Xuất siêu chưa hẳn là điều đáng mừng

Cán cân thương mại Việt Nam – Mỹ với phần thặng dư về phía Việt Nam những năm qua thoạt nhìn có vẻ như một tín hiệu tốt cho Việt Nam, góp phần bù đắp phần nhập siêu mà Việt Nam đang phải gánh trong quan hệ thương mại với một số quốc gia khác, đồng thời giúp duy trì tăng trưởng GDP khá cao so với mặt bằng chung trên thế giới. Tuy nhiên điều này cũng cho thấy những vấn đề tồn tại mang tính lâu dài.


Ảnh: Tạp chí Công thương. 

Trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2019, thương mại hàng hóa Việt Nam – Mỹ đã tăng gấp 4,2 lần, từ mức tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt 18 tỷ USD ghi nhận trong năm 2010 lên mức 76 tỷ USD trong năm 2018. Tính toán cho thấy tốc độ tăng xuất nhập khẩu của Việt Nam đi Mỹ  bình quân trong giai đoạn 2010 – 2019 đạt 17,6%/năm, tăng từ mức 14,24 tỷ USD của năm 2010 lên 61,3 tỷ USD của năm 2019. Đáng chú ý, xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam năm 2019 tăng 25,6% so với 2018.

Xem xét tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và một số thị trường lớn cho thấy quan hệ thương mại giữa Việt Nam – Mỹ và Việt Nam – EU có thặng dư, các nước khác như Trung Quốc , Hàn Quốc, ASEAN thặng dư thương mại là âm. Đối với Mỹ thặng dư thương mại đến năm 2019 là gần 47 tỷ USD, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ tăng bình quân trong giai đoạn 2010 – 2019 là 18,2%, xuất siêu riêng năm 2019 tăng 35,1%. so với năm 2018. Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc và Hàn Quốc, Việt Nam luôn có thặng dư thương mại âm, bình quân từ 2010 – 2019 Việt Nam tăng nhập siêu từ Trung Quốc và Hàn Quốc tướng ứng là 12% và 17%; năm 2019 tăng trưởng về nhập siêu giữa Việt Nam và Trung Quốc so với 2018 là 41%; năm 2010 nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc là 12,5 tỷ USD, thì năm 2019 nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc là 34,1 tỷ USD tăng 2,7 lần. Như vậy nếu không có khoản thặng dư thương mại với Mỹ thì GDP của Việt Nam có thể không đạt mức cao như trong những năm vừa qua.

Xuất nhập khẩu Việt Nam và một số nước. Đơn vị: Triệu đồng. 

Nguồn: TCTK https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=720

Bảng dưới cho thấy tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đi Mỹ chiếm trong tổng xuất khẩu hàng hóa tăng 3,51 điểm phần trăm, từ 19,71% năm 2010 lên 23,22% trong năm 2019; trong khi đó tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ trong tổng nhập khẩu hàng hóa chỉ tăng 1,23 điểm phần trăm. 

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê trong Cơ sở Thống kê dữ liệu Thương mại của Cơ quan Thống kê Liên Hợp quốc (UNCOMTRADE), Việt Nam chỉ là quốc gia xếp thứ 31 về nhận xuất khẩu từ Mỹ và hàng hóa xuất khẩu sang Việt Nam chỉ chiếm 0,5% trong tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Mỹ. Cũng theo nguồn số liệu này, ở chiều ngược lại Việt Nam xếp vị trí thứ 12, chiếm tỷ trọng 2% trong tổng trị giá nhập khẩu vào Mỹ.

Tỷ trong xuất nhập khẩu với Mỹ và Trung Quốc (%). Nguồn: TCTK

Ai thực sự hưởng lợi từ thặng dư thương mại với Mỹ?

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan năm 2018, hàng dệt may là nhóm mặt hàng có trị giá xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang thị trường Mỹ chiếm 29% trong tổng xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, các nhóm mặt hàng lớn tiếp theo: giày dép các loại chiêm 12% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, điện thoại các loại và linh kiện 12%; gỗ và sản phẩm gỗ  chiếm 8%; máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng chiếm 7%… Năm 2019, theo trang UStradenumber, nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào Mỹ là điện thoại di động, thiết bị liên quan; nội thất và các cấu kiện; giày thể thao, giày dệt khác; đồ gỗ và chip máy tính –– chiếm 34,91% trong tổng số.

