Xây mới là tốt nhất
Nhà nghiên cứu giáo dục, TSKH. Lê Ngọc Trà trả lời phỏng vấn về việc xây dựng một trường đại học mang tầm quốc tế tại Việt Nam
TSKH Lê Ngọc Trà: Tôi rất mừng khi biết tin này. Giáo dục đại học VN đang cần một cú hích. Có thể xem đây là một trong những cú hích đó. Chúng ta đang thiếu một trường đại học mang tầm vóc quốc tế. Một trường đại học như vậy không chỉ là mong ước của giới khoa học mà còn đem lại niềm hãnh diện chính đáng cho VN. Nhất là đại học này sẽ gắn bó với tên tuổi của một đại học hàng đầu của Mỹ và của thế giới là Harvard.
Giới học giả và người dân nói chung cho rằng hệ thống giáo dục của VN chưa xứng đáng với tiềm năng của chính nó, cũng như sự kì vọng của xã hội. Với ông, trong một vài ý chính, có thể nói lên được lý do tại sao không?
TSKH. Lê Ngọc Trà |
Mặt khác, sự trách cứ giáo dục đại học là do nhìn vào tiềm năng của nó. Đúng là tiềm năng rất lớn. Số người đi học rất đông. Số lượng sinh viên trong 15 năm tăng hơn 10 lần. Đội ngũ trí thức đã và đang được đào tạo từ Đông Âu và Phương Tây khá đông, trong đó không ít người xuất sắc. Đó là tiềm năng về tiền và chất xám. Có một tiềm năng như vậy mà không phát triển được giáo dục đại học xứng đáng với sự mong đợi của xã hội rõ ràng là có vấn đề.
Nhưng vấn đề ở đây không chỉ là vấn đề của giáo dục mà trước hết là vấn đề của xã hội, nói đúng hơn là của Nhà nước, của Chính phủ. Tiềm năng là một việc mà phát huy được tiềm năng là việc khác. Muốn huy động được tiềm năng phải có những quyết sách ở cấp vĩ mô. ở đây rõ ràng không thể chỉ trách cứ và trông đợi vào bản thân ngành giáo dục.
Phải chăng việc xây dựng trường ĐH này là để đáp ứng lại sự “thiếu vắng” đó? Theo ông, kế hoạch này khả thi hay là ảo tưởng, nếu so với điều kiện thực tế? Tại sao?
Như tôi đã nói, xây dựng đại học này là một cú hích. Một quyết định như vậy thể hiện một cách nhìn mới, có tính đột phá. Nó nói lên đã có một sự thay đổi chính sách ở cấp vĩ mô.
Đó là một dấu hiệu mới, đáng mừng. Tuy nhiên để thực hiện được cần phải có một quyết tâm rất lớn, trước hết là về nhận thức. Chúng ta đã sẵn sàng cho điều đó chưa? Theo tôi chưa hoàn toàn, nhưng đang trên đường đi đến đó. Cái quan trọng là chúng ta không thể dừng lại, càng không thể lùi, vậy là chỉ còn một cách là phải đi tới. Đi nhanh hay chậm là tùy thuộc vào bên trên. Trên như thế nào, chúng ta chỉ biết mong đợi. Dẫu sao chúng ta cũng có quyền hy vọng bởi đây là đề nghị của Thủ tướng. Chúng ta không phải là nước đầu tiên xây dựng đại học có chất lượng quốc tế, thậm chí gần như lại là nước cuối cùng ở Đông á và Đông Nam á làm việc này. Bởi vậy chẳng có lý do gì để xem nó là quá ảo tưởng. Còn nếu nó quả thật là ảo tưởng thì đúng là đáng buồn.
Nếu khả thi, theo ông, VN có đủ người có chuyên môn để giảng dạy không? Tuyển chọn giảng viên? Và những sinh viên như thế nào sẽ được theo học? [với quan điểm sinh viên là trung tâm]
Trước mắt nếu làm ồ ạt thì chắc chắn sẽ gặp khó khăn về đội ngũ giáo viên. Nhưng trong Dự án cũng nêu rõ là “Không thể xây dựng một trường đại học hàng đầu trong một sớm một chiều” và lấy cách tổ chức theo mô-đun làm chính. Theo phương thức này, chúng ta sẽ có đủ thời gian để chuẩn bị đội ngũ người dạy. Hiện nay ở rải rác các trường đại học cũng có không ít các chuyên gia giỏi. Trong số sinh viên VN đang học hoặc đã tốt nghiệp và ở lại làm việc ở nước ngoài, có một số người giỏi và tâm huyết với sự phát triển của đất nước. Nếu có chính sách đúng họ sẽ về nước giảng dạy. Đó là chưa kể các giáo sư Việt kiều và người nước ngoài có nguyện vọng làm giáo sư thỉnh giảng (visiting professor) trong 6 tháng- 1 năm.
