Vài điều về bài báo của Phan Việt

Là độc giả quen thuộc của tạp chí Tia Sáng, nhân đọc bài báo “Trách nhiệm của người có học khi phát biểu” của tác giả Phan Việt, tôi xin được trình bày một vài ý kiến phản hồi về nội dung của bài báo và thái độ của người viết.

1. Về nội dung
Trước hết, tôi rất thích cách dẫn nhập của tác giả: rất thẳng thắn, rất rõ ràng. Tác giả đã đưa ra ý kiến phản bác quan điểm của một cá nhân, đóng góp một tiếng nói lạ làm diễn đàn của trí thức phong phú và đa dạng hơn. Tuy nhiên, tôi có vài điều muốn trao đổi cùng tác giả Phan Việt (PV).
Về câu hỏi của PV: “Sao không nghĩ rằng chỉ cần chúng ta no ấm, đời sống con người văn minh là đủ, ở chỗ nào trong thế giới mà chả được?” Tôi thiết nghĩ con người ta ai sinh ra chẳng có quê hương “dù có đi bốn phương trời” vẫn nhớ về nơi chôn rau cắt rốn. Quê hương cho ta cái bản sắc không trộn lẫn mình với bất cứ ai. “Quê hương nghĩa nặng tình sâu”, nghĩ đến quê hương trong tôi luôn ngân nga câu hát trong bài “Về quê” của nhạc sỹ Phó Đức Phương “Thiếu quê hương, ta về đâu?” Tha thiết lắm, nhớ thương lắm, làm sao có thể sống thiếu quê hương được.
Còn nhân loại giống nhau vì ai cũng cần cơm no áo ấm, ứng xử văn minh, tư duy độc lập, sáng tạo nhằm vươn tới những giá trị tốt đẹp hơn. Nhân loại vừa giống nhau vừa khác nhau mới có sự đa dạng và độc đáo. Tôi e rằng nếu chỉ hướng con người suy nghĩ theo cách của PV “ở chỗ nào trong thế giới mà chả được”, ta sẽ mất đi bản sắc dân tộc mà ông cha ta ngàn đời đã xây đắp và ngày nay, chúng ta vẫn luôn luôn gìn giữ để “hòa nhập nhưng không hòa tan”.
“Sao không nghĩ rằng ở các nước khác, các nhà chính trị muốn làm gì thì làm… cần gì biết đến chuyện nước họ đứng ở đâu?” Tôi hơi ngạc nhiên vì tác giả học ngành chính sách xã hội mà cho rằng “các nhà chính trị muốn làm gì thì làm người dân chỉ chú trọng một điều là họ là người lao động tốt”. Ở nước nào vậy? Theo tôi được biết ở các nước có nền dân chủ, các nhà hoạch định chính sách rất lắng nghe ý kiến dân chúng. Người dân tham gia tích cực, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp trong bộ máy điều hành nhà nước. Họ có thể gửi kiến nghị hoặc có thể biểu tình phản đối, gây áp lực cho những người điều hành đất nước phải thay đổi một chính sách nào đó. Nếu các nhà chính trị muốn làm gì thì làm, không cần biết đến người dân thì tôi chưa hiểu xã hội sẽ như thế nào, trừ phi dân chúng là những con cừu ngốc nghếch. Tôi thì nghĩ dân mình không phải thế, không đời nào muốn thế.
