Vận hành chế độ trách nhiệm chính trị
Trách nhiệm chính trị là chế độ trách nhiệm đòi hỏi các quan chức (chính trị) phải có được sự tín nhiệm của nhân dân hoặc của những người đại diện cho nhân dân. Còn tín nhiệm thì còn chức quyền, hết tín nhiệm thì hết chức quyền.
Khi một quan chức tuyên bố sẵn sàng chịu trách nhiệm chính trị trước Quốc hội thì điều đó có thể hiểu như sau: “Nếu Quốc hội không tín nhiệm, tôi sẵn sàng từ chức”.
Sự tín nhiệm của nhân dân là điều kiện quan trọng nhất đối với chế độ trách nhiệm chính trị. (Đây cũng là điều kiện quan trọng nhất bảo đảm tính chính danh, tính hợp pháp của quyền lực chính trị). Tuy nhiên, đo đếm sự tín nhiệm của nhân dân khá khó khăn và tốn kém về mặt kỹ thuật.
TS Nguyễn Sĩ Dũng
Thông thường, người ta phải tổ chức tổng tuyển cử hoặc trưng cầu dân ý để làm được điều này. Cách ít tốn kém hơn là đòi hỏi các quan chức chính trị phải có được sự tín nhiệm của các vị dân biểu. Các quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp chính là cách làm thứ hai này. Lấy phiếu tín nhiệm được tổ chức định kỳ. Bỏ phiếu tín nhiệm được tổ chức khi có yêu cầu của các cơ quan chức năng hoặc của 20% tổng số các vị đại biểu Quốc hội hoặc 1/3 tổng số các các vị đại biểu Hội đồng nhân dân.
Theo quy định hiện hành, thì việc lấy phiếu tín nhiệm được tổ chức vào giữa nhiệm kỳ. Trong Kỳ họp tháng 10 vừa qua, Quốc hội đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các quan chức do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Điều đáng mừng (ít nhất là cho các quan chức) là không có vị quan chức nào có phiếu tín nhiệm thấp quá 50%. Công bằng mà nói, nếu lấy phiếu theo 3 mức-tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp – thì xác suất bị tín nhiệm thấp là khá bé (chỉ khoảng 33%).
Vận hành chế độ trách nhiệm chính trị bằng cách bảo đảm sự tín nhiệm của các vị dân biểu không phải là không có rủi ro. Rủi ro dễ nhận thấy nhất là: sự tín nhiệm của các vị dân biểu chưa chắc đã là sự tín nhiệm của nhân dân; sự bất tín nhiệm của các vị dân biểu cũng chưa chắc đã là sự bất tín nhiệm của nhân dân. Để vượt qua rủi ro này, luật pháp nhiều nước cho phép đưa vấn đề trách nhiệm chính trị ra toàn dân xem xét. Trong trường hợp này, luật pháp cho thủ tướng quyền giải tán nghị viện để tổ chức bầu cử lại. Nếu người dân vẫn bầu lại cho thủ tướng (hoặc đảng của thủ tướng) thì cũng có nghĩa là thủ tướng hoặc chính phủ đã vượt qua được sự bất tín nhiệm của nghị viện. Cựu thủ tướng Nhật Bản Koizumi đã làm điều nói trên khi dự án tư nhân hoá hệ thống viễn thông Nhật Bản của ông bị Quốc hội bác bỏ. Tất nhiên, trong trường hợp nhân dân không bầu lại cho đảng của thủ tướng, thì sự bất tín nhiệm của nhân dân đã quá rõ ràng.
Ở ta, cơ chế xác nhận sự tín nhiệm của nhân dân theo cách như đã nói ở trên vẫn chưa được quy định. Mặc dù, gần đây sự cần thiết phải có cơ chế để các cơ quan quyền lực nhà nước kiểm soát lẫn nhau đã được ghi nhận trong quá trình sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Trong khi sự tín nhiệm của các vị dân biểu đang là điều kiện duy nhất để các quan chức hành pháp tiếp tục nắm giữ quyền lực (nhân đây, chúng ta phải coi việc bỏ phiếu tín nhiệm như là một công cụ để quyền lực lập pháp kiểm soát quyền lực hành pháp, thì việc làm này mới có ý nghĩa), thì điều quan trọng nhất là phải bảo đảm rằng các vị dân biểu phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Mà như vậy thì các vị dân biểu bắt buộc phải tham vấn được ý kiến của cử tri trước khi quyết định sẽ bỏ phiếu như thế nào trong đợt lấy phiếu tín nhiệm các quan chức sắp tới.
Nguồn khoahocphattrien.vn
(Visited 1 times, 1 visits today)