Trả lại một chương sử đau thương

Phải tới năm 20091, người Campuchia mới bắt đầu chính thức đưa vào sách giáo khoa lịch sử những nội dung về nạn diệt chủng gây ra bởi chế độ Khmer Đỏ. Bài viết của Ben Kiernan nhìn lại những lý do khách quan và chủ quan đã gây ra những khoảng trống trong lịch sử của Campuchia. 

Campuchia đã trải qua năm lần dời đô trước khi bị nước ngoài chiếm đóng, và trong vòng 60 năm qua có bảy lần thay đổi thể chế cầm quyền, mỗi lần có biến động là một lần sử sách bị thất lạc, trong khi người lên cầm quyền thường xóa bỏ thông tin các đổi thủ trong hồ sơ. Các quốc gia bên ngoài cũng tìm cách tác động lên sử chính thống của Campuchia, như phủ nhận hoặc ngăn chặn việc ghi lại lịch sử. Ngay cả với nạn diệt chủng gây ra bởi Khmer Đỏ trong giai đoạn 1975-1979, phải tới trong vòng vài năm gần đây Campuchia mới thật sự có cơ hội chính thức ghi lại.

Quá khứ vụn nát    

Những văn bản cổ và các di tích còn lại, như đền thờ Angkor Wat được xây từ thế kỷ 12, đã được chứng minh là thuộc về giai đoạn trung cổ của Campuchia. Sau giai đoạn này, tới khoảng năm 1432, người Khmer dời đô xuống hạ lưu, đặt tên kinh đô mới là Lovek. Các nhà sư chịu trách nhiệm trông coi đền Angkor, nhưng những hồ sơ ghi trên lá cọ về di tích này trải qua thời gian đã hoàn toàn bị hủy hoại. Tới năm 1594, quân Thái tràn vào chiếm đóng Lovek. Sau đó 2 năm, người Thái ở Campuchia lại bị đánh bại bởi thực dân Iberia2. Sau này, như nhà nghiên cứu lịch sử Michael Vickery đã chứng minh, khi triều đình của người Khmer biên soạn lại giai đoạn lịch sử từ thế kỷ 15 và 16, họ đã phải dựa vào sử sách của người Thái, vì không có các nguồn của người Khmer. 

Nội chiến cũng làm hủy hoại, để sót lại không nhiều hồ sơ lịch sử. Một đoạn ghi hiếm hoi trên bia ở đền Angkor vào năm 1747 có nội dung chào mừng chiến thắng của một vị vua Khmer sau khi ông này đánh bại một công chúa nổi loạn ngày nay không còn tên tuổi. Sau khi truy sát lực lượng nổi loạn bằng cách “ngăn chặn và lùng soát mọi ngả đường”, quân triều đình đã “đẩy lùi, truy đuổi, và đập tan” (kchat kchay) quân nổi loạn. Nhà vua được dâng lên “nhiều nô lệ và tài sản của công chúa”, cùng tất cả “tướng lĩnh, quân đội” của cô ta. 

Sau khi xâm lược Đông Dương, năm 1863 thực dân Pháp áp đặt chế độ bảo hộ lên Campuchia, di chuyển thủ đô từ Oudong về Phnom Penh. Người Pháp cũng giành lại phần lãnh thổ có đền Angkor mà Thái Lan đang chiếm giữ, và cho khôi phục lại các địa điểm khảo cổ. Tuy nhiên, thực dân Pháp không quan tâm tới giáo dục. Các trường nhà chùa suy tàn; tỷ lệ người biết đọc biết viết giảm xuống. Trong vòng 90 năm dưới chế độ thực dân, Campuchia chỉ có 144 cử nhân. 

Trái ngược với Việt Nam nơi có nhiều công bố lịch sử được thực hiện dưới chế độ thuộc địa, các sử gia Campuchia rất thiếu các sử liệu bằng tiếng Khmer. Sau khi Campuchia giành độc lập, chế độ của Hoàng tử Norodom Sihanouk (1954 – 1970) quan tâm nhiều tới phổ cập giáo dục. Tuy nhiên, như cố vấn Charles Meyer của Sihanouk sau này hồi tưởng lại, toàn bộ quốc gia hầu như không công bố được sử liệu gì đáng kể.
 
