Tư tưởng chiến lược phát triển giáo dục

Trong xây dựng hiện đại, người ta thiết kế công trình theo “Đề bài”, tức là theo tư tưởng chỉ đạo. Vậy cái “Đề bài” ra cho việc thiết kế “Chiến lược phát triển giáo dục” là gì?

1. Stalin mời ba nhà khoa học đến, giao nhiệm vụ: Làm bom nguyên tử.

Việc của Stalin thế là xong. Các nhà khoa học bằng nghiệp vụ của mình thực thi nhiệm vụ được giao.

Mỗi việc có tầm cỡ quốc gia có hai mặt: mặt xã hội – chính trị và mặt nghiệp vụ thực thi. Lưu ý rằng nhiệm vụ xã hội – chính trị là bất khả kháng, nghĩa là khả thi. Marx nói rằng, một khi lịch sử đã đề ra một nhiệm vụ thì trong thực tiễn cuộc sống đã có điều kiện vật chất để thực thi.

Giáo dục là một sự nghiệp có tầm cỡ quốc gia. Ngày nay, tất cả 100% dân cư đều được học, thì Nghiệp vụ sư phạm phải tìm cách thực thi, đảm bảo ai cũng học được, học gì được nấy, học đâu chắc đấy.

Ai cũng được học, ví như phải làm bom nguyên tử.

Ai cũng học được, ví như bom nguyên tử đã nổ thử.

Chiến lược phát triển giáo dục, thực ra, chỉ có vậy thôi về chữ nghĩa, nhưng để làm thật thì cũng phải nói dài dài ra, nói rành rọt: Giáo dục là gì? Thế nào là phát triển? Phát triển đến mức nào (có thể cân đo đong đếm), trong bao lâu? Bằng sức mạnh vật chất nào để tạo ra sự phát triển ấy?

2. Stalin giao việc làm bom nguyên tử cho ba nhà khoa học, sao không giao cho Bộ trưởng quốc phòng hay Cục trưởng quân giới, những người giàu kinh nghiệm làm bom thường, đã từng góp công lớn vào Chiến thắng chống phát xít trong Đại chiến vừa kết thúc?

Stalin biết, trí khôn có được từ tổng kết kinh nghiệm làm hàng triệu quả bom thường không có nghiệp vụ làm ra bom nguyên tử. Hai nghiệp vụ ở hai tầm nguyên lý cao thấp hơn nhau, như ở quê ta, hàng vạn cây tre tất cả đều lẹt đẹt dưới tầm cao một cây đa làng. Cuộc cải cách giáo dục năm 1981 làm theo cách tổng kết kinh nghiệm các đơn vị tiên tiến, không có tư tưởng mới vượt khỏi tầm quá khứ, thì thành công sao được!

Trong xây dựng hiện đại, người ta thiết kế công trình theo “Đề bài”, tức là theo tư tưởng chỉ đạo. Vậy cái “Đề bài” ra cho việc thiết kế “Chiến lược phát triển giáo dục” là gì? Nhân thể xin nói, dùng chữ “phát triển” là đúng rồi. Phát triển, chứ không phải “cải cách”, không phải “đổi mới”, cũng không phải “chấn hưng”…

Một trình độ phát triển được “định nghĩa” bằng cái mới, lần đầu tiên có. Quả là cái mới của cây. Quả phát triển từ một hoa chứ không nhờ “tổng kết kinh nghiệm” từ các hoa “tiên tiến” nhất… Ở quả không thấy “hình hài” của hoa, không phỏng theo hoa. Quả kế thừa hoa bằng phương thức phát triển.

3. Tư tưởng chiến lược cơ bản của Stalin là từ bom thường chuyển sang bom nguyên tử.

Tư tưởng chiến lược cơ bản của Đảng ta là từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Từ năm 1978, chúng tôi nói ra rành rẽ:

Hướng đi: Hiện đại hoá nền giáo dục.

Cách làm: Công nghệ hoá quá trình giáo dục.

Trong suốt 30 năm qua, đi theo Hướng đi đó, làm theo Cách làm đó, chúng tôi hình thành một Hệ thống tư tưởng về nền giáo dục mới và dần dần định hình Công nghệ giáo dục.

Nền sản xuất vật chất đã công nghệ hoá quá trình sản xuất để làm ra sản phẩm tất yếu, từ thế kỷ XVIII, đến cuối thế kỷ XX đã tiến lên sản xuất bằng công nghệ cao, vậy là lịch sử hiện thực với nền sản xuất bằng công nghệ cao đã chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất và một mẫu mực về cách làm cho nền giáo dục hiện đại.

