Tranh cãi luật biểu tình dựa trên tiêu thức nào?

Thế giới ngày nay hầu như không còn nước nào bàn cãi về quyền biểu tình cả vốn là một khái niệm phổ quát có nội hàm: Quyền „đồng tình“ tập hợp „nơi công cộng“ (ngày nay được bổ sung thêm: „trên mạng“) để „biểu đạt“ chính kiến tư tưởng tình cảm của họ ủng hộ hay phản đối trước chính sách hay sự kiện nào đó, mà họ muốn xã hội, nhà nước, thậm chí thế giới (như biểu tình phản đối Trung Quốc) quan tâm giải quyết.

Từ khái niệm đó có 6 dấu hiệu đặc trưng (xem thêm bài Cần sớm có luật biểu tìnhTia Sáng số 11/6/2014): – Nhằm thể hiện mong muốn được xã hội, nhà nước quan tâm giải quyết, nên biểu tình không bao giờ do nhà nước tổ chức cả (1.1). – Mà do cá nhân hoặc hội đoàn độc lập tổ chức hoặc 1 nhóm người tự tập hợp lại, nói cách khác người dân tự liên kết với nhau, thuộc phạm trù xã hội dân sự (1.2). – Biểu tình là hình thức biểu đạt chính kiến tư tưởng tình cảm đối với một chính sách hay trước một sự kiện nào đó, vì vậy nó phải nhằm vào đối tượng cụ thể đó, không thể chung chung nhưng cũng không được phạm vào quyền riêng tư, cá nhân ai (1.3). – Là một „tập hợp“ cùng „đồng tình“, biểu tình mang tính mở không giới hạn số lượng, tập hợp bất cứ ai tự nguyện. Vì vậy, cơ cấu, hoạt động không theo nguyên tắc hành chính mệnh lệnh, mà chỉ là sự thoả thuận phân công công việc, tự nguyện thực hiện, và không ai được phép mua chuộc hay cưỡng bức ai tham gia (1.4). – Do nhằm biểu đạt ý kiến, nên biểu tình chỉ tổ chức nơi công cộng, không được diễn ra trong trụ sở công quyền, hay nơi cần bảo vệ tránh đông người, doanh nghiệp, nhà dân (1.5). – Khác với bạo lực đường phố thuộc đối tượng điều chỉnh của luật hình sự, hay cách mạng bạo lực thuộc phạm trù chính trị, biểu tình được mặc định là ôn hoà vì vậy không được sử dụng bạo lực, và không có khái niệm biểu tình bạo động (1.6).

Các dấu hiệu trên chính là những tiêu thức dùng để phân biệt đối tượng điều chỉnh của luật biểu tình, thiếu nó không thể tranh cãi, bởi theo logic học chỉ có thể tranh cãi khi cùng tiêu thức, nếu không kết qủa chẳng đến đâu, bởi „ông nói gà bà nói vịt“ hay „thày bói xem voi“. Vấn đề nóng bỏng xã hội hiện nay nằm ở câu hỏi, luật biểu tình là „cần“ hay „phải“ có? Và nếu chưa có thì nhà nước phải hành xử như thế nào ? Trả lời câu hỏi này không thể không bắt đầu từ định đề: Biểu tình là quyền tạo hoá (2).

Đã là „tạo hoá“ thì „không ai chối cãi được“. Nhưng vì lợi ích, nên nhiều quyền tạo hoá ngay cả khi được thừa nhận, như trường hợp đã được ghi vào Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền Cách mạng Pháp năm 1791, nhà nước thực dân Pháp vẫn „mang lá cờ bình đẳng bác ái (thừa nhận quyền tạo hoá) tới cướp đất nước ta áp bức đồng bào ta (chống lại quyền tạo hoá của dân bản xứ, vì lợi ích của nhà nước Pháp)“. Vì vậy quyền tạo hoá chỉ được bảo đảm khi và chỉ khi hiến pháp và luật chế tài được nhà nước phải phục vụ cho mục đích đó, chứ không phải ngược lại như luật của thực dân Pháp sinh ra để chế tài đồng bào ta phục vụ chế độ thực dân của chúng. Theo luật học, đó chính là bản chất nhà nước pháp quyền (mà nước ta đang đeo đuổi), dựa trên nguyên lý bất di bất dịch: “nhà nước chỉ được làm những gì luật (tức văn bản lập hiến và lập pháp) cho phép, và người dân được làm tất cả chỉ trừ những gì luật cấm“ (3). Chứ không phải ngược lại, người dân bị cấm tất cả trừ khi có luật cho phép (4).

