Vốn xã hội Việt Nam, nguy cơ phá sản và triển vọng phát huy

Bài viết sẽ đi từ “vốn xã hội” (VXH) như một khái niệm mới - một khái niệm “mốt” trong khoa học kinh tế xã hội, nội dung, giới hạn và khả năng ứng dụng của nó, từ đó thử phân tích những hiện tượng hao vốn trong bối cảnh xã hội Việt Nam (VN) từ 1975. Phần thứ ba thử truy cập lại một “lý thuyết” được xem là mô hình (modele) “vốn xã hội” trong lịch sử tư tưởng Việt Nam trong triển vọng phát huy vốn xã hội.

Phần 1 chỉ thuần phân tích khái niệm để tìm mặt sau của vấn đề. Phần 2 đi từ một thực trạng”vốn xã hội” tại Việt Nam, những hiện tượng tiêu cực bao hàm trong khái niệm VXH. Phần 3 đưa ra một luận đề có tính phản đề khiêu khích (hay gợi ý), đồng thời có tính tổng hợp: không phải Bordieu hay Putnam khám phá ra khái niệm và dự án “vốn xã hội”, thế kỷ 13, Trần Nhân Tông đã đưa ra dự án VXH với “Cư trần lạc đạo”.  
1. Vốn xã hội: từ khía cạnh kinh tế đến ý nghĩa nhân bản x hội:
VXH thường được hiểu như tổng thể những tương quan đời sống con người trong cùng một xã hội, bao gồm những gia sản văn minh văn hóa (kinh tế, triết lý sống, đạo đức, phong tục tập quán v.v…)  mà con người trong một cộng đồng hay xã hội đã tạo dựng và phát huy.
Trong những nghiên cứu về VXH, lý thuyết về vốn xã hội từ những thập niên 80, 90 với Bourdieu, Putnam được định hình cụ thể. VXH được sử dụng trong nghĩa đặc thù có tính xã hội kinh tế. VXH phân biệt với vốn nhân bản, vốn văn hóa và dĩ nhiên vốn kinh tế. Sự khác biệt hiển nhiên nằm trong cụm từ “xã hội” và “vốn”.
Khi nói đến “vốn” trong cụm từ “vốn xã hội”, những người đặt tên đã nghĩ đến ý nghĩa đặc thù kinh tế của khái niệm “vốn”. Đơn giản, ở đây có một sự đầu tư của cải hay một tài sản nào đó, với mục đích “kiếm lời”, tiền hay vốn sẽ được nhiều hơn nhờ vào đầu tư, nếu một vốn không đem lại kết qủa nhiều hơn, nó sẽ là tiền quăng đi. Nhưng VXH lại khác với những vốn khác như vốn nhân văn (cá nhân riêng lẻ), vốn vật chất tiền bạc, khác với những tài sản công cộng như bảo đảm giao thông và quyền lợi công cộng mà nhà nước phải lo, VXH do xã hội đem đến từ những tương quan liên lạc tự nguyện giữa người và người, chính mối tương quan này ấn định VXH, nó không có tính vật chất như chính khái niệm “vốn” gợi lên, mà có ý nghĩa tinh thần, đó là sự tin tưởng lẫn nhau và sự sẵn sàng tương thân tương trợ giữa người và người đang chung sống với nhau. VXH là tổng thể những tương quan tin cậy và tự nguyện mà trong lúc chung sống những thành viên trong cộng đồng hay đoàn thể kiến tạo nên, nó bao hàm sự hỗ trợ tình thương, tính thân hữu, liên lạc. Chính mối dây tương quan tinh thần qua lòng tin cậy lẫn nhau có thể đem đến lợi ích mà một xã hội cần có: sự an lạc và phúc lợi cộng đồng, an sinh hạnh lạc, đồng thời nó đem lại những món lãi vật chất: chính nhờ VXH sẵn có những phí tổn chuyển nhượng (Transaktion) được tiết kiệm, những thiệt hại, tổn thất do xung đột quyền lợi được giải quyết căn cứ vào những qui định đã được thỏa thuận giữa những người cùng chung quyền lợi.