Về phía sinh viên dĩ nhiên cũng sẽ có sự sàng lọc rất lớn. Hiện nay mỗi năm có hàng ngàn sinh viên đi du học. Nếu trong nước có đại học chuẩn quốc tế, nhiều người sẽ theo học. ở thành phố Hồ Chí Minh nhiều trường tiêu chuẩn quốc tế có mức học phí rất cao, tính ra không kém đại học ở nước ngoài nhiều vậy mà vẫn thu hút rất đông học sinh.
Hiện nay Nhà nước có ngân sách đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài. Theo tôi sau này cần dành một phần ngân sách này cho đại học chuẩn quốc tế để đào tạo nhân tài ngay trong nước, vừa tiết kiệm ngoại tệ, vừa đáp ứng được nhiều yếu tố khác. Sinh viên học ở đây phải là những người giỏi. Nếu học thật sự giỏi nhưng không có tiền thì nhà nước phải hỗ trợ.
Nhiều người cho rằng với lối dạy-học thụ động, đọc chép và kiến thức một chiều như hiện nay, trường lập ra sẽ bị bỏ trống; hoặc giống như các trường phổ thông-quốc tế khác tại VN, chỉ làm mỗi 2 việc: thu học phí thật cao và dạy mỗi môn ngoại ngữ, còn các kiến thức khác vẫn xa rời thực tế. Ông nghĩ sao?
Tôi không nghĩ như vậy. Với một cách tổ chức và quán lý như đề án đã nêu ra, với một đội ngũ giáo viên được tuyển chọn và trả lương đầy đủ, với quan hệ mật thiết với các đại học Mỹ, trường sẽ có những sinh viên khác và cách đào tạo khác, đáp ứng được mong mỏi của người học và của xã hội.
Ông Henry Rosovsky [nguyên Hiệu phó ĐH Harvard] cho rằng, những vấn nạn của ĐH VN bắt rễ từ cơ chế quản lí tập trung và sơ cứng; không gian học thuật chưa đủ tự do-kích thích phát triển tài năng; thiếu ổn định về tài chính và khả năng sử dụng ngoại ngữ của giảng viên rất thấp…. Là người ở trong cuộc, theo ông, phải đề cập hay làm rõ đến những yếu tố nào nữa?
Tôi đọc đề án thấy họ hiểu rất rõ VN. Nhưng vấn đề mà họ nêu lên đều là những bức xúc có thật của giáo dục đại học VN. Đây là những vấn đề rất then chốt, cơ bản. Nếu cần nói rõ thêm một số vấn đề khác theo tôi nên lưu ý đến vấn đề tư duy đại học, chương trình đào tạo, cách tuyển chọn giáo viên, phương pháp dạy và học cũng như những điều kiện đảm bảo cho một lối học theo phong cách đại học. Nhiều năm qua đại học ở ta bị cư xử và tự cư xử với mình chỉ như một trường có quy mô lớn, trường cấp 4 hơn là một trường đại học theo đúng nghĩa của nó. Người học vẫn bị xem là “học sinh” hơn là “sinh viên”. ở khá nhiều trường, chương trình đào tạo vừa cũ về quan niệm, vừa lạc hậu về kiến thức. Trong tuyển chọn giáo viên, một mặt nhân tài không được trọng dụng như Đề án có nêu, mặt khác lại có khá đông những người trình độ chuyên môn không có gì nổi bật, không có năng lực nghiên cứu nhưng vẫn được giữ lại, dần dần trở thành gánh nặng của trường mà theo cơ chế và tập quán như hiện nay thì không thể đưa đi đâu được. Đối với sinh viên thì do thiếu sách, vở, thư viện, phòng học cũng như do phương pháp giảng dạy của thầy, cách học phổ biến vẫn là đến lớp nghe giảng, chép bài và học thuộc. Kỹ năng tự học và tự nghiên cứu rất yếu.
