Tìm hiểu về xã hội công dân

Xã hội công dân (Civil society, XHCD) là một khái niệm khá mới mẻ, hiện chưa có một nhận thức tương đối thống nhất. Nhân dịp nước ta đang chuẩn bị sửa Hiến pháp, chúng tôi xin trình bày một vài tìm hiểu còn rất sơ sài về đề tài này, mong bạn đọc cùng bàn thảo để làm sáng tỏ.

Xã hội và xã hội công dân

Có thể hiểu XHCD là một hình thức xã hội tự quản, khi toàn dân đều tham gia quản lý xã hội một cách có tổ chức, có trật tự; sự tự quản ấy vận hành song song với sự quản trị xã hội của bộ máy nhà nước.

Các triết gia từ cổ đại đến hiện đại đều quan tâm vấn đề xã hội tự quản, muốn dùng nó để thay thế cho hình thức xã hội được quản lý bằng bộ máy quyền lực nhà nước, bởi lẽ họ đã thấy rõ những mặt tiêu cực vốn có của quyền lực. Sử gia Lord Acton có một danh ngôn: Quyền lực dẫn tới tha hóa và quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối [1]. Sự tha hóa (tức biến chất xấu đi; nguyên văn corrupt, còn dịch là tham nhũng) phổ biến nhất là lợi dụng quyền lực để mưu lợi riêng; lịch sử cho thấy đây là nguồn gốc dẫn đến sự mục ruỗng và sụp đổ có tính tự sát của tất cả các chính quyền chuyên chế, kể cả tại các nước XHCN như Liên Xô và Đông Âu. Rõ ràng, khi trình độ tự quản xã hội càng cao thì bộ máy quyền lực càng được thu nhỏ, do đó hạn chế được mức độ tha hóa của nó.

Karl Marx đầu tiên đưa ra ý tưởng xã hội tự quản khi tiến lên chủ nghĩa cộng sản – khi ấy nhà nước đã tiêu vong, xã hội sẽ hình thành chế độ tự quản xã hội cộng sản. Nói cách khác, Marx coi xã hội tự quản cộng sản là hình thức cao nhất, sau chót, mãi mãi tồn tại của xã hội loài người; khi ấy không còn bộ máy quyền lực nữa (vì nhà nước đã tiêu vong). Việc Marx đánh giá cao xã hội tự quản càng cho thấy chúng ta rất cần xây dựng XHCD như một giải pháp hiệu quả nhất để giảm sự tha hóa của bộ máy quyền lực và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Marx cho rằng: – Xã hội tự quản đã có từ trước khi xuất hiện xã hội có giai cấp, dưới chế độ công xã nguyên thủy; – Với sự phân chia xã hội ra thành các giai cấp đối kháng, nó được thay bằng tổ chức chính trị của xã hội mà cơ sở là nhà nước; – Sự phát triển dân chủ XHCN sẽ lôi cuốn tất cả công dân tham gia quản lý xã hội, hình thành tự quản xã hội cộng sản [2].

Ở đây Marx đã nêu ra điều kiện tất yếu để hình thành xã hội tự quản: phát triển dân chủ. Nghĩa là khi toàn dân được hưởng tất cả các quyền dân chủ thì mới có thể hình thành xã hội tự quản.

Xã hội tự quản cộng sản có thể là đỉnh cao của XHCD, song nó chỉ là sản phẩm do bộ óc vĩ đại của Marx nghĩ ra. Rõ ràng nhà nước chỉ tiêu vong khi toàn thế giới cùng lúc tiến lên chủ nghĩa cộng sản – điều đó quá ư xa xôi, vì thế hiện nay chưa thể bàn thảo.
XHCD nói trong bài này là một hình thức xã hội tự quản hiện đang tồn tại ở một số quốc gia, khi nhà nước chưa tiêu vong, tức chưa tiến đến chủ nghĩa cộng sản. Nó là một thực thể gồm vô số các tổ chức công dân (TCCD, còn gọi là đoàn thể công dân) tồn tại độc lập với nhà nước, nhằm phát huy tối đa quyền làm chủ của người dân, giúp nhà nước thực hiện quản lý xã hội một cách tốt nhất, hạn chế các nhược điểm cố hữu của quyền lực, đạt mục tiêu chính quyền nhỏ, xã hội lớn. Hiển nhiên XHCD kiểu này thấp hơn xã hội tự quản cộng sản nhưng nó có khả năng thực hiện ngay từ bây giờ, ở mọi nơi, dưới chế độ XHCN hoặc chủ nghĩa tư bản (CNTB), vì thế rất cần tìm hiểu, thảo luận.