Khái niệm VXH giải thể những ám ảnh ý thức hệ thường mắc vướng trong các khái niệm về xã hội: ví dụ khái niệm về giai cấp không bao hàm trong VXH, ngược lại VXH là một khái niệm hàng dọc, nó nhấn mạnh một điểm mà lý thuyết tranh đấu giai cấp không chú ý đến: tương quan tương trợ lẫn nhau trong tự nguyện, người giàu giúp kẻ nghèo, người mạnh khỏe giúp kẻ ốm, người thất học được bảo trợ, người đi tìm việc được giới thiệu hợp tác. VXH tạo nên một mạng lưới xã hội gồm tương quan giữa cá nhân và đoàn thể, giữa đoàn thể và đoàn thể. Bourdeau phân biệt VXH do những diễn viên (akteur), như là một nguồn cá nhân đến từ những tương quan xã hội với những cá nhân khác, VXH này là một nguồn quan trọng cho hiện trạng xã hội (Status) và an lạc cá nhân.
Định nghĩa có tính hệ thống về VXH: tổng thể những yếu tố hỗ trợ cuộc sống cộng đồng và qua đó đẩy mạnh sự phát triển xã hội, còn gọi là mạng lưới xã hội.
Những nghiên cứu cho thấy rằng VXH càng tăng trưởng sẽ ảnh hưởng tốt cho hội viên của mạng lưới xã hội. Vì thế những tổ chức phát triển và ngân hàng thế giới nhận ra ưu điểm của sự cải thiện VXH, chính nó là yếu tố thiết yếu cho chiến thuật phát triển thành công.
Chính yếu tố tinh thần nền tảng “tin tưởng lẫn nhau” và sự tình nguyện hợp tác là điều kiện bảo đảm cho xã hội có khả năng phát triển về kinh tế, mà người Đức đã gọi là “hòa bình xã hội”. Sau thế chiến thứ hai, chính “hòa bình xã hội” đã đóng góp vào công cuộc xây dựng một nước Đức bị phá sản toàn diện do chiến tranh, trở thành một cường quốc trên thế giới. “Hòa bình xã hội” của một tập thể con người siêng năng, thông minh, có tinh thần khoa học và nhất là trung kiên và sẵn sàng hi sinh (chính những người phụ nữ Đức đã xây dựng nước Đức từ những đống gạch đổ nát, đã hi sinh tất cả cho công việc dọn dẹp tàn tích chiến tranh, và họ đã vực dậy tinh thần suy sụp của tù binh Đức, thanh niên Đức trở lại với niềm tin tương lai), chính điểm tựa tình thương, tình thân hữu, tính tương liên – cơ sở căn bản của hòa bình xã hội, đã đem đến cho nước Đức trong những thập niên 60 sự tăng trưởng mạnh về mặt kinh tế, cụ thể là người dân có lương cao, hưởng được nhiều lợi tức và ít đình công, do đấy tăng trưởng được bảo đảm. Hòa bình xã hội bao gồm những biện pháp  đem lại tin tưởng cho người dân: đó là quyền tự quyết và bảo đảm xã hội. Chính trong tình trạng khủng hoảng kinh tế của nước Đức hiện nay, Koehler, Tổng thống đương kim của CHLB Đức, trong diễn văn ngày nhận chức, đã nhấn mạnh vai trò của VXH trong sự đóng góp phát triển kinh tế nước Đức.
“Hòa bình xã hội” là mạng lưới xã hội trong đó yếu tố tín cẩn, chuẩn mực (Normes) hỗ trợ lẫn nhau và những định chế thỏa thuận hợp tác được thiết lập, nó tạo điều kiện hạ tầng cơ sở có thể nâng đỡ và phát huy tương quan xã hội đem đến lợi ích cho cá nhân và tập thể. VXH từ đó có thể xem như một bảo đảm chữ tín với cộng đồng hay những đoàn thể khác, từ đó chữ tín là đặc tính tương quan giữa cá nhân hay đoàn thể. Trên bình diện quốc gia và kinh tế, VXH tạo nên 1 điều kiện không thể thiếu cho một hợp tác có ý nghĩa lâu dài và xây dựng trong ý hướng an lạc cộng đồng
Koehler muốn nhắc nhở công đồng Đức nên sẵn sàng ĐÓNG GÓP hợp tác tự nguyện trong công cuộc vực dậy nền kinh tế của Đức, cho thấy tương quan giữa VXH và phát triển kinh tế không thể tách rời nhau.