Ở nước ta, quyền biểu tình được mặc định trong Hiến pháp 1946 (nghĩa là không có điều khoản biểu tình nhưng cũng không có điều khoản cấm nó), được hiến định trong Hiến pháp năm 1959, tại Điều 25: “Công dân nước VNDCCH có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình. Nhà nước bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó”. Tới Hiến pháp 1980, được hiến định tại  Điều 67, với giới hạn “phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân…”.  Tương tự, đến Hiến pháp 1992, Điều 69 giới hạn, “biểu tình theo quy định của pháp luật”. Tiếp tới Hiến pháp 2013, Điều 25 cũng giới hạn: „Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Điều 2 Hiến pháp 2013 hiến định nước ta là “nhà nước pháp quyền“, tức tuân theo tiêu thức (3), chứ không thể (4). Vì vậy giới hạn quyền biểu tình quy định tại Điều 25, Hiến pháp 2013 không mang nghiã “chừng nào chưa có luật biểu tình thì chừng đó người dân không có quyền biểu tình“, (đã là quyền tạo hoá thì tương tự như trong luật giao thông đường bộ, không người dân nào phải ngồi ở nhà chờ cho tới khi có luật ban hành mới ra đường cả, hay tự do hôn nhân  chẳng ai phải chờ có luật mới cưới cả), mà đặt ra một trách nhiệm hiến định cấp bách cho nhà nước phải ban hành luật biểu tình, để xác định nhà nước được phép làm những gì đối với hoạt động biểu tình và người dân khi biểu tình phải tránh những gì bị cấm, nếu không nhà nước „bó tay“ bởi đơn giản thiếu luật chế tài, đưa ra những thước đo chuẩn mực quy tắc xử sự, buộc cả hai bên phải tuân thủ.Có thể tham khảo Hiến pháp CHLB Đức ban hành năm 1949, Điều 8 quy định quyền biểu tình phần nào tương tự ta: “(1) Tất cả người Đức có quyền tập họp ôn hoà không có vũ khí, không cần báo trước hay xin phép.  (2) Tập họp ôn hoà ngoài trời có thể bị giới hạn bởi 1 văn bản lập pháp“. Tới 4 năm sau, ngày 24.7.1953, họ mới có luật biểu tình. Trong khoảng 4 năm đó, người dân bất cần đến luật biểu tình, biểu tình hoàn toàn tự do; nhà chức trách chỉ được phép can thiệp khi có hành vi hình sự và do toà án phán quyết, chứ không phải nhà nước muốn làm gì thì làm. Mặt khác, dù hiến pháp cho phép Luật biểu tình Đức đưa ra giới hạn nhưng hoàn toàn không có nghĩa muốn giới hạn thế nào và tới đâu cũng được, mà phải tuân theo các tiêu thức (1) và (2) được hiến định tại Điều 19: “Khi giới hạn quyền cơ bản không bao giờ được phép vi phạm bản chất quyền đó“ (5). Nếu không quyền tạo hoá chỉ hữu danh vô thực.

Có thể tham khảo những Điều khoản chung Luật biểu tình Đức để thấy ngưỡng giới hạn ở họ đáp ứng tiêu thức (5) như thế nào: “Điều §1 (1) Ai cũng có quyền tổ chức tập họp và tham gia biểu tình.  (2) Không có quyền đó, gồm những: 1- Ai chống lại quyều cơ bản về tự do biểu tình được ghi tại điều 8 Hiến pháp. 2- Ai ủng hộ mục đích của những đảng bị  toà án hiến pháp tuyên phán vi phạm hiến pháp… Điều § 2 (1) Ai công khai mời gọi tham gia tập họp, người đó là người tổ chức và phải nêu rõ tên khi mời. (2) Khi tổ chức tụ họp mỗi người đều có thể cấm những gây rối cản trở cuộc biểu tình tổ chức đúng luật này. (3) Không ai được phép mang theo vũ khí hoặc đồ vật có thể gây thương tích hoặc hư hỏng đồ vật mà không được phép của cơ quan chính quyền. Cùng cấm tương tự như vậy khi mang theo trên đường đi tới chỗ biểu tình để chuẩn bị hoặc phân phát cho biểu tình.  Điều § 3 (1) Cấm sử dụng sắc phục để thể hiện quan điểm chính trị. (2) Hội đoàn thanh thiếu niên mang đồng phục phải đệ đơn xin giấy phép miễn cấm ở điều (1). Thẩm quyền quyết định bởi Bộ nội vụ Liên bang hoặc Thủ hiến tiểu bang, và công bố trên công báo“.  

