Vĩnh biệt Giáo sư Thái Quang Trung

Chúng ta phải tập làm quen không còn ánh mắt nhân hậu của ông, không còn tiếng cười chân thành của ông bên chúng ta, những người từng quen biết ông, từng cộng tác với ông, từng yêu mến trân trọng ông. Đối với chúng ta đó là việc khó khăn biết chừng nào!

Nhưng đâu phải chỉ khi ông mất đi rồi chúng ta mới thấy dấu ấn của ông đối với thế gian này quá lớn, mà ngay trong những ngày ông hiện diện bên chúng ta, chúng ta đều có một nỗi sợ hãi không chút mơ hồ, một nỗi sợ hãi thường trực, rằng, nếu chẳng may ông không còn nữa thì sẽ là mất mát vô cùng lớn với tổ quốc này, với non sông này, với đồng bào này. Và chỉ cần vụt đến cái sự tưởng tượng vu vơ ấy thôi chúng ta đã cảm thấy rùng mình. Ấy vậy mà… giờ đây chúng ta phải nghiêng mình vĩnh biệt ông mãi mãi. Một người bạn thân thiết của ông đã phải thốt lên: Đau đớn quá không chỉ cho hôm nay mà cho cả phía trước, không chỉ cho Việt Nam mà còn cho cả nhân gian này.

Ông sinh ra như báo trước một định mệnh, rằng, ông chỉ có thể sống được, nếu được bú mớm dòng sữa của một người đàn bà nào đó vất vưởng của làng quê.Và ông đã được cứu sống bởi chính dòng sữa của một người mẹ – một đồng bào mà dòng sữa có được chỉ nhờ củ sắn củ khoai của mảnh đất miền Trung, nơi hứng chịu nhiều nhất đạn bom chiến tranh và nắng gió khắc nghiệt. Ông thường gọi nhân dân của mình là đồng bào vì hơn ai hết ông hiểu được chính đồng bào ấy đã bao bọc chở che cho ông và nuôi ông nên người. Ông ước mơ xây dựng một thành phố mang tên Hòa bình cho cả thế giới ở chính mảnh đất Miền Trung này. Không dừng lại chỉ ước mơ ông đã ngày đêm thiết kế lên thành phố mang tên Hòa bình ấy, và ông đi khắp các diễn đàn quốc tế vận động mọi người chung tay xây dựng nơi hứng chịu nhiều đạn bom nhất thế giới là nơi đặt biểu tượng của Hòa bình, của lòng Nhân ái, của Tình yêu.

Khi một người nào đó mất đi sẽ có điệp khúc rằng lịch sử sẽ đánh giá chính xác về con người đó. Không, với tất cả sự trung thực và công bằng nhất chúng ta không phó mặc sự đánh giá về ông cho lịch sử, và chúng ta những người bạn, những người đồng chí của ông cũng không cần sự đánh giá của lịch sử ấy, vì hơn ai hết chúng ta hiểu ông, chúng ta biết tất cả những việc ông hành động,ông hiến dâng, vì vậy ngay giờ phút này chúng ta có thể tự hào gọi ông Thái Quang Trung- Người yêu nước vĩ đại.

Trong những năm thời trẻ của mình tại nước Pháp ông đã bỏ niềm đam mê hội họa, mà nếu ông theo đuổi có thể trở thành một họa sĩ tài danh để lao vào phong trào chống chiến tranh ở Việt Nam. Khi cả thế giới bị khủng hoảng về biến đổi khí hậu, về kinh tế, ông là thành viên sáng lập tích cực của Diễn đàn Bảo vệ môi trường Á-Âu, ông đi khắp thế giới để kết nối các nguồn lực giúp Việt Nam bảo vệ môi trường, ông tự tìm các nguồn tài trợ để giúp Việt Nam thực hiện các dự án bảo vệ môi trường. Ông là một trong những người ít ỏi trên thế giới nhận biết tác hại của nền kinh tế nâu phụ thuộc vào dầu hỏa ô nhiễm, hủy diệt môi trường mà giải pháp duy nhất là phát triển kinh tế xanh. Có thể nói rằng Thái Quang Trung là người Việt Nam hàng đầu có tầm nhìn khoa học nhân văn nhất về chiến lược kinh tế xanh ở Việt Nam. Ông nỗ lực hết mình vận động các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, các nhà giáo dục cũng như các lãnh đạo địa phương chuyển hướng phát triển kinh tế nâu qua kinh tế xanh.Tất cả các dự án giúp cho các tỉnh ở Việt Nam đều có dấu ấn thông điệp mạnh mẽ của ông về kinh tế xanh ấy.

