Vốn xã hội- nguồn lực hay cản trở?
1. Nếu vốn xã hội được hiểu như những quan hệ, liên kết, ràng buộc các cá nhân trong một cộng đồng khác với vốn vật chất có thể sở hữu hóa và vốn nhân lực hoàn toàn của mỗi cá nhân, cũng được sở hữu hóa; nếu vốn xã hội này không tùy thuộc cá nhân và không sở hữu hóa được thì nó cần được đặt trong hai tương quan với hai loại vốn kia.
Cần phân biệt vốn xã hội ở các nước đã phát triển và vốn xã hội ở các nước đang phát triển. Ở các nước đang phát triển, xã hội công dân cũng chỉ đang hình thành. Ở các nước đã phát triển và đã có xã hội công dân, có thể nói vốn xã hội về căn bản là tốt cả và sự tăng hay giảm của nó ảnh hưởng tới sự phát triển dân chủ của xã hội công dân (dẫu rằng vẫn có những vốn xã hội ‘xấu’ như chủ nghĩa cực đoan, sự kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, các tổ chức tội ác…)
Còn ở các nước đang phát triển thì có lẽ vấn đề là vốn xã hội không tốt cũng không xấu bởi đó là những thực thể đã và đang tồn tại có thể sử dụng cho phát triển và xây dựng xã hội công dân hoặc trở thành những chướng ngại vật cần gỡ bỏ trên con đường đó. Vậy tính chất của vốn xã hội này sẽ là trở thành nguồn lực hay cản trở cho hai việc đó. Mà điều này tùy thuộc vào mô hình phát triển cũng như hình ảnh xã hội công dân mà một quốc gia đang theo đuổi. Thí dụ đi tắt đón đầu hay bền vững, dân chủ kiểu Mỹ, Bắc Âu, Châu Âu hay “mang màu sắc Trung Quốc”? Ở các nước này vốn xã hội mang tính phổ biến quốc gia thì ít mà mang tính địa phương vùng miền và các cộng đồng nhỏ hơn, thí dụ như các làng nghề, các sắc tộc thiểu số, các cộng đồng tôn giáo nhỏ… thì nhiều. Ở Việt Nam, xã hội công dân hầu như chưa xuất hiện dù đã có mấy chục năm thuộc địa 100% ở Nam Kỳ, chế độ cộng hòa phụ thuộc Mỹ cũng như những thập niên xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
2. Người làng, người lính, người mở đất: Tôi vẫn tin rằng các thế kỷ 16-19, từ nhà Mạc, qua Trịnh – Nguyễn- Chăm tới Tây Sơn và Gia Long- Minh Mạng là thời kỳ làm nên nước Việt Nam hiện nay về mọi mặt từ cương vực, chủng tộc, kinh tế, văn hóa tới hành chính quản trị và ghi khắc sâu đậm nhất tính dân tộc hiện nay của người Việt Nam. Tôi thấy người Việt Nam vẫn có ba hệ thống các quan hệ gắn kết theo ba mô hình đó, hình thành và cố kết trong thời kỳ đó, ở đó chứa đựng những cái chúng ta gọi là truyền thống, vốn văn hóa hay vốn xã hội.
Người Việt Nam vẫn là một người làng, những ràng buộc, quan hệ kiểu người làng vẫn xâm nhập vào các tập đoàn kinh tế và các khu chế xuất, trong quan hệ hành chính và văn hóa, trong các khu phố văn hóa và các khu đô thị mới. Người Việt Nam vẫn là một người lính với những ràng buộc liên kết và thói quen cộng đồng của mình như: đồng tâm nhất trí trong chuyện tức thời, kỷ luật và ý chí quyết thắng tức thời, nhìn rõ mục tiêu ở cự ly ngắn, yêu thương nhau lúc hoạn nạn… Người Việt Nam hôm nay vẫn là người đi mở đất dù ở bộ ngoại giao, trong nghiên cứu khoa học hay trong giáo dục và các ngành công nghệ cao. Muốn khám phá, đùm bọc nhau lúc khởi nghiệp, ham cái mới và luôn có tâm lý của người khởi đầu… Người Việt ngày nay vẫn liên kết, ràng buộc, hợp tác, đánh giá nhau theo ba mô hình này.
