Văn hóa tranh luận và mục tiêu của đồng thuận
Mấy tháng đầu năm 2006 vừa qua, trong dịp chuẩn bị Đại hội lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt nam, một đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi chưa từng thấy trong xã hội ta với nội dung là góp ý kiến vào các bản dự thảo văn kiện trình Đại hội đã diễn ra một cách hào hứng, sôi nổi trong suốt mấy tháng liền, qui tụ được rất nhiều ý kiến phong phú, đa dạng và chứa đầy tâm huyết của các tầng lớp nhân dân trải rộng trên một phạm vi hết sức rộng lớn các vấn đề nóng bỏng của xã hội và đất nước ta, từ các vấn đề chung về con đường phát triển của đất nước, về thể chế chính trị và xã hội, cho đến những vấn đề cụ thể của các ngành kinh tế, giáo dục, khoa học và công nghệ, những vấn đề về quản lý của nhà nước và phát triển của thị trường, về những tệ nạn tham nhũng, lãng phí đang lan tràn trong xã hội...
Chúng ta đều dễ nhận thấy có nhiều điều mới mẻ trong cách thức đóng góp ý kiến cũng như cách tiếp thụ ý kiến của cả người nói và người nghe: người nói thì chân thành, cởi mở, thẳng thắn,… và người nghe thì điềm tĩnh, ôn hòa, tránh những phản ứng vội vã… Gần hai tháng đã trôi qua từ ngày bế mạc Đại hội Đảng. Sau một thời gian ngắn yên ắng có thể là cho việc nghiền ngẫm những suy nghĩ chưa kịp xem xét trước đó, gần đây ta lại đã bắt đầu thấy xuất hiện những bài viết, thậm chí cả những hội thảo, tiếp tục những ý kiến đóng góp và cả những tranh luận về nhiều vấn đề chung của đất nước, cả những vấn đề có tính lý luận cũng như nhiều vấn đề thực tiễn trong sự phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục,… hiện nay. Hy vọng rằng việc góp ý kiến và thảo luận về những vấn đề phát triển đất nước sẽ được tiếp tục và dần trở thành một tập quán trong sinh hoạt văn hoá và chính trị của xã hội, một thể hiện sinh động của tinh thần “dân chủ hóa” mà nghị quyết Đại hội X của Đảng đã từng nhấn mạnh.
Đợt góp ý kiến và thảo luận trước Đại hội đã góp phần làm rõ thêm những yêu cầu cấp thiết của sự nghiệp tiếp tục đổi mới: hoàn thiện nhanh chóng hơn các cải cách kinh tế, các cơ chế thị trường và tiến trình hội nhập quốc tế; khắc phục quyết liệt hơn các tệ nạn quan liêu tham nhũng trong hệ thống công quyền; đồng thời có những bước chuyển biến cơ bản và kiên định về cải cách chính trị theo hướng xây dựng một xã hội dân chủ, một Nhà nước pháp quyền dân chủ thực sự của dân, do dân và vì dân. Lẽ đồng thuận chung về mục tiêu phát triển của đất nước hướng đến dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh được khẳng định đậm nét hơn. Mặt khác, ta cũng cần tỉnh táo và bình tĩnh mà nhận định rằng, mặc dù đã có sự đồng thuận về nội dung khái quát và ngôn từ thể hiện những mục tiêu chung của sự phát triển, nhưng về rất nhiều những nội dung cụ thể, những giải pháp thực hiện các mục tiêu chung đó, sự đồng thuận chưa tiến xa được bao nhiêu. Cuộc góp ý kiến vừa qua tuy có “đặt vấn đề”, thậm chí có đề xuất một số kiến nghị và giải pháp, nhưng gần như chưa có sự thảo luận, tranh luận về các kiến nghị và giải pháp đó, nên “đồng thuận” cũng chỉ mới đạt được ở mức chung chung, chứ chưa đủ rõ ràng để thể hiện trong thực tiễn hành động.
