Tiếp cận pháp luật từ góc nhìn văn hóa

Bên cạnh việc được nhìn nhận dưới góc độ là những định chế, pháp luật còn có xu hướng được nhìn nhận dưới góc độ văn hóa,  mục đích là nhằm vượt lên những bất đồng, khác biệt, để hợp tác xây dựng nên những qui tắc ứng xử mới – những qui tắc có khả năng đem lại lợi ích cho các bên tham gia và cho toàn xã hội.

Lâu nay pháp luật thường được nhìn nhận dưới góc độ là những định chế có tính chất “quan phương” từ phía nhà nước hay nói cách khác pháp luật được hiểu là tổng thể các qui tắc xử sự do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội. Tuy nhiên ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, tồn tại một xu hướng tiếp cận pháp luật khác – xu hướng nhìn pháp dưới góc độ văn hóa1,  mục đích là nhằm vượt lên những bất đồng, khác biệt, để hợp tác xây dựng nên những qui tắc ứng xử mới –những qui tắc có khả năng đem lại lợi ích cho các bên tham gia và cho toàn xã hội.

Nhìn pháp luật trong một không gian đa chiều

Pháp luật cũng là một dạng thức của văn hóa – văn hóa qui phạm. Khi đặt pháp luật trong một phạm trù rộng hơn là “văn hóa”, ta sẽ thấy rõ tính chất đa dạng, đa chiều của pháp luật.

Chẳng hạn nếu như ở Bỉ, Hà Lan, Luxemburg, người ta có đạo luật riêng về cái chết nhân đạo, cho phép áp dụng một cái chết nhẹ nhàng hơn đối với những người mắc bệnh hiểm nghèo không thể cứu chữa được, để tránh cho người bệnh đau đớn và đỡ tốn kém tiền bạc2 thì ở Việt Nam và nhiều nước khác luật pháp và đạo đức đều không cho phép điều đó, thậm chí Điều 101 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 còn trừng trị những người thực hiện hành vi này với tội danh xúi giục hoặc giúp người khác tự sát.

Ở Diyarbakir, Thổ Nhĩ Kỳ, để có biện pháp giáo dục đối với một người đàn ông thường xuyên đánh vợ, Tòa án đã tuyên phạt ông ta một hình phạt là tặng hoa cho vợ mỗi tuần một lần trong vòng năm tháng để học cách tôn trọng cái đẹp. Ngoài ra ông còn phải đọc một cuốn sách mỗi tháng, trong vòng năm tháng về đề tài “quan hệ gia đình và giáo dục con cái” để biết cách làm thế nào để trở thành một ông chồng tốt3.

Việc ôm, hôn khi gặp gỡ thể hiện thái độ thân thiện, cởi mở trong giao tiếp ở nhiều nước Châu Âu là việc làm rất bình thường, nhưng nếu chúng ta sống ở Malaysia mà có hành động như vậy ở nơi công cộng thì đó là hành động bất hợp pháp và chúng ta có thể phải ngồi tù 1 năm để suy nghĩ về hành động mà nhìn bề ngoài rất chính đáng của mình4.

Rất khác với văn hóa pháp luật ở Việt Nam, luật của bang California ở Mỹ – một đất nước nhiều người cho là giàu có và văn minh nhất thế giới – vẫn cho phép người chồng được phép đánh vợ bằng thắt lưng da nhưng lại qui định cụ thể điều kiện dây thắt lưng không được rộng hơn 2 inch (1 inch= 2,54cm)5

Ở Afghanistan người ta có đạo luật áp dụng trong cuộc sống gia đình của người thiểu số Shia cho phép chồng có quyền bỏ đói vợ nếu bị từ chối sex6

Từ những ví dụ trên cho thấy ở những không gian, thời gian khác nhau thì pháp luật ở nơi này đôi khi lại là điều tồi tệ, cấm kị ở một nơi khác vì giữa chúng không có chung một hệ qui chiếu.

Nhìn pháp luật dưới góc độ là kết quả phản ánh một quá trình tự thích nghi

Pháp luật phản ánh sự thích nghi trong một quá trình. Chính sự tự thích nghi đó là nguồn gốc tạo ra sự khác biệt.

Chẳng hạn việc ở ta đi đường về bên tay phải, ở Anh người ta đi phía bên tay trái; ở ta gật đầu có nghĩa là đồng ý và lắc đầu có nghĩa là không, nhưng tại Bulgaria, Hy Lạp, Nam Tư, Thỗ Nhĩ Kỳ, Iran và Bengal thì gật đầu lại có nghĩa là không, và lắc đầu lại có nghĩa là đồng ý… tất cả điều đó phản ánh việc tự thích nghi, phản ánh sự khác biệt trong cách lựa chọn phương thức chung sống, lựa chọn các vấn đề muôn mặt của cuộc sống.

Cái gì hợp lý thì tồn tại, cái gì tồn tại ít nhiều đã chứa đựng trong đó tính hợp lý. Hay nói cách khác mọi thứ tồn tại, vận động và phát triển trên thế giới này đều có lý do riêng của nó và chừng nào còn những khác biệt về lịch sử, địa lý, trình độ phát triển giữa các nền văn hóa thì chừng đó vẫn còn tồn tại những sự khác biệt nhưng đầy tính hợp lý. Chính vì vậy, nếu nhìn pháp luật dưới góc độ văn hóa, người ta thường không phán xét vội vàng, chủ quan về sự cao thấp, mà nhìn nhận vấn đề trong tính đa dạng và khác biệt vốn có của sự vật.