XHCD là một tất yếu lịch sử, bởi lẽ phát triển dân chủ là một xu thế tiến tới không thể ngăn cản của loài người. Đặc biệt trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay đã xuất hiện các TCCD có tính toàn cầu, vì thế có người nêu ra khái niệm XHCD toàn cầu. Đó là các tổ chức phi chính phủ (NGO, Non-Government Organization) hoạt động trên toàn cầu và có tác động lớn không chính phủ nào dám coi thường; thí dụ các tổ chức Ân xá quốc tế, Theo dõi Nhân quyền, các tổ chức tôn giáo, hoặc các quỹ từ thiện lớn. Tại Trung Quốc năm 2004 có hơn 2000 NGO quốc tế được cấp phép hoạt động, số lượng NGO không cấp phép còn nhiều hơn. Đầu tháng 12/2011 Ân xá quốc tế đang đòi các chính phủ châu Phi bắt giữ cựu Tổng thống Mỹ Bush con vì tội cho phép tra tấn tù nhân tại nhà tù ở Guantanamo, nhân chuyến đi thăm châu Phi của ông này. Năm 2009 nước Nga có 277 nghìn NGO; Ấn Độ có khoảng 3,3 triệu NGO. Mỹ hiện có hơn 2 triệu NGO với hơn 9 triệu nhân viên, kinh phí hoạt động hàng năm hơn 500 tỷ USD (do dân tự nguyện đóng góp); viện trợ hàng năm cho các nước nghèo lớn hơn viện trợ nhân đạo của chính phủ Mỹ. Cá biệt quỹ từ thiện có tài sản vài chục tỷ USD, tương đương GDP một quốc gia trung bình. Tiền làm từ thiện do dân Mỹ hàng năm quyên góp lớn gấp 2-3 lần GDP nước ta. Lực lượng hùng hậu của các TCCD khiến chính phủ phải lắng nghe ý kiến, quan điểm của họ.

Tiền đề tất yếu để hình thành XHCD là mọi công dân đều được hưởng các quyền con người cơ bản như tự do ngôn luận, tự do hội họp, mít tinh biểu tình, tự do lập hội, sở hữu tài sản… Khi ấy con người được coi là yếu tố quan trọng nhất; chính quyền chỉ là cơ quan phục vụ dân. Sách Giáo dục công dân dùng trong các trường học ở Mỹ viết: Khi chính quyền là đầy tớ của bạn thì bạn được tự do; khi chính quyền là chủ nhân của bạn thì bạn sẽ như kẻ nô lệ [3]. Khi không ai muốn làm nô lệ nữa thì dĩ nhiên sẽ hình thành XHCD như một tất yếu lịch sử.

XHCD gồm có lĩnh vực tư nhân, các tổ chức xã hội, lĩnh vực cộng đồng công dân và các phong trào xã hội.

Lĩnh vực tư nhân chủ yếu là nói về đời sống cá nhân hoặc gia đình; trong lĩnh vực này các cá nhân được hưởng quyền tư hữu tài sản, các quyền tự do dân chủ và quyền giữ bí mật riêng tư. Ở đây cần nhấn mạnh: thừa nhận quyền tư hữu tài sản là điều kiện tất yếu để hình thành XHCD cũng như nền kinh tế thị trường. Nhà tư tưởng lớn của phong trào Khai Sáng thế kỷ XVII, triết gia duy vật John Lock nói: Người ta gia nhập xã hội là để bảo vệ tài sản của họ [4]. Nhà bình luận chính trị nổi tiếng Walter Lippmann cho rằng quyền tư hữu tài sản là nguồn gốc ban đầu của tự do [5]. Rõ ràng, khi người dân có tài sản của riêng mình thì mới thực sự có tự do; càng có nhiều tài sản thì càng được tự do hơn. Người không có hoặc có ít tài sản thì không thể bình đẳng thực sự với người giàu, và quyền tự do cũng bị hạn chế. Nói tự do dân chủ mà phủ nhận quyền tư hữu tài sản là tự mâu thuẫn. Người vô sản là người khát khao tự do nhất.

Các tổ chức xã hội của công dân (TCCD, còn gọi là đoàn thể công dân), là những hội đoàn không kiếm lời do công dân tự nguyện tổ chức vì lợi ích chung của cộng đồng (hoặc của xã hội, của thế giới). Hệ thống TCCD tồn tại độc lập với nhà nước (nhưng có thể được nhà nước tài trợ). Nó là chủ thể của XHCD, làm nên sức mạnh của XHCD, góp phần tăng cơ hội và trình độ tham gia công việc chung của công dân. Sự xuất hiện các TCCD là nét đặc trưng chủ yếu của XHCD. Có thể dùng số lượng TCCD để đánh giá trình độ XHCD. TCCD càng hoàn thiện, số lượng càng nhiều thì mức độ tự quản xã hội càng cao, xã hội phồn vinh, phát triển lành mạnh. Tại Mỹ, các TCCD được coi là một trong ba cột trụ lớn của xã hội (hai cột trụ kia là chính quyền và khối doanh nghiệp).

Hình thức TCCD rất đa dạng, như các tổ chức phi chính phủ (NGO), hội ngành nghề, công đoàn, câu lạc bộ, hội (quỹ) từ thiện, đoàn luật sư, các Think-tank v.v… TCCD có tác dụng rất lớn phát huy trí tuệ, ý thức trách nhiệm và đạo đức của từng người dân, thể hiện quan điểm, nguyện vọng của dân chúng trước hiện trạng xã hội hoặc chủ trương chính sách của chính quyền, đấu tranh bảo vệ công lý và quyền lợi của dân, đòi hỏi chính quyền lắng nghe dân, đề xuất giải pháp về các vấn đề đối nội đối ngoại, giúp chính phủ tránh được những quyết sách sai lầm. Thí dụ ở Mỹ khi thấy các đập lớn thủy điện gây hại rất lớn cho môi sinh, từ thập niên 50 các TCCD bảo vệ môi trường bắt đầu đấu tranh ngăn chặn việc xây đập. Họ gặp sự chống đối từ các công ty kinh doanh thủy điện; các công ty này gây sức ép với chính phủ, vì thế chính phủ chần chừ không quyết. Các TCCD kiên cường đấu tranh; kết quả đến thập niên 70 chính phủ Mỹ thông qua Luật bảo vệ vĩnh viễn các con sông và bắt đầu dỡ bỏ một số đập thủy điện (đã dỡ hơn 600 đập), đến thập niên 90 thì dừng hẳn việc làm các đập ngăn sông.