Lịch sử bị “tận diệt” cùng nạn diệt chủng

Vào thập kỷ 1960, trong khi chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ đang diễn ra, Sihanouk tìm cách giữ Campuchia trung lập.  Nhưng sau khi ông bị trục xuất, Campuchia bị biến thành chiến trường của các bên liên quan tới chiến tranh Việt Nam. Tổng thống Nixon ra lệnh cho máy bay ném bom vào tấn công các mục tiêu của đối phương trong lãnh thổ Campuchia. Nhiều chiến dịch ném bom quy mô lớn đã diễn ra. Tới năm 1973, hơn nửa triệu tấn bom Mỹ đã được ném vào lãnh thổ Campuchia, làm chết khoảng 100 nghìn dân thường, và tàn phá các vùng nông thôn. Chính sự tàn phá này đã giúp du kích của Pol Pot khích động nông dân, tuyên truyền rằng những cuộc không kích này là “do Phnom Penh cử đến”. Quân Khmer Đỏ gia tăng lực lượng, bao vây thủ đô, tấn công vào những người vô tội.

Sau khi Khmer Đỏ giành kiểm soát Campuchia vào tháng 4 năm 1975, chúng đuổi hết người thành phố về nông thôn. Nhiều người đã bị giết hại. Chế độ Pol Pot tàn sát cả Phật tử, thành phần chính còn lưu giữ tri thức văn hóa ở Campuchia. Khmer Đỏ cũng giết khoảng 10 nghìn người Việt, sống ở Campuchia, và trục xuất 150 nghìn người. Người Trung Quốc và người thiểu số theo đạo Hồi cũng bị giết. Tổng cộng có khoảng 1,7 triệu người chết trong vòng 4 năm.   

Không chỉ tàn sát đồng loại, Khmer Đỏ cũng tận diệt luôn cả lịch sử. Chúng xóa bỏ các thư viện, đốt sách vở, đóng cửa trường học, giết hại các giáo viên. Ba phần tư trong số 20 nghìn giáo viên của Campuchia bị giết hoặc phải bỏ chạy ra nước ngoài.

Một quá trình khôi phục chậm chạp

Sau khi quân đội Việt Nam đánh bại Khmer Đỏ vào tháng 1 năm 1979, Cộng hòa Nhân dân Campuchia (PRK) ra đời, cho mở lại các thành phố và trường học, nhưng vấp phải lệnh cấm vận từ Mỹ và Trung Quốc. Một cán bộ của Liên Hợp Quốc kể lại rằng ông đến một trường học bị vây quanh bởi mìn và nghĩa địa. Có lớp học 50 học sinh nhưng chỉ có 8 cái bút. Có lớp học tổ chức dưới bóng cây, và tới mùa mưa phải dừng lại. Học sinh có em tới lớp trong tình cảnh “trần như nhộng”.

Với sự hỗ trợ của Việt Nam, PRK cho mở lại Đại học Sư phạm, và in được 40 đầu sách giáo khoa vào năm 1980. Nhưng trong suốt một thập kỷ, các trường học của Campuchia không hề dạy môn lịch sử, thay vào đó là các lớp dạy đạo đức chính trị và truyện dân gian. Các chuyên gia Việt Nam đề xuất Bộ Giáo dục Campuchia xây dựng một chương trình giáo dục mới, nhưng PRK không hoàn toàn hưởng ứng. Một nhà chức trách giải thích rằng lịch sử của đất nước này vẫn chưa được ai viết. Từ năm 1985 tới 1987, Liên Xô cho công bố một tài liệu lịch sử bằng tiếng Khmer dài 584 trang, nhưng không được PRK công nhận với lý do những nội dung này “không chính xác”. Tới năm 1986, Bộ Giáo dục cho xuất bản một cuốn sách giáo khoa lịch sử lớp 5, nhưng cuốn sách này lại không được phép giảng dạy trong trường học. Một số ý kiến đặt ra giả thuyết là trong sách có những nội dung nhạy cảm trong quan hệ Campuchia – Việt Nam.

Như nhà nghiên cứu lịch sử Michael Vickery đã chứng minh, khi triều đình của người Khmer biên soạn lại giai đoạn lịch sử từ thế kỷ 15 và 16, họ đã phải dựa vào sử sách của người Thái, vì không có các nguồn của người Khmer.

