Vào WTO, thử nghĩ về vài khía cạnh văn hóa

Rất tình cờ mà thật trùng hợp, trong những ngày này, khi mọi người đang rộn rịp xôn xao vì chuyện ta đã vào WTO, tôi tìm lại được một cuốn sách cũ thú vị, cuốn “An Nam cung dịch sử” của Chu Tuấn Thủy, và cùng lúc gặp được người đã dịch và giới thiệu cuốn sách ấy, nhà nghiên cứu Vĩnh Sính từ Canada về dự một hội thảo quốc tế ở Hà Nội. Từ lâu tôi vẫn thường nghĩ một nghiên cứu so sánh, ít nhất và trước hết, giữa ba nước Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, về nhiều phương diện, lịch sử, xã hội, văn hóa, chính trị..., là rất quan trọng, có lẽ ngày càng quan trọng. Cả ba đều nằm trong khu vực thường được gọi là ảnh hưởng văn hóa Hán, đều là láng giềng của một đất nước và một trong những nền văn hóa, văn minh khổng lồ của nhân loại là Trung Hoa, tính cách, rồi con đường đi và số phận lịch sử của ba dân tộc có gì giống nhau và khác nhau, vì sao? Từ đó có thể nghĩ gì cho hôm nay?


Như nhiều người đang nói: Vào WTO là một chuyển biến có tính lịch sử, là ra biển lớn, ra đại dương, chứ không chỉ mon men ven bờ như hàng nghìn năm nay ta vẫn rón rén, một cuộc nghiên cứu so sánh như vậy, để từ đó nhìn lại mình, một cách thật bình tĩnh, nghiêm túc lúc này là hết sức cần thiết. Giáo sư Vĩnh Sính chính là một người đã chú tâm làm công việc đó, từ nhiều năm trước; việc ông dịch và giới thiệu cuốn sách của Chu Tuấn Thủy cũng nằm trong mối quan tâm lớn đó của ông.
Chu Tuấn Thủy là trưng sĩ, tức là người có tài được tiến cử ra giúp nước chứ không qua đường thi cử, trung thần nhà Minh. Khi người Mãn Thanh lật đổ nhà Minh, lên nắm quyền ở Trung Quốc, ông có chạy sang Việt Nam, đã năm lần đến Đàng Trong, thời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, có lần đã ở đấy liền 4 năm, tha thiết muốn được đem sở học của mình giúp Việt Nam, đúng vào lúc Việt Nam, cùng các nước phương Đông, đang đứng trước một chuyển động lịch sử chưa từng thấy: chủ nghĩa tư bản phương Tây đổ xô đi tìm thị trường ở phương Đông, gây nên cái mà ngày nay ta gọi là toàn cầu hóa, cuộc toàn cầu hóa lần thứ nhất. Người Việt, những người cầm quyền Việt Nam bấy giờ đã tiếp Chu Tuấn Thủy như thế nào? Hống hách bắt phải lạy, hỏi có những bằng cấp gì, khi biết chẳng có bằng cấp gì cả thì hết sức coi thường, rồi bâu lại cật vấn toàn những chuyện vớ vẩn về sách vở giáo điều và tướng số mê tín, rồi bắt giam, câu lưu, có lúc Chu đã suýt phải bỏ mạng… Cuối cùng, năm 1658, Chu ốm nặng, phải tìm cách quay về Nhật Bản. Ở Nhật, hoàn toàn ngược lại, được lãnh chúa của một trong ba lãnh địa lớn nhất của Nhật lúc bấy giờ là Tokugawa Mitsukumi mời làm tân khách, Chu đã đem sở học của mình hết lòng giúp Mitsukumi, và Mitsukumi chính là người chủ xướng học phái Mito, có ảnh hưởng lớn đến phong trào yêu nước dẫn đến Minh Trị Duy Tân, như chúng ta đều biết, đã đưa nước Nhật đến một số phận khác hẳn chúng ta, không những giữ vững được độc lập dân tộc trước bão táp toàn cầu hóa mà còn trở thành cường quốc, cho đến ngày nay…
Về Việt Nam, Chu Tuấn Thủy trong tác phẩm “An Nam cung dịch sử” có nhận xét cay đắng và thẳng thắn: “Tuy là nước nhỏ, nhưng khí kiêu ngạo, học vấn nông cạn, kiến thức có giới hạn, tuy có thể tuyển chọn được người tài năng trong nước Dạ Lang của mình, nhưng không tránh được vẻ ếch ngồi đáy giếng”. Dạ Lang là một nước nhỏ thời Hán, có bệnh hoang tưởng, từng tranh luận với các sứ giả “nước Dạ Lang so với Trung Quốc bên nào lớn bên nào nhỏ” (Ở ta gần đây cũng có một cuộc bàn cãi đúng y như vậy!). Dạ Lang tự đại trở thành thành ngữ chỉ những cộng đồng kiêu căng vô lối, không tự biết mình, cũng không biết người, thường đề cao cái gọi là ý thức “độc lập”, kỳ thực là biệt lập, sự biệt lập cách đây mấy trăm năm đã đưa dân tộc ta đến đâu, ta đều đã biết cả rồi. 