Sự kêu gọi này phải được hiểu như một thú nhận vốn xã hội Đức hiện nay đang thiếu hụt, bởi vì người Đức không sẵn sàng bỏ “vốn xã hội” mà chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng lẻ, cá nhân. Trong trường hợp này Koehler chỉ nhìn khía cạnh “tiết kiệm” những phí tổn quốc gia nhờ vào VXH đã có sẵn, mà không nghĩ đến phí tổn đầu tư ban đầu cho VXH, những người phê bình ông nói rằng, VXH trước hết là một đầu tư, và nó cũng tốn của, không bao giờ không có đầu tư một vốn gì mà đòi có lãi được.
Từ những thành tựu của những nghiên cứu của Putnam (từ 1993), ngân hàng thế giới giúp đỡ phát triển đã chú trọng đến yếu tố “vốn xã hội” như một trong những tiêu chuẩn đánh giá khả năng mang đến thành quả tốt cho mỗi dự án phát triển của quốc gia nhận lãnh dự án.
VXH tăng thêm một khi cách giao tiếp giữa những cá nhân càng chặt chẽ và có uy tín, nhờ đó vô tình hay chủ ý, những bổn phận xã hội thường xuyên của một hay nhiều đối tác được phát huy thêm, từ đó khả năng trung tín càng được thực thi. Đó là điều kiện hợp tác cá nhân cũng như đoàn thể trong một xã hội và trong tương quan quốc tế.
Trong tương quan đối tác, VXH trở nên một tiêu chuẩn đánh giá cho sự hợp tác kinh tế thay vào những khác biệt về quan điểm chính trị. Nó là ngõ tránh cho những mâu thuẫn quan điểm chính trị, trung lập hóa những lập trường tư tưởng dị biệt, để chỉ tập trung vào lĩnh vực phát triển kinh tế. Với khái niệm VXH các nhà lý thuyết xã hội nhấn mạnh vai trò quan trọng củayếu tố kinh tế trong những liên hệ xã hội.
Theo P. Bourdieu, VXH là tổng thể những tài nguyên hiện tại và tiềm ẩn liên hệ đến một phần mạng lưới những tương quan xh về cảm thông và truy nhận lẫn nhau. Ngược với vốn nhân văn, VXH không dựa trên con người tự nhiên mà trên tương quan giữa con người. VXH cho ta xâm nhập vào những tài nguyên của đời sống xã hội như tương trợ, giúp đỡ, truy nhận, tri thức và quan hệ với những nhóm khác từ việc đi tìm chỗ làm, nơi học. Nó sản xuất và tái sản xuất những tương quan trao đổi, như tặng quà, làm đẹp lòng nhau, thăm viếng v.v… Trong một xã hội, VXH nhỏ thì thế lực pháp lý và cảnh sát trị đóng vai trò quan trọng để bảo vệ tư hữu và điều hành nhà nước, bởi vì sự tin tưởng  và sẵn sàng hợp tác không đủ để giải quyết những vấn đề xã hội và mâu thuẫn con người.
Cường độ của vốn xã hội quan hệ đến sự tăng trưởng hay giảm thấp của tăng trưởng kinh tế. Hội nhập thành công có nghĩa là giúp những người bên lề xã hội gia nhập vào VXH (qua những phương tiện đào tạo học đường, để có thể phát triển và gia tăng VXH).
VXH nhỏ làm tăng những chi phí chuyển giao (transaktion) và làm giảm năng suất sản xuất. VXH tích cực có ảnh hưởng kinh tế lên chính trị, nơi ở, tăng trưởng và tạo nên công ăn việc làm.

