Xã hội dân sự Việt Nam

Cho đến nay, chưa có một văn bản nào của Đảng và Nhà nước đưa ra khái niệm xã hội dân sự, song trên thực tế theo các quan niệm phổ biến quốc tế, xã hội dân sự thực chất không phải là một thực tế xã hội xa lạ đối với Việt Nam. Ngay từ xa xưa tính cộng đồng, làng xã, tình làng nghĩa xóm, yêu thương đùm bọc lẫn nhau đã mang đặc trưng rõ nét của truyền thống giá trị văn hóa, niềm tin, tính cộng đồng, chia sẻ trách nhiệm vì các công việc chung. Đó là những giá trị cơ bản của xã hội dân sự đã tồn tại hàng nghìn năm ở nước ta.

Lịch sử cận đại của Việt Nam đầu thế kỷ 20, mang nhiều dấu ấn của các phong trào quần chúng, và các tổ chức xã hội dân sự tham gia giải phóng dân tộc. Chẳng hạn cuối tháng 4 năm 1904, Hội Duy Tân được thành lập với mục đích “Cốt sao khôi phục được Việt Nam, lập ra một Chính phủ độc lập, ngoài ra chưa có chủ nghĩa gì khác cả”. Nhiệm vụ trước mắt của Hội được đề ra trong ngày thành lập là phát triển thế lực của Hội về người và về tài chính; chuẩn bị bạo động và phương án hỗ trợ sinh viên xuất dương sang Nhật học tập và cầu vận. Cùng thời kỳ này, các Hội khuyến học cũng ra đời nhằm giúp hội viên học hỏi, trau dồi kiến thức về ngôn ngữ, văn hóa của nước Pháp bằng mọi phương tiện. Phong trào này là cơ sở để đưa tư tuy cải cách văn hóa giáo dục và thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc cho Việt Nam.
Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam cũng là sự kế thừa các phong trào xã hội dân sự. Trong phong trào cải cách và giải phóng dân tộc, Cụ Hồ Chí Minh trong Yêu sách gửi hội nghị Hòa bình Versailles ngày 19/06/1919, Người đã chỉ rõ những giá trị bình đẳng bác ái, không phân biệt người bản xứ và người chính quốc, quyền tự do báo chí, tự do lập hội, xây dựng nguyên tắc Nhà nước pháp quyền đó là những giá trị nền tảng của xã hội dân sự.
Đảng cộng sản Việt Nam đã vận dụng sáng tạo các nguyên lý và giá trị của xã hội dân sự trong công cuộc giải phóng đất nước. Thời kỳ 1936 – 1939, Đảng rất linh hoạt, khôn khéo trong việc tổ chức quần chúng, không cứng nhắc, không nhất thiết các tổ chức quần chúng đều phải mang một màu sắc, đều phải nhuộm màu đỏ như công hội đỏ, hội cứu tế đỏ mà có thể lấy những cái tên đơn sơ, cốt sao tập hợp được đông đảo quần chúng vào các tổ chức cách mạng. Đảng quyết định lấy tên Thanh niên phản đế đoàn thay Thanh niên cộng sản đoàn, lập Hội cứu tế bình dân thay Hội cứu tế đỏ, lấy tên Công hội thay cho Công hội đỏ và lấy tên Nông hội thay Nông hội đỏ. Các tổ chức hội này gắn liền với đời sống sinh hoạt bình thường hằng ngày như hội cấy, hội gặt, hội lợp nhà, hội hiếu hỉ, phường đi săn, hội hát kịch…
Ngay Hiến pháp đầu tiên năm 1946 và các Hiến pháp 1959, 1980 và 1992 đều thừa nhận: “Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền thông tin, có quyền hội họp, lập hội và biểu tình theo quy định của pháp luật”. Nhà nước ban hành sắc lệnh quyền lập hội (số 103SL/004 ngày 27/5/1957).
Nghị quyết 8B-NQ/ Hội nghị Trung ương Đảng cộng sản khóa VI đã nêu rõ: “Trong giai đoạn mới cần thành lập các hội đáp ứng nhu cầu chính đáng về nghề nghiệp và đời sống nhân dân, hoạt động theo hướng ích nước lợi nhà, tương thân tương ái. Các tổ chức này được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản và tự trang trải về tài chính trong khuôn khổ pháp luật”.
Từ năm 1975 đến 1986, hầu hết các tổ chức xã hội dân sự (CSO) chính thức bị hành chính hóa, được bao cấp và kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước. Trong cơ chế này các tổ chức CSO hầu như mất đi vai trò năng động và tự chủ của mình trong việc huy động các nguồn lực cho xã hội, cũng như đại diện cho lợi ích của các thành phần trong xã hội. Hơn thế các hộ gia đình cũng thiếu đi tính tự chủ và tự do kinh tế và dân sự, cho nên thiếu đi nền tảng để phát triển các tổ chức CSO như mong đợi.
Kể từ 1986, Nhà nước Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế theo định hướng thị trường Việt Nam, đã trở thành một trong những nước có nền kinh tế năng động tăng trưởng cao nhất ở khu vực Đông Nam Á và châu Á. Đổi mới kinh tế thực chất là tự do hóa các hoạt động kinh tế của khu vực ngoài Nhà nước phát triển, bên cạnh đó khu vực quản lý Nhà nước được cải cách một bước, làm giảm sự can thiệp của Nhà nước và tăng quyền tự do kinh tế và dân sự công dân.
Nghị quyết Đại hội Đảng IX tiếp tục khẳng định: “Mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân tham gia các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, các hội nghề nghiệp, văn hóa, hữu nghị, từ thiện, nhân đạo” và “hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động không vì lợi nhuận mà vì nhu cầu và lợi ích của nhân dân”. Những tổ chức này được Nhà nước ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ, cung ứng một số dịch vụ công với sự giám sát của cộng đồng. Thông qua đó Nhà nước có thể tập trung sức lực để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng hơn.
Chiến lược phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam từ năm 2001 đến năm 2010, đã bắt đầu khuyến khích sự tham dự của người dân trong mọi mặt đời sống kinh tế chính trị và xã hội. Khẩu hiệu: “Dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra” đã dần dần có tác động đến hệ thống kinh tế chính trị xã hội ở từng cấp độ khác nhau. Các cơ hội cho người dân thông qua các tổ chức xã hội dân sự, tham gia cung cấp dịch vụ công và phản biện chính sách dần dần được mở ra. Cụ thể là:
Nghị định dân chủ ở cơ sở năm 2003 đã cho phép nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở, dưới sự giám sát của nhân dân chặt chẽ hơn trong các hoạt động của mình. Luật hợp tác xã đã thừa nhận hợp tác xã như một tổ chức tự nguyện hoạt động độc lập vì mục tiêu kinh tế xã hội, phục vụ trực tiếp cho lợi ích của xã viên. Nghị định 177, và gần đây là Nghị định 148 đã tạo điều kiện pháp lý ban đầu để hình thành nên các quỹ xã hội và nhân đạo. Nghị định 88/2003 là cơ sở để thành lập các hội, thừa nhận vai trò và chức năng nhiệm vụ cũng như quyền lập hội.

