Tôi không có ý định chạy tội cho Vedan

Trong bài viết "Hoàn cảnh..." tôi không có ý định nói sâu về công nghệ sản xuất và tất cả các dòng thải của Vedan mà chỉ tập trung vào dịch thải sau lên men - vấn đề mà các nhà quản lý (Cục Môi trường và Vụ Phát triển công nghệ, Bộ KHCNMT và Bộ Thuỷ sản) cũng như các nhà khoa học (công nghệ môi trường và công nghệ sinh học) đã tranh luận rất nhiều trong những năm 1996-1998. Trong bài viết phản hồi lại ý kiến của PGS.TS Đinh Văn Sâm tôi xin trao đổi lại với ông 3 vấn đề như sau:

1. Bài “Hoàn cảnh phạm luật của Vedan” chỉ nói tới 1 loại chất thải của Vedan là dịch thải sau lên men. Đây là loại chất thải phát sinh sau công đoạn lên men tinh bột sắn (hoặc mật rỉ đường) để sản xuất axit glutamic, lysin hoặc các sản phẩm công nghệ sinh học khác. Trong công đoạn lên men này hoàn toàn không có sự tham gia của clo hoặc hợp chất chứa gốc clo hoạt động, vì vậy không có khả năng sinh ra các hợp chất hữu cơ clo. Dịch thải sau lên men nếu thải ra môi trường ngoài, gặp các chất vô cơ hoặc hữu cơ khác có thể kết hợp với chúng tạo ra các chất POP (chất hữu cơ khó phân hủy). Chính vì vậy khi dịch thải sau lên men thải xuống sống Thị Vải, nơi tiếp nhận nước thải của rất nhiều nhà máy khác nhau, đã làm xuất hiện các chất POP gây ô nhiễm sông.

Cũng cần nói rõ, trong quá trình sản xuất Công ty Vedan có nhiều dòng thải khác, trong đó có nước thải của phân xưởng sản xuất xút-axit có chứa gốc clo hoạt động, tuy nhiên bài “Hoàn cảnh phạm luật của Vedan” chỉ đề cập đến dịch thải sau lên men – một loại chất thải đang là vấn đề nan giải của tất cả các nhà máy sản xuất bột ngọt có công đoạn sản xuất axit glutamic bằng phương pháp lên men tinh bột sắn hoặc mật rỉ đường .

2. Bài báo “Hoàn cảnh phạm luật của Vedan” không hề có ý “chạy tội” cho Vedan, mà chỉ muốn đưa ra ý kiến để các nhà quản lý suy nghĩ quyết định hướng xử lý triệt để vấn đề dịch thải sau lên men – một trong các nguyên nhân gây ô nhiễm chính của Vedan cũng như các nhà máy tương tự. Xin cung cấp một thông tin, Báo Người lao động điện tử (nld.com.vn) ngày 02-10-2008 đưa đoạn tin sau đây:

“Một cán bộ của Bộ TN-MT cho rằng có thể bắt Công ty Vedan VN bồi thường thiệt hại bằng cách tính như sau: Ví dụ chi phí để xử lý 1 m3 dịch sau lên men là 1 triệu đồng, một tháng Vedan  thải ra hơn 105. 000 m3 dịch sau lên men thì Vedan  đã “tiết kiệm” trên 105 tỉ đồng/tháng. Lấy số tiền này nhân với thời gian Vedan  đã xả lén sẽ thành số tiền rất lớn bắt buộc Công ty Vedan VN phải trả, để Nhà nước sử dụng thực hiện các dự án khắc phục ô nhiễm trên sông Thị Vải. Theo TS Mai Tuấn Anh, Viện Môi trường và Tài nguyên- ĐH Quốc gia TPHCM, nếu tính cả chi phí đầu tư xây dựng nhà máy, để xử lý 1 m3 dịch sau lên men  phải mất khoảng 50 triệu đồng.”

Nếu những tính toán ở trên là đúng thì số tiền xử lý dịch thải lên men ít nhất (chỉ tính 1 triệu đồng/1m3 dịch thải) cũng lên đến hơn 100 tỷ/tháng, con số này buộc người đọc nghi ngờ về tính khả thi của việc sản xuất bột ngọt với điều kiện phải xử lý triệt để dịch thải sau lên men.  

3. Ý kiến nhỏ cuối cùng: bài “Hoàn cảnh phạm luật của Vedan” nhắc tới “cacbonhydrat (gluxit)” chứ không phải “cacbonhydrat (lipit)” như bài trao đổi của PGS.TS. Đinh Văn Sâm.

Ý kiến của bạn?

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)