Ứng xử của nước Đức với điện hạt nhân sau sự kiện Fukushima

Trong những năm gần đây ở Đức, có hai luồng ý kiến rõ rệt về điện hạt nhân: Ý kiến thứ nhất là tiếp tục duy trì hoạt động các NMĐHN thêm một khoảng thời gian, sau đó thì dừng hẳn; ý kiến thứ hai là dừng ngay hoạt động của tất cả các nhà máy này và chuyển hướng sang dùng các loại năng lượng sạch. Nội các chính phủ của bà Angela Merkel theo đuổi lập trường thứ nhất.

Trong năm 2010, Chính phủ Đức đã ra quyết định kéo dài thời gian hoạt động của bảy trong số 17 NMĐHN thêm 8 năm; 10 nhà máy còn lại được duy trì hoạt động thêm 14 năm. Tuy nhiên Chính phủ Đức đã có sự thay đổi đột ngột trong chính sách đối với các nhà máy điện hạt nhân ngay sau sự kiện nổ các lò phản ứng hạt nhân ở nhà máy điện Fukushima, Nhật Bản, ngày 15/3/2011.

Chính phủ Đức đã ra quyết định tạm dừng hoạt động của tám trong số 17 NMĐHN trong thời gian 3 tháng để phục vụ cho công tác đánh giá độ an toàn theo nhiều kịch bản khác nhau [8]. Thậm chí kịch bản về các vụ tấn công vào mạng máy tính điều khiển nhà máy điện hạt nhân cũng được đưa vào hồ sơ để xem xét, đánh giá.  Theo Bộ trưởng Môi trường Norbert Röttgen, rất nhiều khả năng là sau 3 tháng tạm dừng, một trong số các nhà máy trên sẽ ngừng hoạt động vĩnh viễn [7]. Trong các cuộc phỏng vấn trên truyền hình, bà Angela Merkel nói rằng quan điểm của bà đã hoàn toàn thay đổi sau thảm họa nổ các lò phản ứng hạt nhân ở nhà máy điện Fukushima. Bà phát biểu: „Thảm họa ở Fukushima có phạm vi mà chúng ta chưa bao giờ hình dung đến đã làm thay đổi quan điểm của tôi về năng lượng hạt nhân và những rủi ro của nó,“ và nhấn mạnh „Tôi cũng học được nhiều điều.“ [4],[5],[6]. Bà Merkel nói rằng những sự bất trắc được cho là không ngờ tới vẫn có thể xảy ra và hệ thống chính trị phải có động thái phù hợp để đối phó với những sự kiện tương tự. Theo bà Merkel những sự việc xảy ra ở một nước có nền công nghệ cao như Nhật Bản cho thấy nước Đức cần phải xem xét và kiểm tra, tính toán lại mức độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân, và thời điểm dừng các nhà máy điện trong vòng 3 tháng là để thực thi các công tác này. Quyết định về các NMĐHN ở Đức sẽ được đưa ra dựa vào kết quả của các cuộc kiểm tra về an toàn. Là một nhà kỹ trị, bà Merkel đã hành xử trên một tinh thần thẳng thắn và cầu thị chứ không phải là những lời nói suông „tôi đảm bảo“ „tôi tin“ không thể được dùng để trấn an dư luận về sự an toàn của các lò phản ứng. Khác với phản ứng của đa số là sẽ đứng lên bảo vệ quan điểm của mình, có nghĩa là sẽ đứng ra „cam kết“ „đảm bảo“ rằng sẽ không có sự cố sẽ xảy ra như ở Fukushima, bà Merkel cùng Nội các của mình đã chấp nhận thay đổi chính sách. Không bảo thủ, dám thừa nhận mình đã học được nhiều điều và chấp nhận thay đổi quan điểm cho phù hợp với lợi ích của đất nước, đó là một phẩm chất cần có của người làm chính trị.


Song song với các hoạt động đánh giá độ an toàn của các NMĐHN, trong khoảng thời gian tạm dừng của các nhà máy, Chính phủ cũng mời các chuyên gia độc lập, nghe tư vấn, bàn giải pháp để rút ngắn thời gian đưa vào sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo [3]. Theo lịch trình, vào tháng 5, bà Merkel sẽ gặp gỡ với đại diện của nhà thờ, các tổ chức về bảo vệ môi trường và các liên minh để bàn về chuyển đổi sử dụng các loại hình năng lượng. Giữa tháng 5 là thời hạn cuối cùng để Ủy ban kiểm tra an toàn các nhà máy điện hạt nhân nộp bản báo cáo đánh giá tổng thể. Vào tháng 6 sẽ là các cuộc gặp gỡ của Chính phủ với các đảng phái trong Quốc hội Đức. Như vậy, đây chính là dịp để Chính phủ nhận được ý kiến đóng góp, phản hồi  từ đông đảo các tầng lớp, lực lượng trong xã hội.

