Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhỏ

Việt Nam đã và đang hội nhập sâu và rộng vào sân chơi quốc tế, các doanh nghiệp cần đánh giá lại những chương trình CSR của mình để bắt kịp với yêu cầu của khách hàng, thu hút nhà đầu tư và mở rộng kinh doanh. Khi đó, CSR không chỉ đơn thuần là từ thiện mà là một công cụ tạo ra giá trị chung cho doanh nghiệp và xã hội!


Nông trại chế biến phô mai của Pizza 4P’s. Ảnh: Pizza 4P’s

Trong nước, CSR (Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp)  thường được truyền thông đến công chúng dưới hình thức từ thiện, xin-cho, ở đâu khó thì cho chỗ đó, lúc nào khẩn cấp thì trợ giúp rồi thôi. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp và công chúng cho rằng làm từ thiện chính là CSR, là thực hiện trách nhiệm với xã hội của doanh nghiệp. Điều này không chính xác; bản chất CSR vượt khỏi diễn dịch hạn hẹp này: từ thiện chỉ là một phần của CSR và CSR không chỉ là từ thiện!

 

Chiếc bánh pizza `mang tới thế giới nụ cười và hòa bình’

 

Pizza 4P’s từ những năm 2011-2012 còn là một nhà hàng nhỏ, nằm trong con hẻm ở đường Lê Thánh Tôn, Tp. HCM. Mỗi lần đến đây, bạn thường phải đặt bàn trước vài ngày, có khi cả tuần. Hầu hết người bạn nước ngoài nào của tôi từng đến Tp. HCM đều nói Pizza 4P’s là địa điểm yêu thích của họ. Điều gì đã khiến Pizza 4P’s đặc biệt như vậy?

Trong chín năm qua, Pizza 4P’s đã phát triển thành 21 cửa hàng trải dài từ Nam ra Bắc. Bạn sẽ ấn tượng khi biết khái niệm CSR đã ‘sống’ trong hoạt động kinh doanh và tăng trưởng của Pizza 4P’s ra sao.

Trả lời câu hỏi của tôi về ý nghĩa của CSR với Pizza 4P’s, anh Yuma Nagata, Quản lý Phát triển Bền vững nói: “chúng tôi thường không gọi là CSR mà gọi là ‘phát triển bền vững’. [Phát triển bền vững] gắn liền với tầm nhìn kinh doanh của chúng tôi là ‘mang tới thế giới nụ cười và hòa bình’ […] Chúng tôi vận hành nhà hàng nhưng chúng tôi muốn đạt đến sự an yên bên trong của con người và đó là lý do chúng tôi bắt đầu kinh doanh […] ‘Phát triển bền vững’ là cốt yếu để có thể đạt được tầm nhìn này vì nếu xã hội hay sản phẩm [của chúng tôi] không bền vững thì chúng tôi không thể nào đạt được tầm nhìn của mình cả”.

Khi bắt đầu hoạt động, Pizza 4P’s phải nhập khẩu phô mai từ Ý. Việc nhập khẩu nên Pizza 4P’s quyết định học cách tự làm phô mai để đảm bảo nguyên liệu làm pizza có chấ lượng cao. Đến nay, hầu hết tất cả phô mai sử dụng trong nhà hàng của Pizza 4P’s được sản xuất tự nhiên, không có chất phụ gia, từ nông trại riêng ở Đơn Dương, Lâm Đồng.


Pizza 4P’s ‘từ nông trại tới bàn ăn’. Ảnh: Pizza 4P’s

Việc làm phô mai cũng cho ra khoảng 3.000 lít nước Whey (nước sữa) mỗi ngày như một sản phẩm phụ. Nước này có nồng độ chất hữu cơ gây ô nhiễm cao, không thể xả xuống hệ thống thải được. Để giải quyết bài toán này, Pizza 4P’s áp dụng một hệ thống xoay vòng, tái chế phụ phẩm. Một nông trại gần đó mỗi ngày đến thu gom toàn bộ nước thải về, ủ lên men để làm phân bón hoặc làm thức uống cho bò. Rau xà lách rocket được tưới từ nước thải này lại được bán cho Pizza 4P’s. Pizza 4P’s cũng dùng nước Whey để chế biến thức uống hoặc sốt salad vì nó là loại chất thải từ sữa, có chứa nhiều chất dinh dưỡng.