2. VXH trong tình trạng nguy cơ phá sản
Với vụ PMU 18, vấn đề tham nhũng tại VN trở nên một vấn đề quốc te . Những cơ quan đầu tư giúp vốn phát triển nghi ngờ khả năng đáng tin cậy của những người thực hiện dự án, và đằng sau đó là cái “VXH”, điểm tựa của người làm dự án. Không những người thực hiện dự án chịu trách nhiệm, mà toàn thể xã hội đều bị vạ lây. Đồng thời hiện tượng này vén màn cho thấy hiện trạng xã hội hiện nay của nước được hỗ trợ dự án, trong đó mức tin cậy đang bị khủng hoảng. Nó có thể có những hậu quả tiêu cực cho công cuộc phát triển và xây dựng xã hội trong thời đại toàn cầu hóa.
Tình trạng “cô dâu” Việt Nam, tình trạng gái điếm gia tăng, tảo hôn, con số nhiễm HIV, tỷ số phạm pháp gia tăng, con số tai nạn giao thông không giảm mà tăng, tham nhũng hối lộ trở nên chuẩn tắc tương quan xã hội,  đang làm đen VXH tại VN, nếu không nói làm kiệt quệ. Xã hội VN hầu như mất đi vốn căn bản, mặc dù đời sống vật chất của người dân đã cải tiến so với những thập niên 70, 80, đó là sự hao hụt lòng tin vào đoàn thể, vào nhà nước (do những người đại diện Sự an lạc cộng đồng thực sự trở nên bấp bênh.
Trở lại thập niên 70, sau cuộc chiến, xã hội VN đang nằm trong giai đoạn chuyển biến, thoát xác, đầy hi vọng và triển vọng phát triển, dù vốn kinh tế hầu như kiệt quệ, nghèo! Nhưng VXH có sẵn đã rất lớn, tiềm năng hòa bình xã hội rất dồi dào với sự sẵn lòng chung sức của toàn dân: tình nghĩa đồng bào, ruột thịt Bắc Nam, tình yêu nước, tình đùm bọc lẫn nhau khởi từ  nền tảng gia đình vẫn còn vững chắc. Cái vốn chung ấy đã là nguồn suối tiềm năng cho sự phát huy an lạc cộng đồng thực sự trong xã hội. Nhưng trong xu thế chiến thắng, chính sách mới đã muốn thay đổi VXH có sẵn bằng một VXH mới, theo dự án cách mạng xã hội với một công thức phổ quát và đặt định: “Yêu nước tức là yêu xã hội chủ nghĩa” dựa trên nền tảng gọi là đạo đức cách mạng. Đây là một sự can thiệp từ bên ngoài vào VXH đã có sẵn. Theo lý thuyết, VXH có thể tự phát từ bên trong do sự quyết định của các thành viên sống trong đó, một VXH như thế có khuynh hướng phát triển tự nhiên, bởi vì xã hội luôn luôn sinh động trong biến chuyển, thay đổi, thích nghi và biến xác. Nhưng VXH cũng có thể bị thúc đẩy hay được hỗ trợ từ bên ngoài. Vốn đầu tư từ bên ngoài có thể thay đổi chuyển hoán VXH có sẵn bằng cấm đoán thế lực hay nâng đỡ để cải thiện trong mục đích đem lại phúc lợi cho toàn thể. Trong trường hợp VN, nhà nước đã tự tay xây dựng một mô hình VXH theo định nghĩa giới hạn vào “XHCN”, một mô hình VXH khép kín với một mạng lưới xã hội sít sao từ  Đảng như một đoàn thể có nội qui nhất định theo giáo điều Mác Lê và những đoàn thể có tính vệ tinh: hội phụ nữ, hội cách mạng lão thành, đoàn thanh niên cộng sản, hội trí thức yêu nước v.v… Với một sức thâm nhập vào quần chúng có tính chỉ huy trung ương hóa, những hình thức VXH khác như các cơ quan từ thiện và thiện nguyện của các tổ chức tôn giáo, những đoàn thể tư nhân (Hương đạo, gia đình Phật tử, Thanh niên Công giáo v.v…) đều bị loại trừ, không được hoạt động. Sự loại trừ này xảy ra từ một chủ trương chính trị về VXH. Nhưng sự loại trừ đến từ cơ cấu tổ chức VXH mới, cách mạng, như những đoàn thể chặt chẽ, đóng kín (closed) chỉ dành cho hội viên chọn lọc mang đến một sự thay đổi VXH VN từ trong cơ cấu: đồng thời với chính sách “cải tạo công thương nghiệp và nông nghiệp” (đầu năm 1977 nhằm xóa bỏ tư bản tư nhân và ép buộc nông dân vào hợp tác xã, chính sách “học tập cải tạo”, kỳ thị lý lịch của người dân tên mọi lĩnh vực, nhất là giáo dục khai hóa, cấm thành lập những đoàn thể thiện nguyện, kiểm soát hoạt động từ thiện tôn giáo dẫn đến khủng hoảng trầm trọng, không những trên phương diện kinh tế mà còn trên phương diện VXH: hàng triệu người di tản, trốn khỏi Việt Nam. Một mảng VXH VN bị cắt đứt hay nói theo ngôn ngữ mới đây, một khúc ruột VN đã bị đứt đoạn, một vết thương không nhỏ cho đất nước và một di chứng oán hận trong lòng người vẫn còn tồn đọng cho đến ngày hôm nay.
