Về sự vô minh

“Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu khó học thì lạc hậu, mà lạc hậu thì bị đào thải, tự mình đào thải mình”. Hồ Chí Minh


Các nhóm cực đoan đang chiêu mộ thành viên tin theo những tư tưởng sai lệch của QAnon. Ảnh: Rick Loomis/Getty images.

Hoa Kỳ từng được coi là một điển hình về sự kiên định với các nguyên tắc dân chủ. Không phải ngẫu nhiên mà tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh năm 1945 lại mượn ý từ bản tuyên ngôn năm 1776 của Jefferson: Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Đó là hình ảnh đẹp của Hoa Kỳ mặc dù trong quá trình phát triển, nó cũng có những trang sử đen tối. Phải kể đến những cuộc tàn sát đẫm máu người da đỏ, chế độ nô lệ, kỳ thị chủng tộc, tàn dư vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Những cuộc xâm lược nước ngoài, trong đó Chiến tranh Việt Nam là một ví dụ điển hình. Tuy vậy, tư tưởng cởi mở của Hoa Kỳ trong việc chào đón người nhập cư từ khắp nơi trên thế giới vẫn hết sức nổi bật. Bốn năm qua, dưới nhiệm kỳ Tổng thống của Donald Trump đã cho thế giới thấy sự mong manh của những nguyên tắc dân chủ như vậy, đây là một bài học không chỉ của Hoa Kỳ. Nhiều nhà sử học, xã hội học và chính trị học nhận thấy tầm quan trọng của sự kiện này; họ đang tiến hành phân tích nguyên nhân, đánh giá hậu quả của nó đối với tương lai của xã hội loài người. Chúng ta từng tôn trọng Hoa Kỳ, nước có nhiều nhà văn, nghệ sĩ, nhà khoa học hàng đầu ở hầu hết các lĩnh vực. Việc xây dựng bức tường biên giới với Mexico, phủ nhận kết quả bầu cử dân chủ, không tôn trọng khuyến nghị của các nhà khoa học, dù là nóng lên toàn cầu hay đại dịch, thao túng quyền lực, xung đột sắc tộc và thù hận đảng phái đã nhắc nhở chúng ta rằng Hoa Kỳ cũng là quê hương của Ku Klux Klan1 của Pround Boys2, của những tín đồ sáng tạo luận và của chủ nghĩa bè phái tôn giáo.

Dữ liệu về những niềm tin sai lầm của người Mỹ đã và đang được các nhà xã hội học thu thập. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy 78% đảng viên Đảng Dân chủ được hỏi cho rằng Đảng Cộng hòa đã bị những kẻ phân biệt chủng tộc kiểm soát, trong khi đó 81% đảng viên Đảng Cộng hòa cho rằng Đảng Dân chủ đã bị những người theo chủ nghĩa xã hội kiểm soát. Đảng viên Đảng Cộng hòa ước tính rằng 32% đảng viên Đảng Dân chủ có xu hướng tình dục không phải với người khác giới trong khi thực tế chỉ là 6%; đảng viên Đảng Dân chủ ước tính có 38% đảng viên Đảng Cộng hòa kiếm được hơn 250.000 USD mỗi năm trong khi thực tế con số đó chỉ là 2%. Có rất nhiều ví dụ như vậy… Tôi để người đọc tự lên mạng khám phá vô số những bài báo và bài luận do các nhà xã hội học viết về chủ đề này.

Tuy vậy, có một trường hợp cụ thể đáng kinh ngạc về thông tin sai lệch vẫn cần được đề cập: đó là thuyết âm mưu QAnon. Nó bắt đầu ở Hoa Kỳ ba năm trước như một thuyết cực hữu, tuyên bố sự tồn tại trên cơ sở một thuyết âm mưu của những kẻ ấu dâm tôn thờ Quỉ Sa-tăng và điều hành một đường dây buôn bán tình dục trẻ em toàn cầu. Tổng thống Trump được cho là đang bí mật hành động để xóa bỏ tổ chức này, điều này sẽ sớm xảy ra và được gọi là “Bão tố”3 và “Sự thức tỉnh vĩ đại”.