Trên ba loại “vốn xã hội” này bao trùm các quan hệ Khổng giáo vốn là cái máy kẽo kẹt điều tiết các quan hệ xã hội hàng ngàn năm nay, ít nhất cũng mạnh lên từ thời Lê Lợi-Nguyễn Trãi và bên cạnh đó là những liên kết ràng buộc lỏng lẻo, bao dung nhưng bền chặt của Đạo Phật. Chúng tôi không bàn về hai thứ “siêu vốn” sau ở đây. Tuy nhiên tác động của chúng ở ba thứ vốn kể trước là khá rõ ràng.
Thí dụ: Người làng gắn với nhau bằng nghề của làng, với ý thức gìn giữ, tự hào nhưng không chia sẻ kinh nghiệm để thúc đẩy công nghệ phát triển. Thói giữ bí quyết (nhất nghệ tinh) và việc không có quyền sở hữu trí tuệ làm cho các nghề không phát triển được. Các làng dệt, gốm, đúc đồng… hiện nay với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn loay hoay với những “bí quyết” cá nhân không phát huy hiệu quả mà thành ra các xưởng gia công, làm thuê theo mẫu mã nước ngoài. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủ công thành công cũng là đã biết sử dụng, phát huy tinh thần của làng nghề xưa. Người làng gắn với gia tộc. Tương quan “giọt máu đào- ao nước lã” dẫn tới những cản trở hình thành tinh thần công dân, tới tính xuê xoa, bè phái, “gia đình trị” ở các thiết chế lớn nhỏ. Người làng gắn với hương ước, với các quy định cho một cộng đồng nông nghiệp nhỏ và sự kỳ thị dân ngụ cư. Ở mọi nơi “ma cũ bắt nạt ma mới” cản trở không khí dân chủ. Các hương ước mới có thể hay cho một khu công nghiệp mới mở ở một làng xưa nhưng cũng có thể gây đụng độ với pháp luật và các nhà đầu tư từ xa tới, nhất là khi động đến đất đai. Người làng theo các thước đo giá trị cổ hủ (“ao tù nước đọng”- theo các học giả cải cách đầu thế kỷ 20). Việc coi “phép vua thua lệ làng” hiện vẫn tràn lan ở các cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng cản trở hình thành dân chủ. Các thước đo theo hệ quy chiếu làng nhỏ bé, cục bộ, phiến diện thường nhằm mục đích tự vệ, bảo tồn hơn là khuếch trương phát triển. Từ người làng tới công dân là cả một cuộc thay đổi lớn mà ta còn phải làm. Chế độ trung ương tập quyền cũng chưa bao giờ đủ mạnh và có điều tiết vĩ mô về kinh tế đủ mạnh. Ngay ý thức con dân của thiên tử cũng mờ nhạt (điều này chắc khác với Trung Quốc).
Tinh thần Người lính, tình đồng đội được coi là di sản quý giá của cả mấy thế hệ khởi nghĩa và chiến tranh. Đã có thời bộ đội chuyển ngành làm quản lý và kinh tế được coi là chìa khóa của công tác cán bộ. Và hiện nay thế hệ lãnh đạo xuất thân thanh niên xung phong là làn sóng cuối cùng. Sự xả thân khi hoạn nạn, tinh thần tập thể chung sức đồng lòng gắn với việc tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh, chỉ đâu đánh đấy có giá trị cho từng phi vụ ngắn hạn, giỏi chiến thuật mà không có tầm nhìn chiến lược, mạnh về ý chí, giỏi ứng phó mà ít hoạch định dài hạn. Tinh thần chiến đấu quyết định thắng lợi nên dễ dẫn tới ý chí luận, “đã đánh thắng ba đế quốc to” thì cái gì cũng làm được, kể cả trong kinh tế. Cái tâm lý đồng ngũ– hành động kiểu lính đã cho nhiều bài học. Nó cũng hạn chế hình thành các thước đo giá trị sáng tạo cá nhân và một tầm nhìn chiến lược của các vị tướng rất cần trong giới quản trị kinh doanh. Mặt khác Hội cựu chiến binh có lẽ là một tổ chức rộng lớn nhất và đang phát huy những giá trị tích cực trong xã hội ta. Những thói quen chuẩn mực người lính có thể phát huy trong việc xây dựng tính đoàn kết, kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong đội ngũ công nhân lành nghề được không? (Kiểu như tinh thần Samurai vì ông chủ dưới hình thức mới ở các công ty của Nhật?)
