10 năm mở đường bảo tồn di sản các nhà khoa học

Tại sự kiện kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Di sản các Nhà khoa học Việt Nam và Công viên di sản các Nhà khoa học Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Huy đã gọi đây là “Hành trình từ không đến có” - chặng đường chứng kiến nhiều khó khăn và nỗ lực trong việc mở đường cho lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản các nhà khoa học Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy nhìn nhận lại 10 năm đầu hoạt động của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Ảnh: CPD.

Nhìn lại 10 năm hoạt động, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn, Phó chủ tịch Hội đồng cố vấn của Trung tâm Di sản Nhà Khoa học Việt Nam (Trung tâm), đã khái quát những đặc điểm nổi bật của Trung tâm: 
Trung tâm tập trung ưu tiên nghiên cứu, sưu tầm, cấp cứu di sản của các nhà khoa học, bởi nhận thức sâu sắc rằng nếu không được cấp cứu thì chỉ trong thời gian ngắn những tài liệu và ký ức của nhiều nhà khoa học sẽ biến mất khỏi thế giới này. Những ví dụ điển hình như vào năm 2012, Trung tâm tiếp cận sưu tầm tài liệu của các nhà khoa học ở Bộ môn Miễn dịch – Sinh lý bệnh (ĐH Y Hà Nội) khi nhiều tài liệu đã bị côn trùng phá hoại. Năm 2015, Trung tâm đã kịp ghi lại một phần ký ức về hoạt động nghiên cứu âm nhạc của GS.TS Trần Văn Khê chỉ một tháng trước khi ông qua đời ở tuổi 95. Hay từ năm 2011 – 2017, Trung tâm đã sưu tầm được nhiều tài liệu, sách báo, bản thảo viết tay và đồ dùng của GS.TSKH Vũ Đình Cự để lại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sau khi ông mất vào năm 2011.

Trung tâm và Công viên di sản đã được tạo dựng với cách thức tổ chức dựa trên ba nội dung rõ ràng: một bảo tàng về các nhà khoa học, một thư viện và một cơ sở lưu trữ hồ sơ, tài liệu hiện vật của các nhà khoa học Việt Nam. Trung tâm hiện đang lưu trữ hàng chục vạn tài liệu hiện vật đa dạng về loại hình và hàng trăm nghìn phút ghi âm, ghi hình. Bên cạnh đó, Trung tâm còn thể hiện tinh thần phát huy giá trị di sản nhà khoa học thông qua những hoạt động như: biên soạn hai bộ sách “Di sản Ký ức của nhà khoa học” (7 tập) và “Những câu chuyện hiện vật” (4 tập), tổ chức thành công 18 lễ tiếp nhận tài liệu hiện vật cùng 2 cuộc trưng bày “Khát vọng học hỏi và sáng tạo” và “Thẳm sâu trong từng kỷ vật”.

Nhờ đó, đến nay Trung tâm đã có được hơn 1.400 phông lưu trữ nhà khoa học ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Các chuyên ngành nghiên cứu và sưu tầm đa dạng và từng bước mở rộng, từ khoa học xã hội và nhân văn (văn học, sử học, địa lý, dân tộc học, ngôn ngữ, giáo dục học…) đến khoa học tự nhiên (vật lý, toán học, sinh học, hóa học, y học…) và khoa học kỹ thuật, công nghệ (xây dựng, thủy lợi, điện tử…). Hiện nay, Trung tâm đang bảo quản hơn 700.000 tài liệu, hiện vật, bao gồm nhiều loại: bản thảo, sổ ghi chép, hồi ký, thư từ, văn bản hành chính, ảnh tư liệu, hiện vật khối và hàng trăm nghìn phút ghi âm, ghi hình của nhiều nhà khoa học. Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, dù mới đón khác trong  hai năm cũng đã thu hút hơn 80.000 lượt khách đến tham quan, có tới gần 40% là học sinh các cấp. 

Với những kết quả đã đạt được, Trung tâm đón nhận Bằng khen của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, của UBND Tp. Hà Nội và của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VNTT và DL đánh giá, cách làm của Trung tâm là chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Bà cho biết, “Bộ VHTT và DL sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu cách làm sáng tạo từ một mô hình này, để có thể định hướng mới trong hoạt động quản lý nhà nước và phát triển sự nghiệp bảo tồn các di sản văn hóa việt nam”.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)