Xây dựng ĐH KH&CN trực thuộc Viện KH&CN Việt Nam: Trước hết cần có sự đồng thuận trong đánh giá

Buổi làm việc của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng đại diện các Bộ, ngành với lãnh đạo, các nhà khoa học Viện KH&CN Việt Nam về việc xây dựng Đại học KH&CN trực thuộc Viện KH&CN Việt Nam diễn ra vào 24/10/2007 cho thấy, cần có sự đồng thuận trong đánh giá về tiềm năng và những khó khăn giữa những người làm công tác quản lý và nhà khoa học trong việc xây dựng Đại học KH&CN trở thành trường đại học có trình độ đạt chuẩn quốc tế, và xa hơn, vươn tới lọt vào “Top 200” thế giới.


“Móng nhà” đã đủ chắc?
Kế hoạch xây dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế đã được ba “nhà”-nhà quản lý, khoa học và nhà giáo dục-“manh nha” từ nhiều năm trước. Việc xây dựng Đại học KH&CN là trường hợp được phác thảo trong kế hoạch đó, và mục đích của việc xây dựng xuất phát từ “nguồn tài nguyên” nhân lực và cơ sở vật chất sẵn có, cũng như vị trí của Viện KH&CN Việt Nam trong công tác đào tạo cán bộ. Các nhà quản lý và nhà khoa học tham dự buổi làm việc tin rằng, với nguồn “nội lực” tiềm tàng đó, nếu được “tận dụng và khai thác hết công suất” có thể xây dựng được một trường đại học có trình độ đạt chuẩn quốc tế, và xa hơn, vươn tới lọt vào “Top 200” thế giới
Như để chứng minh tiềm năng của một viện nghiên cứu đầu đàn, GS.Nguyễn Khoa Sơn-Phó chủ tịch Viện KH&CN Việt Nam nêu ra nhiều cái nhất: Đây là viện nghiên cứu lớn nhất cả nước gồm 26 viện chuyên ngành; một đội ngũ cán bộ mà không một viện nghiên cứu hay trường đại học nào khác có được: 2450 cán bộ khoa học với 61 giáo sư, 700 tiến sỹ và TSKH… Là một viện “gánh” cả công tác nghiên cứu và chức năng đào tạo bậc cao, ông Sơn cho biết thêm: “Hằng năm Viện KH&CN Việt Nam đào tạo hàng trăm tiến sỹ và thạc sỹ cho các viện nghiên cứu và cơ sở đào tạo trong nước”.