Tên tuổi của ông ít xuất hiện trên truyền thông, ông rất ít khi nói về những công việc ông đã làm, nhưng giờ phút này tổng kết lại mới thấy hết những đóng góp của ông cho đất nước quả là rất lớn lao và đầy thuyết phục với tầm nhìn rộng và tính nhân văn cao. Các dự án phát triển kinh tế xanh, du lịch xanh, giáo dục xanh, rồi các dự án bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là các dự án về kinh tế sáng tạo của ông đã tạo ra những tầm nhìn vừa mang tính chiến lược bền vững, vừa mang tính đột phá đã góp phần không nhỏ về nhận thức, về tầm nhìn chuyển dịch tâm thế mới cho đất nước hòa nhập với thế giới. Nếu các dự án của ông về kinh tế xanh ở Huế,Trường đại học xanh ở Huế, Du lịch xanh ở Lăng Cô,Thừa Thiên- Huế, Phục hưng Phố Hiến ở Hưng Yên,Thế giới tâm linh ở Đền Hùng, Phú Thọ, Đa dạng sinh vật biển ở Vân Đồn, Quảng Ninh,Thành phố Sáng tạo ở Phú Yên,Thiên đường du lịch ở Phú Quốc, Kiên Giang,Thế giới của cái nhỏ mà quyến rũ ở Hội An, Thành phố thông minh ở Đà Lạt, Thiên đường Cà phê ở Đắc Lắc  vv… được hình thành chắc chắn sẽ tạo ra một hình ảnh mới cho Việt Nam.

Thái Quang Trung đột ngột ra đi làm sửng sốt con tim tất cả những ai biết về ông. Ở đây chúng ta không muốn nói về nỗi đau, về những mất mát, mà chúng ta muốn nói về con đường của ông, con đường của một người trí thức yêu nước chân chính đã đi, đã dâng hiến hết mình không vì danh lợi, không vì bất cứ tính toán ích kỉ tầm thường nào cho riêng mình. Con đường mà ông luôn cam kết và luôn truyền cảm hứng mãnh liệt cho lớp trẻ để tạo ra sự tiếp nối không ngừng. Chính vì vậy chúng ta nguyện rằng chúng ta có nghĩa vụ thiêng liêng bước tiếp con đường sáng ngời ấy của ông. Một tương lai thật sự tươi đẹp cho đất nước luôn là niềm đau đáu đến da diết của ông vì cả cuộc đời ông, ông chỉ luôn tôn thờ cái đẹp. Đẹp cho từng con người, đẹp cho từng mảnh đời, đẹp cho quê hương xứ sở, đẹp cho hành tinh. Nhưng giờ phút này xin ông hãy thanh thản yên nghỉ nơi mảnh đất xứ Huế này, mảnh đất mà ông muốn được hạnh phúc hóa thân, mảnh đất mà trước khi mất ông đã kịp đặt tên cho nó: “Miền đất của hạnh phúc”, vì tất cả chúng ta cũng như những bạn trẻ của tương lai đất nước đã, đang và sẽ cùng nguyện làm tiếp những việc gì ông còn đang làm dở dang, đi tiếp con đường ông đã đi, bay tiếp giấc mơ không chỉ cho Huế, cho Việt Nam, mà còn cho cả trái đất ông yêu thương, ông luôn gọi là “Trái tim xanh của tôi”, mãi mãi là miền đất của hạnh phúc.
      
      

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)