Sức ép dư luận cũng đóng vai trò quan trọng trong quyết định của Chính phủ về việc tạm dừng hoạt động các NMĐHN. Làn sóng biểu tình đã góp phần làm thay đổi các chính sách của Chính phủ đối với vấn đề năng lượng. Hàng trăm nghìn người dân Đức biểu tình phản đối chính sách về hạt nhân bằng cách đứng gần nhau, khoác tay vào nhau và tạo thành một chuỗi xích dài hàng chục kilomet. Câu slogan „Năng lượng hạt nhân ư? Không, cảm ơn“ đã trở nên quen thuộc trong đời sống thường nhật của người dân, thậm chí gần đây logo cho phong trào phản đối năng lượng hạt nhân còn trở thành một xu hướng mốt mới [2].

Thay thế dần ĐHN bằng điện gió

Các chính sách về năng lượng hạt nhân có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống chính trị của Đức. Khi vấn đề này trở nên nóng bỏng, đó là cơ hội cho các nhà hoạt động môi trường tìm được chỗ đứng trên chính trường. Trong cuộc bầu cử gần đây ở hai bang được coi là quê hưởng của đảng Dân chủ thiên chúa giáo (CDU, đảng của bà Merkel) là Baden-Wüttemberg và Rheinland-Pfalz, các thành viên của đảng CDU đã không thu được sự ủng hộ của số đông cử tri như thường lệ. Trong tương lai, ở bang Baden-Wüttemberg, Thủ hiến hiện thời của bang (một thành viên của CDU) có thể sẽ phải ra đi để nhường chỗ cho một ứng cử viên của đảng Xanh. Ở bang Rheinland-Pfalz, số phiếu ủng hộ cho đảng Xanh cũng tăng lên đáng kể so với kỳ bầu cử trước. Có thể thấy ưu thế đang thuộc về những người có lập trường kêu gọi xóa bỏ điện hạt nhân.

Hiện nay các thành viên của các đảng SPD và đảng Xanh trong Quốc hội Đức tiếp tục kêu gọi dừng hoạt động toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân và chuyển sang dùng năng lượng tái tạo. Xu hướng phát triển các loại năng lượng tái tạo được đang thu được sự quan tâm cao độ của các lực lượng đối lập trong Quốc hội và cả dư luận Đức. Các giải pháp thay thế cho điện hạt nhân như phong điện và quang điện đang được đưa lên bàn nghị sự. Theo tính toán sơ bộ, để sản sinh một lượng điện tương đương với một nhà máy điện hạt nhân, cần phải có 200 chong chóng phát điện bằng năng lượng gió. Để thay thế tất cả 17 nhà máy điện hạt nhân hiện có, phải dùng 3400 chong chóng và cần có một diện tích khổng lồ để đặt các chong chóng đó; diện tích này tương đương với bang Saarland (2.568,70 km²) [1]. Có một diện tích khổng lồ như vậy là điều không tưởng, nhưng điều đó không có nghĩa là giải pháp thay thế điện hạt nhân bằng phong điện bị đặt hoàn toàn ra khỏi bàn nghị sự. Hiện nay các biện pháp tối ưu tiếp tục được nghiên cứu để triển khai thay thế dần điện hạt nhân bằng phong điện. Nước Đức đang có bước chuyển biến về cơ cấu các loại năng lượng; an ninh năng lượng được đảm bảo, nhưng quan trọng hơn cả chính là sự an toàn của con người; yếu tố con người phải là chủ thể mà mọi chính sách phải hướng tới. Dẫu có phát triển loại năng lượng nào đi chăng nữa, sự an toàn của con người phải được đặt lên hàng đầu, các yếu tố khác như lợi nhuận, sản lượng chỉ có thể xếp vào hàng thứ yếu. Đó là quan điểm chính sách được tạo ra là để phục vụ, chứ không phải để áp chế con người.

Tài liệu tham khảo:
1.                 
Wieviele Windräder sind nötig, um ein Kernkraftwerk zu ersetzen?http://blog.tagesschau.de/2011/04/05/wieviele-windrader-sind-notig-um-ein-kernkraftwerk-zu-ersetzen/
2.                 
Wie Politsymbole zum Trendartikel werden http://www.dw-world.de/dw/article/0,,14973353,00.html
3.                 
Nach Japan müssen unsere AKW auf den Prüfstand http://www.tagblatt.de/Home/nachrichten/ueberregional/politik_artikel,-Nach-Japan-muessen-unsere-AKW-auf-den-Pruefstand-_arid,128061.html
4.                 
Zwei Frauen – zwei Geständnisse http://www.tagesschau.de/inland/atom166.html
5.                 
Merkel: „Ich habe durch Fukushima dazugelernt“ http://www.morgenpost.de/printarchiv/titelseite/article1596644/Merkel-Ich-habe-durch-Fukushima-dazugelernt.html
6.                 
„Auch ich habe dazugelernt“ http://www.bild.de//politik/inland/angela-merkel schnelle-energiewende-17225516.bild.html
7.                 
Laufzeitverlängerung wird vorläufig ausgesetzt http://www.tagesschau.de/inland/atomdebatte122.html
8.                 
Acht deutsche AKW vorerst außer Betrieb http://www.tagesschau.de/inland/atomdebatte130.html 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)