Vào WTO: Việt Nam nên trợ cấp ngành nào?
Chắc chắn khi trở thành thành viên thứ 150 của WTO, nhiều cơ hội sẽ mở ra, Việt Nam sẽ thu được nhiều lợi ích. Tuy nhiên, những rủi ro luôn đi kèm với cơ hội. Do đó, để có thể gặt hái được những lợi ích, giảm thiểu được những rủi ro, Việt Nam cần phải cẩn trọng và khéo léo hơn khi đưa ra các chính sách, nhất là các chính sách liên quan đến việc hỗ trợ và trợ cấp.
Việc hỗ trợ của Nhà nước là điều cần thiết và đương nhiên. Tuy nhiên, trước hết cần phải xác định những đối tượng nào, ngành nào cần được hỗ trợ nhiều nhất và ít gây tranh cãi nhất.
Rõ ràng, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ba nhóm cần phải hỗ trợ chính là những người ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, người lao động và cộng đồng doanh nghiệp. Nếu coi nhà nước là người hỗ trợ thì trong xã hội chỉ còn lại ba nhóm nêu trên. Liệu có giải pháp nào hỗ trợ cho cả xã hội mà không vi phạm các nguyên tắc của WTO Xin trả lời là có. Nhưng trước hết, cần xem xét nhu cầu của mỗi nhóm nên trên là gì.
Đối với những người ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, ước muốn của họ là được mùa và nông sản bán được giá cao để có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống. Để có được điều này, với một diện tích đất giới hạn, giải pháp khả dĩ chỉ có thể là giảm số lao động ở khu vực nông nghiệp để tăng diện tích đất trên mỗi lao động nông nghiệp đồng thời áp dụng các công nghệ mới và có cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Muốn tăng diện tích trên một người làm nông nghiệp thì một bộ phận lao động ở khu vực này phải có kỹ năng để có thể chuyển sang khu vực công nghiệp dịch vụ, đồng thời bản thân những người ở lại khu vực nông nghiệp cũng phải biết cách áp dụng các công nghệ sản xuất nông nghiệp mới.
|
Nhu cầu của người lao động là gì? Đơn giản là có việc làm và thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống. Để có được điều này, bản thân người lao động phải được đào tạo có kỹ năng, đồng thời nền kinh tế có khả năng tạo ra việc, hấp thu lượng lao động hiện có.
Đối với cộng đồng các doanh nghiệp, nhu cầu đơn giản của họ là kinh doanh có lợi nhuận. Để có lợi nhuận, ngoài thị trường, vốn và các yếu tố khác (những thứ không thể hỗ trợ và bảo hộ theo các điều khoản của WTO), một trong những yếu tố quan trọng là doanh nghiệp phải có đội ngũ lao động lành nghề, năng suất cao nhưng chỉ yêu cầu mức lương vừa phải.
Làm thế nào để có một lực lượng lao động được đào tạo có kỹ năng cao nhưng chấp nhận một mức lương vừa phải; nông dân có thể và biết cách áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới; doanh nghiệp có thể tăng khả năng cạnh tranh nhờ một đội ngũ lao động năng suất, chất lượng cao, nhưng quỹ lương của doanh nghiệp lại không chiếm phần lớn doanh thu? Câu trả lời đơn giản là Nhà nước cần đầu tư và trợ cấp mạnh mẽ cho giáo dục đào tạo và công tác khuyến nông. Nếu được đào tạo miễn phí hoặc với một chi phí thấp, mọi người sẽ có điều kiện đi học nhiều hơn và khi đi làm họ không đòi hỏi mức lương cao để bù đắp các chi phí hoặc trả gánh nặng nợ nần của việc đi học mà chỉ cần một mức lương đủ trang trải cuộc sống, có một phần tích lũy là chấp nhận được. Đối với khu vực nông nghiệp, ngoài được hưởng các dịch vụ giáo dục đào tạo chất lượng cao, chi phí phải chăng, cộng với công tác khuyến nông tốt, không lo gì nông dân không biết áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới, năng suất và chất lượng các sản phẩm cây trồng vật nuôi gia tăng là điều có thể dự đoán trước.
Trợ cấp cho giáo dục đào tạo và công tác khuyến nông là lĩnh vực duy nhất mà các nước có thể trợ cấp thoải mái mà không chịu bất kỳ sự phản đối của nước nào và không hề vi phạm các nguyên tắc của WTO. Hơn thế nữa, đây là cách tốt nhất để có thể đạt được mục tiêu “trăm năm trồng người” hướng tới mục tiêu dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh |
Thực ra, trợ cấp cho giáo dục đào tạo và công tác khuyến nông là lĩnh vực duy nhất mà các nước có thể trợ cấp thoải mái mà không chịu bất kỳ sự phản đối của nước nào và không hề vi phạm các nguyên tắc của WTO. Hơn thế nữa, đây là cách tốt nhất để có thể đạt được mục tiêu “trăm năm trồng người” hướng tới mục tiêu dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh – điều kiện tiên quyết để có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Nói thêm một chút về vấn đề liên quan đến cải cách giáo dục. Quan điểm của người viết hoàn toàn ủng hộ việc tăng quyền tự chủ cho các trường đại học nhưng hoàn toàn không ủng hộ chủ trương cắt giảm kinh phí của các trường, mà ngược lại, song song với quá trình phân cấp này, nhà nước cần tăng cường hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục đào tạo trên cơ sở cạnh tranh trong đào tạo và nghiên cứu. Trường nào có chất lượng cao về đào tạo và nghiên cứu sẽ nhận được nhiều kinh phí hơn. Trong điều kiện hiện nay, phải thừa nhận rằng, chúng ta không đủ khả năng và tính khách quan để chấm điểm và xếp loại các cơ sở giáo dục đào tạo làm cơ sở phân bổ các khoản hỗ trợ. Nên, cách tốt nhất là thuê một tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế có uy tín thực hiện công việc này với điều kiện sau một thời gian nhất định từ 5-10 năm sẽ chuyển giao công nghệ cho phía Việt Nam. Có như vậy, vừa khách quan trong điều kiện hiện nay, vừa có điều kiện tiếp nhận công nghệ tiên tiến ở một thời điểm thích hợp.
Giáo dục và khuyến nông là hai lĩnh vực nhà nước nên hỗ trợ khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO. Không những thế, nếu làm tốt công tác khuyến nông vào giáo dục đào tạo, phần lớn những đối tượng thiệt thòi nhất trong xã hội sẽ được hưởng lợi. Đồng thời, giáo dục là nơi phân bổ nguồn lực, lợi ích công bằng nhất cho tất cả các thành viên trong xã hội.