TCCD có mấy đặc điểm khác với các cơ quan nhà nước hoặc tổ chức kinh tế: – Là tổ chức dân lập, phi chính phủ; – Có tính độc lập tương đối với chính quyền nhưng không loại trừ sự tham gia của chính quyền; – Không kiếm lời (non-profit); – Có tính tự nguyện.

Lĩnh vực cộng đồng công dân là tên gọi chung của mọi không gian để công dân gặp gỡ, trao đổi ý kiến, hình thành quan điểm chung và dư luận. Truyền thông và mạng Internet, nhất là các mạng xã hội (social network) và báo điện tử đang trở thành bộ phận quan trọng của lĩnh vực này và là phương tiện chủ yếu phát triển XHCD, tác động chẳng kém phong trào xã hội, lại có ưu thế là không ai ngăn chặn được. Việc thăm dò dư luận hiện nay phổ biến tiến hành trên mạng, vừa nhanh vừa phủ rộng, nhanh chóng hình thành sức ép dư luận. Qua mạng, người ta liên kết với nhau, giúp đỡ lẫn nhau (như giúp người gặp khó khăn). Các mạng xã hội như Facebook, Netlog, Twitter… kết nối mọi thành viên không quen biết (nhất là giới trẻ) có sở thích hoạt động trên mạng; họ có thể giao lưu, chia sẻ thông tin, lập quan hệ, thúc đẩy sự liên kết giữa các cá nhân và TCCD mà không bị giới hạn về địa lí và thời gian. Mạng Internet tạo ra một xã hội ảo vĩ đại, nhanh chóng liên kết mọi người không phân biệt dân tộc, quốc tịch thành những TCCD ảo có sức mạnh chính trị thật sự đủ để lật đổ mọi chính quyền độc tài ngoan cố. Phong trào nổi dậy ở xứ A Rập không có truyền thống cách mạng là thí dụ đầu tiên về sức mạnh của xã hội ảo. Trung Quốc hiện có hơn nửa tỷ dân mạng, hơn 300 triệu blogger; gần đây dân mạng đã dùng microblog (weibo) tạo ra sức ép dư luận xã hội cực lớn đối với các tệ nạn như ức hiếp dân, tham nhũng, giấu thông tin thật v.v… góp phần quan trọng thúc đẩy dân chủ hóa chính trị. Khi phong trào Chiếm phố Wall nổ ra, giới trẻ Mỹ mở ngay hơn 200 trang Facebook và Twitter nói về phong trào này. Nhằm tập hợp hơn 1.000 người biểu tình tại Washington Square Park hôm 15/10, họ nêu khẩu hiệu: “Nếu bạn nằm trong số 99%, thì đây là cuộc biểu tình của bạn”. Kết quả có gần 700 người trả lời khẳng định sẽ có mặt.

Phong trào xã hội (chủ yếu nói các phong trào có nòng cốt là tầng lớp trung lưu, thành phần chính trong XHCD) với hình thức chính là mít tinh, biểu tình quần chúng, nhằm thể hiện mạnh mẽ ý chí nguyện vọng của dân, gây sức ép đòi chính phủ sửa các chính sách sai. Các phong trào này thường nảy sinh khi đông đảo nhân dân bất mãn về thực trạng xã hội hoặc chủ trương chính sách sai lầm của nhà nước. Chính quyền rất khó đối phó với các phong trào quần chúng, nếu họ không gây mất trật tự trị an thì chính quyền không thể đàn áp. Phong trào tiến về Washington (1963) do mục sư da đen Martin Luther King dẫn đầu có 200 nghìn người tham gia đưa đến kết quả ngay năm sau Quốc hội Mỹ thông qua Luật Dân quyền (Civil rights bill) cấm các hành vi phân biệt đối xử về bầu cử, việc làm, nhà ở. Các cuộc mít tinh biểu tình rầm rộ chống chiến tranh Việt Nam năm 1967-1969 dẫn đến việc chính phủ Mỹ rút ra khỏi cuộc chiến này năm 1973. Nếu không có các phong trào đấu tranh thì rất khó buộc chính phủ Mỹ sớm thay đổi chính sách, vì chính phủ chịu sức ép rất lớn từ các nhóm lợi ích cực đoan có thế lực rất mạnh như nhóm phân biệt chủng tộc, tổ hợp quân sự-công nghiệp (military-industrial complex), giới trùm tài chính phố Wall.

Xã hội công dân Mỹ hiện nay

Nước Mỹ có XHCD sớm, lớn mạnh và hoạt động hiệu quả nhất; tìm hiểu nước Mỹ sẽ có cái nhìn cụ thể về XHCD.