Ông Henry Rosovsky cũng cho rằng VN đang có, và có rất dồi dào, hai trụ cột của nền giáo dục ĐH, đó là nhân tài và tiền. Vấn đề là làm sao sử dụng nhân tài [nhân tài đang ở đâu?], và làm sao tập trung tiền [chắc chắn không phải từ học phí]. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Tôi đồng ý với nhận xét cho rằng VN khá dồi dào về nhân tài và tiền. Nói chính xác hơn là có tiềm năng dồi dào về nhân tài và tiền. Làm thế nào để phát huy tiềm năng về chất xám, nhân tài- đó là bài toán đã có lời giải, dư luận đã bàn nhiều, cái còn lại là phải có chính sách đúng và quyết tâm thực hiện. Bài học về lúa gạo vẫn đang còn đó. Từ chỗ đói, thiếu lương thực đến chỗ trở thành quốc gia xuất khẩu gạo đứng nhì thế giới, tất cả chỉ do sự thay đổi của đường lối, chính sách mà có được như nhờ một phép mầu. Tiền cho đại học cũng vậy. Lâu nay chỉ có tiền từ nhà nước mà nhà nước thì nghèo. Tại sao không đưa vào học phí? [Hiện nay các đại học dân lập không sống bằng học phí thì tồn tại bằng gì?]. Tại sao không đưa vào doanh nghiệp? ở Mỹ, nếu không có doanh nghiệp làm sao có Đại học Harvard hay Stanford như hiện nay? Vấn đề cũng lại là chính sách, cách huy động. Bản đề án đề nghị Chính phủ VN cam kết dành cho đại học chuẩn quốc tế này 100 triệu USD trong vòng từ 5-10 năm. Nghĩa là mỗi năm cần khoảng 150-200 tỷ đồng VN. Đó là con số hoàn toàn hiện thực. Không kể hai Đại học Quốc gia ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hiện nay nhiều trường đại học lớn mỗi năm được cấp khoảng một nửa số tiền như vậy, còn số tiền mà các trường tư làm ra được còn lớn hơn.
Cũng theo ông Henry Rosovsky, trường phải có 2 đồng chủ tịch, một học giả lỗi lạc của Mĩ, và một nhân vật xuất chúng của VN. Điều kiện cho vị chủ tịch phía VN là phải am hiểu về giáo dục; không đang giữ các chức danh quản lí trong hệ thống giáo dục hiện nay. Còn hiệu trưởng thì do một học giả hoặc nhà lãnh đạo về hưu của VN phụ trách. Về đề xuất này, ở khía cạnh nhân lực, phải chăng có vướng mắc gì đấy?
Tôi cũng không biết có vướng mắc gì không, nhưng theo tôi giải pháp này là cần thiết. Có một chuyên gia giỏi ở bên cạnh tức là không phải đi đâu xa để học. Họ lại có thể luôn cùng mình trao đổi, thảo luận và tìm cách giải quyết. Như vậy để đạt được kết quả tối ưu. Và cái chính cũng không phải là cá nhân nhà học giả Mỹ nào đó mà quan trọng là phía sau ông ta, tức giới đại học Mỹ, chất xám, kinh nghiệm, quan hệ của họ. Ông ta chỉ là người đại diện, là đầu mối, sự liên kết. Yếu tố này rất quan trọng. Ngoài ra sự có mặt của chuyên gia nước ngoài với tư cách là đồng Chủ tịch Hội đồng quản trị hay Hiệu phó cũng có một ý nghĩa khác. Họ sẽ phát hiện hoặc nhắc mình đi đúng chiến lược đã vạch ra, tránh sự tùy tiện hay “làm theo cách của ta” như lâu nay vẫn thấy, kết quả là không đảm bảo được chuẩn. Về phía VN, nếu người đứng đầu không am hiểu về giáo dục cũng sẽ rất khó cộng tác với vị đồng Chủ tịch hay Hiệu phó là người nước ngoài và nếu người đó lại là quan chức đương nhiệm thì lại càng khó hơn. Sẽ có thể có tình trạng khoán trắng cho đối tác vì quá bận hay ít hiểu biết hoặc ngược lại không có khả năng chia sẻ được các ý tưởng chung do không am hiểu hay quen cách tư duy hành chính, mệnh lệnh. Những đề xuất nêu ra trong đề án có lẽ đã được rút ra từ những bài học không thành công trong quản lý giáo dục ở VN. Tôi nghĩ như vậy cũng là phương án hợp lý.