Từ năm 1979, PRK bắt đầu đào tạo hàng trăm giáo viên trung cấp. 13 năm sau, năm 1988 Đại học Phnom Penh được mở cửa, với 2000 sinh viên mới, trong đó có 70 người học ngành lịch sử. Khoa Sử của trường có 5 giảng viên, hai người được đào tạo từ thời trước năm 1975, ba người sau 1980. Họ từng cùng là đồng tác giả của các cuốn sách giáo khoa môn lịch sử, trong đó có cuốn sách lịch sử lớp 5 xuất bản năm 1986 mà đến lúc này đã được Nhà nước cho phép đưa vào chương trình giảng dạy.

Khoảng trống về nạn diệt chủng

Ngày nay, các cuốn sách giáo khoa lịch sử mà học sinh Campuchia được học gồm có hai phần, Lịch sử Campuchia và Lịch sử Thế giới, trong đó bao gồm cả những phần nội dung nhạy cảm trong quan hệ với các nước láng giềng. Ví dụ, sách lớp 5 nói về sự can thiệp của Việt Nam vào Campuchia hồi thế kỷ 19. Trong giai đoạn này, Việt Nam và Thái Lan cùng cạnh tranh nhau giành quyền lợi ở Campuchia. Cuốn sách nói rằng để thoát khỏi sự kiểm soát của Thái Lan, “các vị vua Khmer đã tìm cách dựa vào triều đình phong kiến phía Đông, tức Việt Nam”. Sự can thiệp của triều đình Huế “ngày càng gia tăng”, đặc biệt là trong thời vua Ang Chan II (1794–1834). Thái Lan cũng “dùng vũ lực để gây sức ép với vua Ang Chan II để bắt vị vua này hoàn toàn phục tùng chủ quyền áp đặt của người Thái. Lo sợ trước sức ép, vua Ang Chan II đề nghị triều đình Huế giúp đỡ. Việt Nam đưa quân sang đánh bại quân Thái. Nhưng vị vua Khmer chết vào năm 1834 mà không có con trai nối dõi. Triều đình Huế “bắt đầu tìm cách thao túng Công chúa Ang Mey, con gái vua Ang Chan II nhằm gia tăng ảnh hưởng của mình và loại trừ ảnh hưởng của Thái Lan, ngày càng can thiệp sâu vào các vấn đề triều chính của triều đình Oudong”.

Trong khi từ lâu những nội dung trong sách giáo khoa lịch sử Campuchia đã bàn về sự can thiệp của các nước láng giềng trong thế kỷ 19 một cách khá thẳng thắn, thì phần nội dung nói về thảm họa diệt chủng gây ra bởi Khmer Đỏ lại rất hạn chế. Sau khi quân đội Việt Nam rút khỏi Campuchia vào năm 1989, ít có học sinh, sinh viên nào được tiếp cận những tài liệu lịch sử bàn về giai đoạn vừa qua này.

Năm 1991, mặc dù sách giáo dục chính trị của lớp 11 có đề cập về Khmer Đỏ với những nội dung như: “dưới chính quyền Pol Pot, người Campuchia trở nên tuyệt vọng, cuộc sống không còn ý nghĩa, và thường trực sợ hãi; họ cũng chịu đựng mọi sự đàn áp bởi những kẻ giết người hung bạo, bị biến thành nô lệ của chúng”. Tuy nhiên, các lớp học môn lịch sử hoàn toàn không đả động gì về thời kỳ Khmer Đỏ. Năm 2001, Bộ Giáo dục Campuchia xuất bản một số bộ sách giáo khoa lịch sử mới trong đó bắt đầu đưa vào nội dung về Khmer Đỏ, nhưng đến năm 2003 những cuốn sách này bị thu hồi chỉ sau một học kỳ được sử dụng cho giảng dạy.

Những tiêu cực từ môi trường địa chính trị quốc tế

Sự né tránh của chính quyền Campuchia trong việc đưa nội dung về nạn diệt chủng gây ra bởi Khmer Đỏ ít nhiều liên quan đến sức ép của một số quốc gia khác, trong đó có những cường quốc.