Ý tưởng XHCD xuất hiện ngay từ ngày mở đầu lịch sử nước Mỹ và mang đậm dấu ấn tín điều tôn giáo. Ngày 21/11/1620, sau 66 ngày vượt Đại Tây Dương, chiếc thuyền buồm Hoa Tháng Năm (Mayflower) chở 102 người cặp bờ Cape Cod tại Bắc Mỹ. Đây là những người Anh theo đạo Tin Lành vì không chịu nổi sự hãm hại của vua Anh mà liều mình bỏ tổ quốc trốn sang Tân Thế Giới để tìm kiếm một cuộc sống mới. Trước đó, ngày 11/11, tin rằng mình đã nằm ngoài phạm vi phán xử của bất kỳ chính phủ nào, 41 đàn ông lớn tuổi trong số 102 người hành hương ấy đã tự nguyện ký một giao ước gọi là Công ước Hoa Tháng Năm (Mayflower Compact, được soạn thảo bởi các nhà lãnh đạo họ bầu ra), cam kết sẽ thiết lập một chính quyền tự quản (self government) trên nguyên tắc tự do, bình đẳng, công bằng của đạo Tin Lành [6].

Đây là văn bản đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ xác lập ý tưởng xã hội tự quản. Đó cũng là ý tưởng chung của tất cả các nhóm người Anh theo đạo Tin Lành tự nguyện bỏ nước Anh đang rên xiết dưới chế độ phong kiến sang châu Mỹ xây dựng cuộc đời tự do, trong đó có tốp người trên con thuyền Hoa Tháng Năm. Các cộng đồng dân định cư (settlers) ấy lập ra các “thuộc địa”, về sau hợp nhất thành Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Ý tưởng nói trên do họ đề xướng rất cao cả và hợp lòng người, vì vậy cũng được tất cả những người về sau di cư đến nước Mỹ (immigrants) tán thành. Nhờ thế nước này có điều kiện thuận lợi nhất để hình thành XHCD, không phải mất nhiều năm đấu tranh vì việc đó như ở các nước khác.

Như vậy là trong khi tất cả các quốc gia đều được thiết lập trên cơ sở những người cùng dân tộc, tiếng nói và truyền thống văn hóa, – gọi chung là quốc gia-dân tộc (Nation-state) – thì nước Mỹ là quốc gia duy nhất được thiết lập trên một nền tảng độc đáo: tất cả mọi người đều có chung một ý tưởng, cho dù nước này gồm nhiều dân tộc từ hơn 100 nước trên thế giới đến, khác nhau về huyết thống, ngôn ngữ, truyền thống văn hóa và nhiều thứ.

Samuel Huntington cho rằng ý tưởng đó thể hiện “các nguyên tắc tự do, bình đẳng, chủ nghĩa cá nhân, chính quyền thay mặt cho nhân dân, và sở hữu tư nhân”, “là sự sáng tạo độc đáo của văn hóa Tin Lành” [7]. Hơn 150 năm sau, nó được ghi vào Tuyên ngôn Độc lập rồi Lời nói đầu (Preamble) Hiến pháp Mỹ. Năm 1917 lại được Thư ký Quốc hội Mỹ William Tyler Page viết thành một văn bản chẵn 100 từ cho dễ nhớ, gọi là Niềm tin của người Mỹ (The American’s Creed), và được Quốc hội Mỹ thông qua ngày 3/4/1918 [8]. Niềm tin ấy trở thành ý thức hệ có một không hai của nước Mỹ.

Người Mỹ tin rằng mọi người sinh ra bình đẳng, được tạo hóa ban cho các quyền tự do dân chủ; tin rằng chính quyền dân cử là của dân, do dân, vì dân, là đầy tớ của dân. Vào thời ấy những ý nghĩ này thật xa lạ với người dân các nước khác, kể cả hầu hết châu Âu đang sống dưới chế độ phong kiến, chính quyền là kẻ cai trị, áp bức bóc lột dân.

Người Mỹ tin rằng nước họ không có phân biệt giai cấp; chỉ có một loại người là công dân, hoàn toàn bình đẳng về cơ hội nhưng không bình đẳng về kết quả, và ai cũng có quyền sở hữu tài sản (hiện nay 68% dân Mỹ và 65% người Mỹ gốc Việt có nhà riêng kiểu biệt thự). Nông dân (hiện chiếm 0,7% số dân, hầu hết là chủ nông trại), công nhân (working class, chiếm khoảng 13% số dân) hoặc nhà tư bản (1% số dân) đều là công dân. Phân chia theo thu nhập thì xã hội Mỹ có hai thiểu số người giàu, người nghèo và một đa số trung lưu chiếm khoảng 80% số dân [9]. Các tín đồ Tin Lành cho rằng nghèo do lười là tội lỗi. Người nghèo, kể cả hành khất và thất nghiệp, cũng tin rằng nếu chịu khó phấn đấu thì sẽ giàu có, cho nên họ không ghen ghét hoặc chống lại người giàu. Ở Mỹ người giàu được tôn vinh, coi là tấm gương phấn đấu thành đạt, nhất là người tay trắng làm nên. Nhìn chung xã hội Mỹ không có mâu thuẫn nội bộ gay gắt, lực lượng xã hội có khi đấu tranh (thậm chí quyết liệt) với chính quyền nhưng không dùng bạo lực, đảo chính hoặc cách mạng lật đổ chính phủ.