Nền giáo dục và nền sản xuất vật chất cùng một dòng máu huyết thống từ Mẹ lịch sử hiện thực. Cũng từ Mẹ lịch sử sinh ra Tư tưởng chiến lược cơ bản của giáo dục.

4. Nền sản xuất vật chất hiện đại gợi ý cho Tư duy giáo dục hiện đại điều mấu chốt nhất như trao cho cái “chìa khoá” mở ra cho thấy mối quan hệ Quá trình / Sản phẩm: Một quá trình được tổ chức và kiểm soát để làm ra sản phẩm tất yếu.

Có trong tay một sức mạnh vật chất thì mới dám nói chuyện tư tưởng một cách chân thành và trung thực.

Sản phẩm cơ bản nhất và cuối cùng của một nền giáo dục là Học sinh. Toàn bộ sự nghiệp giáo dục chỉ vì một nhân vật – Học sinh. Nói dài dài ra: Lẽ sống và Sức sống của một nền giáo dục hiện thân ở Học sinh. Tư duy giáo dục hiện đại lấy Học sinh làm chuẩn, lấy Học sinh làm trung tâm, lấy Học sinh làm căn cứ cho tất cả các hoạt động giáo dục của Người lớn, nghĩa là phải giả định rằng Học sinh luôn luôn đúng! Nếu Học sinh chấp nhận thì may ra nền giáo dục ấy đúng. Nếu Học sinh không chấp nhận, thì chắc chắn đó là một nền giáo dục sai lầm.

Hưởng một nền giáo dục đúng thì Đi học là hạnh phúc! Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui! (Năm 1978, lần đầu tiên nói ra: Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày hội!). Sức mạnh vật chất tạo ra niềm vui và hạnh phúc đi học lấy từ Sản phẩm giáo dục do mỗi Học sinh tự làm ra cho chính mình.

5. Sản phẩm giáo dục lấy giá trị của mình làm năng lượng vật chất cấp cho sự phát triển tự nhiên của cá nhân học sinh (giá trị này không làm tăng thêm giá trị cho xã hội). Để có giá trị mới, sản phẩm giáo dục phải là cái mới, chưa hề có. Chuỗi các cái mới này (sản phẩm giáo dục) tự nó có năng lực phát triển theo lôgic nội tại của chính mình, nhờ vậy có thể làm cốt lõi vật chất cho sự phát triển tự nhiên của Học sinh.

Sản phẩm giáo dục về Khoa học tạo ra sự phát triển lý trí, nhận thức, tư duy.
Sản phẩm giáo dục về Nghệ thuật tạo ra sự đa dạng, sự tinh tế và sâu sắc về tình cảm.
Sản phẩm giáo dục về Lối sống tạo ra ý chí (sức mạnh của đạo đức).
Lý trí / Tình cảm / Đạo đức như các hệ cơ bắp, tuần hoàn, não bộ của một cơ thể sống.

Học sinh hiện đại là một thực thể tinh thần, sinh ra, lớn lên, phát triển trong Phạm trù cá nhân, nên sản phẩm giáo dục của ai tạo ra sự phát triển của chính cá nhân ấy.

Sự phát triển của Thực thể tinh thần diễn ra trong ba lĩnh vực tinh thần (theo Hegel): Khoa học / Nghệ thuật / Tôn giáo, mà trong nền giáo dục phi tôn giáo là ba lĩnh vực Khoa học / Nghệ thuật / Lối sống (với cốt lõi là đạo đức).

Sản phẩm giáo dục về Khoa học tạo ra sự phát triển lý trí, nhận thức, tư duy.

Sản phẩm giáo dục về Nghệ thuật tạo ra sự đa dạng, sự tinh tế và sâu sắc về tình cảm.

Sản phẩm giáo dục về Lối sống tạo ra ý chí (sức mạnh của đạo đức).

Lý trí / Tình cảm / Đạo đức như các hệ cơ bắp, tuần hoàn, não bộ của một cơ thể sống.

6. Làm ra sản phẩm giáo dục là vấn đề cốt lõi của Nghiệp vụ sư phạm.

Trong nền sản xuất tiểu nông – tiểu thủ công, nghiệp vụ của lão nông hay của thợ cả là các “bí quyết tay nghề”, mà có thì có thật, nhưng chính người có nó trong tay cũng không hiểu nó là gì, vì sao có, nên sản phẩm là may rủi, khi được mùa, khi thất bát.