Từ những bước đi đầu tiên, sức khỏe của khách hàng và sự tử tế với môi trường đã được Pizza 4P’s quan tâm, cân nhắc trong cách kinh doanh của mình.

Từ nông trại tới bàn ăn:

Vẫn với tôn chỉ đảm bảo sức khỏe và đem nụ cười đến cho thực khách, Pizza 4P’s mua trực tiếp nấm shiitake hữu cơ từ một nông dân (người dân tộc thiểu số) để chế biến mì. Nông hộ này thuộc chương trình chuyển đổi từ trồng cà phê sang trồng nấm do UNESCO thực hiện. Việc trồng cà phê thường đi đôi với phá rừng; trong khi lợi nhuận thu về lại không lớn. Thay vào đó, trồng nấm không cần nhiều diện tích, không cần phá rừng mà lại đem đến lợi nhuận cao. Bắt kịp chương trình này, Pizza 4P’s đã phối hợp với hộ nông dân và tạo thêm đầu ra cho sản phẩm nấm hữu cơ shiitake.

Nhân viên thu mua của Pizza 4P’s cùng anh Yuma đích thân đi thực địa, tìm kiếm những hộ nuôi trồng nông/thủy sản theo phương pháp hữu cơ, không hóa chất để mua sản phẩm từ họ. Mô hình này tốn kém hơn so với cách mua hàng thông thường, thông qua nhà cung cấp. Tuy nhiên, Pizza 4P’s vẫn kiên định tìm cách cân đối giữa chi phí và giá bán để đảm bảo nó được triển khai nhằm đem đến lợi ích cho khách hàng, người nông dân và môi trường. Anh Yuma nói: “Chi phí và giá không nên chỉ là yếu tố duy nhất được xét đến trong kinh doanh.” 

Một lần nữa, tính trách nhiệm đã được thể hiện trong cách Pizza 4P’s kinh doanh. Theo nghiên cứu về Từ thiện Doanh nghiệp và Quan điểm của Doanh nghiệp về các Tổ chức Phi chính phủ Địa phương ở Việt Nam năm 2013 của VCCI, The Asia Foundation và CECODES công bố, 58% các công ty tham gia khảo sát nói rằng hoạt động từ thiện của họ không gắn với mục tiêu kinh doanh. Trong khi đó, Pizza 4P’s nằm trong nhóm tiên phong, đưa những hoạt động xã hội vào trong ADN của doanh nghiệp một cách đầy chiến lược.

Từ chất thải tới ‘edutainment’ (giáo dục giải trí):

Vấn đề lớn khi kinh doanh nhà hàng là chất thải. Làm sao để xử lý chất thải một cách bền vững, thân thiện với môi trường? Pizza 4P’s đã đưa ra những giải pháp sáng tạo, độc đáo cho bài toán này.

Pizza 4P’s đã sử dụng túi nhựa phân hủy làm từ bột bắp. Nếu bao ni lông thông thường mất 20 năm để phân hủy1, những chiếc túi được Pizza 4P’s sử dụng chỉ mất sáu tháng để phân hủy khi chôn dưới đất. Ống hút nhựa cũng đã được thay thế bằng ống hút bằng cỏ nhằm đáp lại sự quan tâm ngày càng cao của khách hàng. Song song, 100% chai thủy tinh (rượu, bia, v.v.) thải ra đều được tái chế: đập vỡ, nung chảy và dùng làm nguyên liệu sản xuất chai mới.