Tuy hầu hết người Mỹ có cùng ý tưởng xây dựng một xã hội tự quản nhưng để thực hiện điều đó họ phải đấu tranh lâu dài, gian khổ, thậm chí đổ máu, bởi lẽ có không ít nhóm người vì lợi ích riêng mà xâm phạm lợi ích của đa số nhân dân. Sau khi trải qua các thời kỳ thuộc địa, chiến tranh độc lập (1775-1781) và nội chiến (1861-1865), tình hình chính trị ổn định dần, nước Mỹ ráo riết tiến hành công nghiệp hóa, nhờ đó kinh tế tăng trưởng nhanh, đất nước ngày một phồn vinh, hình thành tầng lớp trung lưu đông đảo, là các điều kiện khách quan và cơ sở xã hội để xây dựng XHCD. Đồng thời nhà nước ban hành các đạo luật về quyền tự do lập hội đoàn công dân, các tổ chức dân sự v.v.. tạo cơ sở pháp lý để XHCD phát triển tới mức như ngày nay.

XHCD Mỹ có mấy đặc điểm: – Có rất nhiều tổ chức tự nguyện của công dân; – Nhà nước tách rời tôn giáo; – Thực hành chủ nghĩa liên bang (khác với chủ nghĩa quốc gia ở châu Âu); – Bảo vệ tự do cá nhân như một giá trị của đạo Tin Lành; – Đạo đức xã hội văn minh và phong phú.

Dĩ nhiên muốn có XHCD thì phải giải quyết mối quan hệ giữa riêng với chung, cá nhân với xã hội, lợi ích của cá nhân với đạo đức xã hội, chủ nghĩa cá nhân với chủ nghĩa lợi tha. XHCD Mỹ dựa trên chủ nghĩa cá nhân và sự tham dự của cá nhân vào sinh hoạt xã hội nhưng sự tham dự ấy thực hiện theo các khế ước (thỏa thuận) và ràng buộc của các mối quan hệ đạo đức, kinh tế, xã hội, chính trị. Điểm tựa chủ yếu để XHCD tồn tại là tinh thần lý trí, nghĩa là mỗi cá nhân đều phải hành xử một cách có lý trí, tôn trọng công lý, biết tự chủ, có ý thức bình đẳng, tức không xâm phạm lợi ích người khác. Đề cao cá nhân là đề cao quyền tự do định đoạt số phận của mỗi người, chứ không phải là tự do vi phạm luân lý đạo đức, xâm phạm lợi ích chung và lợi ích của người khác.

Tính tự chủ của người Mỹ được phát huy cao bởi lẽ nước Mỹ chưa trải qua chế độ phong kiến như châu Âu. Điều đó làm nên nét đặc sắc của văn hóa chính trị XHCD Mỹ; nền văn hóa này nhấn mạnh tính đạo đức hoặc tính tôn giáo. Giáo lý phổ quát của đạo Tin Lành (Protestant Universalism) đề cao chủ nghĩa cá nhân chứ không phải chủ nghĩa tập thể, do đó đề cao nhân quyền và tư tưởng tự do, bình đẳng; nó trở thành nguyên tắc của nhà nước cộng hòa và của chính thể công dân (civic polity). Cá nhân được đặt ở vị trí cao nhất, nhưng đó là cá nhân biết tự chủ.

XHCD Mỹ cũng chịu ảnh hưởng của thuyết Calvin [10]: chủ trương bảo vệ giá trị đạo đức của cá nhân, nhấn mạnh tính cộng đồng và trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng; mọi việc riêng tư của các cá nhân đều được xã hội quan tâm; các cá nhân được gắn giá trị cộng đồng.

Các nguyên tắc ý thức hệ mà người Mỹ tuân theo gồm: – Tiếp nhận giá trị và niềm tin của nước Mỹ; – Coi tính tự chủ của cá nhân là cốt lõi của nguyên tắc đoàn kết xã hội; – Các cá nhân phải tích cực tham dự xây dựng trật tự xã hội và chính trị, thành viên mọi TCCD đều phải tham gia sinh hoạt chung của xã hội.

XHCD Mỹ góp phần quan trọng vào việc quản lý mọi mặt đời sống xã hội. Rất nhiều vấn đề nhà nước không thể làm được hết mà phải nhờ dân tự làm, như giúp người nghèo đói, già yếu, lang thang cơ nhỡ, trẻ mồ côi, bảo vệ môi trường, phòng chống ma túy, chống bạo lực gia đình v.v…Thí dụ mỗi khi tuyết rơi dầy, có nhiều thanh niên tự động lái xe chạy trên đường tìm giúp các xe bị kẹt trong tuyết. Sau biến cố 11 tháng 9, có nơi người dân tự tổ chức canh gác bên ngoài các cửa hàng của người Mỹ gốc A Rập để tránh bị những người quá khích đập phá. Trong cơn bão Katrina, có công dân bỏ tiền túi thuê máy bay lên thẳng đến vùng bị lụt cứu người. Lĩnh vực từ thiện thể hiện rõ nhất vai trò của các TCCD, mỗi năm hàng trăm tỷ USD được các quỹ từ thiện dân lập đưa tới tận tay người cần giúp, nếu để nhà nước làm thì khó tránh khỏi thất thoát lãng phí.

