nhận ODA và có ý thức sử dụng ODA có hiệu quả.

Nhìn vào thực tế Việt Nam, có thể thấy ngân sách nhà nước chi tiêu cho nhiều dự án không cần thiết, không có hiệu quả kinh tế. Đã có điều tra cho thấy có sự thất thoát lớn trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư công nên phí tổn xây dựng hạ tầng rất cao. Báo chí đã cho thấy nhiều lãnh đạo, quan chức ở trung ương và địa phương đang có cuộc sống rất xa hoa, không tương xứng với trình độ phát triển của đất nước, không phù hợp với chính sách tiếp nhận nhiều ODA từ nước ngoài.

Việc chọn lựa các dự án đầu tư còn thiếu thận trọng, các phân tích đánh giá khả năng trả nợ và hiệu quả tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế ở ngay cả một số dự án lớn còn chưa đầy đủ hoặc chỉ có tính hình thức. Hậu quả là Việt Nam nhận ODA tràn lan, tính trên đầu người mức nhận ODA của chúng ta đến nay là trên dưới 40 USD, quá nhiều so với kinh nghiệm của Hàn Quốc và Thái Lan (so sánh Hình 1 và 2).


Hình 1  ODA đầu người trong quá trình phát triển của Việt Nam (USD) –Theo World Development Indicators.


Hình 2   ODA trên đầu người trong quá trình phát triển của Hàn Quốc và Thái Lan (đơn vị: USD) – Theo World Development Indicators.

Việt Nam cần đặt ra kế hoạch “tốt nghiệp ODA” trong khoảng 10 năm tới. Nếu không kể thời kỳ nhận viện trợ từ Liên xô cũ và các nước Đông Âu thì đến nay Việt Nam đã nhận ODA gần 25 năm. Việc tùy thuộc lâu dài vào ODA phải được xem như là sự thất bại của chiến lược phát triển.

Hàn Quốc và Thái Lan là những nước châu Á thành công trong phát triển kinh tế và “tốt nghiệp ODA” trong thời gian ngắn. Hàn Quốc vay mượn nước ngoài nhiều từ khoảng năm 1960. Như Hình 2 cho thấy, ODA trên đầu người cao nhất trong giai đoạn 1960-1972 nhưng chỉ độ 10 USD, sau đó giảm dần và từ năm 1982 nguồn vốn ODA vào nước này hầu như không đáng kể. Từ năm 1993, ODA trên đầu người chuyển sang số âm vì lúc này Hàn Quốc không nhận ODA nữa mà chuyển sang vị trí là nước cung cấp ODA cho nước ngoài (kể cả tiền hoàn trả các khoản ODA trong quá khứ. Như vậy Hàn Quốc chỉ nhận ODA trong khoảng 20 năm, với kim ngạch tương đối thấp (tính theo đầu người), và hoàn toàn tốt nghiệp trong vòng 30 năm. Trường hợp Thái Lan, ODA được tiếp nhận cũng từ khoảng năm 1960 và cũng ở mức thấp, trong giai đoạn đầu ODA tính trên đầu người chỉ vài USD mỗi năm. Thái Lan tiếp nhận ODA tương đối nhiều (hơn 5 USD trên đầu người) từ giữa thập niên 1970 và kéo dài độ 25 năm (đến năm 2002), và lúc cao nhất chỉ khoảng 15 USD. Sau đó ODA trên đầu người chuyển dần sang số âm hoặc trên dưới 0 USD. Nếu kể cả giai đoạn tiếp nhận vài USD mỗi năm thì Thái Lan tốt nghiệp ODA trong khoảng 40 năm, nếu kể thời gian nhận nhiều ODA (trên 5 USD) thì Thái Lan tốt nghiệp ODA trong khoảng 25 năm (hình 2). Có thể so sánh Thái Lan và Philippines để thấy ODA không phải lúc nào cũng đi liền với thành quả phát triển. Hai nước này đều được Nhật chú trọng trong quan hệ ngoại giao và ưu tiên cung cấp ODA. Lũy kế ODA Nhật cung cấp từ trước cho đến cuối năm tài chính 2012 cho Philippines là 2.329 tỉ yen, trong khi cho Thái Lan là 2.164 tỉ yen. Hai con số xấp xỉ nhau nhưng thành quả phát triển của hai nước thì hoàn toàn khác. Năm 1960 GDP đầu người của Philippines gấp đôi Thái Lan nhưng đến giữa thập niên 1980 Thái Lan đã theo kịp Phi và khoảng năm 2000 GDP đầu người của Thái Lan đã tăng lên gấp đôi Philippines, hai nước đảo ngược vị trí của năm 1960. Một số nội dung trong bài trích lược từ cuốn Cú sốc thời gian và kinh tế Việt Nam (Trần Văn Thọ), NXB Tri thức, 2016 (tái bản năm 2017), Chương 13.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)