Việc dời Đô

Lịch sử Hà Nội (Histoire de Hanoi -Nhà xuất bản Fayard tháng 2-2001) do ông Philippe Papin, người Pháp viết. Ông là cựu học sinh trường Cao đẳng Sư phạm Saint-Cloud và thành viên trường Viễn đông Pháp, đã sống ở Hà Nội hơn 10 năm. Để viết tập sách này, ông đã tham khảo hầu hết các cuốn sử do các sử gia Việt Nam viết và rất nhiều bài viết về Việt Nam và Hà Nội của các tác giả trong và ngoài nước qua nhiều thời kỳ, xuất bản ở nhiều nước. Tia Sáng xin trích một đoạn trong tập sách của ông do nhà giáo Hoàng Tiến Hành (năm nay đã 87 tuổi) dịch từ năm 2004.

Vào tháng 10 ngày Quý Sửu (1009), Lý Thái Tổ lên ngôi tại Hoa Lư. Đến tháng 7 âm lịch năm 1010 (Thuận thiên thứ nhất), sau khi được sự đồng ý của triều đình, Lý Thái Tổ quyết định dời đô. Lúc kiệu vua vừa đến Đại La, vua thấy hiện trên trời một con rồng màu lạp phách. Coi đó là điềm tốt, ông đặt ngay cho vùng đất mới này là  Thăng Long và tên này đã được giữ trong 9 thế kỷ. Thăng Long, đất Rồng bay lên, truyền thuyết giải thích tên Thăng Long đồng thời phản ánh sự vươn lên của một triều đại, gợi lại một cách rõ ràng Rốn Rồng và con vật bé nhỏ dạng giun tiêu biểu cho nghệ thuật Đại La… Triều đại mới phải khẳng định tính độc lập một cách khôn khéo vì nó vẫn phải chịu sự đỡ đầu của nước láng giềng phương Bắc. Để xác định cương vị mới, triều đình đã dùng một từ Hán, thể hiện được sự độc lập của Việt Nam mà không cắt đứt với Trung Quốc. Để khẳng định việc dời đô là đúng, truyền thuyết còn kể một số chuyện như Lý Thái Tổ trông thấy trong làng quê ông một con chó cái đẻ một con chó con lông trắng mang dòng chữ Hán “Thiên tử”. Trên đường Đại La ông lại gặp một con chó cái bụng to quá cỡ, từ phía Bắc chạy qua đền An Xá, đẻ 8 con, báo trước 8 triều đại sẽ nối tiếp Lý Thái Tổ. Trong những truyện này, nhân vật chính là một chó cái, một chó con và một ổ chó vì Lý Thái Tổ sinh năm 974 và định dời đô năm 1010. Cả hai năm nay đều là năm Chó (năm Tuất). Ngoài ra dân gian còn có thành ngữ “tốt đất chó đẻ”. Một phong tục nữa là khi chôn người, người ta chôn theo một bộ xương chó, xem như tiếng sủa của nó chống được ma quỷ. Cũng vì thế trong những lần làm lễ xây dựng Thăng Long đều giết một con chó con để cúng. Có thể chuyện này còn dấu tích trong đền “Cẩu nhi” (chó con) ngày nay ở bờ hồ Trúc Bạch. Đền An Xá nằm ở khu Phúc Xá trên bờ sông Hồng gợi lại chuyện 8 con chó con. Bên cạnh đền này, trên một quả chuông đúc năm 1690 có ghi gốc làng An Xá xưa nằm ở Trung tâm Đại La. Dân làng phải di cư ra sống trên bãi cát sông Hồng, để dành đất xây cung điện nhà vua. Ghi chép này cho chúng ta biết thêm bề dày lịch sử về dời đô, một sự kiện chúng ta chỉ biết qua các tư liệu chính thức.

Thăng Long được đặt dưới sự bảo trợ thứ ba là Ngựa trắng (Bạch Mã). Cũng như thời Âu Lạc và thời Lý Nguyên Hỷ. Lý Thái Tổ đã thất bại trong việc xây thành. Trong buổi cầu phúc dâng thần Rốn Rồng, có một con ngựa trắng hiện trên trời phi qua Thăng Long để lại những dấu chân. Để nhớ ơn, nhà vua xây trên gò Nùng đền thờ Rốn Rồng, thần và chúa tể đại phúc và Đại vương Bạch Mã. Đền này sau đó dời đi. Ngày nay nằm ở trung tâm thành phố buôn bán có tên là đền (Bạch Mã). Đền này cũng thể hiện được sự tiếp nối, vì ở đây thờ hai vị thần xưa (Rốn Rồng) và vị thần mới (Bạch Mã), người xưa kia đã xây dựng Đại La (Cao Biền) và người lập nên Thăng Long (Lý Thái Tổ).

Nội dung truyền thuyết thời này khác với thời Cao Biền ở chỗ không lấy đấu tranh giữa thiên nhiên với thiên nhiên làm chủ đề chính.

Rồng bay, ngựa có cánh, chó thần, đều là những truyền thuyết, những phóng dụ về sự gặp gỡ của một con người với một vùng đất mới (Thăng Long) đã được hợp pháp hoá. Những truyện này đều nhằm gắn số mệnh vua nhà Lý với Kinh đô mới từ xưa đã nổi tiếng.

Tác giả