“Sao không nghĩ rằng người ta thậm chí không cần đến cái tinh thần dân tộc một cách cục bộ…”. Điều này thì tôi khó có thể đồng ý với PV. Nếu không có tinh thần dân tộc thì làm sao chúng ta dựng nước, giữ nước trong lịch sử  mấy ngàn năm. Chúng ta làm gì có tên trên bản đồ thế giới. Nếu không vì dân tộc biết bao thế hệ đã đổ máu xương để giành độc lập. Nếu không vì tình yêu quê hương đất nước thì căn cớ gì biết bao Việt kiều trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã rời bỏ nơi êm ấm trở về đồng cam cộng khổ với nhân dân trên chiến khu Việt Bắc. Chính vì thiếu tinh thần dân tộc nên mới lắm kẻ làm chuyện đồi bại, ô danh, làm nhục quốc thể.
Tôi trộm nghĩ các cụ dưới suối vàng từ Hai Bà Trưng, Bà Triệu đến chị Út Tịch sẽ ngậm ngùi mà tiếc công đánh giặc và muốn rút lời “còn cái lai quần cũng đánh”. Trần Quốc Toản chắc sẽ bóc quả cam ra ăn ngon lành và cười các cụ già trong hội nghị Diên Hồng là lẩm cẩm, ta cần gì đến dân tộc mà phải họp bàn cho mệt người. Nếu tôi không nhầm, ý kiến của PV cảnh báo cho con cháu chúng ta rằng làm gì có chuyện “hòa nhập nhưng không hòa tan”; thế hệ sau sẽ có cơm ăn áo mặc, no ấm, nhưng chúng ta tan vào đâu đó không còn bản sắc riêng biệt, không còn cái thế giới tâm linh của chính mình, cái cõi mà “mỗi khi lòng xác xơ” ta lại trở về tìm nguồn an ủi.
Ý kiến về độ chính xác của thông tin theo PV là: “…mỗi lời nói ra phải có ý nghĩa và phải có chất lượng cao nhất. Nghĩa là về tính chính xác, phát biểu đó phải chính xác ngang nhau khi nói với người đọc đại chúng trong nước hay trước một hội đồng các giáo sư, hay để nộp cho một tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới.” PV nói như sách hướng dẫn làm nghiên cứu khoa học, viết bài báo khoa học, để người ta hướng tới chuẩn mực. Nhưng “thông tin có ý nghĩa, chất lượng cao, chính xác” đều mang tính tương đối. Có điều đúng ở chỗ này, sai ở chỗ khác, ngày hôm nay đúng, hôm sau đã không được chấp nhận. Lịch sử cho thấy Bruno bị lên giàn hỏa thiêu chỉ vì nói những điều mà Giáo hội cho là sai, nhưng sau này thì chúng ta biết đấy “trái đất vẫn quay”.
PV đang học ở Hoa Kỳ chắc phải biết trường đại học được coi là “thị trường tư tưởng” (market of ideas), đón nhận mọi ý kiến khác nhau, học hỏi lẫn nhau để tìm ra chân lí, không ai có thể áp đặt ai là “ý kiến của anh vô nghĩa, thiếu chính xác, thiếu  khoa học, tư duy của anh nguy hiểm và phải nói như tôi cơ”. Vì thế ngày nay, từ  “chính xác” (correct) người ta ít dùng, thay vào đó là “chấp nhận được” (acceptable). Làm sao có thể khẳng định và cũng không nên khẳng định ý kiến của người khác là mơ hồ, vô nghĩa, không khoa học một cách quá chủ quan như vậy.

