Tôi đi chấm thi!

Chấm thi là gì? Trong mắt một số người, nó là một món nợ phải trả, một thứ trách nhiệm. Thôi thì “nợ áo cơm phải trả đến hình hài”. Anh là công chức, thì đó là nghĩa vụ. Với một số người khác, đó cũng là một dịp để kiếm thêm một khoản thu nhập bổ sung cho đồng lương vốn chẳng dư dật gì của nhà giáo dẫu là bậc đại học. Hai, ba tuần, làm việc cật lực, và bốn năm triệu thu nhập.


Có người đùa, vớ vẩn phải nộp thuế thu nhập đặc biệt. Và nếu như có một ai vắng mặt thì đây đó lại có tiếng xì xầm: chắc lại kiếm được việc gì khá hơn rồi! Với một số khác, thì đó lại là một dịp thi thố. Anh chấm một ngày ngót trăm bài, tôi chấm một ngày ngót hai trăm, bài anh chấm hay phải đối thoại lại, bài tôi chấm thì không. À, cũng là một thứ đẳng cấp. Những tay chấm siêu đẳng Với những người khác, đó lại là một chuyến “dân công hỏa tuyến” dài ngày. Hai, ba tuần, không ngày nghỉ, làm việc từ sáng đến tối mịt, gù lưng, đỏ mắt, nhìn, liếc, đọc, gạch, cho điểm và ký. Nội cái chuyện ký đã là một công đoạn chẳng mấy dễ chịu. Một ngày phải ký hai ba trăm trang giấy. Mà lại phải nhanh. Thế nên có người mới phải sáng tạo ra hai ba thứ chữ ký. Có thứ dành riêng cho chấm thi. Có người bảo rằng chỉ sau vài ngày chấm thi, tối đến về nhà, lên giường, ngủ rồi mà tay vẫn huơ huơ, ngoáy ngoáy, mồm lẩm bẩm và đầu thì gật gù. Năm rưỡi hay sáu phảy hai lăm? Không biết là “uy mua noa” (humour noir) hay là thật! Chỉ biết nghe cứ hao hao Nho lâm ngoại sử. Nhưng có một điều chắc chắn: với bất cứ ai còn lương tâm nghề nghiệp và một suy nghĩ độc lập trong lành thì chấm thi là một cơ hội để phản tư lại chính cái công việc mà mình được/phải tham gia.