Cuối cùng, để có được ĐH mơ ước này, chúng ta có 3 lựa chọn: cải tổ-phục hồi các ĐH sẵn có; hình thành các chi nhánh hay đơn vị vệ tinh của ĐH nước ngoài; và xây dựng một ĐH mới hoàn toàn. Theo ông, lựa chọn nào là khả thi?
Theo tôi xây mới hoàn toàn là tốt nhất.
* PGS.TS Trần Văn Bình – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về quản lý – ĐH Bách khoa Hà Nội: Hiện nay người ta đang nói nhiều về việc thành lập Trường đại học đẳng cấp quốc tế (ĐHĐCQT) ở VN. Thực ra việc thành lập một trường như thế, các nước trong khu vực đã làm từ lâu rồi. Nếu mạnh như Hàn Quốc, chúng ta có thể bỏ ra mấy trăm triệu đô la, xây dựng cơ sở vật chất trang thiết bị, mời giảng viên (GV) nước ngoài và các nhà khoa học người Việt ở nước ngoài về đào tạo, giảng dạy. Nhưng đấy là cách làm của những đất nước nhiều tiền. Chúng ta mới chỉ có tiềm năng về tiền chứ chưa thực sự giàu có. Không có tiền, thì lộ trình để hướng tới điều đó phải dài hơn. Chúng ta chưa thể làm gì khác ngoài việc mở cửa hợp tác với các trường ĐH nước ngoài. Cử cán bộ ra nước ngoài học tập theo hướng đào tạo lại. Đối với các trường do nhà nước cấp bằng, cũng có thể tạo điều kiện mời GV nước ngoài làm việc với GV trong nước, họ hướng dẫn giảng dạy về lý thuyết, ta dạy về thực hành, bài tập, phương pháp sử dụng tài liệu…Dần dần tiếp thu công nghệ của họ tiến tới chuyển giao toàn phần. Khi năng lực của cán bộ được nâng lên thì việc xây dựng cơ sở vật chất mới có hiệu quả không lãng phí, còn như bây giờ, xây dựng mà không có con người đủ khả năng giảng dạy, sử dụng cơ sở vật chất đó thì cũng chẳng đi đến kết quả gì.
* Tống Văn Trọng – SV năm thứ 4 Khoa Điện tử Viễn thông – Trung tâm Đào tạo Tài năng ĐH Bách khoa Hà Nội:
Mặc dù so với các trường ĐH hiện nay, chúng tôi đang được hưởng một chương trình đặc biệt, giáo trình tốt hơn, điều kiện học tập tốt hơn, nhưng nếu so với nhịp độ phát triển của giáo dục hiện đại, rõ ràng vẫn rất lạc hậu. Không có giáo trình chuẩn, phương pháp dạy học của thầy chủ yếu vẫn là dạy cho trò cấp III, thiết bị thực hành thí nghiệm nghiên cứu chưa đồng bộ… Cho nên, nếu “copy” được một trường ĐH danh tiếng như Havard để thí điểm xây dựng ở VN, thì có lẽ không còn gì tốt hơn cho việc cải tiến giáo dục đào tạo của ta nữa.
* Hoàng Quỳnh Nga – SV năm thứ 4 lớp chất lượng cao (CLC) khoa văn – Trường ĐH Khoa học xã hội nhân văn: Tôi thấy ý tưởng thành lập một trường ĐHĐCQT ở Việt Nam là điều hoàn toàn nên làm. Đó sẽ thực sự là một cuộc thay máu đối với nền giáo dục đại học đã quá cũ kỹ, nhiều khuyết tật và hiệu quả hoạt động không cao như ở ta hiện nay. Một trường ĐH như vậy sẽ là nguồn thu hút nhân tài, vật lực trong nước, thay vì phải đi du học xa, sinh viên có thể chọn lựa học tập trên chính đất nước mình với chất lượng đào tạo không thua kém. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với những sinh viên khối xã hội chúng tôi, khi mà mỗi nghiên cứu của chúng tôi đều phải gắn liền với thực trạng xã hội, với tình hình văn học đang chuyển biến từng ngày của Việt Nam.
Nguồn tin: Tia Sáng