Nằm giữa hai lĩnh vực nhà nước và cá nhân, XHCD có tác dụng điều hòa lợi ích cá nhân với lợi ích xã hội, tạo cơ hội để người dân thực hiện tốt nhất các quyền làm chủ đất nước. XHCD thấm nhuần tín điều tự do, bình đẳng và tồn tại độc lập với chính quyền đã trở thành động lực căn bản làm cho nền dân chủ Mỹ phát triển lành mạnh: dân thực sự làm chủ nhưng xã hội không hỗn loạn, toàn dân nghiêm chỉnh tôn trọng luật pháp và sự điều hành của chính quyền, ngay cả khi kinh tế khủng hoảng, suy thoái cũng vậy.

Hoạt động từ thiện ở Mỹ

Từ thiện là hoạt động quan trọng nhất trong XHCD Mỹ; khảo sát hoạt động này sẽ thấy rõ vai trò của XHCD. Thực chất của hoạt động từ thiện là sự tái phân phối công bằng của cải xã hội, nhằm đạt tới xã hội hài hòa, giảm mâu thuẫn nội bộ nhân dân chứ không đơn giản chỉ là thể hiện tình thương người. Vì thế từ thiện có cả ý nghĩa chính trị to lớn. Sau Thế chiến II, hoạt động từ thiện của người Mỹ được mở rộng ra ngoài nước; kinh phí giúp nhân dân các nước nghèo lớn hơn cả từ thiện trong nước.

Hoạt động từ thiện ở Mỹ đạt trình độ hoàn thiện cao và có quy mô lớn khó tưởng tượng, 2/3 số tổ chức xã hội ở Mỹ là tổ chức từ thiện. Năm 1953 nước Mỹ có khoảng 50 nghìn tổ chức từ thiện; năm 2008 con số này lên tới 1,4 triệu, với tổng tài sản chiếm 5% GDP nước Mỹ. Tiền quyên góp từ thiện bằng khoảng 1,8% GDP. Năm 2007, tổng số tiền quyên góp từ thiện ở Mỹ đạt kỷ lục 306 tỷ USD, gấp 3 lần GDP Việt Nam. Nếu không dành phần lớn số tiền này giúp các nước nghèo trên thế giới mà đem chia đều cho người Mỹ nghèo (giả thử là 20% số dân Mỹ, hoặc hơn 60 triệu người) thì mỗi người được hơn 5000 USD, cao hơn thu nhập bình quân đầu người Trung Quốc. Trong 306 tỷ nói trên có 229 tỷ USD là tiền góp từ các cá nhân (một nửa từ 10% các gia đình giàu nhất nước); 38,5 tỷ USD là tiền quyên góp của các quỹ từ thiện. Tiếp theo là tiền hiến tặng của những người qua đời, và của các công ty.

Từ thiện đã trở thành thói quen của người Mỹ. 70% các gia đình làm từ thiện, mỗi gia đình hàng năm góp bình quân 900 USD hoặc 2,2% tổng thu nhập; ngoài ra còn làm lao động công ích trị giá 1200 USD/năm góp cho từ thiện.

Người giàu ở Mỹ hăng hái làm từ thiện; họ không quên danh ngôn Chết trong giàu sang là cái chết ô nhục. Năm 2010, B. Gates cùng người giàu thứ hai là W. Buffett phát động Phong trào cam kết hiến tặng, kêu gọi các nhà giàu cam kết sẽ hiến ít nhất một nửa tài sản cho xã hội. 57 trong số 400 người giàu nhất nước Mỹ đã tham gia phong trào này. Gates và Buffett cam kết hiến 98 và 99% tài sản riêng.

Lịch sử làm từ thiện bắt nguồn từ truyền thống văn hóa dòng chính của nước Mỹ, đó là giá trị quan của những người Anglo-Saxon da trắng theo đạo Tin Lành (WASP, chủ yếu đến từ nước Anh). Đạo này cho rằng người giàu chỉ là người quản lý tài sản của Thượng Đế (tức xã hội); nghĩa là về pháp lý, tài sản do tư nhân sở hữu nhưng về đạo đức và giá trị quan thì mọi tài sản vượt quá mức chi dùng của cá nhân đều thuộc về xã hội. Tân Ước nói người giàu khi chết khó được lên Nước Chúa. Kinh Thánh viết mọi tín đồ phải góp 1 phần 10 thu nhập hàng năm của mình cho Thượng Đế để giúp người nghèo, gọi là thuế Tithe nộp cho nhà thờ (Church tax). Ngoài ra, người Mỹ có thói quen đề cao giá trị cá nhân và những người sống tự lập (self made man), chỉ kế thừa tinh thần chứ không kế thừa tài sản, coi việc được hưởng tài sản mình không làm ra là trái luân lý; cho rằng để lại tài sản lớn cho con chỉ làm chúng hư hỏng.