Trường hợp VXH đen này là một trường hợp tiêu biểu cho sự quá tải về cách bỏ VXH mới, nó dẫn đến sự loại trừ cá nhân riêng tư và đoàn thể khác, hiện tượng của VXH theo mô hình XHCN tương tự như một thứ của hàng đóng cửa, không nhận khách hàng ngoài thành viên, đã gây khó khăn cho sáng kiến đổi mới cũng như làm cho những đổi mới bị mai một dưới kỷ luật bó buộc của nội bộ đoàn thể.
Chính sự trung thành tuyệt đối hay tin tưởng cuồng tín của đoàn thể có hệ quả ngược lại 180o: đó là sự nghi ngờ, không tin cậy cá nhân ở ngoài hay những đoàn thể khác, những yếu tố này làm tan vỡ VXH thay vì phát huy VXH. Có thể nói, những đoàn thể khép kín như thế phản xã hội, phi xã hội nếu hiểu xã hội là một môi trường hội nhập của những tương quan con người trong mục đích chung sống an vui.
Hòa bình xã hội như thế không có cơ sở căn bản để phát triển và cuộc bỏ vốn mới trong khoảng các thập niên 70, 80 và trước đổi mới không thể có lãi xã hội. Sự an ninh chỉ được mạng lưới công an bảo đảm, chứ không phải đi từ quần chúng tự nguyện. Mặc dù những thành viên của VXH mới được hưởng những đặc quyền đặc lợi – như thế là có lời, rất lời nữa là khác, lãi ấy đã tạo nên một giai cấp tư bản kiểu mới – nhưng đằng sau lớp sơn son là hố chia cách…
Chúng ta hãy trở lại với khái niệm VXH cũ từ thời điểm làn sóng những người di tản.
Gần 3 triệu người dân bỏ nước ra đi. Họ mang theo những gì ngoài một ít của cải nhiều rủi hơn may, thường bị hải tặc cướp đi? Chắc chắn, họ mang theo oán hận, thất vọng cũng như hi vọng được sống ở một nơi nào khác ngoài đất nước VN. Nhưng vô tình,  họ đã mang theo một cái vốn nhẹ tênh mà không biết: VXH VN. Chính cái VXH ấy, đó là gia đình còn lại, người thân còn lại, bạn bè còn lại, cái không gian ấy, tiếng chuông chùa ấy, chén cơm, con cá, những tình tương thân mà họ đã nhận được, lời khuyên của thầy của bạn, giáo huấn mà họ được trau dồi, gia đình, tình nghĩa thầy trò, tình bạn hữu, tình đồng đội, tín ngưỡng, nếp sống an lành trong cộng đồng xã hội từ tuổi ấu thơ.  Chính cái VXH ấy, tưởng nó phá sản, trôi mất, nhưng nó lại nhân đôi hay nhân gấp triệu, gấp lên tỉ, nó trở thành tiền lãi xuôi về VN. Thống kê cho biết từ những thập niên 80, 90, người Việt nước ngoài đã giúp người trong nước với con số không nhỏ, mà nếu thiếu nó là một lỗ hổng lớn cho ngân sách quốc gia.