Nền sản xuất đại công nghiệp đã xé toang bức màn bí mật che giấu “bí quyết tay nghề” bằng cách phân giải quá trình sản xuất thành các nhân tố cấu thành nó, ngay tại nó, độc lập với ý chí người phân giải, trên cơ sở đó thiết kế công nghệ sản xuất, làm ra sản phẩm tất yếu.

Nghiệp vụ sư phạm cũng có hai trình độ tương ứng: Làm ra sản phẩm may rủi và làm ra sản phẩm tất yếu (có thể kiểm soát được), diễn đạt bằng hai công thức nghiệp vụ:

(1). Thầy giảng giải – Trò ghi nhớ

(2). Thầy thiết kế – Trò thi công

Thầy giảng giải về bản chất là đưa đến cho học sinh cái có sẵn, rồi thuyết phục (thực chất là cưỡng bức) học sinh chấp nhận.

Nguyên tắc vàng của Nghiệp vụ sư phạm theo công thức (2) thì cấm ngặt việc đưa đến cho học sinh những cái có sẵn, mà tổ chức và kiểm soát quá trình học sinh tự làm ra sản phẩm giáo dục cho chính mình.

7. Giáo dục tha hoá tước bỏ tha hoá giáo dục là vấn đề tư tưởng và thực tiễn có tính thời sự trong Chiến lược giáo dục.

Sự tha hoá trong giáo dục là hệ quả tự nhiên từ sự tha hoá trong lao động sản xuất, với hai đặc điểm:

Một, quá trình lao động vốn là quá trình tự nhiên, tự nguyện, hạnh phúc thì biến thành sự cưỡng bức như khổ sai, làm mất đi bản chất người của lao động.

Học sinh là một thực thể tự nhiên, hiểu rằng những gì trái tự nhiên và dù bị áp đặt đến mấy cũng bị học sinh từ chối, nghĩa là học sinh luôn luôn đúng.

Hai, sản phẩm lao động không thuộc người làm ra nó, mà thuộc kẻ khác, vì lợi ích của kẻ khác, và người này dùng nó để nô dịch lại người làm ra nó.

Bản chất ấy của lao động tha hoá cũng là bản chất của tha hoá giáo dục. Nền giáo dục đã tha hoá! Nhận ra sự thật đó, thì phải tìm cách để vượt bỏ nó, tước bỏ tha hoá, trả lại cho giáo dục bản chất người (thuộc phạm trù người) vốn có.

Học sinh là một thực thể tự nhiên, hiểu rằng những gì trái tự nhiên và dù bị áp đặt đến mấy cũng bị học sinh từ chối, nghĩa là học sinh luôn luôn đúng.

Học sinh đi học là học làm ra sản phẩm giáo dục, tự mình làm ra sản phẩm giáo dục cho chính mình, vì lợi ích cơ bản của mình là sự phát triển tự nhiên, chứ không phải vì bị đe doạ và cưỡng bức bằng những điểm số, thi cử, bằng cấp, khen thưởng, trừng phạt… chính những cái ở bên ngoài việc học này thường đem nô dịch người học.

8. Nhà trường là nơi học sinh đang sống cuộc sống thực, là cuộc đời thực với những hạnh phúc thực, đau khổ thực, hạnh phúc hay đau khổ ngay bây giờ, ngay ngày hôm nay.

Tư duy giáo dục ngàn năm nay quen coi Nhà trường chỉ là nơi “chuẩn bị vào đời”. Vì chỉ là “chuẩn bị”, nên dễ là chuẩn bị giả, tập dượt giả… dễ đem những cái có thực hôm nay đặt cược đổi lấy những cái vu vơ trong tương lai mơ hồ.

Ngày nay, tất cả 100% Trẻ em đều đi học, chứ không như ngày trước, 95% dân cư ở nhà, đầu tắt mặt tối làm ăn thì sống Cuộc sống thực, còn 5% kia đến trường được nuôi không, chỉ “chuẩn bị làm quan”, thì học những mẹo mực làm quan, với những trò chơi chữ nghĩa văn bản… Thầy / Trò lúi húi với nhau trong các phòng học, phòng thi cửa đóng then cài… cấm người ngoài!

Chính sách “mở cửa” của Đảng đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, cho cả xã hội lẫn cho giáo dục. Hãy mở toang các cánh cửa phòng học, cho ánh sáng tự nhiên chiếu vào, cho không khí trong lành tràn vào, cho người ngoài nhìn vào… cho Thầy / Trò nghe được, thấy được sự vận động với tốc độ chóng mặt của Cuộc sống hiện đại.

