Tinh giản bộ máy

Về mặt lý thuyết, để trả lời câu hỏi nên tinh giản bộ máy nhà nước như thế nào, thì trước tiên cần làm rõ mô hình nhà nước mà chúng ta theo đuổi.

Mô hình nhà nước điều chỉnh sẽ có bộ máy rất nhỏ. Mô hình nhà nước phúc lợi sẽ có bộ máy rất lớn. Trong hai mô hình đó, khó có thể khái quát hóa một cách chung chung là mô hình nào tốt hơn mô hình nào. Mỗi mô hình đều chỉ tốt nếu được người dân ủng hộ và đều chỉ tốt trong những bối cảnh lịch sử, văn hóa nhất định.

Ngoài hai mô hình nói trên, còn có mô hình Xô viết. Tuy nhiên, nếu chọn mô hình này thì chúng ta không cần phải cải cách bộ máy gì nhiều. Vì đây là mô hình mà chúng ta đang có. Nó đã tồn tại ở miền Bắc từ năm 1959-1960, và ở miền Nam từ năm 1975 đến nay.

Đất nước ta đang trong quá trình cải cách và chuyển đổi. Mô hình nhà nước đang được nói tới nhiều hơn cả hiện nay là nhà nước kiến tạo phát triển. Quả thực, ở nước ta, đây là mô hình chưa có được một khuôn khổ khái niệm tương đối rõ ràng, mạch lạc. Theo những gì mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trong phiên chất vấn tại Quốc hội ngày 18/11/2017 vừa qua, thì quan niệm của chúng ta về nhà nước kiến tạo phát triển rất gần với mô hình nhà nước điều chỉnh. Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển”; “Nhà nước không làm thay thị trường”; “Chính phủ phải kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi”… (Điều thú vị là những gì mà Thủ tướng khẳng định lại không nằm trong khuôn khổ của khái niệm “developmental state” vẫn được nhiều người dịch sang tiếng Việt là “nhà nước kiến tạo phát triển”. Mô hình “developmental state” nằm giữa mô hình nhà nước điều chỉnh và nhà nước (Xô viết) kế hoạch hóa tập trung).

Như đã nói ở trên, nếu chúng ta quan niệm nhà nước kiến tạo phát triển chính là nhà nước điều chỉnh, thì quả thực bộ máy nhà nước có thể được cắt giảm rất nhiều. Nhà nước chỉ tạo ra luật chơi, chứ không tham gia đá bóng. Đá bóng là các lực lượng kinh tế và xã hội. Mà như vậy thì nhà nước chủ yếu chỉ là vài ba ông trọng tài, chứ không phải là cả hai đội bóng.

Vấn đề đặt ra là nói lý thuyết thì dễ, nhưng chuyển đổi một hệ thống trùng trùng điệp điệp từ mô hình Xô viết sang mô hình nhà nước điều chỉnh như thế nào mới khó. Thực tế, mâm cỗ đều đã được sắp xếp, và mọi người đều đã ngồi xung quanh. Đuổi người này hay người kia ra ngoài là hoàn toàn không dễ.  

Để vượt qua khó khăn này, quan trọng là mâm cỗ phải được bày đặt nhiều hơn nữa ở bên ngoài chứ không chỉ trong bộ máy nhà nước. Nghĩa là cần phải tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân, cho xã hội dân sự phát triển để cơ hội được mở ra nhiều hơn cho tất cả mọi người. Trong đó, có cả những người phải rời khỏi bộ máy hành chính- công vụ và bộ máy chính trị. Tinh giản không có nghĩa là đuổi những người này ra ngoài đường. Tinh giản phải là sự sắp xếp, chuyển đổi theo hướng tạo điều kiện để cho tất cả mọi người đều phát huy được đúng năng lực và sở trường của mình.

Để tinh giản bộ máy, thì nhất thể hóa giữa Đảng và Nhà nước là quan trọng nhất. Ngoại trừ mô hình Xô viết, trong tất cả các mô hình khác, đảng cầm quyền đều hóa thân vào nhà nước để cầm quyền. Đứng ngoài nhà nước để cầm quyền vừa dễ dẫn tới sự chồng chéo, trùng lặp, vừa làm cho quy trình ban hành chính sách, pháp luật trở nên rắc rối, phức tạp, chi phí thủ tục và chi phí cơ hội tăng cao.

Ngoài ra, để tinh giản bộ máy, phi hành chính hóa các đoàn thể quần chúng, các tổ chức chính trị-xã hội cũng rất quan trọng. Các tổ chức xã hội thì phải do xã hội nuôi. Đây không chỉ là một đòi hỏi của sự công bằng, mà còn là một nguyên tắc để vận hành thể chế. Lý do là vì ăn lương nhà nước thì hiệu ứng “Ăn cơm chúa múa tối ngày” sẽ bị kích hoạt. Mà như vậy thì khả năng phản biện chính sách, pháp luật của nhà nước để bảo vệ các thành viên của các tổ chức xã hội là rất hạn chế. Đó là chưa nói tới động lực vận động chính sách cũng không có nhiều. Hệ quả tiếp theo là phản ứng chính sách trước nhu cầu của quần chúng, nhân dân rất dễ bị chậm trễ và bất cập. Mà như vậy thì căng thẳng xã hội và bất ổn xã hội sẽ rất dễ xảy ra.

Cuối cùng, tinh giản bộ máy đang là đòi hỏi nóng bỏng của đất nước. Song song với ý chí chính trị, một khuôn khổ khái niệm chuẩn xác về việc thiết kế hệ thống cũng rất cần thiết để những cố gắng cải cách có thể thành công.

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)