1. Nếu cần thiết phải tìm một ví dụ cho tình trạng được định danh trong kinh tế chính trị học là đồ vật hóa – công cụ hóa con người, tình trạng mà trong phim Thời hiện đại Charlie Chaplin đã miêu tả hài hước một cách cay đắng, thì có lẽ không gì hơn là công việc chấm thi. Công việc này biến mỗi người thành một “search engine”(1) sống hoạt động trong gần hai mươi ngày. Suy cho cùng, việc chấm thi thực chất chính là công việc của một cỗ máy tìm kiếm hoạt động theo đúng nguyên lý của Google hay Altavista. Chuẩn mực của chấm thi là đáp án – một bài giải chuẩn được cụ thể hóa thành nhiều ý nhỏ và điểm số sẽ được chi tiết đến từng ý nhỏ. Công việc chấm thi thực chất là đối chiếu giữa bài làm của thí sinh với đáp án, từ đó, “nhặt” ra ý đúng và… cho điểm. Nói thì đơn giản vậy nhưng “ý đúng” ở đây phải bao gồm cả những luận điểm và những dẫn chứng cần thiết để bảo vệ cho các luận điểm. Trong số những dẫn chứng đó, nhiều khi thí sinh phải học thuộc cả đoạn văn xuôi nguyên tác dài(2). Và tất nhiên, cũng không có một ai học thuộc lòng toàn bộ đáp án (tất nhiên, trừ một số thầy/cô giáo làm công việc luyện thi lâu năm mà với họ những “ý chính” của mỗi bài giảng văn trở thành một thứ “cả trong mơ còn thức”). Người ta sẽ cụ thể hóa đáp án chi tiết thành một hệ thống những “key words” (từ khóa) và công việc chấm thi sẽ là tìm trong bài thi những “key words” nằm trong trường từ ngữ với những “key words” chuẩn của bộ đáp án. Người ta sẽ phải đọc rất nhanh, như một “search engine” quét tốc hành văn bản. Mà không tốc hành sao được khi mà mặc định đi chấm thi nghĩa là có một chuẩn năng suất khoảng 80 đến 100 bài thi mỗi ngày với trung bình mỗi bài thi khoảng hai tờ giấy thi. Tất nhiên, cũng có “độc đắc” là những bài bỏ trống hoàn toàn. Khi đấy người ta tự nhủ: thế là “lãi”. Mắt phải tinh và tập trung để nhanh chóng “chộp” được những từ khóa. Đấy là lý thuyết. Những tay hoặc “lão luyện”, hoặc “tinh nhuệ” trong nghề chấm, người ta có thể vừa đùa, vừa hát, vừa đọc thơ mà “scan” vẫn đảm bảo tốc độ và… chính xác. Đáp án đã đi vào tiềm thức và người ta sẽ rất nhạy, nhanh chóng “bắt đúng tần số” những ý đúng của thí sinh. Mà thực ra thì không đùa, không hát không đọc thơ sao được khi mà trong suốt hai mươi ngày trời, vẫn cái bàn ấy, vẫn căn phòng ấy, vẫn những gương mặt đồng nghiệp ấy và những bài thi dẫu cái thì biến dạng, cái thì tròn trịa, nhưng vẫn chỉ là những ý ấy. Vô cùng dễ “stress”. Từ cái “công nghệ” ấy mới đẻ ra những bi hài kịch. Những cỗ máy chấm thi theo những từ khóa. Vợ chồng A Phủ ư, phân tích nhân vật Mỵ ư? Có số phận đau khổ không? Có. Có “con dâu gạt nợ” không? Có. Có “con rùa sau xó cửa” không? Có. Có “ô cửa bé bằng bàn tay” không? Có. Có trâu ngựa nhà thống lý không? Có. Có đêm hội xuân không, có hoa thuốc phiện không, có uống rượu ừng ực từng bát, có đánh, đạp vào mặt, “chói”, có hai dòng nước mắt của A Phủ không, có cởi “chói” không? Cũng có cả. Ừ thì cho điểm. Xong. Và mỗi năm cái bảng “key words” ấy sẽ lại thay đổi. Đại loại như là Huấn cao(3) thì phải có viết chữ đẹp, tài trèo tường bẻ khóa, phải dỗ gông, phải có rệp rơi xuống, phải ăn thịt uống rượu, phải có chửi (viên quản ngục), phải có phân chuột phân gián (ở trong nhà lao), phải có cho chữ. Và sẽ có những bài thi từ đầu đến cuối không phân biệt được “l” và “n”, “tr” và “ch”, có những bài thi không biết cách tổ chức một bài văn nghị luận thành những luận đề, luận điểm, có những bài thi đầy dẫy lỗi ngữ pháp. Nhưng vẫn cứ được 7 điểm, 7 điểm rưỡi. Vì “đủ ý”.

 