Thoạt tiên trong mấy mươi năm, những giúp đỡ này đã được nhà chức trách và những hội viên VXH mới đánh giá với con mắt dè dặt cảnh giác kẻ địch, thái độ thường có của những hội kín, tương tự như nếp suy nghĩ của những hình thức bè đảng kiểu mafia, thái độ kì thị những người lạ hầu như là nguyên tắc xử thế. Mãi cho đến sự truy nhận gần đây, người ngoài nước mới được đánh giá là khúc ruột VN xa xôi đã được nối lại.
Nhưng cái VXH ấy vượt lên trên mọi chính trị đảng phái, nó là vốn liếng của con người VN đã được sống và lớn lên trong căn nhà nhân bản VN đã có từ khi dựng nước, và nó kiên trì không phôi pha, nó không hành động nhân danh chủ nghĩa như chủ nghĩa yêu nước hay chủ nghĩa thương người, nó được gây dựng từ lúc nằm nôi nghe mẹ hát: thương người như thể thương thân. Lá lành đùm lá rách. Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn… Và trong nhà trường với sự giáo hóa nhân nghĩa lễ trí tín, từ bi hỉ xả. VXH ấy luân lưu truyền mãi cho những thế hệ kế tiếp, nó là gia sản truyền thừa với di chúc giản dị: cần khéo léo như cách dẫn nước trị thủy xưa nay: tuôn năng lượng dồi dào cho cuộc sống hay phá hủy toàn diện cuộc sống.
Sự khủng hoảng VXH trong những thập niên vừa qua phát sinh ra hai hướng đi vòng (Umleitung, deviation) tạo nên sự biến thể tiêu cực của VXH: thứ nhất hiện trạng nghèo khổ thiếu thốn vật chất cùng với nạn thất nghiệp, trẻ em đường phố, biện pháp y tế còn khiếm khuyết, giáo dục tắc nghẽn vì thiếu hụt ngân quỹ v.v…, đã thúc đẩy những tổ chức tôn giáo, nhân đạo thiện nguyện tình nguyện đứng ra hoạt động xã hội, bằng những con đường tránh né, bán công khai.
Những tổ chức quốc tế giúp đỡ phát triển đã vào VN và ngân hàng thế giới đã đầu tư những dự án phát triển. Mạng lưới xã hội được nới rộng cho nhiều tầng lớp quần chúng. Đó là những hình thức VXH giúp nhẹ gánh ngân quỹ quốc gia. Nhưng khổ thay, đồng thời với những trợ giúp bên ngoài, VXH hầu như có nguy cơ phá sản với những hiện tượng tiêu cực đã đề cập trên. VXH hiện nay như tình trạng của những cột bê tông bằng tre: sự tin cậy bị phá sản vì tham nhũng và lạm dụng (trường hợp PMU 18 đụng chạm đến tin tưởng quốc tế về sự chân thật của VXH VN), an lạc cộng đồng tan vỡ. Những nhóm bên lề (Randgruppen) phát sinh, nạn thanh thiếu niên phạm pháp và bị lợi dụng, nạn mãi dâm, nạn buôn người, buôn gái, nhiễm HIV càng lúc càng gia tăng, kẻ vô gia cư, du thủ du thực, băng đảng phạm pháp v.v… Hiện tượng nhóm bên lề xã hội báo hiệu tiềm năng bất ổn định của VXH. Những nhóm người này vì khiếm khuyết giáo dục, ngôn ngữ không được trau dồi, tương quan đời sống kinh tế khó khăn không được hội nhập vào trong lòng xã hội. Họ ở bên ngoài chuẩn tắc xã hội và những giá trị nhân bản, bị cô lập và loại trừ, không được hội nhập vào quá trình sản xuất của xã hội, họ trở nên gánh nặng của nhà nước. Hiện tượng xã hội bên lề không do những kẻ trong cuộc lựa chọn mà chính là kết quả của chiến thuật loại trừ và làm tê liệt của những đoàn thể đang chế ngự. Giai cấp giàu nghèo đang được hình thành nhanh chóng trong lúc nền tảng đạo đức chỉ là những cộc tre mục nát, sự bóc lột con người đang có thể trở nên qui luật sống, nếu không có sự bảo vệ của luật pháp nghiêm chỉnh.