Tổ chức từ thiện đầu tiên ra đời ở Mỹ là Hội Kỹ nữ hoàn lương (Magdalen Society, lập năm 1800). Về sau nước Mỹ giàu lên, của cải dư dật, những người giàu dẫn đầu làm từ thiện. Năm 1911 vua sắt thép A.Carnegie lập Quỹ Carnegie New York, đặt nền móng cho hoạt động từ thiện hiện đại. Quỹ góp ngay 5,6 triệu USD cho công tác giáo dục, lớn hơn cả ngân sách giáo dục của chính phủ. Trước khi chết, Carnegie hiến 330 triệu USD cho Quỹ này.

Công lao lớn của Carnegie là đã sáng tạo mô hình Quỹ từ thiện vận hành theo nguyên tắc thương mại, quản lý Quỹ như quản lý công ty; như vậy vốn của Quỹ bảo tồn được lâu dài. Khi ấy làm từ thiện trở thành công việc phức tạp đòi hỏi trí tuệ, không đơn giản chỉ quyên góp tiền rồi chia cho người nghèo. Vì thế tỷ phú Bill Gates phải xin nghỉ hưu để chuyên trách quản lý Quỹ Bill & Melinda Gates (năm 2009 có tài sản hơn 33,5 tỷ USD) sao cho đồng tiền bát gạo tới được tay người nghèo. Ngày nay Quỹ từ thiện là các tổ chức xã hội hợp pháp dùng tài sản của tư nhân để tài trợ cho giáo dục, khoa học, y tế, vệ sinh công cộng và các sự nghiệp công ích khác, với trọng điểm là giáo dục, y tế, vệ sinh.

Có mấy yếu tố giúp hoạt động từ thiện phát triển mạnh. Thứ nhất, nước Mỹ ngày càng lắm người giàu, có nhiều của cải dư thừa để chia cho người nghèo. Năm 1880 cả nước có chưa đầy 100 triệu phú, năm 1916 đã có hơn 40 nghìn, trong đó có người sở hữu tài sản trên 100 triệu USD. Hàng năm các tạp chí Forbes, Fortune công bố danh sách người giàu nhất và người làm từ thiện nhiều nhất nước Mỹ, nhằm tôn vinh và nhắc nhở bổn phận nhân đạo của họ.

Thứ hai, Chính phủ Mỹ có biện pháp cụ thể khuyến khích dân làm từ thiện, như chính sách giảm hoặc miễn thuế thu nhập đối với người có quyên góp từ thiện, và áp thuế suất cao đánh vào tài sản thừa kế. Năm 1913, Chính phủ Mỹ bắt đầu thu thuế thu nhập cá nhân. Bốn năm sau, Quốc hội thông qua luật cho phép giảm thuế thu nhập đối với người dùng tiền hoặc hiện vật quyên góp từ thiện. Vì thế người giàu làm từ thiện là có lợi cho chính họ, lại được tiếng thơm.

Năm 1797 chính phủ Mỹ bắt đầu thu thuế tài sản thừa kế (thuế di sản, inheritance tax) để lấy tiền xây dựng hải quân. Từ năm 1916, thuế di sản trở thành thành thuế cố định, có thuế suất lũy tiến, phải nộp thuế rồi mới được thừa kế di sản (trừ tài sản để lại cho vợ hoặc chồng). Thí dụ để thừa kế di sản trị giá 10.000 USD, người thừa kế phải nộp 5000 USD. Di sản lớn chịu thuế suất 55%. Những người khôn ngoan đều hiến cho xã hội tài sản lớn họ được thừa kế. Rất nhiều người giàu trước khi chết đều hiến tài sản cho các tổ chức từ thiện.

Vì là sự tái phân phối của cải xã hội nên hoạt động từ thiện phụ thuộc vào tình hình kinh tế. Mấy năm nay kinh tế Mỹ suy thoái, tiền quyên góp từ thiện giảm theo. Ngoài ra, cá biệt quỹ từ thiện có hành vi gian dối hoặc tham nhũng cũng làm giảm lòng tin của dân chúng, do đó giảm lượng tiền quyên góp.

Xã hội công dân là một xã hội văn minh tiến bộ

Qua khảo sát XHCD Mỹ, có thể thấy các tổ chức công dân (TCCD) đã giúp người dân có được năng lực chưa từng thấy trong lịch sử để thực thi quyền làm chủ đất nước. Qua TCCD, mọi người có dịp thống nhất quan điểm trước các vấn đề chung, liên kết nhau giám sát hoạt động của chính quyền, bảo vệ lợi ích chung. Khi cần, họ có thể gây sức ép đòi chính phủ thay đổi chính sách hoặc người lãnh đạo và các đòi hỏi đó thực hiện trong khuôn khổ luật pháp.

XHCD phát huy được ý thức làm chủ, tinh thần trách nhiệm đối với xã hội và lòng yêu nước của mỗi người dân, làm cho xã hội trở nên ổn định, trật tự, văn minh, đạo đức.
XHCD tạo sức ép buộc chính quyền phải lắng nghe dân, làm việc vì dân, công bằng, liêm chính; qua đó hạn chế sự tập trung quyền lực và hậu quả kèm theo như lạm quyền, độc đoán và tham nhũng. XHCD đã làm nước Mỹ thay đổi theo hướng có một chính quyền quy mô gọn nhẹ và thực sự phục vụ dân.

