Vốn niềm tin
Theo quan điểm của Francis Fukujama, vốn xã hội ở cấp độ vĩ mô, cấp độ cao nhất, là niềm tin và chuẩn mực xã hội, ở đây chúng tôi xin được gọi tóm tắt là vốn niềm tin. Những ví dụ được nêu ở đây là các trải nghiệm thực tế của cá nhân nên chưa hẳn đã hoàn toàn phù hợp với nội dung muốn đề cập. Vì vậy, chúng tôi sẽ đưa ra những nhận xét mang tính cá nhân qua so sánh với bối cảnh của Việt Nam.
Năm 2012, nhân chuyến lưu giảng ở ĐH Pecs (Hungary), Viện Hàn lâm khoa học Hungary và hội thảo ở Gottingen (CHLB Đức). Ấn tượng của tôi với hệ thống xe buýt và tàu điện ở Hungary và Đức là hệ thống này hết sức quy củ, sạch sẽ và tiện dụng. Đa phần người dân sử dụng vé tuần, vé tháng, vé năm, tuy theo nhu cầu của họ. Riêng khách lẻ phải mua vé trực tiếp trên phương tiện bằng tiền mặt thông qua hệ thống bán vé tự động, không có người bán vé hay soát vé, tất cả đều tự giác. Do chưa quen với dịch vụ này nên lần đầu tôi đã gặp khó khăn. Sau khi thực hiện xong, tôi nói đùa với người bạn đồng hành “nếu ở Việt Nam chắc chẳng ai mua nữa mà sẽ đi chùa luôn.” Và tôi hỏi liệu ở đây cứ đi xe mà không mua vé thì chuyện gì sẽ xảy ra? Cô ngẩn người một lúc và nói rằng cô chưa từng thấy ai làm như vậy cả! và nếu có ai làm vậy thì chắc rằng sẽ bị những người xung quanh nhìn với một con mắt “kinh tởm.” Cô cho rằng vì cả xã hội tin tưởng vào hệ thống dịch vụ công nên không ai làm như vậy, dĩ nhiên không cần đến người soát vé.
Nhận xét: Vốn niềm tin ở các xã hội phát triển đủ để các công ty vận tải hành khách tin vào khách hàng và người dân có đủ lòng tin vào một xã hội minh bạch – xã hội dân sự.
Ví dụ 2. Sử dụng tài khoản ngân hàng ở Mỹ
Hầu hết các ngân hàng lớn ở Mỹ đều cho phép người dân sử dụng thẻ Credit Card để mua hàng hoặc rút tiền khi lượng tiền trong tài khoản không có hoặc không đủ, thậm chí co thể “tạm ứng” trước hàng chục nghìn USD. Nhưng sau đó, chủ tài khoản phải hoàn lại số tiền đã tiêu trong một thời hạn nhất định. Một lần, trong năm học đầu tiên, bộ phận tài vụ của trường nơi tôi đang theo học chuyển nhầm một khoản tiền 4000USD vào tài khoản của tôi. Tôi báo cáo việc này với ngân hàng, họ cảm ơn. Sau đó, tôi hỏi nếu tôi cứ sử dụng khoản tiền đó thì sao? Họ trả lời là ngân hàng sẽ điều tra các khoản thu chi, nếu chủ tài khoản không chứng minh được nguồn gốc thì khoản tiền đó sẽ bị truy thu. Với mỗi sai phạm buộc ngân hàng phải sử dụng biện pháp “bắt buộc,” thì độ tín nhiệm (accredit) của chủ tài khoản sẽ bị trừ đi. Khi mức độ sai phạm tới một mức độ nào đó, họ sẽ không cho phép chủ tài khoản này mở tài khoản ngân hàng (kể cả ở các ngân hàng khác, thông thường hệ thống ngân hàng có sự liên thông với nhau). Và khi không có tài khoản ngân hàng thì sẽ không thể đi xin việc và sẽ vô cùng khó khăn trong việc thanh toán các khoản chi tiêu.
Nhận xét: Hệ thống ngân hàng được quản lý chặt chẽ, liên thông với nhau và liên thông với hệ thống quản lý của các cơ quan pháp luật như tòa án, cảnh sát hay bộ phận cấp thị thực. Người dân tự giác tuân thủ các quy định của thể chế. Do có niềm tin vào hệ thống ngân hàng nên người dân không tích trữ tiền mặt hay vàng như ở ta. Sự kiện siêu lừa Huyền Như và sự chối bỏ trách nhiệm của Vietinbank trong “đại án” 4000 tỷ vừa qua sẽ khiến cho niềm tin của khách hàng vào hệ thống ngân hàng Việt Nam giảm sút nghiêm trọng.
Ví dụ 3. Niềm tin được bảo vệ tính mạng
Trong một lần đi máy bay từ Boston đến Los Angeles tôi chứng kiến một phụ nữ bị khó thở cần cấp cứu, phi hành đoàn đã cho hạ cánh khẩn cấp. Sau đó họ giải thích rằng mỗi lần hạ cánh, cất cánh cùng với các chi phí cấp cứu và chăm sóc y tế sẽ tốn hàng chục hoặc hàng trăm nghìn USD bên cạnh việc gây chậm trễ cho toàn bộ hành khách nhưng việc bảo vệ tính mạng con người là quan trọng nhất nên họ cần phải làm và họ có lời xin lỗi đến tất cả hành khách.
Nhận xét: Người dân tin vào mức độ an toàn và trách nhiệm của ngành hàng không Mỹ nên việc sử dụng máy bay làm phương tiện đi lại ở Mỹ hết sức phổ biến. Thông thường trên bầu trời nước Mỹ luôn luôn có khoảng 8000 máy bay đang bay (không kể các máy bay ở dưới mặt đất). Niềm tin này giúp cho công nghiệp hàng không Mỹ phát đạt.
Kết luận chung: Niềm tin và chuẩn mực xã hội là điều kiện tối cần thiết để một xã hội phát triển. Một xã hội không có (hoặc không còn) niềm tin sẽ là một xã hội không thể phát triển. Nói cách khác, đó là một xã hội vận hành theo nguyên tắc của kẻ mạnh “cá lớn nuốt cá bé” và các luật lệ ở đây đều không có tác dụng, ngoài luật rừng.
Xuân Quý Ngọ 2014
Đọc thêm:
Vốn xã hội từ lý thuyết đến thực tiễn ở Việt Nam
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=6145