Viện KH&CN Việt Nam thì có khả năng trở thành một đại học, điều này không ai nghi ngờ. Nhưng có nâng lên đại học tầm cỡ quốc tế (world-class university) hay không là một vấn đề khác: vấn đề nghiên cứu khoa học. Ai cũng biết, năng suất và chất lượng nghiên cứu của Viện vẫn còn tương đối thấp; nhưng với cơ sở vật chất, con người và đầu tư, tình hình có thể có khả quan hơn. Không nên “khoa trương” có bao nhiêu tiến sỹ hay giáo sư, vì vấn đề không phải là con số, mà là làm được gì với lực lượng khoa học đó. Nếu lập một đại học mới có tầm vóc, theo tôi, định hướng của đại học nên thiên về nghiên cứu khoa học hơn là giảng dạy.
Ở Mỹ có Học viện Công nghệ California (Caltech) chỉ có khoảng 2000 sinh viên (mà trong số này hơn 50% là sinh viên sau cử nhân) nhưng số lượng giáo sư và giảng viên thì lên đến 1200, và do đó, sản lượng nghiên cứu khoa học của họ chỉ có thể mô tả là “tuyệt vời”: 31 giải Nobel, và mỗi năm công bố 2600 bài báo khoa học.  Ở Úc cũng có một trường đại học thuộc loại hàng đầu được thiết lập theo mô hình của Caltech nhưng ngân sách thấp hơn: đó là truờng Australian National University (ANU – Đại học Quốc gia Australia). Trường này chỉ có 13.000 sinh viên (trong số này có hơn 40% là nghiên cứu sinh sau cử nhân), và khoảng 1400 giáo sư và giảng viên với sản luợng khoa học trên 1900 bài báo khoa học hàng năm.  Chỉ trong vòng 50 năm, trường ANU trở thành một trong những trường hàng đầu trong vùng và trên thế giới.  Tôi hy vọng rằng mô hình của một đại học từ Viện KH & CN cũng theo định hướng như thế.
Theo tôi không nên đặt mục tiêu vào “Top 200” làm gì. Vấn đề chính là làm sao tạo điều kiện để cho đại học đó thực hiện tốt những nghiên cứu khoa học với chất lượng cao và gây ảnh hưởng trên trường quốc tế. Một khi đại học đã tạo tên tuổi trên trường khoa học quốc tế thì những danh hiệu “phù du” kiểu “Top 200” không phải là vấn đề chúng ta quan tâm.  Nên nhớ rằng mấy kiểu xếp hạng “Top” chỉ tương đối thôi.  Chẳng hạn như trường ANU năm 2006 đứng hạng 16 theo cách làm của tờ Times Higher Education Supplement, nhưng lại “tụt” xuống hạng 38 theo cách làm của tờ Newsweek! Chúng ta không nên quá quan tâm đến xếp hạng, bất cứ do ai làm, mà nên quan tâm đến việc làm thực tế của mình có đem lại lợi ích cho ai không.
Yếu tố Việt kiều quan trọng. Một số giáo sư và nhà khoa học gốc Việt ở nước ngoài có kinh nghiệm về hoạt động khoa học và khoa bảng lâu năm, là một nguồn nhân lực cần thiết cho một đại học mới ở nước ta. Cho dù các nhà quản lý và giáo sư trong nước giỏi đến mấy đi nữa, nếu không va chạm, cọ sát với thực tế ở ngoài thì khó mà nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế.
GS.Nguyễn Văn Tuấn (Viện nghiên cứu y khoa Garvan, Sydney, Australia) 

