Trải thảm đỏ
Trải thảm đỏ, chính sách chiêu hiền đãi sĩ của Nhà nước được đề ra có dễ đã gần trọn một kế hoạch năm năm. Năm năm tuy là một quãng thời gian chưa dài song không thể gọi là ngắn nhưng xem chừng kết quả chưa có gì khả quan lắm.
Chiếc thảm đỏ đã được trải ra sao vẫn còn thưa thớt dấu chân người tài.
Mà thiện chí của cả hai bên chủ và khách là không thể nghi ngờ!
Thảm đỏ của người mời có vấn đề?
Hay thái độ hưởng ứng của người được mời có vấn đề?
Hay có sự hiểu lầm gì chăng?
Hình ảnh trải thảm đỏ là một hình ảnh tuy không quý hiếm nhưng cũng có thể gọi là đẹp, một mỹ từ.
Nguy hiểm nhất của những mỹ từ là chúng có thể làm cho người ta say đến mức lơ đãng khâu thực hiện một cách thấu đáo.
Bình luận về Xixêrông, một chính khách hùng biện thượng thặng thời cổ La Mã, Vonte có một nhận xét rất đáng chú ý:
“Xixêrông nói quá hay, đến mức ngỡ rằng mình đã làm”.
Muốn sử dụng người tài, yêu mến họ chưa đủ mà phải thật sự cần họ, cảm nhận sự cấp bách sử dụng họ trong việc chung lo xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời nhận thấy nguy cơ nhỡn tiền của sự thụt lùi trong cuộc Maratong với các quốc gia khu vực và thế giới.
Thật cần thì sẽ tìm thấy người tài.
Thật cần thì sẽ nghĩ ra cách sử dụng họ.
Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển có một hình ảnh rất được “ Người ta không thể đội thuyền thúng đi ra biển lớn” (Xin lỗi nếu nhớ không thật đúng nguyên văn).
Nếu người ta cảm nhận sâu sắc cái hài hước đến xót xa của nghịch cảnh đội thuyền thúng ra biển này, nhất định người ta phải và sẽ tìm ra cách giải quyết hữu hiệu.
Không giải quyết được một việc nhiều khi không phải vì không có khả năng giải quyết mà vì chưa thấy cấp thiết cần giải quyết.
2. Phải thấy rằng việc sử dụng người tài không đơn thuần là việc chiếu cố, việc ưu đãi từ phía người sử dụng tốt bụng mà là một việc cần làm ngay của những người quản lý có trách nhiệm.
Sử dụng người tài hoàn toàn không phải một nhu cầu đơn phương.
Lòng yêu nước của người tài biểu hiện ở thái độ cống hiến hết mình đối với cộng đồng.
Lòng yêu nước của người quản lý (với tư cách là người được nhân dân ủy quyền) biểu hiện ở bận tâm canh cánh săn tìm người tài cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể để họ cống hiến tốt.
Cả hai bên đều phải trả lời trước lương tâm và Tổ quốc về việc thực hiện nghĩa vụ này.
3. Không có người tài chung chung mà chỉ có những người tài đối với những nhu cầu (càng cấp bách càng cu thể càng tốt).
Không xác định được nhu cầu rõ ràng thì không xác định được người tài.
Nhu cầu sinh ra người tài. Và ngược lại người tài sinh ra nhu cầu. Đó là luật tương tác hữu cơ trong quá trình phát triển bền vững của một quốc gia.
Việc trải thảm đỏ có lẽ sẽ hấp dẫn hơn nhiều nếu được bổ sung bằng việc trải thêm những hợp đồng cụ thể, sòng phẳng (mà vẫn rất yêu nước) trong đó từ đãi ngộ mang nặng tính quan liêu bao cấp ngày càng được thay thế bằng những điều khoản những cam kết trên cơ sở thỏa thuận. Chúng ta có thói quen khi nói đến đãi ngộ là nghĩ ngay đến khoản đầu tiên mà quên mất rằng đãi ngộ không phải chỉ gồm những điều kiện vật chất mà rất cần những điều kiện tinh thần (có thể bù trừ cho nhau) để tái sản xuất hiệu quả nhất cho cả bên sử dụng lẫn bên được sử dụng có một tên chung là nhân dân.
Đừng thắc mắc người tài thờ ơ với thảm đỏ. Hãy thắc mắc xem thảm đỏ có chỗ nào ách tắc giao thông ngăn cản người tài qua “ải” hay không.
Nên chú ý người tài thường nhược điểm quá mải bận tâm chuyên môn của mình mà ngơ ngác đường đi nước bước.
4. Các cơ quan của ta, cơ quan nào cũng có một bộ phận chuyên trách cán bộ ít nhiều cồng kềnh và đầy quyền uy. Mà hiệu quả không nhiều.
Vụ tổ chức cán bộ hoàn toàn không phải một cơ quan ban phát chức quyền có tính xin cho. Cái thực trạng trái khoáy cán bộ phục vụ ban tổ chức chứ không phải ban tổ chức phục vụ cán bộ là một tệ tục đáng trách của một nền hành chính lạc hậu và cổ lỗ.
Vụ tổ chức phải là một cơ quan năng động có nhiệm vụ thăm dò tài năng như những đoàn thăm dò địa chất hoạt động trên thực địa chứ không phải chìm ngập trong đống bụi của những hồ sơ lí lịch.
Bao giờ thì chúng ta xây dựng được những cơ quan thăm dò tài năng có trách nhiệm và nhiệt tình thiết lập những bản đồ nhân tài như những bản đồ tài nguyên chiến lược cấp quốc gia.
Nhiều người chưa hiểu rằng phát hiện ra những người tài và sử dụng họ một cách hiệu quả, bản thân nó cũng đã là một tài năng.
Cái tài trác tuyệt của Lưu Bị là đã dùng được tài của Gia Cát.
***
Người tài bản thân nó mới chỉ là một quặng tốt, nó chỉ trở thành một giá trị xã hội khi được khai thác thành mỏ.
Điều đáng buồn nhất của một quốc gia là thừa quặng mà thiếu mỏ, lẹt đẹt mãi ở hàng ngũ những quốc gia nghèo và chậm phát triển.