2. Thái độ của người viết
Tôi muốn trình bày ba điều: thái độ đối với độc giả, đối với anh Vũ Minh Khương và đối với chính tác giả.
Thái độ đối với độc giả: Với độc giả trẻ, PV làm đúng cái điều mà PV khuyên anh VMK không nên làm là hô hào. PV hô hào họ đừng tin những điều anh VMK nói. PV không chỉ áp đặt mà còn thuyết phục thanh niên chỉ nên tin vào điều tác giả nói: “… đọc những bài phản hồi của bạn đọc với các bài viết của anh trên báo Tuổi Trẻ và Vietnamnet, tôi rất lấy làm phiền lòng vì sự háo hức và ảo tưởng mà các bạn trẻ lây từ anh về một cuộc đổi đời, hóa rồng nhanh chóng nào đó chỉ bằng niềm tin và lòng nhiệt tình”.
Đối với độc giả trong nước, PV đã quá lo lắng là chúng tôi không đủ “công cụ phân tích” và “ít được nghe các khái niệm to tát” để hiểu nổi những khái niệm anh VMK đưa ra. Tôi không khỏi cảm thấy “chạnh lòng” mặc dù tôi cũng hỏi một số chuyên gia ngôn ngữ và các nhà khoa học là “công cụ phân tích” là gì, và anh/chị có nó hay không?” Tôi không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Nhưng một điều chắc chắn họ vẫn đọc, vẫn làm khoa học, vẫn tiếp nhận tri thức mới như bất cứ nơi đâu trên thế giới. Chắc PV chưa biết rằng nhiều trí thức hàng đầu của ta được đào tạo ở Pháp, những người đã có nhiều đóng góp cho nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ. Tiếp đó là một thế hệ trí thức được học hành bài bản ở Liên Xô cũ và các nước Đông Âu, nhiều người hiện đang giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy quản lí nhà nước. Chỉ khoảng hơn một thập kỷ trở lại đây chúng ta mới có cơ hội sang các nước Tây Âu và Bắc Mỹ du học như PV. Hơn nữa, ngày nay, thông tin bùng nổ, nhiều đến mức phải học cách lựa chọn nên đọc cái gì. Tôi cho rằng PV hơi quá lo cho chúng tôi, những độc giả quen thuộc của “Tia Sáng” đang ngồi ở Việt Nam.
Đối với sinh viên du học, thái độ của PV là  “…trừ khi anh là thiên tài có khả năng tư duy trừu tượng rất cao, điều mà tôi nghi ngờ ở những người Việt Nam sang Mỹ du học”. Tôi cho rằng thông tin mà không có số liệu bằng chứng cụ thể thì có chấp nhận được không? Điều mà PV khuyên độc giả phải thận trọng khi phát ngôn, thì chính PV cũng chưa làm được.
Thái độ đối với anh VMK: Tôi không biết nên gọi bài báo của PV thuộc thể loại nào: bình luận, phân tích ý kiến, quan điểm của anh Khương hay là bình luận về tính cách anh VMK. Giá PV học được cách nói của người Tây phương, không phủ nhận đối tượng mà phủ nhận khả năng tri nhận đối tượng đó của chính mình. Ví dụ, người ta nói “tôi không nghĩ là anh ấy đúng” (1) thay cho câu “anh ấy sai” (2). Rất tiếc, bài viết toàn những câu loại (2) như “lối tư duy của anh nguy hiểm” “nhiều phát biểu và hô hào của anh thật là vô nghĩa“phát biểu những lời hết sức thiếu khoa học và những hô hào vô nghĩa”. Tôi ít thấy phong cách bình luận như thế của những người làm khoa học.
Câu cuối cùng trong bài báo “Im lặng không nói điều vô nghĩa cũng là một phẩm chất cần có của người có suy nghĩ vậy”. Nếu các bạn làm một phép suy luận lôgic thì sẽ thấy ngay PV muốn nói điều gì. Tôi nghĩ đạo đức nghề nghiệp làm báo không cho phép phóng viên nhạo báng người khác như vậy.
Thái độ đối với chính tác giả, người cầm bút, trí thức đang học ở Mỹ: Làm khoa học đòi hỏi tính khách quan. Đưa ra lập luận nào đó cần chứng minh bằng bằng chứng xác thực. PV đưa ra 5 thành tố của khái niệm “Tầm vóc dân tộc”, nhưng chỉ loanh quanh ở thành tố đầu tiên với những nhận định chủ quan thiếu dẫn chứng thuyết phục, dẫn đến những kết luận không thể mang tính khách quan. Vậy 4 thành tố còn lại thì sao? Độc giả chưa thỏa mãn với những lập luận và dẫn chứng mà PV đưa ra để thuyết minh cho nhận định của mình về anh VMK.
Thông điệp tôi nhận được từ tác giả Phan Việt là lời kêu gọi độc giả trẻ “đừng tin những gì anh ấy nói”, kêu gọi những người có trách nhiệm quản lí nhà nước là “đừng bao giờ giao việc cho anh ấy.” Tôi được biết Tia Sáng chưa đăng tải bất kỳ bài báo nào về anh VMK, nếu độc giả của Tia Sáng chỉ quen dùng báo giấy, không đọc VNN Tuổi Trẻ chắc chưa biết anh VMK là ai, ngoài những lời phán xét của tác giả Phan Việt. Thay cho lời kết, tôi muốn dùng câu châm ngôn của người Mỹ: “Những điều Pi-tơ nói về Pôn cho ta biết nhiều về Pi-tơ hơn về Pôn” (What Peter says about Paul tells us more about Peter than Paul).

Bảo Hưng

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)