Chi nhánh Xuân Thủy, Quận 2, Tp. HCM của Pizza 4P’s sử dụng trùn quế để phân hủy một phần rác thực phẩm (70kg/ tháng)2. Ấn tượng hơn nữa khi chi nhánh này được xây dựng theo mô hình ‘edutainment’ (giáo dục giải trí) với mong muốn giới thiệu, ‘giáo dục’ cho thực khách về mô hình bền vững thông qua trải nghiệm ẩm thực. Ở đây có một vườn rau hữu cơ được bón phân từ rác thải thức ăn đã qua xử lý và tưới với nước từ ao nuôi cá. Chất thải từ cá khiến nước từ ao cung cấp thêm dưỡng chất cho rau. Nhà hàng này cũng sử dụng tấm lợp pin mặt trời để giảm 20.8 tấn CO2 (có phần mềm theo dõi năng lượng, tính từ 5/2019 đến 1/2021). Và như vậy, thực khách được thích thú trải nghiệm một không gian thân thiện với thiên nhiên và một mô hình vòng tròn về bền vững! Nét độc đáo này chắc chắn đã tạo thêm điểm nhấn và sự khác biệt của Pizza 4P’s với những đối thủ khác.


Hình 3: Kim tự tháp về Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp của tác giả Carroll Nguồn: tapchitaichinh.vn

Bền vững trong khủng hoảng:

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến ngành dịch vụ, du lịch; Pizza 4P’s cũng không nằm ngoài khủng hoảng này. Khi phải cắt giảm chi phí, một số chương trình Phát triển Bền vững cũng buộc phải cắt giảm ngân sách. Tuy nhiên, Covid-19 đã thúc đẩy Pizza 4P’s sáng tạo hơn và sát sao hơn để vừa kinh doanh bền vững, vừa tạo giá trị kinh tế cho doanh nghiệp.

Vì phải giảm chi, điều đầu tiên Pizza 4P’s đánh giá lại cách làm bền vững của mình đó là việc sử dụng năng lượng. Từ đầu mùa dịch, Pizza 4P’s đã triển khai cuộc thi cắt giảm sử dụng năng lượng giữa các nhà hàng. Việc này hiển nhiên giúp giảm chi phí; song song đó, còn giảm lượng khí thải ra môi trường, giảm hiệu ứng nhà kính, góp phfn giảm công suất tiêu thụ năng lượng từ những nhà máy sản xuất năng lượng và giảm nguy cơ cạn kiệt của nguồn nhiên liệu hóa thạch.

Một điểm nhỏ khi quan tâm đến trái đất, đến môi trường rõ ràng có ý nghĩa lớn cho doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng.   

Nụ cười của nhân viên, hạnh phúc của khách hàng, hòa bình cho cộng đồng:   

Mỗi khi đến Pizza 4P’s, tôi luôn ấn tượng với nụ cười và sự tận tụy phục vụ của nhân viên. Anh Yuma nói với tôi: “nếu chúng tôi muốn mang hòa bình đến thế giới thì hiển nhiên chúng tôi phải nghĩ tới nhân viên”. Ứng dụng triết lý Chỉ số Hạnh phúc Quốc gia (GNH), bắt nguồn từ Buhtan, Pizza 4P’s xây dựng hệ thống đo lường chi tiết về mức độ hạnh phúc, hài lòng của nhân viên.

Với cộng đồng, Pizza 4P’s cũng thực hiện nhiều chương trình từ thiện. Từ những ngày đầu thành lập, Pizza 4P’s đã là một đối tác tích cực của trường dạy nghề Thăng Long (dành cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn) ở Tp. HCM. Pizza 4P’s nhận sinh viên tốt nghiệp từ trường này vào làm việc. Pizza 4P’s cũng đóng góp cho các hoạt động dọn rác thải nhựa, đóng góp bữa ăn cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Hà Nội, hay sáng tạo ra những món bánh pizza hòa bình nhân ngày Hòa bình Quốc tế và đóng góp toàn bộ tiền bán các loại bánh này cho quỹ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, v.v.

Quan tâm đến nhân viên là chức năng của bộ phận nhân sự hay sự hài lòng của khách hàng là do bộ phận vận hành phụ trách. Tuy nhiên, yếu tố trách nhiệm của doanh nghiệp cũng được thể hiện ở đây; cho thấy trách nhiệm của doanh nghiệp không thể tách rời hoạt động kinh doanh. Song song đó, từ thiện vẫn là một phần trong Phát triển Bền vững của CSR. Nhưng ta thấy từ thiện chỉ là một phần trong tất cả nỗ lực của Pizza 4P’s để sống và kinh doanh một cách có trách nhiệm với xã hội và môi trường.