Yêu sách của Hồ Chí Minh tại Hội nghị Hòa Bình  Versailles năm 1919
Điều 3: Tự do báo chí
Điều 4: Tự do hội họp.
Điều 5: Tự do đi lại (xuất nhập cảnh), tự do cư trú.
Điều 6: Tự do giáo dục,và được lập trường kỹ thuật, trường chuyên nghiệp tại các tỉnh cho dân bản xứ.
Điều 7: Đòi thay thế chế độ ra sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật.
Điều 8: Đòi có đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ cử ra tại Nghị viện Pháp. 

Nhà nước bước đầu đã hỗ trợ kinh phí cho hội hoạt động có nhiệm vụ gắn với nhiệm vụ của Nhà nước (quyết định 21/2003/QĐ-TTG ngày 29/1/2003). Bên cạnh đó, Nhà nước cũng tạo điều kiện cho hội nhận tài trợ của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài (QĐ 64/2001/QĐ-TTG ngày 26/4/2001) và ban hành cơ chế tạo điều kiện cho hội tham gia tư vấn, phản biện, giám định xã hội (QĐ22/QĐ-TTG ngày 30/1/2002).
Tuy vậy, trên thực tế việc đăng ký và hoạt động của các tổ chức CSO ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do thiếu các quan hệ cá nhân và am hiểu về hệ thống pháp lý có liên quan đến các tổ chức CSO ở Việt Nam, cho nên việc đăng ký và hoạt động gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều văn bản pháp lý hạn chế sự tham gia của các tổ chức CSO trong việc cung cấp dịch vụ công, và phản biện chính sách. Bên cạnh đó, cấu trúc tổ chức của nhiều tổ chức còn chưa minh bạch theo các tiêu chuẩn quốc tế, dựa trên các quan hệ gia đình, niềm tin và tính trách nhiệm với xã hội còn hạn chế. Việc dựa vào các trợ giúp của gia đình trong giai đoạn đầu của phát triển CSO là quan trọng trong điều kiện thiếu các nguồn lực tài chính và nhân lực trong giai đoạn đầu. Nhưng sau đó, các mô hình này chưa minh bạch và hiệu quả như mô hình các tổ chức CSO hiện đại. Một số các CSO hoạt động luôn phụ thuộc vào nhà tài trợ nước ngoài, cản trở việc theo đuổi các nguyên lý và tầm nhìn của tổ chức.
Xã hội dân sự là một phần không thể tách rời của nền kinh tế thị trường lành mạnh và của Nhà nước dân chủ, được quản trị tốt với ba vai trò cơ bản về kinh tế, xã hội và chính trị. Tuy nhiên, xã hội dân sự cũng khác với Đảng phái chính trị trong việc không tham gia tranh chấp quyền lực. Bên cạnh đó cũng phải thừa nhận rằng hiện nay trên thế giới quan niệm cánh tả và trường phái tự do về xã hội dân sự tương đối khác nhau. Trong khi trường phái tự do hướng tới vai trò bảo vệ dân chủ và tự do cá nhân, giảm dần vai trò của Nhà nước thông qua cung cấp dịch vụ công, thì trường phái cánh tả hướng tới việc thông qua xã hội dân sự để đấu tranh tư tưởng và giai cấp. Tuy nhiên cho dù cách hiểu nào, thì các tính chất tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và vai trò của xã hội dân sự được thế giới và Liên Hiệp Quốc thừa nhận. Ở Việt Nam, về mặt khái niệm là chưa rõ, nhưng xét đến lịch sử về vai trò của xã hội dân sự là rất rõ ràng, và hiện tại Việt Nam đang chuyển đổi theo hướng mà hầu hết các quốc gia dân chủ trên thế giới thừa nhận.
————
*TS Viện Nghiên cứu Xã hội

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)