Thật tuyệt nếu ta có thể gạt bỏ tất cả những thứ rác rưởi như vậy và không mất thời gian với nó. Nhưng các nhà xã hội học lại cho rằng làm như vậy là sai: số lượng những người tin và ủng hộ QAnon không ngừng tăng lên một cách nhanh chóng; trong tháng tám, Facebook đã phát hiện ra có hàng nghìn nhóm mạng xã hội và trang mạng, với hàng triệu thành viên và người theo dõi, ủng hộ thuyết âm mưu QAnon. Rất dễ để ta nghĩ rằng đây là một hiện tượng chỉ là của Hoa Kỳ và chúng ta không cần quan tâm đến nó. Nhưng các nhà xã hội học lại cho rằng nghĩ như vậy là sai: hiện nay QAnon đang lan truyền rất nhanh ở châu Âu và xuất hiện nhiều ở Nhật Bản. Ta có thể nghĩ rằng những người tin vào QAnon chỉ là những kẻ ngốc không cần bận tâm, nhưng các nhà xã hội học cho rằng nghĩ như vậy là sai lầm: QAnon là một mạng lưới thông tin sai lệch đã phát triển như một loại virus để tấn công các trụ cột của nền dân chủ của chúng ta.

Tôi không phải là một nhà xã hội học và cũng không có năng lực, địa vị hay thẩm quyền để có nhận định gì đó thông thái về việc này: cũng thật nực cười nếu tôi cố làm như vậy. Tuy nhiên, có vẻ rõ ràng là chúng ta đang phải đối mặt với hiện tượng mới nguy hiểm, hay đúng hơn là hiện tượng cũ với cường độ mới và chưa từng có. Dân chủ dựa trên tự do ngôn luận và đa dạng về tư duy nhằm thúc đẩy đối thoại và tiến bộ, tuy nhiên, không được bóp méo sự thật: thông tin sai lệch ngăn cản tranh luận một cách dân chủ và hòa bình, gây chia rẽ xã hội và tạo thù hận.

Con người không ngu ngốc. Ít nhất sự ngu ngốc ở Hoa Kỳ cũng không nhiều hơn ở các nước khác, sự ngu xuẩn có ở mọi nơi. Tuy nhiên, thiếu hiểu biết thì phổ biến. Càng thiếu hiểu biết thì người ta càng nghĩ rằng mình thông tuệ. Các nhà tâm lý học đã đặt tên cho hội chứng này là: hội chứng Dunning-Kruger; họ đã phát minh ra một từ mới (agnotology) để nghiên cứu nguyên nhân khiến thiếu hiểu biết tồn tại, những thứ cho phép nó được sử dụng như là những công cụ chính trị. Gần đây, Robert Proctor đã tập hợp một loạt các bài luận phân tích những ví dụ điển hình thành cuốn sách có tựa đề: Agnotology: Sự tạo thành và Phá hủy của Thiếu hiểu biết, do Nhà xuất bản Đại học Stanford phát hành. Cũng có nhiều bài báo cùng chủ đề khác, tôi trích dẫn dưới đây một vài dòng từ phần tóm tắt của một trong những bài báo đó4 để minh họa rõ những luận điểm được sử dụng: “Thời kỳ Đen tối Tri thức” của Hoa Kỳ đã tạo nên một xã hội sẵn sàng bác bỏ một cách rộng rãi dữ liệu khoa học và những sự thực có thể kiểm chứng, tạo nên sự hoang mang, sợ hãi, bài ngoại, đe dọa nền dân chủ. Bài báo này nghiên cứu sự biến đổi của văn hóa thiếu hiểu biết hiện nay trong Thời đại Hậu Kỹ thuật số và […] xem xét hiện tượng xã hội học của thiếu hiểu biết do văn hóa gây ra, […] vai trò của công nghệ và sự phát triển của các “nhóm xã hội thứ ba”5 ảo, sự tái cấu trúc ngành công nghiệp tin tức và việc tạo ra hệ thống truyền thông thù địch, chia rẽ hiện nay.