Người đi mở đất có cái hào sảng, ưa khám phá, khai khẩn những vùng đất mới, biết đùm bọc giúp đỡ nhau trong bước khởi đầu, phóng khoáng hào sảng và coi trọng tình bạn. Năm thế kỷ mở đất, di dân, hòa chủng để lại dấu ấn địa phương, miền vùng khá rõ trong sự đa dạng văn hóa của nước ta. Tình đồng hương và nỗi nhớ quê là những nét đặc sắc của tâm hồn Việt Nam. Trong lý lịch và chứng minh thư nhân dân có mục quê quán, nguyên quán mà không nước nào có. Các hội đồng hương không tổ chức chặt chẽ nhưng có sức mạnh đáng kể. Câu ca dao mới về người Nghệ An mua đất ở Hà Nội, phố Nam Định ở TP. HCM, người Huế ở Tây Nguyên, người Kh’me ở Trà Vinh, Chăm ở An Giang… đều có những ràng buộc nề nếp, quan hệ hình thành do mở đất di dân. Sau 1975 bùng nổ cuộc di dân Bắc- Nam và Việt Nam – nước ngoài. Tình đồng hương, đồng vùng, đồng miền mạnh hơn tình đồng nghiệp. Tư tưởng cát cứ cục bộ có cơ sở xã hội của nó, bắt đầu từ việc phát âm- chửi cha không bằng pha tiếng! Cộng đồng di dân này vừa gắn kết trong vùng đất mới vừa tự hào về quê gốc của mình. Duy có trong kinh doanh ít thấy tinh thần này được phát huy. Có chăng chỉ là giúp nhau lúc hoạn nạn, xóa đói giảm nghèo hay bước đầu mới nhập cư. Thói quen tạm bợ và làm liều, bất chấp luật pháp cũng còn thấy rõ ở các khu mới di dân từ Bắc vào. Tuy nhiên ở các cộng đồng di cư, nhất là lớp trẻ thì chủ nghĩa cá nhân, tính tự lập được phát huy do thoát được những thói quen, quan hệ và giáo điều ở quê cũ. Ham thích lập nghiệp cũng được thổi bùng. Họ không an phận như ở cái “ao tù” xưa cũ. Chúng ta có những giá trị và ràng buộc của tình đồng hương, đồng ngũ nhưng hầu như không có tinh thần “đồng nghiệp” cả trong quản lý, nghiên cứu, sản xuất lẫn trong thương mại…
Có thể thấy rằng các loại vốn xã hội ở Việt Nam rất phong phú, đa dạng, phức tạp. Những ràng buộc và chế tài vô hình, những thói quen, nếp nghĩ phổ biến trong từng cộng đồng làm cho mỗi cá nhân từ vô thức đã khó chống lại. Các loại quan hệ đó mang những thước đo giá trị vô hình nhưng tác động cụ thể trong đời sống chính trị, hoạt động kinh tế, văn hóa và xã hội. Hầu như bất kỳ loại vốn nào, kiểu liên kết ràng buộc, thang giá trị, thông tin nào cũng có thể là nguồn động lực hay cản trở phát triển kinh tế và xã hội công dân tùy cách, tùy nơi, tùy lúc. Có người cho rằng cần tìm ra một thứ dân chủ kiểu Việt Nam- có “hương vị Việt Nam” có lẽ muốn dung hòa tận dụng các loại vốn xã hội này! Tính nhỏ lẻ, địa phương và màu sắc văn hóa của cộng đồng nhỏ là đặc trưng cho các loại “vốn xã hội” vốn văn hóa này. Việc đi tới những thước đo, thang giá trị chung không phải dễ và xóa sạch tính nhỏ lẻ chưa chắc đã hay!
