Tư duy trần thế
Hàng vạn năm trước đây, đời sống con người chưa khác với loài vật bao nhiêu. Cái tiêu biểu nhất có lẽ ở chỗ khác, ở sự phản tư về sự tồn tại của mình. Chính sự phản tư này làm con người ý thức tách mình ra khỏi loài vật và giới tự nhiên xung quanh, và tự trả lời cho sự khắc khoải của mình bằng sự tưởng tượng thần thánh.
Mãi rất gần đây, vài trăm năm hoặc có nơi mới vài chục năm, con người mới chấp nhận dần tư duy trần thế.
—
Cuối những năm 80 thế kỉ trước, xã hội rục rịch mở cửa, tôi có dịp được gặp một vài nhà nghiên cứu từ Âu Mỹ qua đất Việt.
Các cuộc thảo luận thật nhiều hương vị, vì ngôn ngữ và tư duy cách nhau cũng khá xa.
Trong một buổi đi bộ ra đường, ông giáo sư người Mỹ vui vẻ hỏi: tôi ở khách sạn chán quá. Tôi muốn về nhà ông ở, đi chơi, nói chuyện cho vui, trả tiền trọ ăn uống đàng hoàng, có được không?
Tôi ngắm ông và bảo: ý ông hay thật!
Chợt nhớ mình vẫn đang ở trong xã hội tư duy thần thánh, tôi vội nói lại: Cái này thì chưa được ông ạ!
—
Điều rất may mắn mà chúng ta lại hay quên, là chúng ta đang sống trong thời bình đã vài chục năm nay. Ta phải biết ơn thời bình, và biết quên đi triết lý sống thời chiến. Điều đó tất nhiên không có nghĩa là không xây dựng ra trò nền quốc phòng.
Thời bình đòi hỏi triết lý sống riêng của nó.
Ngày xưa tục truyền vua Lê còn biết vứt trả gươm lại cho chú rùa nơi Kinh Đô, để học sống thời bình cùng mọi người.
Nghĩa là phải biết vứt bỏ ngôn ngữ, tư duy thời chiến.
Ngày hôm nay đòi hỏi còn phải cao hơn nhiều: vứt bỏ tư duy thần thánh.
—
Ở Pháp, bạn đi nghỉ vài tuần. Bạn có thể và nên làm một việc như sau: báo cho cảnh sát. Và mấy ông này sẽ thỉnh thoảng lượn ôtô đảo qua nhà bạn bất chợt ban ngày, đêm hôm xem có tay du thủ du thực nào hý hoáy không. Cảnh sát ăn lương từ tiền thuế của dân. Công việc của anh là trật tự xã hội. Anh phải có trách nhiệm, chủ động và sáng kiến thực thi công việc đó. Anh không phải thay Trời trị ai cả. Đấy là tư duy trần thế hôm nay trong thời bình.
Một đảng cầm quyền thời bình cũng vậy. Đảng có những lý tưởng của mình, nhưng với xã hội thì cái căn bản nhất, đó là người dân cần được đối thoại thẳng thắn với đảng cầm quyền, vào thẳng các công việc thiết thực, với tinh thần trần thế. Và bản thân đảng cầm quyền cũng phải có tư duy trần thế, từ ngôn ngữ, tới giao tiếp, hành xử công việc…
Ví dụ định chế chính quyền hiện đại thực chất là cái quy chế đồng thuận về sinh hoạt chung của xã hội được hình thành nên, thông qua việc xây dựng các thể chế lập pháp, hành pháp, tư pháp, thông tin. Như thế khi người dân đối thoại với định chế chính quyền là họ đối thoại đơn giản với chính mình.
Cái định chế này được quen gọi ở Trung Quốc, Việt Nam theo danh từ thần thánh là quốc gia, hay nhà nước. Nghĩa là đất nước nằm trong tay một nhà, một dòng họ. Đó là một cản trở tinh thần rất lớn, nó không giải phóng con người khỏi ý thức vua-quan-thần dân xưa. Đáng nhẽ không gọi là nhà nước nữa, mà gọi là thể chế chẳng hạn. Etat trong tiếng Pháp, State trong tiếng Anh chẳng hạn cũng nhằm chỉ một thể chế, không có gì là “nhà-nước” cả.
Ngày lễ độc lập trước ở ta gọi chuẩn là “Tết Độc lập”. Ở Pháp gọi là “Tết Dân tộc”, “Fête Nationale”. Ở Mỹ gọi là “Ngày Độc Lập”, “Independence Day”. Thế rồi cái thói quen thần thánh ở Trung Quốc lại kéo sang, người ta gọi tất cả là “Quốc Khánh”, “ngày lập nước”. Quốc Khánh Việt, Quốc Khánh Pháp, Quốc Khánh Mỹ! Trong khi nước Việt chúng ta hiển nhiên đã được thành lập từ hàng ngàn năm nay rồi!
Xây dựng đời sống mới, hãy rũ bỏ từng bước tất cả những lối nghĩ, lối nói, lối làm việc, lối sống thần thánh, xây dựng lối nghĩ, lối nói, lối làm việc, lối sống trần thế.
Đơn giản, mà sâu xa.