Trong thời kỳ nạn diệt chủng xảy ra ở Campuchia, vì những lý do địa chính trị, cả Washington, Bắc Kinh, và Bangkok đều đồng thuận ủng hộ tiếp tục duy trì sự tồn tại của thể chế Khmer Đỏ. Khi Tổng thống Mỹ Gerald Ford tới thăm Indonesia ngày 6/12/1975, tài liệu ghi lại ông này đã trao đổi với Tổng thống Suharto như sau: “Chúng tôi sẵn lòng từng bước tạo dựng quan hệ với Campuchia với hi vọng có thể giúp làm giảm ảnh hưởng từ Bắc Việt Nam, dù chúng tôi biết rằng chính phủ Campuchia rất khó chơi”. Kissinger thì đánh giá rằng Bắc Kinh cũng đang thực thi chiến lược tương tự: “Người Trung Quốc muốn dùng Campuchia để cân bằng thế lực trước Việt Nam… Chúng ta đều không ưa Campuchia, chính phủ của họ thật tồi tệ, nhưng chúng ta muốn họ duy trì được độc lập. [Vì vậy] chúng ta không ngăn cản Thái Lan hoặc Trung Quốc tìm cách xích lại gần hơn với Campuchia”.

Kể cả sau khi đã bị thất thế, chính quyền Khmer Đỏ vẫn nhận được sự hậu thuẫn gián tiếp âm thầm từ chính phủ Mỹ qua các đời Tổng thống, từ Carter, Reagan, tới Bush cha. Năm 1979, Zbigniew Brzezinski, cố vấn an ninh quốc gia của Carter, từng khẳng định quan điểm tương tự như chính sách của Kissinger trước đây: “Tôi khuyến khích Trung Quốc hậu thuẫn Pol Pot. Tuy thể chế Pol Pot là đáng ghê tởm, chúng ta không bao giờ ủng hộ thể chế này, nhưng [gián tiếp thông qua] Trung Quốc thì có thể được”. Với sự đồng tình nửa công khai từ Mỹ, Trung Quốc và Thái Lan cùng nhau hỗ trợ cho Khmer Đỏ. Năm 1982, Mỹ và Trung Quốc khuyến khích Sihanouk gia nhập liên minh lưu vong với DK (Đảng Dân chủ Kampuchea – tức Khmer Đỏ). Ngoại trưởng Mỹ George Schultz từng từ chối ủng hộ đề xuất về một tòa án quốc tế xét xử tội phạm diệt chủng. Tới năm 1989, người kế nhiệm ông ta là James A. Baker thậm chí còn đề nghị cho Khmer Đỏ tham gia vào chính phủ Campuchia. 

Đồng hành với những chính sách và thái độ hậu thuẫn Khmer Đỏ từ các cường quốc là sự im lặng kéo dài 20 năm của Liên Hợp Quốc đối với nạn diệt chủng xảy ra ở Campuchia. Năm 1988, các nước Đông Nam Á đã họp và thống nhất không cho phép bất cứ sự trở lại nào của “những chính sách và hoạt động mang tính diệt chủng của chính quyền Pol Pot”. Nhưng tới năm 1989, Đại Hội đồng Thành viên Liên Hợp Quốc vẫn từ chối xác nhận những thủ phạm đã gây ra “những chính sách và hoạt động bị lên án rộng rãi trong quá khứ gần đây”. Năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an chỉ bày tỏ sự lấy làm tiếc về “một số chính sách và hoạt động trong quá khứ”, nhưng không nói một cách cụ thể, không nêu thủ phạm, và không nói rõ thời gian xảy ra.

Năm 1990, Tiểu Ban Quyền Con người của Liên Hợp Quốc từng cân nhắc lên án “nạn diệt chủng xảy ra dưới thời chính quyền Khmer Đỏ”, và yêu cầu các quốc gia “đưa ra trước tòa những thủ phạm gây tội ác chống lại loài người ở Campuchia, ngăn chặn những kẻ này quay trở lại các vị trí lãnh đạo trong chính phủ”. Tuy nhiên, Tiểu ban cuối cùng phải loại bỏ nội dung này trong chương trình, sau khi gặp phải một số ý kiến cho rằng nó “không có lợi” cho Liên Hợp Quốc. Phải tới năm 1991 Tiểu Ban mới ra đề nghị “cộng đồng quốc tế ngăn chặn sự lặp lại của nạn diệt chủng ở Campuchia”. Vào thời điểm này, Washington đã cam kết ủng hộ việc đưa Khmer Đỏ ra tòa. Thế nhưng sang năm sau, giám đốc cơ quan Quyền Con người Liên Hợp Quốc tại Campuchia lại phàn nàn rằng cơ quan này “hoàn toàn không có khả năng hoạt động tại một trong số các khu vực” ở Campuchia” – một lời phê phán yếu ớt về sự chống đối từ phía Khmer Đỏ. Ông này còn cố tình làm giảm nhẹ tính nghiêm trọng của nạn diệt chủng giai đoạn 1975-1979 bằng cách gọi thời gian này là một phần trong “những thập kỷ của xung đột, nổi dậy, và sự đối đầu”.