2. Ai đó có thể bảo tôi rằng quá bi quan hay nặng hơn nữa, là “bất mãn”, “nhìn hiện thực phiến diện”, đen tối. Nhưng cũng sẽ không ai có thể phủ nhận được rằng, tất cả những điều đó là hệ quả có thật và tất yếu của một thứ triết lý giáo dục được thể hiện trong chính đề thi. Cứ mỗi kỳ thi tuyển sinh, khi tiếng trống báo hết giờ của môn Văn điểm, khi không có bất cứ một cú điện thoại nào báo về ban chỉ đạo về những “sự cố” đề thi, khi đó những người ra đề sẽ thở phào nhẹ nhõm. Và sau đó sẽ là các mỹ từ. Rằng đề thi ra đúng chương trình, rằng không “đánh đố” (một khái niệm mù mờ như kịch phi lý của S. Beckett) rằng đề thi “có tính phân hóa” (không được “đánh đố” nhưng vẫn phải “phân hóa”, một yêu cầu cũng hao hao như là trói cánh lại sau đó bảo bay đi) và vậy là… thành công. Nhìn trong những tiêu chí hẹp thì những điều ấy không sai. Nhưng với một cái nhìn rộng hơn thì tất cả những chuyện này quả thật… có vấn đề. Đúng là với một tiêu chí ra đề gói gọn trong mấy chục tác phẩm văn học Việt Nam được học trong học kỳ II của lớp 11 và toàn bộ lớp 12 thì đề thi là “nằm trong chương trình”. Và nếu chịu khó so sánh với sách giáo viên hướng dẫn giảng dạy cũng sẽ thấy những kiến thức mà đề thi yêu cầu là hoàn toàn đúng với những kiến thức chuẩn mà mỗi giáo viên được yêu cầu giảng dạy cho học sinh. Nói rằng đề thi “không đánh đố” cũng là không sai nốt. Bởi thực chất toàn bộ yêu cầu của đề thi chỉ là học thuộc lòng và nhớ đồng thời trình bày lại cho trôi chảy những điều đã thuộc, đã nhớ (tôi xin nhấn mạnh). Không chỉ có câu kiểm tra kiến thức văn học sử cụ thể liên quan đến tác giả, tác phẩm mà thực chất các câu còn lại cũng chỉ là những câu kiểm tra kiến thức. Sách giáo khoa đưa ra các bài giảng văn, cách đọc các bài này đựơc định hướng cho học sinh dưới dạng các câu hỏi chuẩn bị bài, sách giáo viên chuẩn hóa cách đọc này thành một hệ thống kiến thức và đó là cái chuẩn để thi cử, kiểm tra. Tất nhiên, từ cái chuẩn đó đến yêu cầu kiến thức của một bài thi tuyển sinh đại học là một quãng đường. Cần phải cụ thể hóa, chi tiết hóa – điều mà thời lượng một hoặc hai tiết dành cho một bài giảng văn trên lớp chắc chắn không thể đáp ứng được. Giải pháp: lớp luyện thi và sách văn mẫu. Đó là con đường tất yếu bởi lẽ đề thi tuyển sinh đại học thực chất chỉ là kiểm tra lại kiến thức chuẩn về tác phẩm đuợc cụ thể hóa trong sách giáo viên. Vậy thì chúng ta cũng đừng lấy làm lạ nếu như bài văn duy nhất được điểm mười là một bài văn chép lại gần như y nguyên sách văn mẫu. Học sinh không có lỗi. Và nói rằng đề thi có tính phân hóa quả thật cũng không sai. Nhưng phân hóa cái gì? Em nhớ nhiều và em nhớ ít. Em viết nhanh và em viết chậm. Em viết xấu và em viết đẹp. Tất cả những điều ấy đều đúng. Nhưng như tôi đã nói, nếu nhìn rộng ra thì cái triết lý chấm thi kiểu “có/không (những) ý đó” thực sự lại ẩn dấu những điều phi lý.