Internet, với các mạng xã hội và blog, thu hút bình luận của người đọc, thường tạo nên những cuộc đối thoại vô ích giữa hai phe đối lập. Những người tham gia thảo luận thường không dùng lập luận mà thay vào đó dùng những lời lẽ để lăng mạ, mạt xát nhau. Ở những quốc gia bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch, việc cách ly xã hội đã khiến nhiều người bị lôi kéo vào những bong bóng ảo này hơn.

Chúng ta biết quá rõ cách thức tuyên truyền và thông tin sai lệch có thể được sử dụng như một công cụ quyền lực như thế nào. Trong khoa học, trường hợp của Lysenko, người được Stalin ủng hộ mạnh mẽ, là một điển hình. Năm 1964, Sakharov đã nói với Viện Hàn lâm Khoa học Xô Viết rằng “ông ấy phải chịu trách nhiệm về sự lạc hậu đáng xấu hổ của ngành sinh học Xô Viết, đặc biệt là ngành di truyền học, vì đã phổ biến các quan điểm giả khoa học, về chủ nghĩa phiêu lưu, về sự suy thoái của giáo dục và về sự phỉ báng, sa thải, bắt giữ, thậm chí những cái chết của nhiều nhà khoa học chân chính”. Từ năm 1894 đến năm 1906, nước Pháp chia thành hai phe, ủng hộ và chống Dreyfus, một đại úy Do Thái của quân đội Pháp bị buộc tội sai lầm vì được cho là đã cung cấp thông tin cho kẻ thù. Vào những năm 1980, KGB thực hiện một chiến dịch thông tin sai lệch, Chiến dịch Infektion, nhằm làm cho dân chúng tin rằng Hoa Kỳ đã tạo ra HIV/AIDS là một phần của dự án nghiên cứu vũ khí sinh học của họ. Các nhà truyền giáo chính thống dạy con cái của họ rằng Chúa đã tạo ra thế giới cách đây 6000 năm trong sáu ngày liên tục và thuyết tiến hóa là một trò lừa bịp. Bi kịch hơn là những tuyên truyền của Đức Quốc Xã đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy những cuộc đàn áp người Do Thái ở châu Âu, kích động lòng căm thù chống lại họ và bôi xấu họ như là những sinh vật xâm nhập vào xã hội Aryan [quý tộc] như là những kẻ ăn bám văn hóa lang thang băng hoại bởi tình dục và tiền bạc.

Ngày nay, thông điệp của các nhà xã hội học là một lời cảnh báo: môi trường xã hội và công nghệ toàn cầu hiện nay đang tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện của nhiều mối nguy hiểm như vậy: hơn bao giờ hết chúng ta cần nhớ lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu.□

 

Nguyễn Dung dịch

 

1 ND: Một tổ chức bí mật của Hoa Kỳ gồm những người Mỹ da trắng theo đạo Tin lành chống lại những người thuộc chủng tộc hoặc tôn giáo khác.

2 ND: Một tổ chức khủng bố theo chủ nghĩa dân tộc da trắng cực hữu, tân phát xít, chỉ dành cho nam giới nhằm cổ vũ và tham gia bạo lực chính trị ở Hoa Kỳ và Canada.

3 ND: khi hàng ngàn thành viên của tổ chức sẽ bị bắt

4 https://link.springer.com/article/10.1007/s42438-019-00084-5

5 ND: Các nhà xã hội học chia xã hội ra làm ba nhóm: nhóm thứ nhất, nhóm thứ hai và nhóm thứ ba. Nhóm người được chấp nhận là hình mẫu hoặc định hướng để định hình thái độ, hành vi và đánh giá một người được gọi là nhóm thứ ba hoặc nhóm tham chiếu.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)