Trung Quốc – Hành trình ba ngàn dặm

Suốt chuyến đi, tôi tự đặt ra câu hỏi, vậy, so với Trung Quốc, người Việt có những lợi thế gì, khi chỉ nhìn bề ngoài là hai xã hội khá tương đồng nhưng về quy mô và tầm vóc, người Trung Quốc chắc chắn giàu mạnh hơn, đồ sộ hơn, kỷ luật hơn và phát triển hơn.  

1. Tôi lựa chọn một chuyến đi Trung Quốc trong những ngày đầu năm mới này. Trước đó, tôi cũng từng đi Trung Quốc vài lần, ghé thăm Bắc Kinh, Quảng Châu, nhưng đó là những chuyến đi “cưỡi ngựa, xem hoa”, chúng tôi đi máy bay và ít có thời gian và điều kiện tìm hiểu đất nước, xã hội, lịch sử Trung Quốc. Trong những chuyến đi đó, Trung Quốc đối với tôi dường như rất giàu đẹp, nhất là Bắc Kinh với những con đường đầy kín xe ô tô và những tòa nhà cao ngất. Nhưng từ lâu trong tôi nhắc đến Trung Quốc là tôi nhớ đến những câu chuyện và nhân vật trong Tam Quốc, trong Thủy Hử, rồi hiện đại là các tác phẩm Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình… vì thế, tôi lựa chọn chuyến đi này theo cách của một người Trung Quốc bình thường. Chúng tôi sẽ đi tàu, đi xe khách, ở những nhà trọ, nhà nghỉ như một người Trung Quốc bình thường. Hành trình của chúng tôi như sau: Hà Nội – Lạng Sơn – Bằng Tường – Nam Ninh – Trường Sa (Hồ Nam) – Thiều Sơn (quê Mao Trạch Đông) – Xích Bích – Vũ Hán – Kinh Châu – Trùng Khánh – Quảng An (quê Đặng Tiểu Bình) – Côn Minh – Hà Khẩu – Lào Cai – Hà Nội. Tất cả đều là đi tàu và xe khách, tổng chiều dài là 5.000km (hơn 3.000 dặm) và đi trong 11 ngày.

2. Điều tôi thấy Trung Quốc khác biệt nhất với Việt Nam là vấn đề thông tin. Các khách sạn ba-bốn sao mà tôi ở đều không có kênh nước ngoài như ở Việt Nam. Không CNN, không Discovery, không HBO, không Star Sport… Trừ một-hai kênh CCTV phát tiếng Anh, còn lại tôi không tìm kiếm được nguồn thông tin nào để hiểu về Trung Quốc. Tôi ra các sạp báo dù quy mô lớn hơn ở Việt Nam, nhưng cũng không tìm thấy tờ báo tiếng Anh nào ngoại từ tờ Global Times – Thời báo Hoàn cầu. Tìm khắp cả tám thành phố tôi đến đều không mua được tờ Nhân dân Nhật báo… Dĩ nhiên, tôi cũng không truy cập được vào facebook, google, đặc biệt là Google Map… Tôi thực sự loay hoay với 10 ngày sống ở Trung Quốc. Những thói quen của tôi, như xem CNN, HBO, rồi vào facebook, tìm kiếm dữ liệu qua goolge đều phải từ bỏ. Tôi cũng cố gắng truy cập trang baidu.cn và bing.com của Microsoft nhưng kết quả cũng rất tệ.