Với “đội quân” hùng hậu như vậy và cơ sở vật chất, được GS.Nguyễn Khoa Sơn cho biết là “đồng bộ với nhiều máy móc hiện đại tầm cỡ khu vực và thế giới-có 4 trong tổng số 17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia được Nhà nước đầu tư”, thì những sản phẩm KH&CN được “ra lò” cũng phải thuộc hàng “top” cả nước cả về chất lượng lẫn quy mô. Và ngay trong kế hoạch 2007-2012, Chính phủ cũng đã “đặt hàng” 13 sản phẩm KHCN trọng điểm quốc gia như: vệ tinh nhỏ giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai VNREDSat-1, tàu thủy điện khí động thử nghiệm, thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy HEANTOS, vacxin cúm A/H5N1 cho gia cầm, hệ thống báo động đất và cảnh báo sóng thần cho Việt Nam,…Để thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Chính phủ tin tưởng giao, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, “Phải làm sao hình thành các chuỗi phòng thí nghiệm trọng điểm. Viện KH&CN Việt Nam phải là nơi chủ trì những sản phẩm có tầm cỡ quốc gia, đi đầu làm chủ các công nghệ. Và đặc biệt, phải tìm được những địa chỉ ứng dụng hiệu quả cao”. Bên cạnh đó Phó Thủ tướng cũng đặt ra câu hỏi cho các lãnh đạo và tập thể cán bộ Viện là, “Viện KH&CN Việt Nam phải phát triển và ứng dụng KH&CN khác với các viện và trường  đại học khác như thế nào?”.
Tuy nhiên, song song với những thành tựu lạc quan mà lãnh đạo Viện KH&CN Việt Nam báo cáo, ông Cao Viết Sinh-Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư-lại có cách nhìn nhận khác. Theo ông Sinh, khi nhìn lại nền KH&CN Việt Nam chúng ta phải “giật mình”. Rồi ông đưa ra so sánh, “Tỷ trọng xuất khẩu công nghệ của Việt Nam chỉ chiếm 6% trong khi Malaysia là 55%”. Sau khi nghe lãnh đạo Viện đưa ra con số 1000 bài báo khoa học được “xuất xưởng” trong 5 năm, ông Sinh làm phép tính: “Như vậy chia đều mỗi năm là 200 bài. Nếu đem so với 3500 con người thì ít quá!”. Ông Thang Văn Phúc-Thứ trưởng Bộ Nội vụ- cho biết, “Viện Nông nghiệp với gần 30 viện chuyên ngành nhưng sản phẩm thì không tương xứng”. Tuy không hoạt động trong “địa hạt” KH&CN, nhưng ông cũng phải thốt lên, “KH&CN Việt Nam đang ở đâu?!”.
Do vậy, vấn đề được đặt ra khi Đại học KH&CN, theo như ông Nguyễn Khoa Sơn, “đào tạo ra các chuyên gia có năng lực cả về chuyên môn lẫn thực hành tương đương với những người tốt nghiệp các trường đại học vào loại khá trong khu vực và quốc tế”, thì bài toán tiếp theo vẫn phải là sử dụng họ như thế nào? Và ngay cả đối với bài toán đào tạo thì liệu 169 con người có “đủ tiêu chuẩn” tham gia giảng dạy sẽ có bao nhiêu người có trình độ đạt chuẩn quốc tế để có thể đào tạo ra lớp nhà khoa học hậu bối có trình độ tương đương khu vực và quốc tế? Và những tiêu chuẩn cùng với các tiêu chí đưa ra được căn cứ vào cơ sở và thời điểm nào? Lời giải vẫn phải là, muốn xây nhà cao thì phải có móng chắc.