XHCD với hàng triệu TCCD tạo ra một nguồn vốn xã hội phong phú rất cần cho chính quyền, nhất là khi nước Mỹ ngày càng hiếm những lãnh tụ đức tài cao siêu như Lincoln, Wilson, F.Roosevelt. Các chính phủ Mỹ đều biết tận dụng nguồn vốn đó, nhất là nguồn trí tuệ nằm ở các trường đại học, Think-tank v.v.., nhờ thế tránh được những sai lầm chiến lược. Các TT đều dựa vào một hoặc một nhóm Think-tank nào đó chuyên tham mưu hiến kế về chiến lược đối nội đối ngoại và cung cấp cán bộ.

Các NGO, đặc biệt là hội Chữ thập đỏ, thường được chính phủ dùng làm kênh phi chính thức để giải quyết các vấn đề đối ngoại nhạy cảm mà chính phủ không tiện đứng ra làm.

XHCD còn giúp tái phân phối của cải cho người nghèo một cách công bằng, làm cho xã hội hòa hợp, đoàn kết, bớt mâu thuẫn nội bộ. Các NGO thực hiện tốt việc viện trợ nhân đạo quy mô lớn cho các nước nghèo, góp phần quảng bá trên thế giới các giá trị nhân đạo, nhân quyền, dân chủ, bình đẳng, qua đó nâng cao vị thế của nước Mỹ.

Vì XHCD san xẻ bớt công việc quản lý xã hội nên chính phủ Mỹ ủng hộ XHCD. Toàn bộ các tổ chức phi chính phủ đều được miễn thuế, một số được chính quyền tài trợ. Nhà nước coi trọng giáo dục ý thức công dân cho lớp trẻ. Sách Giáo dục công dân viết: Nếu chính quyền có sai trái thì bạn phải phê bình họ, như vậy là bạn có thái độ xây dựng. Nếu thấy nhà nước sai mà bạn vẫn nói là đúng, thì đó là thái độ phá hoại [3]. Chính quyền và xã hội hỗ trợ lẫn nhau cùng vì lợi ích của nước Mỹ, nhờ thế quốc gia này giữ được ổn định chính trị suốt hơn 200 năm nay, kể cả trong các cuộc khủng hoảng-suy thoái kinh tế nghiêm trọng.

XHCD góp phần quyết định khiến người dân cảm thấy mình thực sự là chủ nhân của đất nước; do đó họ thực lòng yêu tổ quốc – điều quý giá nhất không nhà nước nào không mong muốn. XHCD làm cho nước Mỹ có một dạng sức mạnh mềm hiếm thấy, khiến nước này luôn đứng đầu danh sách quốc gia thu hút dân từ các nước khác di cư đến, trong đó có nhiều nhân tài. Trung tướng Lưu Á Châu Chính ủy ĐH Quốc phòng Trung Quốc nhận xét: Nước Mỹ có một sức mạnh vĩ đại về tinh thần và đạo đức, là quốc gia do nhiều triệu con người không yêu tổ quốc mình họp thành nhưng họ đều rất yêu nước Mỹ [11].

Ghi chú

[1] “Power tends to corrupt, and absolute power corrupts absolutely.”

http://www.phrases.org.uk/meanings/absolute-power-corrupts-absolutely.html

[2]Từ điển chủ nghĩa cộng sản khoa học. A.M.Rumiantxep. Nxb Sự thật, Hà Nội 1986

[3] Tạp chí Tia Sáng số 14 (20/7/2011), tr. 32

[4] “The reason why men enter into society is the preservation of their property” http://thinkexist.com/quotation/the_reason_why_men_enter_into_society_is_the/211689.html

[5] “Private property was the original source of freedom. It still is its main bulwark”
http://quotes.liberty-tree.ca/quotes_by/walter+lippmann

[6] http://score.rims.k12.ca.us/score_lessons/symbols_freedom/pages/mayflower.html

[7] Who Are We? The Challenges to America’s National Identity. Samuel Huntington

[8] http://www.usflag.org/american.creed.html

[9] Vấn đề phân chia tầng lớp giai cấp ở Mỹ rất phức tạp (thí dụ hiện có nhiều triệu cựu chiến binh hưởng trợ cấp, rất khó xếp vào tầng lớp nào). Có nhiều cách phân chia khác nhau. Ở đây dùng cách của Dennis Gilbert. Mỹ hiện có 311 triệu dân. Trong đó có 11,60 triệu công nhân nhà máy (chiếm 9% working class); xét về thu nhập, họ thuộc tầng lớp trung lưu (lương trung bình mỗi giờ 15-20 USD). Người lao động nghèo chiếm 13% số dân. Tầng lớp nghèo chiếm 12%, chủ yếu là thất nghiệp.

[10] Calvinism: học thuyết thần học do John Calvin (1509-1564) đề xướng, phủ nhận uy quyền của giáo hội La Mã, chủ trương bất cứ ai cũng không được có quyền lực vô hạn, tín đồ phải làm tròn bổn phận công dân, nhấn mạnh nỗ lực của cá nhân chứ không coi trọng các định chế, loại trừ xu hướng huyền bí nặng về nghi thức. Có tác dụng thúc đẩy sự ra đời chủ nghĩa tư bản.

[11] Niềm tin và Đạo đức. http://tuanvietnam.net/2010-08-15-niem-tin-va-dao-duc.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)