3. Là người đọc sách và làm xuất bản, nên đi đâu tôi cũng ghé thăm các thư viện, hiệu sách. Để đo lường mức độ văn minh của quốc gia nào đấy, của dân tộc nào đấy, thì chẳng thể nhìn sự hoành tráng của những cửa hiệu thời trang hay nhìn vào đám xe ô tô bóng loáng chạy trên đường cao tốc; mà bạn cần nhìn vào hiệu sách, vào thư viện, vào những tri thức dân tộc đó sản sinh ra và tiêu hóa. Đó là “thức ăn” của dân tộc, của giới trí thức, của thanh niên, của trẻ em, của tất cả mọi người… Tôi vào các hiệu sách Tân Hoa (chuỗi nhà sách lớn nhất Trung Quốc) thấy sách của phương Tây được dịch và bày bán rất ít, không nhiều như Việt Nam. Tại Việt Nam, sách dịch từ Âu Mỹ có thể chiếm 60-70% thì ở Trung Quốc chỉ chừng 5-10%. Dĩ nhiên sách của người Trung Quốc viết thì được xuất bản nhiều, nhưng tất cả chỉ là các sách thiếu nhi, văn học, kinh doanh… Có thể nhận thấy ngành xuất bản của Trung Quốc rõ ràng lớn mạnh hơn Việt Nam, sách nhiều, giá sách thì rẻ hơn, nhưng so với tầm vóc một cường quốc, một trong những cái nôi văn minh của loài người, và so với Hàn Quốc, với Nhật Bản thì thực sự nghèo nàn và nhỏ bé. Nỗi thất vọng của tôi càng tăng thêm khi Trung Hoa là một quốc gia có lịch sử và nền văn minh đồ sộ hàng ngàn năm với những nhà tư tưởng lớn lao như Khổng, Lão… vậy mà bây giờ không có mấy ai, không có tác phẩm tư tưởng nào lớn. Trên những hiệu sách, có lẽ chỉ còn các tư tưởng của Mao, Đặng, Giang, Hồ, Tập… Tôi nhớ chuyến đi Đan Mạch và Thụy Điển, hai quốc gia bé nhỏ ở Bắc Âu. Đan Mạch và Thụy Điển có 5,5 và 9,3 triệu người trong khi Trùng Khánh là thành phố trực thuộc Trung ương của Trung Quốc có 28 triệu người, và Vũ Hán (thủ phủ của Hồ Bắc) có 8,4 triệu người và Trường Sa (thủ phủ của Hồ Nam) có 6,4 triệu người. Nhưng nhà sách và sách ở Trung Quốc so với ở Đan Mạch, Thụy Điển thì khác nhau xa quá. Một quốc gia như Trung Quốc không thể là cường quốc, nếu nhìn ở góc độ văn minh và văn hóa của hiện tại! Không, tôi không thấy nền văn minh và trí tuệ, của tri thức ở những nơi tôi đến!   

4. Trong chuyến đi, tôi có dịp gặp Ngải Đình, một thanh niên Trung Quốc, sinh năm 1980, tốt nghiệp ngành IT ở Vũ Hán, nay là chủ một cửa hàng máy tính nho nhỏ giữa trung tâm thành phố Vũ Hán. Tôi hỏi Ngải Đình, này, những người giỏi nhất, những nhà tư tưởng của Trung Quốc đâu rồi, cậu buồn rầu trả lời: Họ đã không ở trong nước, từ lâu lắm rồi, họ đã rời khỏi đất nước này, họ sang Đài Loan, cả đi Mỹ nữa và họ không về…

5. Di sản và quá khứ vĩ đại của Trung Hoa đã bị tàn phá quá nhiều… Tôi không biết còn bao nhiêu phần trăm cái di sản đó còn giữ được cho đến hôm nay. Thành Kinh Châu xưa lẫy lừng, giờ vẫn được coi là trung tâm du lịch và thành cổ còn sót lại nhưng đó chỉ là một thành cổ giả, mới được phục dựng và phục dựng rất tốt. Chiến trường Xích Bích ngày xưa, ngoại trừ chữ Xích Bích khắc trên đá quét sơn đỏ thì không còn gì. Tôi cũng đi thăm một vài ngôi chùa, vài địa danh cổ nhưng những gì còn sót lại cũng chẳng là bao. Khi ở Côn Minh, tôi hỏi hai cô bé sinh viên ở đây địa điểm cổ nhất của thành phố là gì, họ ngần ngừ thật lâu rồi dẫn tôi đến một ngôi trường đại học. Đại học Côn Minh được xây dựng năm 1922, trên mảnh đất ngày xưa là trường thi thời nhà Minh, nhà Thanh. Nơi đó có một ngôi nhà xây kiểu Pháp, do một kiến trúc sư người Trung Quốc du học ở Pháp thiết kế. Nhưng đó là ngôi nhà duy nhất giữa những ngôi nhà to, hiện đại mới được xây dựng khác… Côn Minh cũng chẳng còn quá khứ!