Đọc lại Chu Tuấn Thủy, người bạn lớn lẽ ra ta từng có được mà ta dại dột bỏ mất, đọc Chu trong những ngày này khi ta vào WTO, có lẽ không thể không nghĩ có phải đây chính là lúc ta phải thật sự quyết bỏ cho hết tiệt bệnh Dạ Lang đi, căn bệnh, nếu ta thật sự dám thẳng nhìn lại mình, là khá thâm căn của người Việt. Tôi nghĩ có thể đó chính là một khía cạnh văn hóa sâu sắc trong sự kiện lịch sử đang diễn ra những ngày này.
Cũng chính trong cuốn sách “Việt Nam và Nhật Bản, giao lưu văn hóa” trong đó ông công bố bản dịch “An Nam cung dịch sử”, giáo sư Vĩnh Sính còn có một bài viết rất đáng chú ý nhân chuyến ông đi dự một hội nghị văn hóa ở Hàn Quốc. Trong hội nghị này ông đặc biệt chú ý đến bài tham luận của giáo sư Hàn Quốc Park Seong-Rae nói về điều mà vị giáo sư này, với một tinh thần tự phê phán dân tộc rất đáng để ta suy nghĩ, gọi là “hội chứng độc lập” hay “bệnh độc lập”, luôn chăm chăm nhấn mạnh, đề cao cái đặc sắc, cái độc lập văn hóa của nước mình, dân tộc mình đối với các nước khác, dân tộc khác, xem dân tộc mình ưu việt hơn dân tộc khác, và do đó luôn sợ “mất bản sắc” dân tộc khi hội nhập với những giá trị văn hóa khác. Đây hình như cũng chính là điều ngày nay ở ta đang được nhiều người nói đến, như một răn đe. Park Seong-Rae nói rằng: “Nếu người Hàn Quốc càng nhấn mạnh độc lập văn hóa của họ đối với những nước láng giềng… – chẳng hạn như “cảm xúc nghệ thuật độc đáo” của người Hàn Quốc – thì chính bản thân họ phải chịu thiệt thòi nhiều hơn”. Nghĩ cho kỹ xem, ở ta điều này không phải không có, thậm chí còn đậm đà hơn nhiều. Và Vĩnh Sính viết “Hội chứng độc lập trong con người Việt Nam cũng khiến đa số chúng ta thiếu tinh thần tiếp thu những điều hay cái lạ của các nền văn hóa khác, đồng thời chỉ thích nói về những gì hay ho ưu việt trong văn hóa Việt Nam hơn là nói ra những khuyết điểm của mình để sửa chữa”. Riêng tôi nghĩ, chính trong ngày này, khi chúng ta đang bắt đầu thật sự dấn mình vào biển lớn WTO, thì “hội chứng độc lập” càng dễ thức dậy nhiều hơn, mạnh hơn. Đây có thể lại là một khía cạnh văn hóa nữa hết sức đáng suy nghĩ hiện nay.
Như chúng ta đều nhớ, cách đây hơn một thế kỷ, đã từng diễn ra một cuộc tranh luận hết sức độc đáo và sâu sắc giữa hai đầu óc và hai nhân cách, hai nhà yêu nước lớn nhất của dân tộc thời bấy giờ, hai con người thân thiết với nhau và kính trọng nhau đến mực nhưng lại cũng hết sức khác biệt nhau về tư tưởng và vô cùng thẳng thắn trong đối thoại: Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Trong cuộc tranh luận đó Phan Châu Trinh đã có một nhận xét quyết liệt, đúng như tính cách của ông. Ông cho Phan Bội Châu là một bậc đại hào kiệt “có lòng thương nước nhưng không biết cái đạo thương nước”. “Đạo thương nước”, theo Phan Châu Trinh, là biết cho rõ nhược điểm chết người của dân tộc và đất nước mình, kiên quyết và mạnh mẽ đi ra thế giới, học tập thế giới, thay đổi mình đi, để rồi có thể sánh vai cạnh tranh sống còn cùng với thế giới.
Ý tưởng đó ngày nay càng thời sự biết chừng nào.


Nguyên Ngọc

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)