Rất khó tìm kiếm số liệu về xuất khẩu theo thành phần sở hữu, tuy nhiên theo số liệu tổng quát cho thấy với những sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam đi Mỹ như trên có thể thấy xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ cơ bản của khu vực FDI. So sánh số liệu trên website của Tổng cục Thống kê cho thấy xuất siêu của khu vực FDI thường đi đôi với việc chi trả sở hữu thuần (luồng tiền chảy ra nước ngoài) trong năm kế tiếp thường rất cao và tình hình này ngày một trầm trọng, mấy năm gần đây luồng tiền chảy ra nước ngoài cũng tương đương với con số xuất siêu của khu vực FDI. 

Do đó việc thặng dư thương mại dương giữa Việt Nam với Mỹ về thực chất Việt Nam không được hưởng lợi nhiều. Việc xuất siêu thông qua chủ yếu từ khu vực FDI không làm tăng nội lực của nền kinh tế Việt Nam, thậm chí càng xuất siêu nội lực của nền kinh tế có thể càng bị bào mòn. Thặng dư thương mại về hàng hóa dương dựa vào FDI chỉ có tác dụng tô vẽ thành tích ảo qua chỉ tiêu ít ý nghĩa GDP, nhưng nội lực thực sự của nền kinh tế trong dài hạn thông qua chỉ tiêu tiết kiệm ngày càng bị thu hẹp. Tiết kiệm là nguồn cơ bản để tái đầu tư, vì vậy nếu tiết kiêm của nền kinh tế bị bào mòn thì để đầu tư cho chu kỳ sản xuất sau chúng ta lại phải đi vay khiến nợ công và nợ của nền kinh tế lại tăng lên.

Tiết kiệm, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP

Tính toán từ bảng cân đối liên ngành của Việt Nam cho thấy những sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ lan tỏa đến giá trị tăng thêm thấp nhất trong các nhóm ngành kinh tế, nhưng lại lan tỏa đến nhập khẩu rất lớn. Đối với các ngành hàng điện tử, máy tính, điện thoại và linh kiện của chúng, trong 100 USD thu từ xuất khẩu chỉ tạo ra 27 USD giá trị tăng thêm và 14 USD đến thu nhập của người lao động trong nước. Còn đối với sản phẩm dệt may, giầy da xuất khẩu, trong 100 USD thu từ xuất khẩu chỉ tạo ra 31 USD giá trị tăng thêm và 18 USD thu nhập của người lao động trong nước.

Đây là lý do chúng ta không nên chỉ say mê chạy theo những thành tích bề nổi như xuất khẩu hay GDP. Việc xuất siêu vào Mỹ và một số nước khác trên thực tế không mang lại nhiều lợi ích cho người dân và nền kinh tế Việt Nam. Lợi ích phần lớn rơi vào các nước chủ sở hữu các doanh nghiệp FDI và các nước xuất khẩu yếu tố đầu vào cho sản xuất tại Việt Nam.

Để tăng “hàm lượng Việt Nam” trong chuỗi giá trị xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ và các quốc gia khác, Việt Nam không thể chỉ hô khẩu hiệu mà cần thay đổi thực chất về cấu trúc đầu vào. Điều này đồng nghĩa với thúc đẩy khu vực trong nước phát triển sản phẩm phụ trợ thay vì chú trọng ưu đãi các doanh nghiệp FDI mang năng tính gia công, lắp ráp để đạt được những chỉ số GDP hào nhoáng trước mắt nhưng không bền vững về lâu dài. Đến lúc nào đó Việt Nam sẽ không còn hoan hỷ với việc có thể thay thế Trung Quốc thành công xưởng của thế giới. Cấu trúc kinh tế cùng sự thiên lệch trong việc ưu tiên các doanh nghiệp FDI xuất khẩu theo cách hiện nay không mang lại nhiều giá trị tăng thêm, thậm chí còn làm hao mòn nguồn lực trong nước.

Tài liệu tham khảo
https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=720
https://www.imf.org/en/Countries/VNM
https://www.customs.gov.vn/Lists/TinHoatDong/ViewDetails.aspx?List=d46d405b%2D6620%2D4748%2Daee7%2D07b0233fdae6&ID=28392&Web=c00daeed%2D988b%2D468d%2Db27c%2D717ca31ae3ff
https://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:Lt-BXGQ3zF8J:https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53915790+&cd=1&hl=en&ct=clnk&gl=vn
https://www.ustradenumbers.com/country/vietnam/
Bui Trinh “Supply Size in Exports: Expansion Input-Output Analysis Approach” International Journal of Economics and Financial Research,Volume 6 Number 8 August 2020
Bùi Trinh “Thấy gì qua đột biến xuất siêu?” Bizlive, 08/2020

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)