Trách nhiệm không chỉ ở thủy điện Hố Hô

Vấn đề chính nằm ở công tác quản lý rủi ro lũ lụt của chúng ta chưa tốt

Từ ngày 12 đến 15 tháng 10, tại các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế đã có mưa lớn trên diện rộng gây lũ lụt do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh. Đây cũng là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất về lũ lụt ở Việt Nam, nơi mà lũ lụt xảy ra hằng năm vào mùa mưa1.
Năm 2016 cũng được dự báo là năm mà chịu tác động mạnh nhất của hiện tượng El Nino ở khu vực Thái Bình Dương. Ở một số vùng ở Quảng Bình, tổng lượng mưa lên đến 700mm trong 3 ngày. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai trung ương, thiệt hại trong đợt mưa lũ này là 34 người chết, 1 người mất tích, trên 132.893 nhà cửa bị ngập và hư hại, 320.000 gia súc, gia cầm bị chết, và những thiệt hại nặng nề đến nông nghiệp, giao thông, thủy lợi2.
Nhiều người đổ lỗi hậu quả nặng nề của lũ ở Hà Tĩnh là do thủy điện Hố Hô. Nhưng giả sử nếu không có thủy điện Hố Hô xả lũ thì liệu trận lụt vừa rồi sẽ không gây ra thiệt hại nặng nề như vậy? 
Bản thân thủy điện không tạo ra nước. Nếu không có đập ở đó, lượng nước vẫn về với khối lượng và lưu lượng đó3. Ngay cả trong trường hợp “ngặt nghèo” rất có thể gây tăng lũ như bậc thang thủy điện trên sông Vu Gia – Thu Bồn khi tất cả các thủy điện cùng xả lũ một lúc thì việc xả lũ của thủy điện chỉ ảnh hưởng do không thực hiện nhiệm vụ phòng lũ, như kết luận trong nghiên cứu của TS. Lê Anh Tuấn và cộng sự sau khi chạy mô hình thủy lực.4 Nhưng với dung tích hồ chứa của đập Hố Hô là 38 triệu m3, dung tích phòng lũ (dung tích từ mức nước chết đến mực nước dâng bình thường của hồ chứa) là 6 triệu m3, mà lưu lượng về hồ ổn định ở mức 1.600 m3/s đến 1.800 m3/s trong suốt 7 giờ5, thì thủy điện Hố Hô có xả nước đến mực nước thấp nhất để đón lũ cũng không giữ được bao nhiêu nước.
So sánh với dung tích phòng lũ của bậc thang thủy điện trên sông Đà là 7 tỷ m3, chiếm 70% tổng dung tích phòng lũ của các hồ chứa trong cả nước, thì các thủy điện ở khu vực miền trung không có khả năng chứa lũ do điều kiện địa hình đồng bằng ở miền Trung rất hẹp nên không có vùng đệm để chứa lũ như lưu vực sông Đà ở phía Bắc. Vì vậy, chúng ta không thể đặt nhiệm vụ phòng lũ cho thủy điện tại khu vực miền trung.
Mặc dù thủy điện Hố Hô cũng có thể tham gia một phần nhỏ vào việc cắt lũ, giảm thiệt hại cho người dân bằng cách xả nước trước khi lũ về để đón lũ. Nhưng dự báo của chúng ta không đủ tốt để ra quyết định. (Nếu dự báo không đúng, lũ không về thì nhà máy không có nước phát điện).
Vậy sau những hậu quả nặng nề của lũ lụt ở Hà Tĩnh và Quảng Bình, không thể quy toàn bộ trách nhiệm cho thủy điện Hố Hô. Theo tôi, vấn đề chủ yếu nằm ở: công tác quản lý rủi ro lũ lụt của chúng ta chưa tốt, trong đó có công tác dự báo (vì khả năng dự báo phải chính xác để cho thủy điện xả lũ, để các ban chỉ huy phòng chống thiên tai và người dân chủ động ứng phó), công tác quản lý tài nguyên nước, quản lý quy hoạch (trong đó có quy hoạch thủy điện), và quản lý rừng (việc rừng đầu nguồn bị chặt phá, khiến nước về càng nhanh hơn, không có lớp phủ thực vật bảo vệ đất và giữ nước nên rủi ro sạt lở đất trong mưa càng cao. Nhiều nhà đầu tư lợi dụng việc đầu tư thủy điện để chặt gỗ, phá rừng…)
Chu kỳ của công tác quản lý rủi ro thiên tai có thể minh họa như trong hình. Xu hướng ở các nước phát triển hiện nay người ta tập trung đầu tư vào phần giảm thiểu và chuẩn bị, hướng đến cách tiếp cận chủ động. Lúc đó người dân và các nhà quản lý sẽ chủ động hơn với lũ lụt hướng đến giảm thiểu được các thiệt hại nặng nề về người và tài sản. 

Công tác giảm thiểu và công tác chuẩn bị được đề xuất như sau:
 

  Công tác giảm thiểu

M1: Quy hoạch và phân vùng sử dụng đất để kiểm soát việc xây dựng tại những khu vực dễ bị lũ lụt

M2: Xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro lũ lụt

M3: Đào tạo và giáo dục về quản lý rủi ro lũ lụt

M4: Phát triển các hệ thống quản lý rủi ro lũ lụt

M5: Cung cấp thông tin kịp thời và hiệu quả liên quan đến rủi ro lũ lụt

M6: Xây dựng và củng cố hệ thống đê đập, hồ chứa, và hệ thống thoát nước

M7: Tập trung vào công tác quản lý rừng như bảo vệ rừng và trồng rừng

M8: Phân tích các rủi ro để đo lường, đánh giá các khu vực dễ bị lũ lụt

M9: Tập trung vào vào công tác quản lý nguồn nước, như quản lý các lưu vực sông

M10: Bảo hiểm nông nghiệp để giảm thiểu ảnh hưởng về kinh tế cho người nông dân

 