Gần đây có những ý kiến đề cao vai trò của đạo Khổng trong văn hóa Châu Á như một lợi thế phát triển, tôi nghĩ rằng cần thận trọng trong việc xếp Việt Nam nằm gọn trong thế giới Khổng giáo, cần nghiên cứu thấu đáo hơn về đạo Khổng ở Việt Nam. Việc quay lại quảng bá: công- dung- ngôn- hạnh cho phong trào giải phóng phụ nữ, nêu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” ở các trường học, khôi phục miếu thờ Văn Vương -Khổng Tử như là đền thờ quốc gia (dịch nhầm là miếu thờ văn học –văn hóa! Vô tình khuyến khích học cử tử, học để làm quan và chuộng hư danh) nhiều khi lợi bất cập hại! Phan Khôi có những ý kiến rất hữu ích và còn thời sự về Khổng học ở Việt Nam (xem Phan Khôi-Tác phẩm đăng báo 1929- Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, NXB Đà Nẵng 2005, trang 40).
Vốn xã hội nhìn từ lịch sử
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, người Việt Nam đã hình thành những cộng đồng lớn nhỏ trong lòng dân tộc. Một biểu hiện đặc thù của vốn xã hội ở Việt Nam là tình đùm bọc giữa đồng bào bắt nguồn từ truyền thuyết mẹ Âu Cơ và lòng yêu nước biểu hiện mạnh mẽ trong công cuộc chống ngoại xâm. Lòng nhân ái, quan điểm cùng nhau chung sống trong hòa bình là một vốn quý trong truyền thống dân tộc ta. Việc quân của Quang Trung được dân miền Bắc giúp đỡ, lấy ván bó rơm làm lá chắn trong trận công đồn của Sầm Nghi Đống, vô hiệu hóa được súng hỏa châu của quân xâm lược nhà Thanh là một ví dụ khác cho thấy lòng yêu nước, tình đoàn kết dân tộc đã vượt qua quy mô của làng xóm và trở thành sức mạnh chống ngoại xâm. TS. Lê Đăng Doanh
|
3. Truyền thống nghệ thuật như một nguồn lực văn hóa và gắn kết cộng đồng
Những quan hệ, ràng buộc, chuẩn mực, thói quen ở ba mặt nêu trên cũng tạo ra trong những thế kỷ 16- 19 những truyền thống và thành tựu nghệ thuật quan trọng nhất của Việt Nam từ mỹ thuật tới văn học, sân khấu, âm nhạc… Việc xác định đặc tính, phẩm chất và gốc rễ xã hội của các thành tựu nghệ thuật giai đoạn cổ điển này quan trọng hơn việc thích đẩy niên đại lùi về thời Hùng Vương hay Lê Sơ để tăng bề dày truyền thống. Nghệ thuật của chúng ta mang tính đa dạng vùng miền rất rõ vì thế rất đặc sắc và cũng vì thế thường nhỏ nhoi khó mang tầm quốc gia và tầm quốc tế. Tuy nhiên vào thời buổi này bản sắc và sự đa dạng lại lên ngôi và là lợi thế lớn. Văn hóa làng vẫn bàng bạc trong cả văn chương hiện đại hôm nay. Chèo khó ai nghe ở Nam bộ, cải lương khó thịnh hành ở Bắc kỳ, tượng Chăm còn nhiều người Bắc cho là “không thuần Việt” (tuy việc khai quật thành cổ Thăng Long thời Lý-Trần với những dấu ấn Chăm rõ rệt có làm một số sử gia “Khổng- Mạnh” thay đổi cách nhìn một chút). Văn học chỉ đạt mức cổ điển ở văn vần nên hiện nay người Việt vẫn là người sính thơ nhất (các câu lạc bộ thơ, tiêu chuẩn văn hóa khu phố, Hội người cao tuổi, cựu chiến binh… có lệ là phải làm thơ. Ngày thơ Việt Nam được ủng hộ khá nhiệt liệt. Từ quan chức về hưu, giáo làng tới nông dân, lái đò, cô bán tạp hóa chợ Đông Ba… lúc nào cũng sẵn sàng làm thơ, đọc thơ cả). Việc say chèo, tuồng, cải lương, ca trù, đờn ca tài tử của từng vùng, từng cộng đồng có thể tạo các fans club khá