*Những tranh cãi cần được hoá giải

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 13 chiều 28/9/2011, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề xuất xây dựng Luật Biểu tình để điều chỉnh vấn đề thực tế đang đòi hỏi. Thủ tướng đã giao Bộ Công an soạn thảo luật này.

Ba năm sau, chiều 30.5.2014, Quốc hội biểu quyết thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, trong đó có Luật biểu tình, với 424/436 (85,14%) phiếu thuận. Theo đó, Luật biểu tình sẽ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, và thông qua tại kỳ họp thứ 10.

Như vậy sau tới 3 năm khởi sự tính từ khi Thủ tướng đề xuất đến nay vẫn, có tới 14,86% đại biểu không thấy cần luật biểu tình, dựa trên những tiêu thức:

– „Nhu cầu cuộc sống là có nhưng bộ phận soạn thảo Luật Biểu tình chưa sẵn sàng“. Vô hình dung lấy năng lực của bộ phận soạn thảo vốn là công bộc của chủ nhân người dân làm thước đo quyết định ban hành luật biểu tình hay không, chứ không lấy tiêu thức (2),(3), (4) để đối chiếu.

– „Có Luật Biểu tình thì ở mức cao hơn nhưng cũng không ngoài nội dung bảo vệ trật tự nơi công cộng“. Hoàn toàn sai với tiêu thức (1),  trật tự công cộng là đối tượng điều chỉnh của luật hình sự, giao thông, không phải đối tượng của luật biểu tình.


– “Luật Biểu tình được đề xuất rất nhiều nhưng trong tình hình hiện nay không nên đưa ra vì nó rất nhạy cảm“. Vi phạm tiêu thức (2). Chế độ thực dân tước đoạt quyền tạo hóa dân thuộc điạ nên luôn phải đối phó với đấu tranh chống bất công, mà vẫn thừa nhận quyền biểu tình, không hề coi nó là nhạy cảm để không ban hành, thì không lý do gì khi chúng ta đã giành chính quyền về tay nhân dân lại coi quyền tạo hoá của dân là nhạy cảm cả.

– “Biểu tình quy định trên giấy tờ là đi đứng thế nào, biểu ngữ ra sao… nhưng khi ra đấy biểu ngữ trong người họ đưa ra, rồi lời nói ra, ai kiểm soát được”. Giao thông nước ta năm 2013 gây ra  29.385 vụ tai nạn, làm chết 9.369 người, nhưng chắc không ai lấy đó làm tiêu thức tai nạn không „kiểm soát được“ để đòi hủy luật giao thông hay cấm giao thông cả. Ở đây còn thuộc lĩnh vự tư tưởng, mà Mác từng bác bỏ: „Đừng vì chậu nước bẩn mà hắt luôn cả đứa bé đang ngồi tắm trong đó“.

Nếu một số đại biểu quốc hội vẫn còn nhận thức sai về biểu tình như vậy, thì cả về trách nhiệm lẫn thẩm quyền theo đúng hiến pháp 2013 là tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và định hướng của truyền thông để thay đổi nhận thức sai trên đối với quy luật xã hội về quyền tạo hoá và nghĩa vụ của nhà nước bảo đảm quyền đó; mặt khác Quốc hội cần tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội đón bắt được ý nguyện người dân, ra sức tiếp cận với khoa học thông qua „đặt hàng“ nghiên cứu tại các cơ quan khoa học, có bộ máy giúp việc trình độ đại học hỗ trợ. Nếu không, không chỉ mục tiêu luật biểu tình thông qua 2015 chưa chắc đã đạt, mà nhiều cải cách, chủ trương, chính sách trọng đại khác cũng chịu rủi ro do chính nhận thức chủ quan của đại biểu; vốn theo luật định, ở quốc gia nào cũng vậy cả, họ không chịu trách nhiệm pháp lý với biểu quyết của mình, nhưng lại quyết định cả số phận từng người dân lẫn tiền đồ vận mệnh cả đất nước, dân tộc.

Tác giả