Nhiều năm trước đây, và cả đến dăm ba ngày gần đây, ta vẫn còn thấy dấu vết của một kiểu tranh luận mà một vài người viết tự cho mình cái độc quyền chân lý, xem mình là đúng, chắc chắn đúng, ai nói khác mình đều là sai, là xấu, từ đó tha hồ dùng những lời lẽ khiếm nhã để phê phán, để bác bỏ, để kết tội, và tệ hơn là từ chỗ phê phán nội dung đi đến chỗ xúc phạm nhân cách của người đối thoại. |
Vậy thì, cuộc góp ý kiến, thảo luận và tranh luận trong xã hội về những vấn đề phát triển đất nước cần được tiếp tục. Và, tuy không còn cái không khí hào hứng, sôi nổi như những ngày trước Đại hội Đảng, nhưng như ta thấy, nhiều tiếng nói chân thành, tâm huyết, nhiều suy tư sâu lắng của nhiều bậc thức giả, của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có cả nhiều tranh luận gay gắt của những khác biệt vẫn thỉnh thoảng được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, trên báo viết và báo mạng những ngày gần đây. Tôi thành thực vui mừng được thấy cuộc thảo luận đã không dừng lại ở một trạng thái dở dang, mà đang được tiếp tục như đòi hỏi của cuộc sống. Tôi chỉ xin góp thêm một vài ý kiến sau đây:
Cuộc trao đổi ý kiến và thảo luận (hay tranh luận?) đang và sẽ được tiếp tục chắc hẳn phải đi sâu hơn vào nội dung của những vấn đề phát triển đất nước, mà không chỉ dừng lại ở sự đồng thuận chung chung về những mục tiêu của sự phát triển đó. Để có được ý kiến tham gia đóng góp vào cuộc thảo luận chung, mỗi người chúng ta, ngoài nhiệt tình và ý thức trách nhiệm, hẳn còn phải tìm hiểu và nghiên cứu ít nhiều các kiến thức đây đó về sự phát triển của thế giới trong thời đại hiện nay. Mà ta biết, trong bối cảnh phát triển kinh tế xã hội hết sức đa dạng của thế giới ngày nay, đã có và đang ra đời biết bao nhiêu chủ thuyết, lý luận, ý tưởng, kiến giải về chính trị, xã hội, văn hóa, tư tưởng có nhiều chỗ tương đồng nhưng cũng có không ít khác biệt. Ta thường quen nói cần dựa trên cơ sở “khoa học”, nhưng bản thân khoa học trong thời đại ngày nay cũng đang có những tiến hóa cơ bản, nên nếu có dựa vào cơ sở khoa học thì cũng phải là thứ khoa học đang tiến hóa đó. Tôi nói như vậy không có ý làm nhiễu loạn những cuộc thảo luận sắp tới của chúng ta, mà chỉ muốn để chúng ta có thái độ lắng nghe và khoan dung nếu trong tranh luận có thể có nhiều ý kiến khác biệt, thậm chí là đối lập, cái khác biệt có thể làm nên sự giầu có và phong phú cho cuộc thảo luận, không nên xem cái đích của thảo luận phải là ở chỗ xác định ai đúng ai sai, bởi vì cái đúng cái sai không dễ mà xác định được, vả chăng ngày nay nên đặt mục tiêu cho thảo luận là để đi tới một sự đồng thuận với chất lượng cao hơn, không phải cho “ai thắng ai” mà là cho “mọi người đều thắng”. Có “chân lý” hay không, và mục tiêu của khoa học có phải là đi tìm chân lý hay không vẫn còn là câu hỏi lớn của bản thân khoa học, kinh nghiệm lịch sử đã cho ta thấy rằng “thế giới này không phải được vận hành bởi những người đúng, mà bởi những người có khả năng thuyết phục người khác rằng mình đúng”1
Tranh luận và chất lượng kết quả của tranh luận phụ thuộc khá nhiều vào văn hóa tranh luận. Trong nhiều năm trước đây, và cả đến dăm ba ngày gần đây, ta vẫn còn thấy dấu vết của một kiểu tranh luận mà một vài người viết tự cho mình cái độc quyền chân lý, xem mình là đúng, chắc chắn đúng, ai nói khác mình đều là sai, là xấu, từ đó tha hồ dùng những lời lẽ khiếm nhã để phê phán, để bác bỏ, để kết tội, và tệ hơn là từ chỗ phê phán nội dung đi đến chỗ xúc phạm nhân cách của người đối thoại. Tôi không có quyền gì để đề nghị loại bỏ kiểu “tranh luận” đó, nhưng cũng thành thực hy vọng là hiện tượng như vậy chỉ là cá biệt và sẽ được chấm dứt, và cuộc trao đổi ý kiến hay tranh luận của chúng ta sẽ được tiếp tục diễn ra trong môi trường của một văn hoá tranh luận lành mạnh giữa những công dân của cùng một đất nước đang cùng nhau tìm cách làm cho đất nước nhanh chóng phát triển và giàu mạnh, cho một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Rất có thể trong cuộc tranh luận đó, sẽ không có ai giành được phần đúng, phần thắng về cho riêng mình, mà mỗi người đều đóng góp được kẻ nhiều người ít phần đúng, phần thắng của mình vào thắng lợi chung của sự nghiệp phát triển đất nước thân yêu của chúng ta.
———
1 Xem J. Gharajedaghi. Tư duy hệ thống. NXBKhoa học xã hội. Hà nội, 2005