“Giữ chân” người tài
Chính vì có sự nhìn nhận khác nhau nên cần thiết phải có tổng kết chi tiết thực trạng KH&CN nước nhà để tìm ra “bài thuốc đặc trị” cho cả công tác quản lý và hoạt động nghiên cứu. Ý kiến của một số Bộ đều nhất quán rằng, cần phải đặc biệt tăng cường đồng bộ chất lượng sản phẩm nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm KH&CN. Nhưng để làm được điều đó thì yếu tố quyết định là cần phải có đủ người tài. Hầu  hết đại diện các Bộ, ngành đều tán thành việc xây dựng Đại học KH&CN như là nơi để “sản sinh ra những chuyên gia khoa học đầu ngành”. Và như Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói, “Ngoài chức năng thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, thì Viện vẫn còn thiếu chức năng là nơi sản sinh ra những tri thức mới của dân tộc”. Với lợi thế “bất khả chiến bại” của Viện nên cả nhà khoa quản lý, nhà khoa học và nhà giáo dục đều mong muốn Đại học KH&CN sớm “vào cuộc”. Và như ông Bành Tiến Long-Bộ GD&ĐT-kiến nghị, “Với 169 cán bộ của Viện có thể tham gia giảng dạy hiện nay thì phải nhanh chóng chuẩn bị cơ sở vật chất để có thể tuyển sinh khóa đầu tiên vào 2008”.
Mục tiêu vươn tới được các nhà hoạch định đưa ra là Đại học KH&CN sau này sẽ trở thành “đầu tàu” cả nước tiến hành chương trình đào tạo bậc cao. Tuy nhiên một số đại biểu cho rằng, việc đào tạo bậc cử nhân chỉ nên chú trọng vào một số ngành thuộc lĩnh vực công nghệ mới và công nghệ cao. Khoảng cách về KH&CN của nước ta bị bỏ xa thế giới nên tăng cường đào tạo bậc cao sẽ tạo động lực đẩy nhanh hội nhập, rút ngắn khoảng cách công nghệ. Theo ông Thang Văn Phúc thì “phải có tiến sỹ mới “ăn cắp”được công nghệ tiên tiến của nước ngoài”. Tuy nhiên, với cơ chế hiện nay, đại diện các Bộ đều lo ngại hiện tượng “chảy máu chất xám” và “thoái hóa chất xám” càng ngày càng gia tăng. Cho nên phải đưa ra một loạt chính sách có động lực và đường lối rõ ràng, rành mạch. Ông Phúc nhận định, “Nếu không có chính sách nuôi dưỡng nhân tài thì những người giỏi sẽ không trung thành. Phải cố gắng làm sao để giữ lại được những người này trong cơ quan công. Còn nếu tiếp tục đối xử hành chính thì họ, hoặc sẽ ra nước ngoài, hoặc sẽ đổ vào những công ty đầu tư nước ngoài và công ty tư nhân”. Đồng tình với nhận định của đại diện Bộ Nội vụ, một đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, phải có cơ chế tài chính phù hợp. Nếu làm không khéo nhân tài sẽ “chảy” hết ra khỏi các cơ quan Nhà nước”. Ông ví von, “cơ chế tài chính khuyến khích người tài bây giờ giống như cảnh “đánh cá xa bờ”: cho vay ưu đãi trong quá trình học, khi tốt nghiệp lương thấp, không trả được nợ để rồi cuối cùng lại…xóa nợ”. Một vị đại diện Bộ Công Thương phân tích, “Doanh thu của Viện KH&CN Việt Nam đạt 100 tỷ mỗi năm. Nếu đem chia bình quân cho 3500 con người của Viện thì việc trả lương đã chiếm tới 80% doanh thu. Và với mức lương đó chưa thể thu hút người tài được”. Đối với những nhà khoa học Việt kiều, để “giữ chân” họ, theo ông Phúc, tiền công phải trên cơ sở thỏa thuận. Còn theo như ông Lê Đình Tiến-Thứ trưởng Bộ KH&CN-thì “cơ chế tài chính chưa đưa ra mức lương trả choViệt kiều cũng như các chuyên gia nước ngoài một cách xứng đáng”. Về vấn đề này, GS.Đặng Vũ Minh-Chủ tịch Viện KH&CN Việt Nam-cho biết, “Đối với Viện KH&CN Việt Nam, trong 4 năm qua, tình trạng chảy máu chất xám đã dừng hẳn. Nhưng việc thu hút chuyên gia Việt kiều còn nhiều yếu kém”.
Như vậy, trong hoạt động KH&CN vẫn tồn tại hai cách nhìn nhận khác nhau: một bên là những người “cầm cân nảy mực” các hoạt động KH&CN, còn một bên là những nhà khoa học già cội. Và ngay cả đối với những người làm quản lý thì cách nhìn nhận vẫn tồn tại nhiều khác biêt. Chỉ khi nào có được sự đồng thuận cao để cả những người làm công tác quản lý khoa học và nhà khoa học đưa ra những đánh giá trùng lặp thì mới tạo ra loạt chính sách có động lực và đường lối rõ ràng, rành mạch cho sự phát triển KH&CN nước nhà. Còn như hiện nay, khi sự đồng thuận đó chưa có thì việc xây dựng một đại học đẳng cấp quốc tế vẫn còn thiếu cả điều kiện cần lẫn điều kiện đủ.
Có quyền tự chủ cao về tổ chức và hoạt động và được đầu tư theo cơ chế tài chính cấp 1, nhưng xét về mục tiêu kế hoạch một trường đại học dần đạt chuẩn quốc tế thì kinh phí không phải là nhiều. Vì vậy ông Bành Tiến Long cho rằng, “là con nhà nghèo, phải biết làm để tiền đầu tư không lớn nhưng đạt hiệu quả cao”.

Đức Phường

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)