3. Trước hết, phi lý ở giới hạn kiến thức của đề thi. Thực chất đó là một sự cắt xén. Trong tổng thể cả chương trình văn học ở bậc phổ thông (bao gồm cả văn học Việt Nam và văn học nước ngoài, cả văn học và lý luận văn học) người ta chỉ thi văn học Việt Nam và cũng chỉ một bộ phận của văn học Việt Nam (từ 1930 đến nay). Việc thi sẽ quyết định việc dạy và học. Hậu quả thế nào, không cần nhắc lại. Trong ba phân môn của văn học người ta cũng chỉ thi giảng văn. Tất nhiên, có người sẽ nói là những kiến thức tiếng Việt và tập làm văn đã được tích hợp trong đề thi. Thì cũng đành là như vậy. Nhưng ít nhất, nhìn vào đáp án chuẩn hướng dẫn chấm thi, sẽ thấy tất cả những yêu cầu này đều không có. Kết thúc đáp án luôn có một câu: “Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm trong trường hợp thí sinh không những nói đủ ý cần thiết mà còn biết cách tổ chức bài văn, diễn đạt lưu loát, không sai chính tả”. Rằng hay thì thật là hay… Nhưng vấn đề là nếu một thí sinh không biết cách tổ chức bài văn, diễn đạt không lưu loát và sai chính tả khá nhiều nhưng vẫn “nói đủ ý cần thiết” thì sẽ bị trừ bao nhiêu điểm? Có được coi là đạt yêu cầu hay không? Hoàn toàn không có một tiêu chí nào đánh giá chuyện này. Bởi mối quan tâm tối thượng của đáp án vẫn cứ là “có/không (những) ý đó”. Và thế thì vẫn cứ là điều bình thường việc những thí sinh tuy đủ điểm đỗ vào đại học nhưng vốn từ nghèo nàn, chưa thành thạo viết các thể văn nghị luận và ngữ pháp tiếng Việt. Tất cả chỉ nhờ một “mémoire d’éléphant” (4) và một ý chí học tập phi thường (5). Một tình trạng phổ biến là, ít nhất, theo những gì mà tôi quan sát được từ kinh nghiệm chấm thi của mình, có đến trên 70% thí sinh biến bài làm của mình thành các bài tóm tắt tự sự và diễn xuôi thơ kèm bình luận.

Còn cái gọi là sự sáng tạo của thí sinh? Cuối mỗi đáp án cũng luôn có một công thức: “chấp nhận những ý ngoài đáp án; nhưng phải có cơ sở hợp lý. Khuyến khích những kiến giải riêng thực sự có ý nghĩa, liên quan trực tiếp đến vấn đề”. Đó là công thức đảm bảo cho sự sáng tạo. Nhưng liệu sự sáng tạo có thực sự có đất sống? Ở lớp, học sinh được học những kiến thức đó, đến lớp luyện thi, cũng là những kiến thức đó, sách văn mẫu cũng là những kiến thức đó và đề bài cũng chỉ yêu cầu những kiến thức đó. Đến như một điều tưởng như là riêng tư nhất (cảm nghĩ của thí sinh về nhân vật) cũng được đúc thành công thức(6)] thì thí sinh việc gì phải huy động óc sáng tạo. Khi mà mục đích tối thượng của họ chỉ là thi đỗ. Muốn có được sự sáng tạo, cần phải có những câu hỏi đòi hỏi sự suy luận, những câu hỏi mà rất dễ bị coi là “đánh đố”. Bằng không, tất cả những công thức về tính sáng tạo chỉ là những… công thức.

4. Trong những năm gần đây, bên cạnh các thí sinh học chương trình phổ thông còn có các thí sinh học chương trình phân ban thí điểm. Trong đề thi tuyển sinh cũng có câu dành cho đối tượng này. Một điều có thể khẳng định là số thí sinh lựa chọn làm câu hỏi này không nhiều. Điều đó cũng bình thường. Nhưng từ sự quan sát cá nhân của tôi, điều đáng ngại là đại đa số các em lựa chọn câu hỏi này đều… không làm được bài hoặc có làm nhưng không đạt yêu cầu. Đó là điều mà các “kiến trúc sư” của chương trình mới cần phải suy nghĩ. Có nhiều cách lý giải cho tình trạng này. Có thể là đề ra quá khó. So với những bài giảng văn được lựa chọn trong chương trình phổ thông thì những tác phẩm như Chiếc thuyền ở ngoài xa (Nguyễn Minh Châu) hay Vũ Như Tô (Nguyễn Huy Tưởng) quả thật có một hàm lượng nghệ thuật rất cao. Câu hỏi về các tác phẩm này cũng giúp học sinh cảm thụ được đúng bản chất thẩm mỹ của tác phẩm nghệ thuật (giá trị của tình huống truyện hoặc ý nghĩa của bi kịch). Thế nhưng điều đáng tiếc là hình như tất cả những kiến thức này đều quá khó đối với học sinh và như vậy thì tính khả thi của cái gọi là chương trình phân ban cũng cần phải xem lại. Một giả thiết khác cũng có thể được đặt ra. Theo khảo sát của cá nhân tôi, tất cả các lớp “luyện thi” đều không dạy chương trình phân ban thí điểm. Và như vậy thì cái kết quả thi của các học sinh phân ban sẽ là một phản ánh trung thực nhất chất lượng của hệ phân ban thí điểm.