Công lý được thực thi

Nhưng cuối cùng không ai có thể lảng tránh sự thật. Từ căn cứ trong rừng, Khmer Đỏ tẩy chay cuộc tổng tuyển cử năm 1993 do Liên Hợp Quốc tổ chức, và tiếp tục tổ chức giết hại các binh sĩ, dân thường Campuchia. Việc đưa chúng ra trước công lý được đưa vào nội dung luật pháp của Mỹ dưới thời Tổng thống Clinton năm 1994. Hai năm sau, Chương trình Nạn diệt chủng Campuchia của Đại học Yale công bố 100 nghìn trang tài liệu mật về Khmer Đỏ, cho thấy vai trò của những lãnh đạo Khmer Đỏ hàng đầu trong những cuộc thảm sát tập thể giai đoạn 1975-1979, và bắt đầu đăng những nội dung này trên internet (tại www.yale.edu/cgp). Tới năm 1997, Thủ tướng Hun Sen và Norodom Ranariddh – con trai Hoàng tử Sihanouk – cùng hợp tác đề nghị Liên Hợp Quốc hỗ trợ xét xử các lãnh đạo Khmer Đỏ vì những tội ác trong quá khứ. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã bổ nhiệm một “Nhóm Chuyên gia” điều tra vụ này. 

Đồng hành với những chính sách và thái độ hậu thuẫn Khmer Đỏ từ các cường quốc là sự im lặng kéo dài 20 năm của Liên Hợp Quốc đối với nạn diệt chủng xảy ra ở Campuchia.

Trong khi đó, nạn đào ngũ và binh biến đã làm sụp đổ lực lượng Khmer Đỏ. Pol Pot đã chết từ năm 1998, và được hỏa thiêu trong rừng. Các chỉ huy khác như Nuon Chea và Khieu Samphan đầu hàng. Khmer Đỏ chính thức tàn lụi. Trong vòng vài tháng, quân đội Campuchia đã bắt sống chỉ huy quân đội Khmer Đỏ là Chhit Choeun (còn gọi là Mok) và bắt giữ cựu chỉ huy nhà tù Tuol Sleng là Deuch.

Đầu năm 1999, Nhóm Chuyên gia Liên Hợp Quốc kiến nghị đưa các thành viên lãnh đạo Khmer Đỏ ra tòa vì những tội ác chống loài người trong giai đoạn 1975-1979. Bên cạnh những “tội ác chiến tranh” gây ra với Việt Nam và Thái Lan, đối với nhân dân Campuchia, Khmer Đỏ đã “phạm hầu hết mọi tội ác” quy định sau Hội nghị Liên Hợp Quốc về tội diệt chủng năm 1948. “Các bằng chứng cũng cho thấy các công tố viên cần điều tra việc tổ chức diệt chủng người Chăm, người Việt, các nhóm thiểu số khác, cùng cộng đồng Phật tử”. Liên Hợp Quốc bắt đầu cùng chính quyền Hun Sen triển khai các phiên tòa quốc gia/quốc tế để xét xử các lãnh đạo Khmer Đỏ.

Việc chính thức xét xử tội ác của chính quyền Khmer Đỏ sẽ không giúp trả lại cho người Campuchia những người thân là nạn nhân đã bị Khmer Đỏ giết hại, nhưng có thể giúp trả lại cho họ một chương lịch sử quan trọng. Những học sinh Campuchia cuối cùng có thể được đọc những trang sách giáo khoa viết về thảm kịch của đất nước mình. Dù không còn dấu vết tro tàn của Pol Pot, nhưng kho hồ sơ tài liệu ngày một đầy đủ về nạn diệt chủng không thể nào biến mất như những chương khác trong lịch sử Campuchia trước đây.

Thanh Xuân
lược dịch từ:
http://www.historytoday.com/ben-kiernan/coming-terms-past-cambodia
—————-
1 http://news.bbc.co.uk/2/hi/asia-pacific/8350313.stm
2 Iberia: bán đảo nay bao gồm lãnh thổ của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Andorra, Gibraltar

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)