Chính sách “mở cửa” của Đảng đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, cho cả xã hội lẫn cho giáo dục. Hãy mở toang các cánh cửa phòng học, cho ánh sáng tự nhiên chiếu vào, cho không khí trong lành tràn vào, cho người ngoài nhìn vào… cho Thầy / Trò nghe được, thấy được sự vận động với tốc độ chóng mặt của Cuộc sống hiện đại.

Học sinh hiện đại dù sống ở đâu, ở nhà, ở trường, ở công viên, ở rạp hát, ngày thường, ngày lễ, ngày hè, lúc nào và ở đâu đâu em cũng sống cuộc sống thực.

9. Trẻ em sống dọc theo hai dòng xoắn với nhau: Trưởng thành / Phát triển. Một tự nhiên thiên nhiên, một nhân tạo, tự tạo.

Trưởng thành đi theo một lộ trình định sẵn trong mã di truyền, đã có ở bào thai. Phát triển là quá trình nhân tạo, tự tạo ở ngoài đời, cùng phát triển với xã hội, qua các thời đại. Thời trước, tuổi thơ rất ngắn, hầu như không có, 5/6 tuổi đã phải lo kiếm sống. Ngày nay, 18 tuổi em còn nhỏ lắm, hằng ngày mẹ còn dúi quà vào tay.

Trẻ em hiện đại có một “thời trẻ con” được phân hoá thành các lứa tuổi. Mỗi lứa tuổi tự định nghĩa bằng cái mới lần đầu tiên có, cùng với cách làm cũng mới có lần đầu tiên:

0 – 2, 3 – 5, 6 – 11, 12 – 16, 17 – …

Các cái mới và cách làm ở mỗi lứa tuổi một khác, có thể hình dung theo sự khác nhau giữa các giai đoạn trưởng thành của cây: mầm – chồi – lá – hoa – quả. Sự khác nhau này có thể lấy ranh giới 5/6 tuổi làm ví dụ: trước đó là tuổi chơi, tuổi của kinh nghiệm; sau đó là tuổi học, tuổi của khoa học.

Từ kinh nghiệm sang khoa học là một “bước nhảy sinh mệnh” của nhân loại, ở thế kỷ XVIII, đến thế kỷ XXI thì chắc phải là “bước nhảy sinh mệnh”  của đời người hiện đại, của từng cá nhân hiện đại.

10. Chiến lược phát triển giáo dục chẳng qua là Giải pháp nghiệp vụ cho một Nhiệm vụ xã hội – chính trị bất khả kháng. Việc lớn như vậy vẫn có thể gói gọn trong mấy chữ: Ai cũng được học, học gì được nấy.

Chiến lược phát triển giáo dục chẳng qua là Giải pháp nghiệp vụ cho một Nhiệm vụ xã hội – chính trị bất khả kháng. Việc lớn như vậy vẫn có thể gói gọn trong mấy chữ: Ai cũng được học, học gì được nấy.

Sẽ thiết kế được Giải pháp đích thực, nếu một, tìm ra cốt lõi vật chất của Giải pháp và hai, biết cách làm cho Tư tưởng của Giải pháp được vật chất hoá dưới hình thái trực quan, bên ngoài đầu óc các cá nhân.

Một hình thái trực quan của Nền giáo dục hiện đại là Trẻ em hiện đại (nên phân biệt giáo dục Trẻ em và đào tạo người lao động sản xuất).

Trẻ em hiện đại là nhân vật lần đầu tiên xuất hiện trong Phạm trù người, sinh ra và phát triển trong Phạm trù cá nhân.

Trẻ em hiện đại là một thực thể tự nhiên đang phát triển. Ở điểm xuất phát, tính từ lúc mới lọt lòng, Bé là một thực thể trừu tượng chứa trong bản thân mình khả năng bỏ ngỏ, cho mặc sức phát triển đến mọi trình độ có thể, theo chiều ngày càng cụ thể hơn.

Bản chất sâu xa của sứ mệnh giáo dục là tạo mọi điều kiện, trước hết và sau cùng là điều kiện vật chất, cho khả năng bỏ ngỏ được hiện thực hoá, tạo ra sự phát triển tự nhiên nhất qua các lứa tuổi, sao cho mỗi em hưởng giáo dục sẽ phát triển thành chính mình, một cá nhân duy nhất, có một không hai trên đời!

Tác giả