– Nhìn pháp luật trong trạng thái không tĩnh tại mà luôn vận động, biến đổi, phát triển không ngừng

Tất cả sự vật, hiện tượng đều ở trong trạng thái vận động, biến đổi và phát triển không ngừng không riêng gì pháp luật. Pháp luật cũng là một dạng thước đo, nhưng thước đo hay cách đo đó sẽ chỉ đúng trong một cộng đồng nhất định, phạm vi nhất định, thời điểm nhất định. Khi đánh giá một vấn đề, ta nên đặt nó trong điều kiện, hoàn cảnh, không gian, thời gian cụ thể, có vậy ta mới có khả năng đánh giá được đúng bản chất của vấn đề.

Chẳng hạn, nếu như Hiến pháp 1980 chỉ qui định có hai thành phần kinh tế là kinh tế quốc doanh và kinh tế hợp tác xã (Điều 18 Hiến pháp 1980), kinh tế tư bản tư nhân không được thừa nhận thì Hiến pháp 1992 đã thừa nhận nhiều thành phần kinh tế gồm kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (Điều 16 Hiến pháp 1992 sửa đổi bổ sung 2001).

Hoặc hiện nay chủ đề “luật biểu tình” ở nước ta còn là vấn đề pháp lý rất mới nhưng rất có thể trong một thời gian tới, khi Luật biểu tình đã được Quốc hội nước ta thông qua và đi vào cuộc sống, đưa hoạt động biểu tình đi vào nề nếp, phù hợp với xu hướng dân chủ, bảo vệ quyền tự do con người thì đây sẽ là một sinh hoạt chính trị bình thường như nhiều quốc gia hiện nay.

Nhìn pháp luật bằng tinh thần khoan dung

Đúng là cái gì hay ta nên học, cái gì xấu ta nên tránh, nhưng trước khi biết được hay dở thế nào, cần phải có một cái nhìn “khoan dung về văn hóa, cũng như pháp luật“. Khoan dung là tinh thần chấp nhận sự khác biệt. Thực tế nhiều vấn đề tưởng như không có lối thoát đã được hóa giải bằng việc tôn trọng nguyên tắc xử sự này vì có khoan dung ta mới có điều kiện để hiểu, chia sẻ, đàm phán và cùng tìm ra những qui tắc xử sự chung phù hợp.

Một người chỉ bằng “đôi mắt” hay thông qua “bộ lọc” của riêng mình và lấy cộng đồng văn hóa của mình làm chuẩn khó có thể đánh giá đúng được hết những hành vi và lời nói của một người thuộc một cộng đồng văn hóa khác hay một thế giới quan văn hóa khác. Hiện nay đâu đó vẫn tồn tại lối tư duy cho rằng: “Những gì phù hợp với cái mà bản thân tôi hoặc cộng đồng văn hóa của tôi cho là “đúng”, thì mới là “đúng”, còn những gì khác lạ, không phù hợp với cái bản thân tôi và cộng đồng văn hóa của tôi cho là “đúng” thì ắt hẳn là “sai“. Lối tư duy này là không nên và đó cũng giống như trong một truyện vui khi được hỏi: “cây hoa nào đẹp nhất?”, một chú nhím liền trả lời ngay rằng: “cây hoa xương rồng là đẹp nhất” vì cây hoa xương rồng có những điểm tương đồng với “vẻ ngoài” của chú nhím này. 

Giá trị của tinh thần khoan dung ở chỗ khi nhìn vào nền văn hoá khác, hoặc pháp luật của những quốc gia khác trong nhiều trường hợp ta còn tìm thấy được trong đó cả những giá trị cao cả, văn minh hơn những gì chúng ta đang có. Điều này vô cùng cần thiết hiện nay khi sự giao thoa văn hóa, luật pháp giữa các khu vực, quốc gia, vùng, miền đã trở thành một xu hướng tất yếu.

Chung sống hòa bình, bình đẳng, hợp tác, thống nhất trong đa dạng và chủ động học hỏi những giá trị của nhau chính là sự lựa chọn tất yếu của các nền văn hóa, của các hệ thống pháp luật và mỗi một cá nhân trong giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

(*) NCS Đại học Saarland, CHLB Đức

1. Năm 2002, UNESCO đã đưa ra một định nghĩa về văn hóa mà đến nay được rất nhiều người biết đến: “Văn hóa nên được xem như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin”. Nguyên bản Tiếng Anh: “Culture should be regarded as the set of distinctive spiritual, material, intellectual and emotional features of society or a social group, and that it encompasses, in addition to art and literature, lifestyles, ways of living together, value systems, traditions and beliefs.”

2. Janssen, André (2002). The New Regulation of Voluntary Euthanasia and Medically Assisted Suicide in the Netherlands. Int J Law Policy Family 16 (2): 260–269.

3. Phạt đọc sách thay vì ngồi tù, Báo Tuổi trẻ, ngày 7/8/2009, truy cập tại http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=330534&ChannelID=268.

4. Jonathan Kent, Kiss warning to Malaysia Tourists, BBC News, http://news.bbc.co.uk/2/hi/asia-pacific/4879248.stm.

5. Libertarian Party of Maryland, Weird American Laws, http://www.md.lp.org/weird_laws.php
Jennifer Heath, Aschraf Zahedi, Land of the unconquerable: the lives of contemparary Afgan women, University of California Press, 2011, p. 162–170.

6. Jennifer Heath, Aschraf Zahedi, Land of the unconquerable: the lives of contemparary Afgan women, University of California Press, 2011, p. 162–170.

Tác giả