Về bài Có chăng nguồn lực xã hội của Vũ Minh Khương
Trong bài viết của mình, ông VMK đề cập đến ba loại nguồn: Nguồn vốn Tài Chính, Nguồn lực xã hội và Nguồn lực con người. Bài viết của ông Nguyễn Sỹ Dũng (NSD) đề cập đến các loại vốn: Vốn tài chính, Vốn tri thức và Vốn xã hội. Như vậy trong cả hai bài viết này, người ta bàn về các khái niệm Nguồn tài nguyên làm tiền đề cho sự phát triển. Sự trùng hợp này, ông cho là sự kỳ lạ, thực ra không có gì kỳ lạ bởi đó là những khái niệm thường gặp trong các tài liệu kinh tế học của phương tây. Không rõ ông đã đọc qua hay chưa.
Về vấn đề lượng hoá, hiện nay trong khoa học có nhiều khái niệm chưa thể lượng hoá, hoặc chưa thống nhất được cách thức lượng hoá, ví dụ như Thần giao Cách cảm mặc dù ai cũng đồng ý là có thứ đó. Nhiều nhà khoa học còn khẳng định rằng trong tương lai Thần Giao Cách Cảm sẽ là phương thức chủ yếu để giao tiếp giữa con người. Trong quá khứ, người trung cổ không hiểu Sóng Vô tuyến để làm gì và cũng không hề có ý niệm lượng hoá, nhưng ngày nay người ta đã lượng hóa được và chúng ta đều thấy ứng dụng to lớn của nó. Như vậy, một khái niệm chưa được lượng hoá không hẳn vì nó kém quan trọng mà có thể chỉ thể hiện sự ngu dốt của loài người ở một thời điểm nào đó mà thôi.
Bản thân tôi thấy rằng nhiều chính sách KH-KT ví dụ chính sách phát triển Công Nghệ Thông Tin của VN hơn chục năm nay là hợp lý, nhưng nền CNTT của Việt nam vẫn èo uột bởi nguồn lực xã hội chưa được kích thích đủ mức. Nhiều chính sách vỹ mô có thể học hỏi, sao chép từ các nước khác. Nhưng phát huy tinh thần dân tộc, nguồn vốn xã hội là điều không đơn giản mà trước nay chúng ta chưa chú trọng đúng mức. Đến nỗi mà những khái niệm cơ bản người phương tây nhấn mạnh lâu rồi mà ở ta nhiều trí thức vẫn còn ngạc nhiên. Nhật Bản, Singapore phát triển được như vậy không chỉ vì chính sách đúng đắn mà vì hơn hẳn các dân tộc khác họ đã thành công trong giáo dục được công dân lòng tự trọng, cảm giác hổ thẹn đối với sự kém cỏi của đất nước mình, tinh thần hi sinh, cần cù lao động vì lợi ích quốc gia.
Tôi không muốn sa đà vào những cuộc tranh luận vô bổ về những khái niệm đã trở thành “sách vở”. Chỉ cần đọc thôi chứ không cần phát minh lại cái bánh xe. Nếu như ông Trọng Tín biết rằng, ngành Kinh tế mà ông VMK theo học ở Mỹ, là ngành có hàm lượng toán học nặng hơn rất nhiều tất cả các ngành khoa học xã hội khác thì hẳn ông đã thận trọng hơn khi cố gắng chê bai ông VMK về lượng hoá để bênh vực những người mà tôi ngờ rằng kiến thức về lượng hoá chắc gì sánh được với ông VMK. Tôi không loại trừ khả năng có những người không được học hành nhiều nhưng có năng khiếu toán học bẩm sinh. Tiếc rằng, tôi không tìm thấy điều đó trong những bài viết của người mà ông bóng gió bênh.
Đề xuất ý tưởng chính sách giống như làm chiêm tinh vậy. Đúng 50-60% đã là giỏi, thậm chí 30-40% cũng là tốt rồi. Giá như ông Trọng Tín biết rằng các chuyên gia của IMF cũng dự báo sai GDP của tận 6 nước trong nhóm G-7. Không nên tưởng tượng rằng Đặng Tiểu Bình, Lý Quang Diệu phán trăm câu trúng cả trăm. Thái độ cần thiết của độc giả (bao gồm các policy makers) là “đãi cát tìm vàng”, nhặt ra những thứ hay thứ đẹp mà thôi. Những thứ hay mà không áp dụng được thì ta tạm coi là Triết học vậy. Bài viết của ông VMK cũng có những sai sót nhưng không có gì trầm trọng đến mức phải “phóng đại ồn ào”.
Thực ra trước những chính sách quan trọng, đều có ban cố vấn thẩm định thống nhất ý kiến, quốc hội thông qua chứ không nên quá lo lắng một người tự quyết tất cả. Nếu lo thì chỉ nên lo những người không có trình độ kết bè kết đảng vùi dập, mưu hại những người tốt, để đưa những kẻ bất tài, xấu xa lên, bất chấp lợi ích quốc gia.
Tranh luận để tăng cường hiểu biết là cần thiết. Nhưng tranh luận nhằm phủ nhận sạch trơn những cố gắng của người khác, để ủng hộ thái độ trịnh thượng, kiêu căng của những người trẻ, đòi áp đặt uốn nắn nhận thức của người khác một cách “không biết mình biết người” là điều tôi không bao giờ tán thành. Năng lực cũng như trình độ của ông Khương còn cần được kiểm chứng lâu dài. Nhưng thái độ điềm tĩnh, ôn hoà của ông Khương trước những người công kích mình đã khiến tôi khâm phục và quyết định viết bài này.