mạnh, tạo nên những sinh hoạt văn hóa đa dạng gắn kết cộng đồng. Dòng ca nhạc não nuột, nhớ quê ở hải ngoại cũng như ngay quê hương mình đi cùng với sự phân biệt các cộng đồng di cư trước 45, sau 75 và sau 90 làm cho anh nhạc sĩ Hà Nội sống ở Sài Gòn mà cứ rên rỉ nhớ nhung hoa sữa như nhớ tới đảo Bồng Lai hay thời Nghiêu Thuấn vậy! Cũng không nước nào có cả một nền văn nghệ quân đội như nước ta. Tướng, tá, lính làm thơ, viết văn là chuyện thường! “Làm thơ và đánh giặc” như Nguyễn Trãi vẫn là hình ảnh lý tưởng khá viển vông và vô bổ trong thời bình phát triển kinh tế. Tôi nghĩ rằng truyền thống nghệ thuật Việt Nam rất đặc sắc và phong phú mà mang đậm sắc thái vùng miền nên việc phát huy vốn này rất thích hợp với việc gìn giữ di sản, xây dựng cộng đồng. Các làng quan họ, chương trình Vầng trăng cổ nhạc, Câu lạc bộ Đờn ca tài tử, các làng gốm, làng lụa, làng hoa… nói chung các thú vui nho nhỏ của cộng đồng nhỏ có thể gắn kết con người ở các khu công nghiệp, khu phố văn hóa, ở các hội đoàn cơ sở, ở khu dân cư mới và làng xóm cũ. Việc chưa thành cổ điển và toàn dân tộc của đại bộ phận truyền thống văn hóa càng đòi hỏi chương trình giáo dục nghệ thuật và di sản cho toàn dân, thực hiện một cách chính quy có bài bản từ phổ thông. Việc này cần làm hệ thống và là một nội dung chính của cải cách giáo dục. Không thể chỉ làm manh mún như dạy cồng chiêng cho trường Tây Nguyên hay vài thử nghiệm sân khấu học đường cùng vài tờ tranh giới thiệu vài danh họa bên cạnh tranh thiếu nhi. Mặt khác ta cũng thấy nghệ thuật vàng mã đúng là nghệ thuật đáng ở bảo tàng, hát văn rất hay song cũng có thể hòa với làn sóng mê tín, dị đoan và thú cầu cơ gọi hồn, lên đồng… đang bùng phát trở lại. Ngay trong mỹ thuật, việc trở lại với truyền thống nghệ thuật tiền thực dân (mà có ít nhất ba thành tựu cỡ thế giới là nghệ thuật Chăm, gốm Lý Trần và tượng gỗ đình chùa Bắc bộ), một bước “bẻ lái” đột phá nhiều ý nghĩa của hội họa đổi mới, cũng có nguy cơ làm cho nghệ thuật đang đi theo hướng chuyên nghiệp lại bị “tái dân gian hóa”, trở nên nông cạn và thành thứ hàng du lịch! Tác dụng tiêu cực luôn tiềm ẩn trong vốn văn hóa.
Khi bàn tới phát triển văn hóa ta luôn gặp thế lưỡng nan: bảo tồn một cách bảo thủ hay phát triển, cách tân hướng ngoại. Nay trong toàn cầu hóa vấn đề còn là có bị tái thực dân hóa về văn hóa hay không và “cái lạnh lẽo” của toàn cầu hóa (chữ của ông giám đốc Viện Gớt Augustin) có đóng băng sự đa dạng văn hóa, bứng rễ các nền văn hóa nghệ thuật ở các nước đang phát triển như nước ta hay không?
Tóm lại, những thực tế thành công thường là sự đổi chiều, chuyển hướng chức năng của truyền thống (gồm cả các thành tựu cũng như các ràng buộc, quan hệ, chuẩn mực giá trị mà chúng ta tạm gọi là quỹ xã hội) sao cho chúng không là một cản trở mà là các nguồn lực trong các cộng đồng mới cụ thể và linh hoạt.
Tôi cho rằng vốn xã hội sẽ thành nguồn lực nếu ta chỉ phát huy bản chất của nó trong các tương quan mới, mục đích mới bằng các cách thức mới. Nếu mù quáng tin vào những giá trị vô hình và rập nguyên khuôn mẫu, cách thức, mục đích như xưa kia và như nó đang tồn tại thì nó sẽ là những cản trở.