 

Kinh doanh bền vững ± tạo giá trị chung

 

Câu chuyện của Pizza 4P’s đã thể hiện rõ nét một định nghĩa phổ biến về CSR của tác giả Carroll (1991). Theo đó, từ thiện chỉ là một trong bốn trụ cột của mô hình CSR, song song với trách nhiệm về kinh tế, pháp lýđạo đức của doanh nghiệp (hình 3)3.

Trong hơn nửa thế kỷ qua, CSR xuất hiện dưới nhiều tên gọi và hình thái khác nhau, ví dụ: Phản ứng của Doanh nghiệp với Xã hội (Corporate Social Responsiveness), Doanh nghiệp Công dân (Corporate Citizenship), Quản trị Doanh nghiệp (Corporate Governance), Trách nhiệm Giải trình của Doanh nghiệp (Corporate Accountability), Phát triển/Kinh doanh Bền vững (Sustainability), v.v. Dù được gọi tên thế nào thì tất cả những khái niệm này đều nằm dưới ‘chiếc ô’ CSR, được công nhận như một công cụ quản lý tạo nhiều giá trị cho doanh nghiệp, xây dựng năng lực cạnh tranh đồng thời tạo những tác động tích cực cho cộng đồng và môi trường4. Như tác giả nổi tiếng Porter và Kramer (2011) định nghĩa đây là mô hình ‘tạo ra giá trị chung’, trong đó doanh nghiệp tạo ra lợi ích kinh tế bằng cách mà cũng mang lại giá trị cho xã hội bằng việc giải quyết các thách thức xã hội5.

Câu chuyện của Pizza 4P’s là một ví dụ minh chứng cho một doanh nghiệp nội địa bắt nguồn kinh doanh với mong muốn đem lại giá trị cho cộng đồng song song với tạo ra lợi nhuận. Tuy đã trở thành xu hướng, nhưng cũng giống như một số nước đang phát triển khác, CSR trong nước thường được xem như là một khái niệm của phương Tây6, chưa được thực hành như một phần cốt lõi của hoạt động kinh doanh. Với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), CSR lại càng kém thân thiện hơn vì nó được xem như là chủ đề của các doanh nghiệp lớn, không phù hợp cho SMEs.


Vòng tròn về tái sử dụng rác thực phẩm ở mô hình ‘edutainment’ của Pizza 4P’s. Ảnh: kilala.vn

Cách làm CSR truyền thống (chẳng hạn như xây dựng các chính sách liên quan, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, hoạt động cộng đồng, báo cáo về tác động, v.v.) thường được tranh cãi là ‘thiên vị’ về phía các doanh nghiệp đa quốc gia7. Theo đó, CSR được phát triển ở các công ty lớn với giả định rằng họ xây dựng một khuôn mẫu để các SMEs làm theo8. Các SMEs thường được xem như là mô hình thu nhỏ của các công ty lớn và vì vậy cách làm CSR truyền thống có thể chỉ đơn giản thu nhỏ lại để phù hợp với SMEs9. Giả định này hoàn toàn không đúng.

Cách Pizza 4P’s bắt đầu hành trình kinh doanh bền vững đã cho thấy họ không đi theo một khuôn mẫu CSR của những doanh nghiệp lớn mà bắt nguồn từ triết lý, tầm nhìn và sứ mệnh kinh doanh của người sáng lập và lãnh đạo công ty. Đó là những giải pháp sáng tạo, giải đáp những câu hỏi làm sao để cân bằng giữa lợi ích kinh doanh với lợi ích của khách hàng, của cộng đồng, của môi trường và thế hệ mai sau. Từ khi mới thành lập, dù là một doanh nghiệp nhỏ, nhưng những lợi thế như linh hoạt, năng động, tự quản lý, người sáng lập cũng là người điều hành đã đưa Pizza 4P’s đến với hành trình phát triển bền vững từ nông trại làm phô mai. Đến nay, chỉ sau chín năm, với phát triển bền vững là ‘xương sống’ trong vận hành, Pizza 4P’s đã tăng lợi thế cạnh tranh, phát triển với 1.700 nhân viên và được CNN ca ngợi là nhà sản xuất phô mai ngon nhất Châu Á9.

