Uy tín người Việt

Gần đây đã phát sinh một loạt sự cố gây tổn hại lớn đến uy tín đất nước nói chung và cộng đồng người Việt nói riêng. Điển hình là các vụ buôn lậu tiền, hàng, kể cả hàng quốc cấm, ma túy…bị phát hiện có liên quan đến một số phi công trên các tuyến bay quốc tế của VietnamAirline và một số nhân viên thuộc đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài.

Một bộ phận người lao động Việt Nam tại nước ngoài cũng có nhiều hành vi vi phạm pháp luật nước sở tại, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, bỏ trốn nơi đăng ký làm việc, gây gổ mất trật tự, đánh nhau…khiến một số nước đi đến quyết định đơn phương như đình chỉ nhận thêm lao động, buộc thôi việc xuất cảnh trước thời hạn, ngừng cấp visa nhập cảnh. Mới đây nhất là vụ phát hiện đường dây tham nhũng PCI dẫn đến Nhật Bản tạm ngừng cấp viện trợ ODA cho Việt Nam…

Các vụ việc nói trên, dù lớn hay nhỏ, trực tiếp hoặc gián tiếp đều có ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín đất nước và con người Việt Nam, một đất nước và dân tộc đã một thời là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là “lương tri, lương tâm” thời đại, được cả thế giới yêu mến, ngưỡng mộ. Trên thực tế, câu chuyện về uy tín người Việt đã không còn diễn ra trong nước, không còn là chuyện nội bộ để có thể “Đóng cửa dạy nhau” được nữa, mà đã trở thành chủ đề quan trọng trong mối bang giao quốc tế, có tác động đến hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là quan hệ kinh doanh, đầu tư, thương trường…trong thời buổi hội nhập toàn cầu như hiện nay. Với thái độ bình tĩnh và công tâm khi đánh giá vụ việc, truy tìm đúng những nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng xét cho cùng, chúng ta phải đứng trên lập trường “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” để từ đó thấy được tầm mức ảnh hưởng hệ trọng của vấn đề, nhận thức được đây là một trong những “Vấn nạn về uy tín và đạo đức” không riêng gì Việt Nam mà rất nhiều quốc gia khác đang phải đương đầu để từ đó có giải pháp khắc phục phù hợp.

Uy tín của Tổ quốc và dân tộc trước hết phải được chứng minh và bảo vệ thông qua hành vi cụ thể của từng cá nhân, từng công dân nước Việt, bằng tất cả sức mạnh của lòng tin vào quá khứ, hiện tại và tương lai. Điều này phải bắt nguồn từ chính lòng tự tôn tự hào về truyển thống yêu nước và phẩm giá đạo đức ngàn đời mà các thế hệ đi trước đã hi sinh và dày công hun đúc gây dựng nên. Mặt khác, trong thời đại ngày nay, câu trả lời hùng hồn nhất cho uy tín của một dân tộc nằm ở ngay chính thành quả của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đó là cách tốt nhất để thế giới nhìn vào, thấy được ý chí cũng như uy tín của người Việt trên trường quốc tế. Hay nói khác đi, nếu không vượt qua được tình trạng đói nghèo và lạc hậu, không xây dựng được một xã hội trật tự văn minh thì chắc chắn chúng ta sẽ không có cơ hội để minh chứng được uy tín và vị thế của dân tộc mình. Có lẽ không còn quá sớm để nhanh chóng bắt tay vào việc chấn hưng một cách cơ bản các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, cổ vũ lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Đã đến lúc cần phải phát động một phong trào sâu rộng trong quần chúng, khuyến khích từng cá nhân, gia đình, nhà trường và xã hội chủ động tự giác tham gia vào “Phong trào nâng cao uy tín người Việt”, xem đây là một phần cực kỳ quan trọng của chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)