6. Quê nhà Mao và Đặng là hai địa điểm dường như hấp dẫn nhất với tôi. Mao sinh ra trong một ngôi làng ở huyện Thiều Sơn, tỉnh Hồ Nam, thôn nơi Mao sinh ra chỉ cách trung tâm huyện lỵ Thiều Sơn chừng ba cây số. Còn ngôi nhà nơi Đặng sinh ra cách trung tâm thành phố Quảng An bảy cây số… Nhưng khó có thể nói Đặng sinh trong một gia đình nông dân khi nhìn thấy ngôi nhà của cha mẹ Đặng. Nhà có tới 10 gian, đồ đạc rất nhiều và cầu kỳ, sơn son thiếp vàng. Hẳn gia đình Đặng phải là đại địa chủ, nếu so với bối cảnh Việt Nam… Nhà Mao không rộng lớn như nhà Đặng nhưng cũng là một nhà không phải quá nghèo. Điều bất ngờ với tôi nhất là mộ của cha mẹ Mao và cha mẹ Đặng đều xây dựng vô cùng đơn giản, thậm chí chỉ tương tự như một gia đình nông dân bình thường ở Bắc Bộ chứ chưa nói đến gia đình khá giả. Tôi không thấy lễ vật cầu kỳ, không thấy sự hoành tráng ở những ngôi mộ này.

7. Trong suốt những ngày ở Trung Quốc, điều khiến tôi băn khoăn và suy nghĩ nhất là tinh thần chống Nhật. Khắp nơi, trên các kênh truyền hình, trên tàu hỏa, trên xe khách đường dài tôi đi từ Trùng Khánh về Côn Minh, tôi đều thấy quá nhiều các bộ phim chống Nhật của Trung Quốc. Tôi tự hỏi, liệu người Nhật, các doanh nghiệp Nhật sẽ cảm thấy thế nào khi hằng ngày phải xem những hình ảnh đó, dù có thật thì đó cũng đã là quá khứ quá xa xôi. Người Nhật không thể an tâm và thấy bình an khi sống trên mảnh đất khi những cư dân ở đó ghét bỏ mình, thù hận mình. Người Nhật sẽ và hẳn phải đi tìm một mảnh đất khác để hợp tác, phát triển… Và xa hơn, một dân tộc khi hằng ngày xem cảnh chém giết, đánh nhau, chiến tranh, nung nấu sự thù hận và tinh thần dân tộc chủ nghĩa, dân tộc đấy sẽ đi về đâu???

8. Suốt chuyến đi, tôi tự đặt ra câu hỏi, vậy, so với Trung Quốc, người Việt có những lợi thế gì, khi chỉ nhìn bề ngoài là hai xã hội khá tương đồng nhưng về quy mô và tầm vóc, người Trung Quốc chắc chắn giàu mạnh hơn, đồ sộ hơn, kỷ luật hơn và phát triển hơn. Tôi nghĩ Việt Nam có thể có các lợi thế sau: (a) Chữ viết của người Việt là dạng chữ alphabet, có thể giúp người Việt học nhanh, học tập phương Tây nhanh hơn. Trong khi chữ Hán khó tây hóa, nếu ai đó học về y học, về hóa, về dược… sẽ thấy rất khó để chuyển tải những danh từ khoa học, các khái niệm khoa học ra tiếng Trung; (b) Việt Nam có nhiều tự do trong trao đổi, phát biểu hơn… và chúng ta được nhận nhiều thông tin hơn. Giới trẻ Việt Nam ngày nay xem CNN, BBC hằng ngày, vào google, dùng facebook… quá dễ dàng. Trong khi người Trung Quốc cũng có mạng xã hội của riêng họ, nhưng đó là một mạng biệt lập với thế giới. Dù có nhiều điểm tốt, hậu thuẫn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cho ngành IT trong nước, nhưng khi bạn không được kết nối với thế giới, không biết thế giới đang làm gì và nghĩ gì thì đây vẫn là điểm thiệt thòi của người Trung Quốc; (c) Cuối cùng, người dân Việt Nam hiểu mình đang ở đâu và bên ngoài như thế nào… Người Việt có phần tự ti, nhưng lòng khao khát những điều mới mẻ, khao khát những thay đổi, khao khát một xã hội mới tốt đẹp hơn dường như ở trong suy nghĩ của mọi người.

Tác giả