5. Ai cũng biết thi cử là khâu cuối cùng của một tiến trình đào tạo. Nó phản ánh đúng cái mà nền giáo dục mong đợi ở sản phẩm của mình. Chúng ta luôn nói như những sáo ngữ về những điều mà chúng ta mong đợi ở môn văn, nào là giá trị bồi dưỡng nhân cách, rồi bồi dưỡng tâm hồn rồi những gì cao cả hơn nữa. Nhưng thực sự thì tất cả những triết lý giáo dục được phơi bày trong những kỳ thi tuyển sinh hình như không tương thích với tất cả những mục đích cao cả đó. Thay vì đào tạo ra những người có năng lực trình bày, có năng lực suy nghĩ mạch lạc, biết làm chủ ngôn ngữ và sự phát ngôn, triết lý giáo dục đang hướng đến việc tạo nên những cỗ máy nhớ và những cái lưỡi tài tình trong nghề nói những sáo ngữ. Điều đau lòng trong những năm làm nghề giáo ở bậc đại học của tôi là cho đến tận năm thứ ba (nghĩa là chỉ còn một năm nữa là sẽ ra trường), khi hướng dẫn sinh viên (chuyên ngành văn học, của Khoa Văn học) làm niên luận hoặc viết báo cáo khoa học tôi vẫn phải sửa đầy dẫy lỗi ngữ pháp của các em. Và cũng không phải là quá hiếm hoi trong số các khóa luận tốt nghiệp mà tôi được đọc hoặc phản biện có những khóa luận người viết không biết cách tổ chức luận văn của mình thành một hệ thống minh bạch và chặt chẽ các luận điểm cũng như không biết cách tổ chức một đoạn văn bản cho chuẩn mực.

Họa phúc hữu đầu!

 


1. Công cụ tìm kiếm – một thuật ngữ của ngành tin học

2. Một việc mà theo tôi là phản văn chương. Tự bản chất, văn xuôi sinh ra không phải để học thuộc. J.P. Sartre đã giải thích điều này tuyệt hay trong Văn chương là gì ?

3. Nhân vật chính trong tác phẩm Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân. Được giảng dạy trong chương trình lớp 11 bậc Phổ thông trung học.

4. Người có trí nhớ phi thường.

5. Tiện đây cũng xin nói thêm, nhân dịp việc bài thi được điểm mười được đăng tải và cũng nhân dịp người ta phát hiện ra bài thi này chép lại sách văn mẫu, có những tay cuồng tín cực đoan đã công khai kết tội bài này là “đạo văn”. Tôi không tưởng tượng được đây lại là sản phẩm của một trí tuệ bình thường. Cả em học sinh này lẫn các thầy chấm thi đều không có lỗi. Thậm chí họ đều là những người đáng khen. Vấn đề là cái cơ chế đã buộc họ phải làm như vậy. Tất nhiên, bất cứ ai, từ ông Tổ trưởng tổ ra đề đến ông Cục trưởng cục khảo thí ai cũng đổ tại cơ chế, còn ai đẻ ra cơ chế đó, ai chịu trách nhiệm thì xem ra mù mờ như là một tình huống kiểu Kafka.

6. Xin xem đáp án môn Văn khối D năm 2006, câu hỏi 3, phần dành cho các thí sinh học chương trình phân ban. Có thể tham khảo theo địa chỉ : http://edu.net.vn/Default.aspx?tabindex=1&tabid=6&mid=35.

Phạm Xuân Thạch

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)