Hiện trạng này cho thấy, một VXH khép kín với hệ thống đoàn thể khép chặt, đảng viên và lý lịch công trạng thường gây nên sự kì thị và khai trừ những thành phần xã hội khác, một VXH nhỏ (so với con số 80 triệu người còn lại) không có khả năng hội nhập xã hội.
Không đóng kín, mở rộng mạng lưới xã hội và tạo khả năng hội nhập là điều kiện cho sự phát triển cộng đồng, cho hòa bình xã hội. J. Harris gọi một loại VXH không có khả năng hội nhập rộng rãi là VXH ảo (nó chỉ thực cho một nhóm người) hay phi xã hội.
J. Harris cho rằng khái niện VXH mà Putnam sử dụng để khảo sát xã hội đã giới hạn khái niệm này trong tương quan kinh tế, nhất là cơ cấu con người bị đơn giản hóa như một homo oeconomicus  – con người kinh tế – trước khi là một vốn đem lãi suất, xã hội dân sự nằm trong quyền lực chính trị và chính những tác động của chính quyền thúc đẩy sự phát triển xã hội và ngược lại có thể làm cho VXH phá sản. Hiện tượng vốn tiêu cực tại VN cho thấy mức độ tin tưởng vào một hội đoàn có thể là trở ngại cho sự tin tưởng chung. Chính nhà nước phải có những qui tắc cơ bản làm trung gian và bảo đảm sự tôn trọng lẫn nhau có nghĩa là bảo đảm quyền bình đẳng. Tìm hiểu thêm những nguyên nhân sâu xa của sự tương liên giữa con người đang chung vốn xã hội cho thấy bề dày quá khứ của giáo dục gia đình qua truyền thống tôn giáo và truyền thống đạo đức. Những yếu tố ấy ấn định tính xã hội không đến sau yếu tố chính trị cũng như ý thức hệ và văn hóa.
3. Một mô hình lý thuyết VXH đáp ứng đúng “mốt” hiện đại đã nằm sẵn trong TÂM con người VN:
Từ những suy nghĩ trên cho thấy vấn đề then chốt của VXH thật sự nằm trong khả năng ứng dụng VXH  mang tính xã hội chân thực, hầu thiết lập một nền hòa bình xã hội toàn diện bảo đảm an sinh và hạnh lạc của cộng đồng.  Khả năng ứng dụng nằm trong hai điểm then chốt: mở cửa và hội nhập trong năng động và thức tỉnh, bởi lẽ xã hội là một khái niệm mở,  nhìn toàn diện,  xã hội xuất hiện như một dòng thác đầy sinh động cũng như đa dạng, phức tạp trong sự chuyển tiếp và chuyển biến không ngừng. Cần phải nắm bắt được yếu tính của dòng chảy con người bằng một cái nhìn mới có khả năng tự điều chỉnh và đổi mới: một cái nhìn toàn diện “không bỏ sót một hữu tình nào”.
Những người hoạt động xã hội trên thế giới hiện nay đang nhìn trong khái niệm VXH một mốt mới trong việc tìm hiểu và phát huy VXH như điều kiện cải tạo xã hội trong nghĩa tích cực.