Công tác chuẩn bị

P1: Xây dựng và củng cố hệ thống quan trắc khí tượng

P2: Xây dựng các bản đồ ngập lụt

P3: Xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm

P4: Dự trữ lương thực, thực phẩm

P5: Tạm thời sơ tán người và tài sản khỏi các địa điểm bị đe dọa

P6: Xây dựng nhà tránh trú bão

P7: Nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý rủi ro lũ lụt

P8: Chuẩn bị phương tiện, thiết bị cứu trợ trong trường hợp khẩn cấp

P9:  Xây dựng quy trình phối hợp và hợp tác của các bên liên quan

P10: Đào tạo nhân viên có năng cứu trợ khẩn cấp và diễn tập

P11: Tuyển nhân viên cho dịch vụ cứu trợ khẩn cấp trong lũ lụt

Trong luật phòng chống thiên tai số 33/2013/QH13 quy định rất rõ 3 mục với các hoạt động rất cụ thể cho: (1) phòng ngừa thiên tai, (2) ứng phó với thiên tai, (3) khắc phục hậu quả thiên tai. Vậy sau những lần thiên tai nặng nề mỗi năm các ban chỉ huy phòng chống thiên tai có rà soát và đánh giá lại hiệu quả cụ thể của các công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phụ hậu quả thiên tai không? 

Sơ đồ tổ chức của hệ thống ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn7 cho thấy hệ thống hành chính công các cấp từ trung ương đến địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) hoàn toàn chịu trách nhiệm về các hoạt động liên quan đến công tác quản lý thiên tai. Năm nào tất cả các ban chỉ huy phòng chống thiên tai cũng đều lập các phương án phòng chống thiên tai cho địa phương mình nhưng tất cả các phương án đó mới chỉ dừng lại ở các văn bản hành chính, và dựa trên kinh nghiệm quản lý từ các cán bộ trong hệ thống chính trị. Hậu quả của trận lụt không chỉ lần này mà năm nào cũng xảy ra và xảy ra ở nhiều địa phương cho thấy rằng hoạt động của các ủy ban phòng chống thiên tai tại địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) không thực sự hiệu quả trong việc giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Điều rõ ràng nhìn thấy được trong cơn lũ vừa rồi là tất cả toàn hệ thống ban chỉ huy phòng chống thiên tai, đặc biệt là người dân hoàn toàn bị động.
 


 

Hiện nay, hệ thống quản lý thiên tai của Việt Nam đã huy động được lực lượng từ tất cả các cấp chính quyền tham gia trong công tác phòng chống thiên tai, làm việc với các cộng đồng nhanh chóng trên tinh thần đoàn kết. Điều này nói lên một năng lực kết nối cộng đồng chặt chẽ. Tuy nhiên, sự hiện diện của bộ máy hành chính công trong các hoạt động quản lý rủi ro thiên tai là chưa đủ. Những người ra quyết định, đứng đầu các ban chỉ huy phòng chống thiên tiên ở cấp địa phương, là các lãnh đạo ở các cấp chính quyền, và không có chuyên môn trong quản lý thiên tai. Đáng lẽ, cần phải có sự góp mặt của các chuyên gia và các nhà khoa học vào các ủy ban này trong việc ra quyết định. Cần có sự đầu tư và nghiên cứu, cần có sự tham gia của họ trong các hoạt động của ban chỉ huy phòng chống thiên tai, cụ thể là tập trung vào hướng tiếp cận chủ động. Các quyết định phải được thực hiện dựa trên sự kết hợp các kiến thức khoa học mới nhất và một sự nhạy cảm sâu sắc với hoàn cảnh địa phương.
Hiện tại, quỹ phòng chống thiên tai hằng năm ở các địa phương được thu theo quyết đinh số 94/2014/NĐ-CP, cùng với rất nhiều dự án vay vốn ngân hàng thế giới và các nguồn tài trợ nước ngoài dành cho công tác giảm thiểu rủi ro thiên tai mà Việt Nam là một trong những nước nhận được nhiều nguồn tài trợ và vốn vay cho giảm thiểu rủi ro thiên tai nhất trên thế giới. Điều này đặt ra một yêu cầu cần có một cơ chế hiệu quả để đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và tính hiệu quả của đầu tư.
 

*Ngành quản lý rủi ro thiên tai, Đại học Newcastle, Úc

Chú thích:
1 http://phongchongthientai.vn/tin-tuc/mua-lu-gay-thiet-hai-tai-cac-tinh-mien-trung/-c3222.html
2 http://phongchongthientai.vn/tin-tuc/bao-cao-nhanh-cong-tac-truc-ban-phong-chong-thien-tai-ngay-18-thang-10-nam-2016/-c3277.html
3Thiết kế thủy điện thường phải đảm bảo năng lượng thừa của dòng chảy sau tràn phải là nhỏ nhất bởi vì nếu không sẽ phá hoại lòng dẫn, thậm chí là xói lở chân đập. 4  https://www.researchgate.net/publication/268310440_Van_hanh_xa_lu_va_tich_nuoc_ho_chua_thuy_dien_den_ha_luu_he_thong_song_Vu_Gia_-_Thu_Bon_Tu_so_lieu_mo_phong_den_phan_anh_thuc_te_cua_nguoi_dan
5 http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/chuyen-gia-quy-trinh-xa-nuoc-cua-thuy-dien-ho-ho-bat-cap-3486362.html
6 http://soha.vn/giai-oan-cho-thuy-dien-20161019235505991.htm
7http://phongchongthientai.vn/he-thong/so-do-chung/-c2.html

 

 

 

 

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)