Việt Nam đã và đang hội nhập sâu và rộng vào sân chơi quốc tế. Theo đó, những yếu tố như môi trường, xã hội, quản trị (ESG) được yêu cầu/ quy định trong các hiệp định thương mại quốc tế và thu hút nhiều hơn sự quan tâm của các nhà đầu tư. Hơn nữa, khách hàng và người tiêu dùng trong nước cũng ngày càng lưu ý hơn đến môi trường, sức khỏe, đạo đức của doanh nghiệp khi quyết định tiêu tiền. Một nghiên cứu gần đây của các học giả Huang Y.-F., Do M.-H. và Kumar V về nhận định của người tiêu dùng Việt Nam về CSR đã cho thấy người tiêu dùng ủng hộ CSR và có mong đợi cao, mong muốn doanh nghiệp thể hiện bốn yếu tố CSR (như hình 3)10. Thị trường trong nước với dân số trẻ, thế hệ Gen-X và Y ngày càng thay đổi thói quen tiêu dùng và sự quan tâm đến xã hội, môi trường. Trong bối cảnh đó, có lẽ các doanh nghiệp cần đánh giá lại những chương trình CSR của mình để bắt kịp với yêu cầu của khách hàng, thu hút nhà đầu tư và mở rộng kinh doanh. Khi đó, CSR không chỉ đơn thuần là từ thiện mà là một công cụ tạo ra giá trị chung cho doanh nghiệp và xã hội!

——

* Nhà tư vấn độc lập về Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp (CSR) và Phát triển các tổ chức Phi lợi nhuận.
 

Nguồn tham khảo:

1    https://www.wwf.org.au/news/blogs/the-lifecycle-of-plastics#gs.o9tecu
2   https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/cuoc-van-dong-kinh-doanh-ben-vung-tren-quy-mo-toan-cau/2020010302420308p1c785.htm
3   Carroll, A. (1991) ‘The Pyramid of Corporate Social Responsibility: Toward the Moral Management of Organizational Stakeholders’, Business Horizons, 34(4), pp.39-48
4   Freeman R. E., Harrison, J. S., Wicks, A. C., Parmar, B. L and De Colle, S. (2010) Stakeholder Theory – The State of the Art. Cambridge: Cambridge University Press
5   Porter, M. E. and Kramer, M. R. (2011) ‘Creating Shared Value’, Havard Business Review, 89(1/2), pp. 62-77. Available at: http://web.b.ebscohost.com.oxfordbrookes.idm.oclc.org/ehost/error?vid=1&sid=59ea159b-0377-4122-bf1b-b0aaf891bfee%40sessionmgr102
6   Ciliberti, F., Pontrandolfo, P. and Scozzi, B. (2008) ‘Investigating Corporate Social Responsibility in Supply Chains: A SME Perspective’, Journal of Cleaner Production, 16(15), pp. 1579–1588. doi: 10.1016/j.jclepro.2008.04.016
7   Tran, A. N. and Jeppesen, S. (2016) ‘SMEs in Their Own Right: The Views of Managers and Workers in Vietnamese Textiles, Garment, and Footwear Companies’, Journal of Business Ethics, 137(3), pp. 589–608
8   Jenkins, H. (2006) ‘Small Business Champions for Corporate Social Responsibility’, Journal of Business Ethics, 67(3), pp. 241–256
9   https://thanhnien.vn/du-lich/cnn-ca-ngoi-da-lat-san-xuat-pho-mai-thuoc-hang-ngon-nhat-chau-a-1237158.html
10  Huang, Y.-F., Do, M.-H. and Kumar, V. (2019) ‘Consumers’ Perception on Corporate Social Responsibility: Evidence from Vietnam’, Corporate Social Responsibility and Environmental Management, 26(6), pp. 1272–1284. doi: 10.1002/csr.1746

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)