Có ngạc nhiên không khi ta đã có một của báu trong nhà? Chính khái niệm VXH đã được Trần Nhân Tông (TNT) trong giai đoạn dựng nước sử dụng khi đưa ra một mẫu mực đạo lý sống trong một xã hội vừa dành được chủ quyền độc lập và đang ở trong giai đoạn kiến thiết đất nước. Trong “Cư trần lạc đạo phú”, “sống đời vui đạo”, TNT đã bàn về “xây VXH” cho con người VN trong buổi sơ khai lập quốc ấy, khi nói về “của báu trong nhà”. Của báu ấy trước hết là CON NGƯỜI VN, một vốn quý báu nhất trong xã hội. “Cư trần lạc đạo” gồm 10 hội trình bày quan điểm toàn diện của TNT về xã hội VN, dự án giáo dục, đào tạo con người, “gây vốn” cho một xã hội nhân bản nhằm có thể phát huy và bảo đảm an lạc cộng đồng. Hội thứ nhất nói về không gian “Xã hội VN” của con người VN, đó là một không gian xuyên suốt thành thị và sơn lâm trong một tương quan đi về của muôn nghiệp, mà mục đích của con người là “dừng nghiệp” xấu chuyển nghiệp lành, được sống trong “an nhàn thể tính”. Nhưng an nhàn đối với TNT không chỉ ở sơn lâm, mà trần tục náo nhiệt cũng không chỉ ở thị thành, nếu con người không được khai sáng một cái nhìn rộng mở trong quá trình thực tập cái Tâm hay Tu Tâm: “yêu tính sáng hơn yêu châu báu”, “trọng lòng rồi mới trọng hoàng kim”. Thành thị hay sơn lâm đều là đất thao luyện cho TÂM, không nơi nào là ưu việt hơn. Sự thao luyện này bao gồm kỷ luật nghiêm túc: “Sạch giới lòng, dồi giới tướng/ Nội ngoại nên Bồ tát trang nghiêm” đồng thời luôn luôn chuẩn bị cho giải phóng tự do.  Điểm đặc biệt trong lý thuyết ở đời vui đạo là tính toàn diện, bao gồm trên mọi bình diện: xã hội “mình ngồi thành thị, nết dụng sơn lâm”, triết lý tùy duyên, không ép buộc, không khai trừ “đói cứ ăn đi mệt ngủ liền”, hành động đạo đức “Sạch giới lòng, dồi giới tướng/ Nội ngoại nên Bồ tát trang nghiêm/ Ngay thờ chúa thảo thờ cha/ Đi dỗ mới trượng phu trung hiếu”, tôn giáo “Tích nhân nghì, tu đạo đức/ Ai hay này chẳng Thích Ca/ Cầm giới hạnh, đoạn gian tham/ Chỉn thực ấy là Di Lặc”.
Một VXH mang nhiều yếu tố xã hội trong nghĩa không khai trừ, năng động khai mở và tạo khả thể hội nhập, không phân biệt giai cấp và khai phóng tự do, nguồn suối của nhân nghĩa và tình thương:
                   Dứt trừ nhân ngã
                   Thì ra thực tướng kim cương
                   Dừng hết tham sân
                   Mới làu lòng viên giác

VXH giàu tính xã hội không phân biệt giàu nghèo, đẳng cấp, dấn thân cho đời tu tâm vì đạo:
                  Vâng ơn thánh xót mẹ cha
                  Thì thầy học đạo
                  Mến đức Cồ kiêng bùi ngọt
                  Cầm giới ăn chay
                  Dựng cầu đò, xây chiền tháp,
                  Ngoài trang nghiêm sự tướng hãy tu
                  Săn hỉ xả nhuyễn từ bi
                 Nội tự tại kinh lòng hằng đọc

Một lý thuyết chứng tỏ tính chân lý của nó trong thời gian, khi nó đứng vững và đem lại an lạc cho cộng đồng. VXH mà TNT dựng lên đã được tiếp nối và phát huy trong chiều dài lịch sử VN, nó trở nên niềm tự tin và sức mạnh tâm thể của con người VN.
Điểm mạnh nhất đã đứng vững với thời gian có lẽ là sự hình thành một cái tâm VN có ích cho hòa bình xã hội: cái tâm không phân biệt, kỳ thị, khai trừ, bao gồm cả toàn thể con người VN. Có lẽ TNT là một nhà kinh tế xã hội đã đưa ra giải pháp mà Bourdeau, Putnam và Harris vẫn còn băn khoăn trước vấn nạn: làm thế nào để chuyển đổi sự tin cậy của một đoàn thể (vốn xã hội nhỏ) sang một toàn thể cộng đồng làm thế nào để nhân VXH, ngoài những hỗ trợ ngoại tại, chính sự rèn luyện cái TÂM không phân biệt là điều kiện để chia. TNT đã gây vốn để cả dân tộc VN cùng chia lời, chia sẻ chứ không chia cắt, đoạt vốn.
Và để thay kết luận, nếu không có cái vốn VN cùng chia ấy, môt người VN xa quê lâu năm như tôi đã không có những thôi thúc trở về.

Thái Kim Lan

Tác giả